Xin chào Todd. Anh có thể giới thiệu về bản thân và công việc tại VNA không?
Ồ được thôi! Tên đầy đủ của tôi là Todd Daniel Weber, năm nay 34 tuổi. Tôi đến từ tiểu bang Colorado ở Hoa Kỳ nổi tiếng với dãy núi Rocky. Hiện tôi đã kết hôn và có một con. Vợ tôi 3/4 gốc Việt và mang 1/4 dòng máu Pháp, còn con gái tôi thì… ưmmm… chắc là 3/8 gốc Việt, 1/8 gốc Pháp và 1/2 gốc Mỹ nhỉ, cũng bởi, giống như hầu hết người Mỹ, gia đình tôi bắt nguồn từ 3-4 nước châu Âu, vậy nên con gái tôi có một gia phả rất hỗn hợp.
Tôi sống và làm việc tại Việt Nam khoảng 11-12 năm nay. Lần đầu tiên tôi đến đất nước này vào năm 2003 ở tuổi 17. Tôi đã chứng kiến Việt Nam trải qua nhiều thay đổi lớn kể từ thời điểm đó. Ngay lần đầu tiên đến thăm, tôi đã ngay lập tức thấy yêu mến người dân, ẩm thực, văn hóa và nét đẹp chung của thành phố tôi đang sống – Hà Nội. Sau chuyến thăm đầu tiên đó, mỗi lần tôi trở về nhà ở Mỹ, tôi đã luôn có cái cảm giác trống rỗng như thể đã để lại một phần trái tim của mình ở Việt Nam vậy. Tôi nhớ những mùi hương của các quầy thức ăn đường phố khi tôi đi dạo trên đường. Tôi nhớ dáng hình của thành phố, sự khác biệt về độ đa dạng kiến trúc so với quê hương tôi – Hà Nội đặc biệt đã để lại ấn tượng trong tôi là một thành phố giàu sự độc đáo.
Tôi mới bắt đầu làm việc tại VNA vào tháng 9/2019, thế nên tôi vẫn là một lính mới. Vai trò chính thức của tôi là Chuyên gia tư vấn tiếng Anh, làm việc ở Ban Truyền thông. Phần lớn công việc của tôi xoay quanh việc chỉnh sửa nội dung bài viết PR và truyền thông nội bộ, các nội dung đăng web, các bài đăng trên trang tin Spirit và các bài viết cho tạp chí nội bộ, ngoài ra tôi cũng giúp đỡ đồng nghiệp chỉnh sửa các tài liệu khác khi họ cần – có thể là tài liệu tiếp thị, kịch bản MC cho các sự kiện, phương tiện truyền thông xã hội, các thông báo/bảng hiệu,…
Vợ tôi là một tiếp viên trưởng và đã làm tiếp viên tại VNA từ trước khi chúng tôi gặp nhau cách đây mười năm. Theo một nghĩa nào đó, mối quan hệ của tôi với VNA có lẽ bắt nguồn từ lần đầu tiên tôi gặp cô ấy. Thật tình cờ khi cuối cùng hai chúng tôi lại làm chung một nơi. Đợt đó tôi nhận được tin rằng hãng đang tìm kiếm một biên tập viên, và nhận ra rằng đây là một cơ hội tuyệt vời. Kỳ lạ thay, tôi nghĩ đôi khi tôi khiến cô ấy hơi khó chịu khi tôi biết về những điều liên quan trực tiếp đến công việc của cô ấy trước khi cô ấy biết (haha). Bạn bè và gia đình bây giờ nói đùa rằng chúng tôi là một “hộ gia đình VNA đích thực!”
Hai vợ chồng có một cô con gái xinh đẹp và ngọt ngào tên Cadence (Xoài là tên tiếng Việt của cô bé), năm nay 2 tuổi rưỡi và cô nhóc cực yêu thích máy bay luôn.
