30 năm gắn bó với ngành hàng không
Hơn 30 năm gắn bó với ngành hàng không, nên gương mặt anh Lê Ngọc Quý, chuyên viên Phòng Kế hoạch Hành chính, Chi nhánh VNA khu vực miền Trung đã quá quen thuộc với nhiều đồng nghiệp.
Quê gốc Nam Đàn, Nghệ An, tuổi thơ của anh Quý là những lần chạy giặc, đội mũ rơm đến trường. Năm 1972, mẹ anh – một người phụ nữ ở mảnh đất Quảng Bình kiên cường – bị trúng bom trong một trận càn của giặc và qua đời. Cậu bé 11 tuổi sống cảnh mồ côi.
Học xong cấp ba, anh Quý quyết xin vào quân ngũ và được cử đi học lớp sửa chữa máy bay quân đội ở Liên Xô. Nhưng mới được một thời gian thì lớp phải giải thể. Về nước, anh không từ bỏ ước mơ, tiếp tục tham gia lớp sơ cấp sữa chữa máy bay MiG-21 và được vào phục vụ trong Sư đoàn không quân đóng tại Đà Nẵng.
Mê binh nghiệp nhưng sợ độ cao, anh Quý sau đó chuyển đổi qua học lái xe. Năm 1987, anh chuyển vào Hàng không Việt Nam, làm ở bộ phận kỹ thuật. Đức tính chăm chỉ, thật thà và những kỷ luật từ quân ngũ khiến anh Quý sớm hoà nhập với đơn vị, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Anh Lê Ngọc Quý đã gắn bó với Chi nhánh miền Trung nhiều năm qua. (Ảnh: Đông Lan).
Trong ký ức của anh Quý, hàng không Việt Nam khi đó chưa phát triển. Tại sân bay Đà Nẵng mỗi tuần chỉ có 6 chuyến đến và đi nối với Hà Nội và TP.HCM. Chuyến và khách đều ít, nên công việc của anh chủ yếu là lái xe phục vụ các lãnh đạo đến miền Trung công tác.
Những chiếc máy bay cũ kỹ, lạc hậu của Nga dần được thay thế theo xu thế và quá trình phát triển của ngành giao thông vận tải. Anh Quý xin đi học thêm chuyên ngành thiết bị mặt đất để chủ động đáp ứng nhiệm vụ mới.
Năm 1993, ngành Hàng không Việt Nam chuyển đổi cơ cấu. VNA được tách ra, anh Quý vào làm ở VNA khu vực miền Trung, vẫn với công việc lái xe quen thuộc. Khi đó, cả VNA miền Trung chỉ có mình anh Quý lái xe. Bảy năm sau, vị trí này mới có người để chia sẻ công việc.
“Khối lượng khi đó rất nhiều. Năm 1995, đất nước bắt đầu phát triển, VNA cũng phải chuyển mình khỏi chiếc áo chật và cũ kỹ, máy bay mới từ các nước phương Tây nhập về, chúng tôi cũng phải từng bước nâng cao chất lượng phục vụ”, anh kể.
Những công việc không tên
Nhiều sân bay ở miền Trung được mở khi ngành hàng không phát triển mạnh. Công việc của anh Quý cũng tăng thêm. Năm 2008, anh là Đội trưởng Hành chính – Quản trị. Chức vụ là thế, nhưng công việc thì nhiều lắm. “Từ văn thư, điện nước đến cứu hoả… và nhiều việc không tên khác”, anh vui vẻ kể.
Hàng không phát triển, tự nhận thấy bản thân cũng phải hoàn thiện dần kỹ năng, anh quyết định học đại học ngành Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế Đà Nẵng, hệ tại chức năm 2015) để bắt kịp cách quản lý. Để nâng cao trình độ tiếng Anh và tin học, ngoài việc học và thực hành, anh Quý tìm đến những đồng nghiệp trẻ xung quanh để trau dồi thêm. “Phải học mới đáp ứng công việc vì bây giờ chấm điểm, đánh giá nhân viên qua mạng”, anh nói.
