Dữ liệu công bố vào tháng 3/2022 của Hiệp hội IATA cho thấy sụt giảm này do tác động từ một loạt yếu tố, bao gồm biến thể Omicron (của virus SARS-CoV-2) ở châu Á, căng thẳng Nga-Ukraine và những bối cảnh hoạt động đầy thách thức khác.
Cụ thể, nhu cầu vận chuyển hàng không toàn cầu, tính theo đơn vị hàng tấn theo km (CTK), đã giảm 5,2% trong tháng 3/2022 so với một năm trước đó.
Trong khi đó, công suất vận chuyển cũng chỉ tăng 1,2% so với tháng 3/2021, giảm đáng kể so với mức tăng 11,2% so với cùng kỳ vào tháng Hai. Trong đó, châu Á và châu Âu ghi nhận sự sụt giảm công suất lớn nhất.
Máy bay của hãng hàng không American Airlines tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida, Mỹ ngày 3/3/2020. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN).
IATA đã chỉ ra một số yếu tố đã góp phần vào sự sụt giảm này. Đầu tiên, xung đột ở Ukraine đã dẫn đến sự sụt giảm trong năng lực vận chuyển hàng hóa ở châu Âu, do một số hãng hàng không có trụ sở tại Nga và Ukraine là những đơn vị đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt chống lại Nga cũng dẫn đến sự gián đoạn trong sản xuất. Và giá dầu tăng cao đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, bao gồm cả việc tăng chi phí vận chuyển.
Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới, một chỉ dấu hàng đầu về nhu cầu hàng hóa, hiện đang có xu hướng thu hẹp ở tất cả các thị trường ngoại trừ Mỹ. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) theo dõi các đơn đặt hàng xuất khẩu mới toàn cầu đã giảm xuống 48,2 trong tháng 3/2022, là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.
Thương mại hàng hóa toàn cầu tiếp tục giảm trong năm 2022, trong đó kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn do các biện pháp phong toả liên quan đến đại dịch COVID-19 (cùng nhiều yếu tố khác), và sự gián đoạn chuỗi cung ứng được khuếch đại bởi căng thẳng ở Ukraine.
Lạm phát giá tiêu dùng chung của các nước trong Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 2/2022, mức cao nhất kể từ năm 1982.
Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA, cho biết: “Thị trường vận tải hàng không phản ánh sự phát triển kinh tế toàn cầu. Vào tháng Ba, môi trường giao dịch trở nên tồi tệ hơn.
Sự kết hợp của căng thẳng tại Ukraine và sự lan rộng của biến thể Omicron ở châu Á đã dẫn đến chi phí năng lượng tăng cao, làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng và gây ra áp lực lạm phát”.
Theo Tổng Giám đốc Walsh, do đó, so với một năm trước, có ít hàng hóa được vận chuyển hơn – kể cả bằng đường hàng không.
Sự dịu lại của xung đột ở Ukraine và sự thay đổi trong chính sách COVID-19 của Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt khó khăn của ngành. Tuy nhiên, vì những yếu tố này khó có thể xuất hiện trong ngắn hạn, những thách thức sẽ ngày càng tăng đối với vận chuyển hàng hóa đường hàng không.
Các hãng hàng không ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chứng kiến lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không giảm 5,1% trong tháng 3/2022 so với cùng kỳ năm 2021.
Công suất khả dụng trong khu vực giảm đến 6,4% so với tháng 3/2021, là mức giảm lớn nhất trong tất cả các khu vực. Trong đó, chính sách không COVID-19 ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất.
Trong khi đó, đối với các hãng vận tải Bắc Mỹ, mức giảm khối lượng hàng hóa trong tháng 3/2022 so với tháng 3/2021 là 0,7%. Công suất tăng 6,7% so với tháng 3/2021.
Trong khi đó, khối lượng hàng hóa vận chuyển của các hãng hàng không châu Âu cũng giảm 11,1% trong tháng 3/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức yếu nhất trong tất cả các khu vực. Nghiêm trọng hơn, khối lượng vận chuyển trong nội bộ châu Âu cũng giảm đáng kể 19,7% so với tháng 2/2022. Điều này được cho là do cuộc xung đột ở Ukraine.
Công suất vận chuyển tại khu vực châu Âu cũng giảm 4,9% trong tháng 3/2022 so với tháng 3/2021.
Các hãng vận tải Trung Đông chứng kiến lượng hàng hóa vận chuyển giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước trong tháng Ba.
Điều này cho thấy những lợi ích đáng kể được kỳ vọng từ việc chuyển hướng giao thông để tránh bay qua Nga đã không thành hiện thực. Điều này có thể là do nhu cầu nói chung giảm. Công suất vận chuyển tại khu vực Trung Đông tăng 5,3% so với tháng 3/2021.
Ở chiều ngược lại, các hãng vận tải Mỹ Latinh báo cáo khối lượng hàng hóa được vận chuyển tăng 22,1% trong tháng 3/2022 so với giai đoạn năm 2021. Đây là khu vực ghi nhận hoạt động sôi động nhất trong tất cả các khu vực. Một số hãng hàng không lớn nhất trong khu vực đang hưởng lợi từ việc chấm dứt bảo hộ phá sản.
Tương tự, các hãng hàng không châu Phi cũng đã chứng kiến khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 3,1% trong tháng 3/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Công suất tại khu vực này cũng cao hơn 8,7% so với mức của tháng 3/2021.
Theo TTXVN