Trong công việc, tôi cố gắng linh hoạt và hỗ trợ mọi người bất cứ khi nào tôi có thể. Tôi muốn trở thành một nguồn lực đóng góp vào chức năng tổng thể Ban Truyền thông và VNA Group. Ngoài ra, bất cứ khi nào tôi viết hoặc sửa một cái gì đó, tôi cố gắng đảm bảo rằng hình ảnh và thương hiệu của VNA xuất hiện với sự liêm chính, đức hạnh cùng với nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội.
Anh rất có thể là nhân viên nước ngoài duy nhất làm việc tại trụ sở của VNA. Anh cảm thấy sao về việc này? Một số thách thức anh gặp phải là gì và anh làm thế nào để làm việc với những người xung quanh?
Tôi đã từng được bảo vậy, nhưng tôi không nghĩ về điều đó thường xuyên vì tôi biết có rất nhiều các đối tác nước ngoài luôn làm việc tới lui tại trụ sở với tần suất rất lớn, nên tôi cũng hy vọng trông mình không lạc lõng quá! Thành thật mà nói, làm việc trong một bầu không khí với một đội ngũ nhân viên văn phòng lớn như vậy cũng khiến tôi mất kha khá thời gia làm quen. Tuy nhiên, từ trước khi bắt đầu ngày đi làm, tôi đã có cái cảm giác ấm áp và thoải mái về những người mà tôi sẽ sớm được làm việc cùng. Và quả vậy, tất cả mọi người đã chào đón tôi nồng nghiệt và cố gắng làm cho tôi cảm thấy như là một phần của tập thể – từ lần đầu tiên tôi gặp TGĐ Dương Trí Thành, đến sếp đầu của tôi giúp tôi hòa nhập với mọi người (Ông Lê Trường Giang – Trưởng ban Truyền thông tại thời điểm đó), cho đến tất cả các quản lý và đồng nghiệp khác của tôi trong toàn Ban.
Cơ mà nói vậy thì vẫn còn một số trở ngại tôi đương đầu, và tiếp tục sẽ phải đương đầu với chúng – nhưng về cơ bản, đây là những trở ngại của bản thân tôi hoặc những trở ngại mà tôi chỉ cần cố gắng hơn nữa trong công việc để vượt qua. Như bất kỳ ai từng làm việc trong một môi trường kinh doanh mà không biết ngôn ngữ được sử dụng trong hầu hết các giao tiếp hàng ngày (trong trường hợp này là tiếng Việt), đôi khi tôi cảm thấy bị cô lập. Mặc dù hầu hết các đồng nghiệp của tôi có kỹ năng tiếng Anh rất tốt, nhưng 99% công việc văn phòng và các cuộc trò chuyện tán gẫu đều sử dụng ngôn ngữ mà tôi hoàn toàn không hiểu. Tất nhiên bản thân tôi tự gánh trách nhiệm cho vấn đề này, vì đương nhiên tôi sẽ phải học ngôn ngữ của chỗ làm và của đất nước tôi chọn cư trú.
Nói thêm về điều này, sự hài hước luôn là một phần trong cuộc sống của tôi, và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi khiến mọi người xung quanh vui cười. Một điểm quan trọng để một câu đùa có thể trở nên hài hước khi người nghe biết mình đang nói về cái gì và họ có liên quan gì tới câu đùa không. Cái này thường khó thông suốt được khi tiếng nói và nền văn hóa hai bên khác nhau.
Đôi khi tôi ước mình có thể cấy vi mạch vào não và tự động nói tiếng Việt hoàn hảo. Nếu thế tôi sẽ có thể tiếp thu mọi thứ về công việc mà các đồng nghiệp của tôi đang làm nhanh hơn mà không gặp trở ngại về rào cản ngôn ngữ. Và tôi nghĩ họ cũng sẽ hiểu hơn về tôi nhờ thế.
Mặc dù tôi vẫn đang tích cực học hỏi, việc học tiếng Việt không hề dễ dàng. Tiếng Việt là một ngôn ngữ sâu sắc và phong phú, tôi thì cũng có biết chút ít này nọ, cơ mà để giao tiếp thì rất khó. Âm điệu, ngữ điệu và phát âm phải gần như hoàn hảo khi nói. Bất kỳ lỗi nhỏ trong phát âm có thể khiến người nghe cảm thấy bối rối. Tôi luôn thấy rất vui khi học được một từ hay cụm từ mới, nhưng rồi khi thử nói thì hay bị người ta nhìn lắm (haha).
