Như một sự duyên nợ với nghề bay, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử tại Đại học Công nghệ TP.HCM, tình cờ Hiếu Đức đi ngang qua TTHLB 117 Hồng Hà, TP HCM, thấy treo bản tin tuyển dụng phi công cơ bản (PCCB) của VNA, chàng trai trẻ bắt đầu ý nghĩ về việc trở thành phi công. Dẫu biết đó là ước mơ khó thành nhưng Hiếu Đức vẫn quyết tâm nộp đơn thi tuyển. Sau quá trình vượt qua các kỳ thi tuyển, Hiếu Đức đã được chọn tham gia vào lớp Dự khoá Bay PCCB.
Sau khi kết thúc khoá học dự khoá, anh đã từ bỏ khá nhiều cơ hội cho ngành nghề Điện tử mà mình theo học. Lý giải về điều này, anh chia sẻ “Thật sự tôi đã được đánh thức niềm tin và niềm đam mê bầu trời”.
Gia đình Hiếu Đức vốn “thuần mặt đất”, ba mẹ chỉ buôn bán nhỏ ở tỉnh. Phải qua rất nhiều đắn đo suy nghĩ, cuối cùng anh mới thuyết phục được gia đình để được đeo đuổi nghề bay.
“
Thật sự tôi đã được đánh thức niềm tin và niềm đam mê bầu trời.
Chia sẻ về những ngày đầu đặt chân đến Mỹ, Hiếu Đức nói: “Lần đầu tiên, đặt chân lên đất nước giàu có và hiện đại nhất thế giới như nước Mỹ, tôi không khỏi bỡ ngỡ và lạ lẫm. Thời gian đầu, tôi đã gặp muôn vàn khó khăn như văn hoá, đi lại, phương pháp học… Ở đây có rất nhiều bạn đến từ các quốc gia như Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Ý, Thái Lan, Indonesia… và Việt Nam”.
“Tôi bị stress trong khoảng 4-5 tháng đầu, vì liên tục vừa học lý thuyết vừa tập bay. Dù đã dự báo trước được sự khó khăn, đào tạo nghiêm ngặt nhưng tôi vẫn không thể tránh khỏi. Đây là một ngành nghề rất đặc thù, không chỉ về kiến thức, kỹ năng bay mà còn phụ thuộc vào thời tiết, tàu bay và tâm lý”, anh nói.
Để có được các bằng cấp từ Cục Hàng không Mỹ (FAA) không hề dễ dàng mà phải có sự kiên nhẫn và quyết tâm. Hiếu Đức phải vượt qua các bài kiểm tra của từng giai đoạn, được giáo viên bay chấp nhận rồi sau đó mới làm bài Final test với Chief Pilot của trường. Cuối cùng, mới được chọn thi với người từ FAA.
Trở về Việt Nam, Hiếu Đức tiếp tục hành trình huấn luyện đầy thử thách để gia nhập đội ngũ phi công của VNA. Đối với anh, để có được “đôi cánh” tương đối vững mạnh như hiện nay, anh đã trải qua rất nhiều kỳ thi an toàn hàng không, kiểm tra sức khoẻ, sát hạch, kiểm tra các bài bay trong Buồng lái thiết bị mô phỏng (SIM) định kỳ theo các tiêu chuẩn hàng không quốc tế (ICAO) của VNA.
Anh chia sẻ: “Thực tế tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả và thử thách. Ví dụ, trải qua quá trình huấn luyện chuyển loại A321, đó là những chuyến bay thật, phía sau mình là hàng trăm tính mạng con người, thời tiết mỗi lúc một khắc nghiệt. Do đó, trong đầu lúc nào cũng phải đưa ra những quyết định hay tính toán để đạt mức an toàn và hiệu quả nhất. Tuy vậy, tôi phải không ngừng học tập, trau dồi kinh nghiệm bay với các thế hệ đi trước mà còn phải tự ý thức và trân trọng nghề nghiệp mình có như bây giờ”.
“
Trong đầu lúc nào cũng phải đưa ra những quyết định hay tính toán để đạt mức an toàn và hiệu quả nhất.
Bên cạnh Hiếu Đức, hiện nay VNA có rất nhiều phi công được đào tạo bài bản và gắt gao tại Mỹ, anh hào hứng nói “Việc có rất nhiều bạn đang theo học bay ở Mỹ là tín hiệu mừng cho nền hàng không dân dụng ở Việt Nam. Vì với nhu cầu phát triển rất nhanh của hàng không hiện nay, đó là nguồn lực rất quan trọng cho sau này cho đất nước”.
Hiếu Đức nhận định, Mỹ không chỉ là nền kinh tế số một thế giới mà còn là quốc gia số một về hàng không cũng như về đào tạo phi công. Điều đó đã được chứng minh, qua việc đội ngũ phi công VNA hiện nay có rất nhiều người tài giỏi trong tất cả các loại tàu mà hãng đang khai thác như A321, A350, B787… anh chia sẻ.
Nhắc đến việc được chắp cánh từ phong trào xã hội hoá công tác đào tạo phi công, Cơ phó chia sẻ: “Công tác xã hội hóa đã mang lại không ít cơ hội lớn cho các bạn yêu bầu trời như tôi. Bạn có thể có nhiều cơ hội cho sự lựa chọn trường đào tạo bay hơn, bạn có thể tính toán cũng như cân nhắc về khả năng tài chính của bản thân và gia đình mình. Đặc biệt, chính bản thân mình luôn có ý thức trách nhiệm và tôn trọng nghề bay hơn”.
“
Công tác xã hội hóa đã mang lại không ít cơ hội lớn cho các bạn yêu bầu trời như tôi.
Đối với Hiếu Đức, càng khó khăn thì sẽ càng quý trọng thành quả cũng như tự hào cho tình yêu bầu trời của mình hơn sau này. Nghề bay rất đặc thù, không giống như những ngành nghề khác, kiến thức luôn được cập nhật và đổi mới theo thời gian, do đó phải nắm thật chắc kỹ năng bay và lý thuyết thì mới tiến xa và cao hơn được nữa.
“Đơn giản với tôi nghề bay là nghề sẽ theo tôi đến hết cả cuộc đời”, anh khẳng định.