Lúc mọi người ngủ thì mình vẫn phải trực
Khuôn mặt rắn rỏi, nụ cười duyên và đôi mắt đen láy, anh Võ Trung Dũng, nhân viên Giám sát khai thác tại sân bay Phú Quốc-Chi nhánh Miền Nam (VNA) đang tất bật chuẩn bị đồ nghề đề vào ca làm việc. Một ca làm việc thường kéo dài 8 tiếng hoặc hơn tùy vào tình hình chuyến bay.
“Nghe chức danh giám sát khai thác tại sân bay có vẻ rất oách nhưng kỳ thực công việc cũng giống như các nhân viên khác thực hiện quy trình một chuyến bay. Điều quan trọng nhất vẫn là chuyến bay cất cánh an toàn, hành khách hài lòng với sự phục vụ của nhân viên hãng hàng không 4 sao VNA thì cánh giám sát như mình mới thở phào nhẹ nhõm,” anh Dũng thành thật tâm sự.
Đến với nghề là do thích và tìm hiểu trên các trang mạng xã hội thấy VNA là một hãng hàng không rất tiềm năng, có chế độ đãi ngộ tốt đối với nhân viên, anh đã đăng ký và trúng tuyển vào nghề.
Hàng ngày, anh sẽ có mặt tại sân bay 3 tiếng trước giờ bay để nhận thông tin phân công công việc từ nhóm trưởng, sau đó chuẩn bị công cụ dụng cụ, bộ đàm, nút chống ồn, in liệt kê danh sách những việc được giao và tiến hành giám sát khu vực được phân công dựa trên các yêu cầu công việc.
Theo anh Dũng, công việc của một giám sát khai thác tại sân bay sẽ bao gồm giám sát khai thác khu vực hành khách đó là hỗ trợ hành khách làm thủ tục, hỗ trợ thông tin chuyến bay cho hành khách, giám sát thủ tục hành khách làm việc đúng quy trình, thủ tục cam kết theo hợp đồng dịch vụ ký kết giữa Công ty phục vụ mặt đất và VNA, xử lý chuyến bay bất thường, đảm bảo tiêu chuẩn 4 sao của hãng hàng không về dịch vụ hành khách.
Giám sát sân bay cũng kiêm nhiệm giám sát khu vực hàng hóa như cung cấp thẻ nhãn, tở khai , hướng dẫn khách hàng kê khai thông tin hàng hóa, giám sát cân hàng hóa, giám sát quy trình phục vụ của công ty phục vụ hàng hóa theo đúng cam kết phục vụ giữa Công ty phục vụ và VNA, xử lý bất thường về hàng hóa, xuất không vận đơn, xuất hóa đơn, thu tiền hàng hóa, đảm bảo an toàn về vận chuyển hàng hóa .
Với khu vực sân đỗ, tàu bay, giám sát sân bay chịu trách nhiệm giám sát các đơn vị phục vụ, trang thiết bị tiếp cận tàu bay theo đúng quy trình, giám sát đảm bảo nhân sự phục vụ tàu bay, giám sát khu vực cabin tàu bay, phối hợp tiếp viên giám sát đơn vị phục vụ mặt đất làm vệ sinh tàu bay, đảm bảo tàu bay sạch sẽ sẵn sàng phục vụ khai thác cho các chuyến bay quay đầu, đôn đốc các đơn vị làm việc an toàn và đúng giờ theo cam kết dịch vụ mặt đất được ký kết giữa công ty phục vụ và VNA.
“Đặc thù của nghề này là phải làm theo ca, các chuyến bay đêm thường phải đi làm về về rất muộn. Lúc mà mọi người ngon giấc thì anh em giám sát khai thác vẫn phải trực để đảm bảo chuyến bay an toàn, đúng giờ,” anh Dũng trầm ngâm nói.
Ăn Tết xa nhà mãi rồi cũng thành quen
Vốn có đến 5-6 năm ăn Tết xa nhà, Dũng bảo phải thu xếp công việc để sắm sửa trang hoàng cho gia đình. Những cây mai, bánh tét đều được anh chuẩn bị trước để khi hết ca làm sẽ tranh thủ ăn Tết sớm cùng người thân. Bữa cơm vào chiều 30 Tết là lúc các thành viên ngồi hàn huyên những chuyện vui buồn và mong ước một năm mới đong đầy, trọn vẹn sung túc.
