Cơ hội đầu tư ra ASEAN
Lãnh đạo các hãng hàng không lớn của Việt Nam tham dự phiên bế mạc Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 25 (ATM 25) diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần trước đã không giấu được niềm vui khi chứng kiến lễ ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không theo Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ; Nghị định thư số 3 về mở rộng thương quyền 5 (quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ hai để chở đến nước thứ ba và quyền nhận hành khách, hàng hoá, thư tín từ nước thứ ba để chở đến nước thứ hai) giữa các bên ký kết thuộc Hiệp định Vận tải hàng không ASEAN – Trung Quốc.
Hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 25 (Ảnh: TTXVN).
“Hai nghị định thư vừa được ký sẽ giúp tăng cường kết nối hàng không giữa ASEAN và Trung Quốc, qua đó thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, đầu tư, kinh tế – xã hội trong khu vực rộng lớn hơn với hơn 2 tỷ dân”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
“
Hai nghị định thư vừa ký sẽ giúp tăng cường kết nối hàng không giữa ASEAN và Trung Quốc, qua đó thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, đầu tư…
Theo đó, với Gói cam kết số 11, các doanh nghiệp ASEAN được phép có hiện diện thương mại để cung cấp dịch vụ làm thủ tục hàng hóa hàng không tại Việt Nam với giới hạn ở mức 30% vốn góp. Đổi lại, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không của Việt Nam sẽ được tham gia cung cấp các dịch vụ hàng không mà các nước khác cam kết mở cửa thị trường tại gói cam kết này, trong đó với Lào là dịch vụ thủ tục hành lý; Campuchia là dịch vụ thủ tục hàng hóa; Myanmar là dịch vụ tra nạp xăng dầu; Malaysia, Singapore, Thái Lan là dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay.
Trên thực tế, từ năm 2016, Việt Nam đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mặt đất, nhưng không được quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Như vậy, quy định tại Nghị định thư ngang bằng với quy định của pháp luật hiện hành về mức độ mở cửa thị trường và sẽ không có tác động tiêu cực phát sinh đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Phó tổng giám đốc VNA cho biết, từ nhiều năm nay, Hãng đã có sự chuẩn bị đầu tư hoàn thiện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, trong đó có thủ tục hàng hóa đạt tiêu chuẩn 4 sao nên không ngại cạnh tranh với các doanh nghiệp bên ngoài. Trong khi đó, việc được tham gia đầu tư vào dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay tại các quốc gia khối ASEAN – lĩnh vực mà VNA có thế mạnh, là điều được Hãng mong đợi từ lâu.
Rộng cửa vào thị trường Trung Quốc
Tại Việt Nam hiện có 15 doanh nghiệp được Bộ GTVT cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không loại hình dịch vụ khai thác nhà ga, kho hàng hóa (trong đó bao gồm làm thủ tục hàng hóa). Các công ty phục vụ hàng hóa là các doanh nghiệp Việt Nam có 100% vốn trong nước, hiện vẫn hoạt động bình thường, đáp ứng nhu cầu khai thác hàng hóa đi/đến trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật.
“Mức cam kết mở cửa thị trường tại Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 không có ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động hiện tại của các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ nêu trên tại Việt Nam”, ông Thắng đánh giá.
Nếu như Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 dự báo chỉ ảnh hưởng nhẹ đến các đơn vị dịch vụ mặt đất, thì Nghị định thư số 3 về mở rộng thương quyền 5 thuộc Hiệp định Vận tải hàng không ASEAN – Trung Quốc mang lại những lợi ích khá lớn đối với các hãng hàng không đang khai thác thị trường 1,4 tỷ dân này, trong đó có VNA.
Theo PTGĐ Đặng Ngọc Hoà, VNA đã có sự chuẩn bị đầu tư hoàn thiện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, trong đó có thủ tục hàng hóa đạt tiêu chuẩn 4 sao nên không ngại cạnh tranh với các doanh nghiệp bên ngoài (Ảnh: VNA).
Theo đó, Nghị định thư số 3 cho phép các bên tham gia ký kết thực hiện quyền vận chuyển hàng không thứ 5; tên các điểm (cảng hàng không quốc tế) trên các đường bay áp dụng nằm trong và ngoài ASEAN và tần suất cho phép đối với các đường bay.
Trong đó, nội dung quy định về việc cho phép thực hiện thương quyền 5 và tần suất giữ nguyên như tại Nghị định thư số 2. Riêng về đường bay, tại Nghị định thư số 3, các bên thống nhất bổ sung thêm 8 điểm tại ASEAN và 8 điểm tại Trung Quốc đối với các đường bay có điểm đến và điểm giữa tại ASEAN, trong đó Việt Nam mở thêm sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Nếu tính cả các điểm đến được cho phép trong Nghị định thư số 2, ASEAN sẽ mở 18 điểm và Trung Quốc mở 36 điểm cho các hãng hàng không thực hiện đầy đủ thương quyền
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Việt Nam vẫn chưa cho phép các hãng hàng không của Trung Quốc và ASEAN khai thác thương quyền 5 qua hai cửa ngõ Hà Nội và TP.HCM, phần nào giảm sức ép cạnh tranh cho các hãng hàng không Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng đường bay thường lệ và thuê chuyến do 2 hãng hàng không của Việt Nam tới Trung Quốc hiện lớn hơn khá nhiều so với các hãng bay Trung Quốc tới Việt Nam.
Theo: Báo Đầu tư
Nguyen Mai Huong-COMM