Nỗ lực chuẩn bị cho chuyến bay lịch sử
Đây không phải là điểm đến thường lệ như các chuyến bay khác, nên hành trình xin phép, cấp phép bay thật nhiều khó khăn.
Trước chuyến bay 1 tuần, mọi việc chuẩn bị cho đội tiếp viên thực hiện nhiệm vụ bắt đầu. Từ lúc xin visa dù mình không nhập cảnh mà chỉ ở lại 3 tiếng. Vài bạn tiếp viên bị từ chối visa vì những lí do “lãng xẹt” khiến quân số thay đổi liên tục. Gần như các tiếp viên đội dự bị đã thành đội chính thức với vỏn vẹn 16 tiếp viên cho hành trình dài 33 tiếng.
Sau vài lần thay đổi kế hoạch bay, đến ngày 7/5 thì chuyến bay lịch sử đã sẵn sàng làm nhiệm vụ đi đón hành khách trở về từ nơi xa xôi ấy. Cảm xúc gì nhỉ? Tự hào, vinh dự, đương nhiên rồi vì mình là thành viên của phi hành đoàn và xác định rõ nhiệm vụ của một nhân viên VNA, trách nhiệm của một công dân yêu nước. Có lo lắng không? Có chứ! Lo chuẩn bị tinh thần, sức khoẻ cho bản thân để nhận nhiệm vụ quan trọng này; lo cho gia đình những người thân yêu xung quanh mình, bạn bè đồng nghiệp và cả cộng đồng xã hội cần được bảo vệ tránh sai sót, bất cẩn của mình trước đại dịch Covid-19.
Thế rồi giây phút lịch sử thiêng liêng cũng đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay San Francisco bang California, Hoa Kỳ. Chuyến bay đi vào lịch sử của VNA, vì đây chuyến bay thẳng đầu tiên có tính chất thương mại mà VNA thực hiện đến Hoa Kỳ (không tính các chuyến chuyên cơ, chuyến bay nhận máy bay…). Chuyến bay là tiền đề rất quan trọng để VNA có thể thực hiện các chuyến bay tiếp theo để đưa các công dân Việt Nam còn lại có nguyện vọng về nước cũng như các chuyến bay thẳng khai thác thương mại sau này.
Ngày 8/5, cả sân bay Nội Bài – sảnh Quốc tế chỉ có duy nhất một chuyến bay đến San Fransico do VNA thực hiện (Ảnh: NVCC).
Biết bao nhiêu khó khăn về việc đảm bảo tiêu chuẩn kiểm tra ngặt nghèo về an toàn, an ninh, chính sách pháp lý từ các cơ quan chức năng của nước Hoa Kỳ cũng như biết bao nỗ lực từ các cơ quan trong nước từ Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT, Cục HKVN và các nhân viên của VNA để làm nên chuyến bay lịch sử này khiến tôi thật sự thấy mình càng cần phải có trách nhiệm cao với công việc hơn bao giờ hết.
Bầu trời điểm gần Bắc Cực nhất trên hành trình bay (bên trái) và San Francisco (bên phải) (Ảnh: NVCC).
Thật sự đặt chân vào sân bay San Francisco khi nhìn thấy biển hiệu “Welcome”, tự nhiên tôi lẩm nhẩm lời bài hát “If you go to San Francisco”…., ước mong một ngày không xa việc thực hiện các chuyến bay thương mại bay thẳng của VNA. Sau khi thực hiện các yêu cầu kiểm tra an ninh của nhà chức trách tại sân bay San Francisco, chúng tôi bước vào phòng chờ tại cửa ra máy bay G6.
Phút giây nhìn thấy bà con mình ánh mắt bừng sáng trên gương mặt dù đã đeo khẩu trang khi nhìn thấy phi hành đoàn bước vào. Tôi cảm nhận được niềm hân hoan hạnh phúc khi mọi người đứng lên vỗ tay chào đón. Vài phút nán lại tại cửa gate tôi trao đổi nhanh cùng đại diện Lãnh sự quán Việt Nam tại Hoa Kỳ ra tận nơi tiễn đồng bào về nước.
Những khó khăn đã qua, những khó khăn sắp tới còn nhiều nhưng chúng tôi đều vững tâm mong được góp phần trách nhiệm nhỏ bé của mình với công việc. Đã qua 14 giờ bay và nhiều giờ chuẩn bị trước đó, nhưng tất cả vẫn chỉ là chuẩn bị cho hành trình từ SFO-ANC 4 tiếng để hạ cánh kĩ thuật rồi từ ANC -VDO 10 tiếng để hành khách xuống tập trung theo yêu cầu kiểm dịch, còn chặng VDO – NBA và từ sân bay Nội Bài về khu nghỉ ngơi cũng là khu cách ly của ĐTV đã chuẩn bị sẵn cho phi hành đoàn.
“Bông Sen Vàng” sáng bừng trên nước Hoa Kỳ
Thời gian như ngắn lại. “Bông sen vàng” trên nước Hoa Kỳ sáng bừng như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi quên đi những mệt mỏi của cuộc hành trình.
Quay lại máy bay việc đầu tiên là thực hiện quy trình kiểm tra an ninh. Với chuyến bay thông thường việc kiểm tra sẽ nhanh hơn nhiều so với chuyến bay đặc biệt này. 16 tiếp viên cùng 8 tổ bay, 2 nhân viên kĩ thuật , nhân viên tài liệu, kế hoạch bay, hàng hoá chất xếp… đều hối hả nghiêm túc thực hiện công việc của mình mong sao hành khách của mình không phải chờ lâu nhưng công việc liên quan đến an toàn, an ninh là ưu tiên số 1.