Anh Quý không ngừng học hỏi những CBNV trẻ để trau dồi thêm kỹ năng như tiếng Anh. (Ảnh Đông Lan).
Ngày làm 8 giờ theo quy định, nhưng bất kể khi nào có công việc cấp trên giao, nửa đêm hay mùa đông giá rét ông đều bật dậy. Những nỗ lực không mệt mỏi của anh được Tổng công ty ghi nhận, với bằng khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi.
Mới đây, anh Quý được Ban chấp hành Công đoàn ngành Giao thông vận tải tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua, lao động giỏi, lao động sáng tạo năm 2018. Được ra Lăng Bác báo công, anh Quý bảo đó là niềm vinh dự và hãnh diện với nghề mình gắn bó.
Gắn bó với đơn vị nhiều năm, tích cực hoạt động Công đoàn, anh Quý là người quan tâm sâu sát từng hoàn cảnh của nhân viên trong để kịp thời hỗ trợ, động viên. Công đoàn TCT còn nhận phụng dưỡng 26 mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam. Những lúc các mẹ ốm đau, đều có nhân viên công đoàn đến hỏi thăm, chăm sóc. Khoản hỗ trợ hàng tháng cũng được chuyển tận tay để các mẹ đảm bảo cuộc sống tuổi già.
“Thông qua những việc làm như thế nên người lao động tin tưởng, tình cảm của nhân viên trong công ty thêm gắn kế và từ đó cùng nhau nỗ lực trong công việc”, anh nói và cho biết đợt nắng nóng vừa qua công ty “trích mỗi nguồn mỗi ít” để hỗ trợ mỗi ngày từ 50 đến 60 nghìn đồng tiền bồi dưỡng thêm cho những nhân viên trực tiếp làm việc ngoài sân bay.
Những nỗ lực không mệt mỏi của anh được TCT và Công đoàn ngành Giao thông vận tải tặng ghi nhận, tặng bằng khen. (Ảnh: Đông Lan).
Gia đình “chuẩn hàng không”
Anh Quý vào ngành hàng không từ năm 1981 và lấy vợ làm quản lý bay tại sân bay Đà Nẵng. Công việc vất vả, anh lại thường xuyên phải đi công tác theo lịch của lãnh đạo, nhưng vì cùng ngành nên vợ chồng cùng chia sẻ.
Hai cậu con trai là niềm vui và hạnh phúc của hai vợ chồng anh Quý. Các con đến tuổi lựa chọn nghề nghiệp, anh đều hướng theo ngành hàng không. Cậu con trai cả năm nay 34 tuổi, đang làm thợ sửa chữa máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất. “Cháu có bằng B2 chuyên sửa Boeing 787, được đào tạo ở nước ngoài, nên nhiều hãng cũng săn đón. Nhưng tôi quả quyết con phải làm VNA”, anh nói.
Lý do được anh Quý đưa ra, là vì với công việc tại VNA mà anh đã chăm lo việc học hành của các con chu đáo. Giờ con có trình độ thì cống hiến cho hãng hàng không nước nhà như một cách trả ơn. Tiếp nối truyền thống gia đình hàng không, cậu con trai thứ hai của anh nay cũng đã là một nhân viên không lưu.
“Mỗi khi cả nhà gặp nhau, những câu chuyện về máy bay, sân bay là chủ đề được mọi người cùng trao đổi, thảo luận”, anh Quý nói và cho biết chính các con với công việc hiện tại là niềm vui và tự hào của hai vợ chồng.
VNA đang “chuyển mình” cho mục tiêu “5 sao”. Anh Quý cho rằng điều này cần sự quyết tâm của tất cả các thành viên. “Lên 5 sao là một xu thế. Trình độ hiện tại của nhân viên VNA là tốt nhưng mỗi cán bộ, nhân viên phải cùng nhau thay đổi nhận thức. Đã là 5 sao thì từ hành động, đi đứng, nói chuyện với khách từ trên máy bay hay xuống mặt đất cũng đều phải nâng tầm lên”, anh Quý khẳng định.
CTV Đông Lan