![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/11625/637154790718426000.jpg)
Khi công việc cũng chính là cuộc sống
Xuất phát điểm để trở thành người kỹ thuật nắm bắt trình độ kỹ thuật máy bay, anh Trần Thanh Phong đã được đào tạo cơ bản tại trường hàng không tại Liên Xô cũ. Về nước, anh là sỹ quan quân đội phuc vụ trong ngành kỹ thuật máy bay thuộc Quân chủng Phòng không Không quân. Cho đến ngày hôm nay anh hiện đã có “hành trang” với hơn 30 năm gắn bó với ngành hàng không, kỹ thuật máy bay. Với anh, niềm vui khi được làm công việc mà mình đam mê, yêu thích mang cho bản thân nguồn năng lượng cùng tinh thần sẵn sàng túc trực, “chiến đấu” khi nhận được yêu cầu bất kể giờ giấc nào. Đồng thời phụ trách hai mảng quan trọng của kỹ thuật máy bay: bảo dưỡng nội trường và bảo dưỡng nội thất tàu bay. Anh luôn tâm niệm những yếu tố cần có để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong lĩnh vực đặc thù này chỉ có là: chỉn chu, cần mẫn, yêu nghề và cống hiến.
“Nội thất máy bay rất đa dạng về chủng loại và số lượng. Vì vậy, nhân viên bảo dưỡng nội thất phải có đức tính cần cù, siêng năng và sáng tạo. Bên cạnh đó, đặc thù công việc yêu cầu các thành viên cần phải nắm rõ quy chế an toàn hàng không, kiến thức kỹ thuật máy bay cùng các kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin , điện tử, cơ khí, thậm chí là về thời trang, may mặc thì mới hoàn thành tốt được công việc” – anh Thanh Phong chia sẻ.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/11625/637154792890502891.jpg)
Năm 2019 cũng là thời điểm đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của VAECO trong đầu tư hợp tác quốc tế, hợp tác một cách toàn diện trong lĩnh vực bảo dưỡng Hàng không, đồng thời khẳng định vị thế của một trong những MRO hàng đầu khu vực. Đến hiện tại, khoảnh khắc đánh dấu chuyến bay thứ 900.000 trong năm 2019 vẫn để lại niềm tự hào khó phai trong anh Thanh Phong: “Chuyến bay mang số hiệu VN216 cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất và hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 9h10, ngày 7/12/2019 là giây phút xúc động nhất trong năm của tôi”.
“
900.000 chuyến bay được đảm bảo an toàn không thể thiếu sự đóng góp thầm lặng của các tập thể CBNV Trung tâm bảo dưỡng nội thất nói riêng và công tác bảo dưỡng VAECO nói chung”.
Những ký ức chẳng thể nào quên
Nội thất trên máy bay có hàng ngàn chi tiết và bất kỳ bộ phận nào gặp hỏng hóc đều ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng dịch vụ và hình ảnh của Vietnam Airlines. Vì vậy, các kỹ sư bảo dưỡng luôn phải trực tiếp kiểm tra từng chi tiết chứ không chỉ giám sát thông qua hệ thống máy móc tự động. Việc kiểm tra, phân loại, lập kế hoạch được thực hiện hàng ngày để kịp thời cho các khâu từ đặt hàng, chuẩn bị dụng cụ vật tư sẵn sàng khắc phục sự cố. Đồng thời, các thành viên kỹ thuật sẽ thông báo phải chi tiết, cụ thể lên hệ thống để khối khai thác có kế hoạch phục vụ hành khách tốt nhất.
Trong suốt quá trình 30 năm công tác trong ngành kỹ thuật máy bay, anh Thanh Phong có cơ hội góp mặt trong nhiều dấu mốc quan trọng cùng đại gia đình thứ hai. “Tôi vinh dự có hơn 20 năm liên tục, từ năm 1996 cho đến năm 2016, nhận trách nhiệm đảm bảo an toàn kỹ thuật cho các chuyến bay chuyên cơ phục vụ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm các nước trên thế giới và khu vực khi sử dụng máy bay Boeing B767 và B777”– anh chia sẻ.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/11625/637154798846970718.png)
Với bề dày kinh nghiệm sửa chữa những hỏng hóc của máy bay, cả trong lĩnh vực kỹ thuật soi động cơ, anh Trần Thanh Phong được đồng nghiệp gọi với biệt danh “chuyên gia soi động cơ”. Anh có khả năng đặc biệt tìm kiếm nhanh, chính xác khi soi, phát hiện các lá máy nén rạn, nứt, hỏng hóc bên trong của động cơ. Tầm quan trọng của công việc được thể hiện khi đánh giá mức độ và ra quyết định thay thế, quyết định sự an toàn của chuyến bay.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, anh đã đặt bút quyết định thay thế động cơ (trước thời hạn phải gửi động cơ đi đại tu) 5 lần động cơ B767, 12 lần thay thế cho động cơ B777 với mức độ chính xác 100 %.
Theo anh, nếu chỉ với một quyết định sai lầm, sẽ dẫn đến việc không thay thế động cơ kịp thời, vấn đề an toàn bay sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, nếu việc đánh giá sai về mức độ hỏng hóc khi tháo, gửi động cơ sang nhà chế tạo sẽ làm thiệt hại của nhà nước với số tiền lên tới trăm tỷ đồng.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/11625/637154795939169138.jpg)
Mặc dù nhiều kỷ niệm với những chiếc máy bay đã dần trôi theo năm tháng, nhưng một vài ký ức đặc biệt sẽ mãi mãi không thể phai mờ. Trong một ca trực kỹ thuật của anh Phong tại sân bay Tân Sơn Nhất, một sự cố đã xảy ra khi xe bồn nạp dầu cho máy bay đâm vào cột đèn cao áp chiếu sáng ở sân bay. Cột đèn bị đổ nghiêng, hướng sang vị trí đỗ của máy bay B777 và các máy bay kế tiếp. Dưới sân đậu, máy bay và xe tra nạp, mặc dù dầu đang chảy ra lênh láng, nhưng nhiều nhân viên các bộ phận phục vụ không đánh giá được mức độ nguy hiểm, lại dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh.