Học ngôn ngữ không phải chuyện sớm muộn, cố gắng nhé Todd. Vậy anh hãy kể về một lần phải đối phó với xung đột trong công việc. Anh sử dụng những kỹ thuật và công cụ nào để giữ cho bản thân ngăn nắp?
Câu hỏi hay đấy. Tôi nghĩ rằng có nhiều ngày công việc của tôi không có gì khác biệt so với bình thường, và có những lúc bỗng dưng có một lượng lớn các nội dung, tài liệu đòi hỏi chăm chuốt về câu từ, ý tứ. Tôi rất thích thú khi có những công việc bất ngờ cần sự hỗ trợ của tôi vì tôi cho rằng thách thức là cơ hội tuyệt vời để học hỏi. Tôi bước vào công việc này với không phải với tư cách một chuyên gia hàng không, nên việc được tìm hiểu thêm về ngành, các thuật ngữ, cách các hãng hoạt động và thực hiện hoạt động của họ rất hấp dẫn đối với tôi. Tôi biết mình vẫn còn một chặng đường dài để đi, nhưng trong chưa đầy sáu tháng làm việc, tôi đã học được RẤT nhiều.
Để giảm thiểu việc mắc lỗi, tôi có một quy trình cho tất cả mọi bước trong công việc chỉnh sửa của mình mà hiện tôi đã và đang tiếp tục phát triển. Cơ mà tôi nghĩ nói về nó thì nhàm chán lắm, nên thôi chắc cũng không dài dòng đâu văn tự đâu.
Tuy nhiên, tôi muốn dành thời gian bày tỏ sự cảm ơn tất cả những con người tuyệt vời trong đội dịch thuật đã thực hiện các bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng vì một số khái niệm hoặc ý tưởng khó có thể dịch được trôi chảy giữa các ngôn ngữ, và họ đã phải dịch sao cho mọi thứ mượt sướt. Vậy nên, tôi chỉ muốn nói rằng “Làm tốt lắm, và cảm ơn các bạn rất nhiều!”. Tôi thì đang cười với bản thân khi biết rằng kiểu gì những lời tôi nói cũng được dịch hết sang tiếng Việt. Trớ trêu không chứ.
Anh yêu thích điều gì ở Việt Nam?
Đồ ăn. Cà phê. Hát karaoke. Con người.
– Đồ ăn: Tôi rất, rất, rất thích đồ ăn Việt Nam. Món ưa thích của tôi là sốt vang, bánh xèo, bánh canh ghẹ, bún đậu (nhưng với nước mắm, tôi không quen được mắm tôm mới chán), và hơn cả là món giả cày (bố vợ tôi làm món này đỉnh nhất).
– Cà phê: Tôi luôn là một người chuộng cà phê kể từ khi ở Mỹ, nhưng khi giọt cà phê Việt Nam đầu tiên đi qua cuống họng, không ngoa khi nói cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi. Bạn phải hiểu tôi khoái cà phê Việt Nam tới mức uống 3 đến 4 tách nâu đá một ngày. Có thể nói tôi lúc nào cũng trong trạng thái “luôn luôn say cà phê”.
– Karaoke: Tôi chưa bao giờ hát karaoke trước khi đến Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một trong những hoạt động giao lưu rất tuyệt và cũng giúp tôi giải tỏa căng thẳng tốt hơn hầu hết mọi thứ ngoài tập thể dục ra.
– Cà phê: Ngon tuyệt. Xứng đáng được đề cập hai lần!
– Con người: Tôi luôn nhận thấy người Việt Nam rất ấm áp, thân thiện và vui vẻ – đặc biệt đúng khi họ không bị kẹt xe haha.
Trong năm tới, anh muốn cải thiện bản thân mình thế nào?