“Làm việc trong ngày nghỉ lễ Tết đôi lúc cũng thấy buồn do mọi người đi chơi trong khi mình lúc nào cũng tất bật với công việc. Bù lại, được nhìn thấy những khách hàng vui vẻ, có những chuyến bay an toàn, đúng giờ thì niềm vui được nhân lên. Anh em đại diện cứ tự an ủi nhau rằng ‘thôi để tới mùng 10 rồi hãy ăn Tết,” anh Dũng vừa cười nói.
Anh Dũng bên những người đồng nghiệp của mình (Ảnh: NVCC).
Mỗi dịp Tết, cơ quan luôn chuẩn bị bánh trưng, mì gói, bánh kẹo, nước ngọt để anh em có thể đón tết mà không lo đói vì Tết thường không có ai bán đồ ăn. Những thành viên giám sát khai thác không ai phàn nàn hay kêu ca bởi thường trực suy nghĩ “nghề chọn mình nên phải dấn thân, tận tâm cống hiến.”
Nhớ về kỷ niểm đáng nhớ trong ngày Tết, anh Dũng kể, đó là vào ngày mùng Một Tết chuyến bay đầu tiên hạ cánh tại Phú Quốc, có rất đông hành khách chọn “Đảo Ngọc Phú Quốc” làm nơi nghỉ dưỡng sau một năm làm việc vất vả. Khi tổ lái và tiếp viên xuống sau cùng, một bó hoa được anh chuẩn bị kỹ càng và giấu sau lưng để đem tặng phi hành đoàn với lời chúc năm mới may mắn và thành công.
“Mọi người đều bất ngờ và vui, coi như bạn bè đồng nghiệp tự an ủi nhau trong ngày đầu Xuân năm mới,” chàng giám sát khai thác tại sân bay Phú Quốc bẽn lẽn nói.
Cánh giám sát khai thác tại sân bay vẫn đùa nhau rằng, chuyện ăn mỳ tôm, cơm hộp là thường tình bởi khai thác hàng không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, máy bay về trễ, yếu tố kỹ thuật… cũng có thể ảnh hưởng đến dây chuyền vận hành, khai thác bay.
Ấy là mùa Hè năm 2019, Phú Quốc đón nhận những trận mưa lịch sử, nước trút xuống 3 ngày không ngớt, các đường phố tê liệt, đến cả sân bay cũng bị ngập nên cả ngày hôm đó không có chuyến bay nào hạ cánh.
Lúc đó, lãnh đạo Chi nhánh miền Nam đã chỉ đạo toàn bộ anh em đại diện có mặt tại sân bay tập trung để phối hợp giải quyết khách. Các hành khách rất bực bội vì phải chậm chuyến bay, một số khách nước ngoài bị chậm nối chuyến nên cũng rất khó chịu nhưng bằng nghiệp vụ được đào tạo nên anh em đã xoa dịu khách là do lỗi thời tiết bất khả kháng, cứ cố gắng giải thích tới từng người một.
“Vậy mà cũng qua một ngày, anh em ngày hôm đó phải ăn bánh mỳ để có sức phục vụ khách tiếp tục. Khi sân bay có thể khai thác trở lại, ai cũng nhanh chóng hoàn thành công việc được giao một cách nhanh nhất để giải tỏa khách,” anh Dũng giãi bày.
Những lúc rảnh rỗi sau giờ làm, anh thường về nhà trồng rau và chăm sóc cây ăn trái. Nhìn thấy nhưng màu xanh của cây và mầm chồi mới nở, ăn bữa cơm quây quần cùng gia đình, Dũng cảm thấy những mệt nhọc, lo toan cũng giảm nhiều.
Dõi đôi mắt ngóng qua ô cửa kính sân bay, động cơ máy bay vang rền báo hiệu cất cánh trên đường băng, vài phút sau thoắt ẩn, thoắt hiện trên bầu trời xanh. Và với anh, đó là niềm vui trọn vẹn với giấc mơ bay hay đơn giản chỉ là hành trình đi du lịch, trở về gia đình của nhiều “thượng đế”.
CTV Hưng Hùng