Hiệu quả của việc sử dụng hợp đồng Pooling
Sau chương trình sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của TCT, Phòng Kiểm soát định mức kho thuộc Ban Vật tư đã được Ban lãnh đạo TCT khen thưởng.
Vẫn còn nguyên cảm xúc khi nhận thông báo khen thưởng, chị Kim Thị Thu Huyền, Trưởng phòng, chia sẻ: “Không nhiều CBNV biết công việc của phòng chúng tôi, nên việc được TCT khen thưởng lần này cũng là dịp để mọi người hiểu rõ hơn về một phòng đặc thù trong Ban Quản lý vật tư”.
Chị Huyền giải thích, tham gia Pooling nghĩa là sẽ có một nhà cung cấp lập ra một kho PTVT dùng chung cho nhiều hãng hàng không khác nhau và các hãng sẽ cùng chia sẻ chi phí. Do đó, tất cả các đối tác tham gia hợp đồng Pooling sẽ được hưởng lợi ích về quy mô do kho PTVT này mang lại.
Hợp đồng Pooling bản chất là hợp đồng cung cấp dịch vụ PTVT trọn gói bao gồm cung cấp các dịch vụ sửa chữa, đổi PTVT, thiết bị và
“Nói cách khác, là thay vì VNA tự đầu tư mua sắm PTVT, thiết bị, thì chúng ta sẽ thuê đối tác làm và chỉ trả phí theo tháng”, chị cho biết, từ năm 2015, khi VNA bắt đầu nhận các dòng máy bay hiện đại nhất là A350 và B787, chúng ta đã thực hiện hợp đồng Pooling cho PTVT, thiết bị của hai dòng máy bay này. Đến 06/2018, loại hợp đồng này tiếp tục được áp dụng cho đội tàu bay A321 của VNA.
Lý giải về sự chuyển đổi này, theo chị, quy mô đội tàu bay A321 của VNA hiện rất lớn với tổng số 91 tàu tại thời điểm giữa tháng 7 và sẽ tăng lên thành 98 tàu vào cuối năm. Do đó, các chi phí cho bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế vật tư của toàn đội rất lớn.
Hiệu quả của việc sử dụng hợp đồng Pooling thể hiện qua độ sẵn sàng của PTVT rất cao. Nói về vấn đề này, anh Trần Quốc Hoài Trưởng Ban QLVT nêu ví dụ: do PTVT thường phải gửi ra nước ngoài để sửa chữa nên trước đây, thời gian trung bình để sửa chữa một loại vật tư điện tử, kể cả thời gian vận chuyển là 30 ngày, các PTVT còn lại (không phải thiết bị điện tử) là 45 ngày. Nhưng do áp dụng hợp đồng Pooling, thay vì gửi ra nước ngoài sửa chữa các nhà cung cấp dịch vụ Pooling cam kết cung cấp PTVT trong vòng 5 ngày.
Một số loại vật tư, thiết bị đặc thù đối tác phải cung cấp, thay thế chỉ trong 24 hay 48 giờ, riêng với đội bay A321 còn có lợi thế là nhà cung cấp đặt kho PTVT dùng chung ngay tại Việt Namdo vậy luôn đảm bảo độ sẵn sàng của PTVT. “Thời gian là tiền bạc”, anh Hoài khẳng định. “Cứ giảm thời gian sửa chữa/cung ứng bao nhiêu, thì đem lại lợi ích cho VNA bấy nhiêu”.
Tập thể Phòng Kiểm soát định mức kho đã thành công với các hợp đồng Pooling, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho TCT. (Ảnh: Thu Huyền).
Ngoài việc quản lý các hợp đồng Pooling cho 3 dòng máy bay hiện đại của VNA, phòng Kiểm soát định mức kho còn đảm nhiệm công việc quản lý các phụ tùng vật tư nằm ngoài pooling. “Điển hình như các vật tư về thân vỏ tàu bay, là những PTVT ít hỏng, thường tàu bay sử dụng 5-10 năm mới hỏng hóc hoặc PTVT nội thất là những PTVT theo tiêu chuẩn riêng từng hãng, nên đối tác Pooling không làm vì không hiệu quả với họ. Do đó trách nhiệm của chúng tôi là chuẩn bị sẵn sàng PTVT để thay thế, đảm bảo khai thác, sửa chữa nhanh nhất”, chị Huyền nói.