Không ai dám lơ là, thậm chí còn quên cả việc chụp ảnh để lưu lại khoảnh khắc khi đón những hành khách đầu tiên lên máy bay. Một hành khách lớn tuổi đi xe lăn là hành khách đầu tiên mà chúng tôi đón từ nước Hoa Kỳ. Hành khách ưu tiên của chuyến này là người lớn tuổi có bệnh nền, các cháu du học sinh, bà con kiều bào, một số cán bộ đi công tác chưa về nước được do đại dịch hoành hành khi không có các chuyến bay thương mại thông thường nào được thực hiện trong khoảng thời gian này. Nhiều cháu nhỏ thậm chí chỉ vài tháng tuổi ánh mắt ngái ngủ vì phải dậy từ sớm di chuyển từ xa về cho kịp chuyến bay. Tất cả đều hối hả vui mừng khi đặt chân vào máy bay bắt đầu hành trình về Tổ quốc.
343 hành khách là con số không hề nhỏ với việc sắp xếp chỗ để hành lý, chỗ ngồi trong thời gian nhanh nhất có thể. Các tiếp viên trong tổ chia nhau theo sự phân công nhiệm vụ từ trước, nên rất nhanh chóng cố gắng ổn định sắp xếp cho hành khách. Tổ tiếp viên thực hiện việc hướng dẫn hành khách trên chuyến bay như sắp xếp hành lý, các yêu cầu về an toàn an ninh hay các yêu cầu về phần dịch vụ, thậm chí cả việc để rác như thế nào trong suốt chuyến bay… được hoàn thành ngay trước giờ cất cánh trong sự khẩn trương và chuyên nghiệp cho dù có nhiều tiếp viên chưa hề đi chuyến bay kiểu “giải cứu” như vậy trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Việc phục vụ đồ ăn thức uống của chuyến bay không nhiều do hạn chế việc tiếp xúc và khá đơn giản so với các chuyến bay 4 sao thông thường vẫn thực hiện nhưng việc đảm bảo an toàn, an ninh, chăm sóc hành khách, xịt khuẩn các khu vực phòng vệ sinh không vì thế mà lơi là. Tôi nhớ một hành khách bị say máy bay, nôn nhiều do cháu mệt mỏi, lo lắng cho chuyến bay mà không ăn không ngủ được, một hành khách lớn tuổi sử dụng phòng vệ sinh… cũng cần sự quan tâm giúp đỡ của tiếp viên thuộc khu vực trách nhiệm và sau đó thông tin đầy đủ chia sẻ báo cáo đến từng thành viên trong tổ, báo cáo cơ trưởng của chuyến bay.
Mặc đồ bảo hộ, đeo kính chắn giọt bắn, khẩu trang N95 trong suốt 20 tiếng là những trang phục hoàn toàn khác xa với những chuyến bay thông thường (chặng bay HAN-SFO tiếp viên không phải mặc đồ bảo hộ do chính phủ đã bỏ quy định giãn cách xã hội, chỉ cần đeo găng tay và khẩu trang). Chúng tôi phải dùng bút dạ viết tên nhau trên ngực áo và phía sau lưng để có thể gọi nhau vì ai cũng giống ai chả phân biệt được. Có bất tiện, có vướng víu khó chịu nhưng 20 tiếng có là gì so với các y tá bác sĩ trong bệnh viện phải mặc triền miên cả vài tháng nay khi dịch bệnh bắt đầu? Hay các nhân viên làm việc trong khu cách ly tập trung phải tiếp xúc hàng trăm, hàng nghìn người mang nguy cơ lây nhiễm từ nhiều nơi. So với các chiến sỹ bộ đội phục vụ tại những nơi cách ly còn phải nằm lán, tranh thủ chợp mắt khi vẫn mặc bộ quân phục trên người thì việc mặc bảo hộ như chúng tôi còn sướng hơn nhiều.
Giây phút hạ cánh tại sân bay Vân Đồn tất cả đều vỡ oà niềm vui khi chuyến bay hoàn thành tốt đẹp.
Đọc phát thanh bài đọc chào khách như thường lệ, công việc tôi đã đọc 17 năm nay trên cương vị là TVT của chuyến bay mà tôi thấy nghẹn lời, thậm chí còn vấp khi đọc những dòng chữ hết sức bình thường quen thuộc ấy: Máy bay của chúng ta đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Việt Nam. Bây giờ là 18:45′ ngày 8/5 giờ Hà Nội….
“
Mọi khó khăn đều làm con người ta trưởng thành hơn, sự quyết tâm và ý chí phấn đấu sẽ vượt qua tất cả”, tôi tin là như vậy.
Khi viết lại những cảm xúc này thì đã là ngày hôm sau, 12 tiếng sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chuyến bay thật sự đáng nhớ và có nhiều ý nghĩa không chỉ với riêng tôi trong dịp đặc biệt kỷ niệm 25 năm tôi đã trưởng thành và phát triển cùng VNA (5/5/1995-5/5/2020) mà còn thật sự ghi dấu ấn với từng thành viên trong phi hành đoàn.
Bài hát San Francisco thể hiện bởi ca sĩ Scott McKenzie.