Tôi muốn tiếp tục tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của VNA, tập trung vào các nhiệm vụ Ban Truyền thông phụ trách, nhưng tiếp cận hơn nữa tới các khía cạnh và bộ phận khác của Group. Đọc càng nhiều thì tôi sẽ càng học hỏi thêm. Hỏi càng nhiều thì tôi sẽ biết nhiều lên, và tôi vô cùng yêu việc học!
Anh có thể chọn ra 3 điểm để mô tả bản thân không và tại sao?
Hmmm, tôi không thường xuyên nghĩ về những đặc điểm tính cách của riêng mình, nhưng tôi nghĩ là sự tỉ mỉ, sự đồng cảm và tính tự trách. Một số trong những đặc điểm này có cả ý nghĩa tích cực và tiêu cực, nhưng tôi tin rằng việc biết chính mình, điểm tốt và xấu, là điều dẫn đến sự cải thiện bản thân. Cụ thể thì:
Sự tỉ mỉ: Tôi rất hay chú ý đến những điều nhỏ nhặt. Tôi nghĩ đặc điểm này rất phù hợp với công việc của tôi, nhưng nó cũng có thể gây khó chịu ngoài công việc.
Sự đồng cảm: Tất cả bạn bè và gia đình gần gũi nhất của tôi đều biết rằng tôi là một người nhạy cảm và tôi cố gắng trở thành một người biết lắng nghe, hiểu biết và có thể đặt mình vào vị trí của người khác. Những người biết rõ tôi nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một nhà trị liệu giỏi hoặc… một gã chuyên bán xe cũ ahaha.
Tính tự trách: Cái này có thể được coi là một điểm tiêu cực nhiều hơn, nhưng nó cũng có thể có các ứng dụng tích cực. Khi tôi phạm sai lầm, tôi có xu hướng tự trách mình hơn nhiều so với bất kỳ ai khác. Ngay cả khi tôi làm sai một cái gì đó không đáng kể, đôi khi tôi vẫn tập trung quá nhiều lên lỗi lầm của bản thân. Điều tích cực là tôi tin rằng sai lầm là công cụ tuyệt vời nhất mà con người chúng ta phải học hỏi từ chúng.
Thành tựu lớn nhất của anh ngoài công việc là gì?
Một câu hỏi quá dễ luôn này: là gia đình, vợ và con gái tôi. Tất nhiên, họ là con người và họ không phải là thành tích bản thân; nhưng tình yêu, sự tận tụy và dưỡng dục của chúng tôi đã khiến những mối quan hệ này mạnh mẽ như bây giờ, đối với tôi đó là một thành tựu.
Xin hỏi ngoài lề chút, sở thích của anh là gì? Trong thời gian rảnh anh thường làm gì?
Điều tôi yêu thích nhất là chơi nhạc sống. Tôi chơi guitar, tôi viết nhạc và làm thơ, và hơn hết, tôi thích chơi trống. Tôi đã chơi trống từ năm 12 tuổi và không có gì mang lại cho tôi niềm vui hơn là chơi trống tại các đêm nhạc sống và khi thấy mọi người nhảy múa theo nhịp trống của tôi. Tôi có được cái cảm giác hưng phấn mà không thể tìm thấy bất cứ nơi nào khác khi chơi nhạc. Cơ mà đôi khi tôi cũng hơi lo rằng việc “gõ” mọi lúc mọi nơi của tôi làm phiền những người xung quanh, nhưng với tôi, cái hay nhất về trống là tôi có thể chơi chúng ở bất cứ đâu! (cười)
Đồng thời, tôi là một fan hâm mộ lớn thể thao, nói chung thì chủ yếu các môn thể thao phổ biến của Mỹ như bóng rổ, bóng chày, bóng bầu dục Mỹ và khúc côn cầu, nhưng tôi đánh giá cao bất kỳ môn thể thao nào vì tôi nghĩ rằng con người có khả năng thể chất đáng kinh ngạc.
Ngoài ra tôi cũng thích thư giãn bằng cách nghe nhạc, vẽ, xem phim hay đọc sách.
Xin cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!
Tất nhiên rồi! Rất vui khi được thực hiện cuộc phỏng vấn này. Cảm ơn bạn rất nhiều!
Nguyen Xuan Nghia – COMM