Một công việc chung khác của phòng Kiểm soát định mức kho là kiểm soát hệ thống vật tư trang thiết bị cho toàn đội bay của VNA. “Kiểm soát chặt chẽ, để biết loại phụ tùng vật tư gì có thể thay thế, lắp lẫn cho nhau tận dụng nhằm tăng hiệu quả sử dụng, kiểm soát giảm thời gian quay vòng sửa chữa, kiểm soát việc xuất dùng PTVT”, chị Huyền giải thích tiếp và cho biết thêm, đây là một yếu tố giúp tăng chỉ số sẵn sàng khai thác của đội tàu bay của hãng, một thành tích giúp tập thể phòng được TCT khen thưởng.
Không có mùa cao điểm hay thấp điểm
Nói về đội ngũ CBNV của mình, chị Huyền tin tưởng cho rằng, tất cả 22 thành viên trong phòng, dù có đến một nửa là nữ, nhưng tất cả đều hiểu kỹ về hệ thống quản lý PTVT, trang thiết bị của VNA và luôn nhiệt huyết vì công việc. “Áp lực công việc của chúng tôi khá lớn, phải xử lý công việc thường xuyên liên tục và luôn trong tình trạng khẩn cấp”. Với khai thác, thương mại còn có mùa thấp điểm, nhưng với chúng tôi, thấp điểm khai thác lại là mùa bảo dưỡng tàu bay nên quanh năm cao điểm chẳng có lúc nào là thấp điểm cả”, chị “bật mí”.
Việc quản lý vật tư rất cần có sự hỗ trợ đắc lực của phần mềm, nhưng bên cạnh đó chị Huyền khẳng định, yếu tố con người vẫn rất quan trọng trong công tác của phòng, trong đó, các đức tính ưu tiên nhất là suy nghĩ logic và tinh thần trách nhiệm.
“Người làm việc trách nhiệm sẽ làm việc hết sức mình, quản lý, cập nhật đúng và đủ dữ liệu là đầu vào giúp người xử lý thuận tiện. Còn người có logic sẽ có cách quản lý công việc khoa học kết hợp với việc thống kê, sâu chuỗi các hiên tượng liên quan của những trường hợp PTVT, thiết bị hỏng hóc có tính chất bất thường hoặc lặp lại, để phối hợp với các bộ phận khác trong khối Kỹ thuật kiểm tra nhằm ngăn ngừa sự cố tiếp tục xảy ra cũng như tăng độ tin cậy khai thác của thiết bị”.
Nói về kế hoạch của phòng trong thời gian tới, chị Huyền cho biết, song song với việc kiểm soát PTVT do VNA tự cung ứng, CBNV trong phòng phải kiểm soát chặt chẽ các đối tác thực hiện việc cung ứng PTVT thông qua các hợp đồng Pooling cũng như tăng cường sự phối hợp với các đơn vị trong khối kỹ thuật để kiểm soát tình trạng PTVT.
“Mặc dù hiện nay, các đối tác thực hiện khá tốt , nhờ đó chỉ số sẵn sàng khai thác của các đội bay của VNA đã đạt mức cao, nhưng ban lãnh đạo TCT yêu cầu các chỉ số sẵn sàng của phụ tùng vật tư cao hơn nữa. Đó là một thách thức mà phòng chúng tôi cần phải tiếp tục chinh phục”, chị cho biết và cũng thể hiện sự quyết tâm: “Với sự phối hợp chặt chẽ với các bộ phận trong ban QLVT nói riêng và khối Kỹ thuật nói chung, với sự đồng lòng nhất trí của tập thể phòng, tôi tin rằng chúng tôi sẽ luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao”.
CTV Tiên Long