“Đánh giá được mức độ nguy hiểm có thể dẫn đến cháy nổ, tôi yêu cầu bộ phận an ninh giải tán ngay đám đông, gọi xe cứu hoả túc trực tại chỗ, đồng thời xả nước ra sân, phun rửa sạch dầu đọng. Nhân viên kỹ thuật nhanh chóng giải phóng tàu bay, kéo đi bãi đậu khác để đảm bảo an toàn và bảo toàn tài sản. Sau khi hoàn tất các công việc cần thiết cũng là lúc dàn đèn cao áp chập điện, nóng nổ rơi xuống. Tuy xảy ra sự cố đáng tiếc, nhưng chúng tôi đã làm được một việc đã ngăn chặn kịp thời không để xảy ra sự cố an toàn, tổn thất cho hãng, cho Nhà nước. Đó là tài sản lớn – những chiếc máy bay Boeing B777. Qua đó, Vietnam Airlines giữ được uy tín và thương hiệu an toàn là trên hết.”- anh Thanh Phong bồi hồi nhớ lại.
Hạnh phúc bình dị từ những mùa Tết xa gia đình…
Đặc thù của công tác Bảo dưỡng Nội thất là yêu cầu cao về tốc độ và sự chuẩn xác để kịp thời đưa tàu bay vào khai thác. Công việc này đòi hỏi tuân thủ nhiều yêu cầu khắt khe. Các nhân viên kỹ thuật được chia làm 2 ca, 4 kíp, túc trực 24/24h để đảm bảo an toàn kỹ thuật từ các chi tiết nhỏ nhất bên trong của máy bay, đồng thời khắc phục các sự cố một cách nhanh nhất.
Vào dịp cao điểm Tết, số lượng chuyến bay tăng cao, nhiều thời điểm có tới 10 tàu bay lớn nhỏ cùng dừng để bảo dưỡng. Tất cả kỹ sư bảo dưỡng nội thất luôn trong tâm thế tập trung cao độ để phân tích các dữ liệu lưu trữ, thông số vận hành trong cabin, thiết bị máy móc để tiết kiệm chi phí, thời gian và hoàn thành khối lượng công việc.
“
Để sẵn sàng cho khoảng thời gian này, việc tập trung nhân lực, vật lực phải được chuẩn bị hàng tháng trước đó mới có thể đáp ứng được lịch phục vụ bay. Chúng tôi luôn xác định đó là nghề nghiệp nên việc đón Tết ở cơ quan, phục vụ bà con cũng mang lại niềm vui và hạnh phúc trước mỗi thềm năm mới.”
Không chỉ trên cương vị lãnh đạo đơn vị ở nhiệm vụ kỹ thuật, anh Trần Thanh Phong còn đảm nhiệm là một chủ tịch Công đoàn Công ty, cụm trường cụm thi đua khu vực Nội Bài. Anh luôn đưa không khí làm việc của các đơn vị tại Nội Bài cùng gắn kết, cùng phát triển, cùng chăm lo quan tâm đến đời sống người lao động, tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh. Từ đó, người lao động tự hào và luôn nỗ lực cho công việc, vì luôn nhận được quan tâm chăm lo đời sống từ đơn vị. Anh Trần Thanh Phong là đại diện của hình ảnh một người lãnh đạo trong lòng người lao động, bởi anh đi lên từ lớp nhân viên kỹ thuật, kỹ sư cho tới vị trí quản lý như hiện nay – vị trí Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay VAECO.
![alt text](https://spirit.vietnamairlines.com/old/tintuc/NewsDK/11625/637154797819457385.png)
Sau một năm bận rộn với công việc, bất kỳ ai cũng muốn dành những ngày nghỉ cuối năm để sum vầy cùng gia đình bên bữa cơm Tất niên để tận hưởng không khí đầm ấm trong những ngày đầu xuân, chào đón một năm mới an lành và hạnh phúc. Tuy nhiên, khi nhớ về những kỷ niệm đón Tết cùng đồng nghiệp, anh Phong có chút bồi hồi: “Trong thời khắc giao thừa, tôi và các đồng chí lãnh đạo công ty luôn tới thăm hỏi, tặng quà, động viên và chúc tết các vị trí trực ca kíp”.
“
Tuy không được đón giao thừa cùng gia đình, không được nghỉ một ngày tết trọn vẹn nhưng chúng tôi vẫn có niềm vui, niềm hạnh phúc cho riêng mình từ công việc. Đó là mục tiêu hoàn thành các chuyến bay, mở lòng đón một mùa xuân mới thật vui, ấm áp và đầy ắp nghĩa tình”.
Theo anh Trần Thanh Phong, trong năm 2020, Trung tâm Bảo dưỡng Nội thất – VAECO tiếp tục phấn đấu nâng cao tỷ lệ cũng như giá trị bảo dưỡng tàu bay. Bên cạnh đó, để nhận được sự công nhận của các nhà chức trách hàng không các nước. VAECO đang duy trì một dây chuyền bảo dưỡng khép kín, thông suốt từ Nhà chức trách hàng không, Nhà chế tạo, Nhà khai thác và Nhà bảo dưỡng. Hệ thống này luôn tuân thủ các chương trình, tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất tàu bay, thiết bị cũng như thường xuyên dưới sự giám sát của Cục Hàng không Việt Nam.
Lê Hằng – Hoàng Quy – Khánh Chi