Đồng hành cùng chiến dịch “Green Planet” của VNA, các VNA-er cũng đang hưởng ích tích cực lối sống không rác thải bằng những hành động thiết thực mỗi ngày. VNA Spirit xin giới thiệu đến các bạn những bí quyết “Green Planet” được chia sẻ bởi chị Nguyễn Thị Thúy Hằng – Ban CNTT.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng – Ban CNTT người rất nỗ lực vì một cuộc sống… không rác thải. (Ảnh: FBNV).
Cách đây một tháng, cả gia đình mình có chuyến bay đến Nha Trang. Ở sân bay, con gái mình cứ tần ngần đứng trước thùng rác vì không biết có nên cho hết đồ ăn thừa, túi bóng, chai nước vào một thùng rác hay không. Sở dĩ cháu băn khoăn như vậy là vì ở nhà mình, tất cả rác đều được phân loại ngay từ nhà bếp.
Bởi vậy, mình rất vui khi VNA triển khai chiến dịch “Green Planet” giảm thiểu rác thải trên chuyến bay.
Nếu chúng ta phân loại rác ngay từ đầu, lượng thức ăn thừa được tận dụng hoặc tiêu hủy đúng cách sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các chai nhựa, túi nilon và các vật dụng có thể tái chế sẽ mang lại khoản thu không nhỏ. Mình chợt nghĩ, nguồn thu này có thể trở thành khoản thưởng cho chính bộ phận thu dọn, như vậy lại càng thúc đẩy họ tích cực dọn dẹp vệ sinh hơn.
Phân loại rác ngay từ nhà bếp
Quay lại về thói quen phân loại rác ở gia đình mình, để giúp các con hiểu được khái niệm rác vô cơ và rác hữu cơ, mình đã trò chuyện với con hàng ngày trong những lần mấy mẹ con vào bếp. Qua đó, cháu tự xác định được “rác phân hủy được” và “rác khó phân hủy”.
Rác phân hủy được mình đem làm phân vi sinh. Rác không phân hủy được lại chia tiếp thành chai lọ đồ nhựa, túi nilon tập hợp lại đem cho bác làm đồng nát gần nhà. Còn lại một lượng rác rất nhỏ mới đem đi đổ. Với cách làm này lượng rác xả ra của cả gia đình mình đã giảm hẳn.
Thực ra phân loại rác không hề khó. Tuy nhiên, những khái niệm “rác hữu cơ”, “rác vô cơ” ở những thùng rác công cộng đôi khi sẽ làm khó một số người. Theo mình, nên dùng những khái niệm hoặc hình ảnh đơn giản nhất có thể để truyền thông như: vẽ hình chai lọ, túi nilon để thể hiện rác tái chế, hình thức ăn để thể hiện thức ăn thừa… Hoặc có những câu động viên thúc đẩy như “Bạn thực sự là người sống có trách nhiệm với môi trường vì đã phân loại rác đúng quy định”.
Chị Hằng luôn phân loại rác ngay từ trong bếp. (Ảnh: NVCC).
Tự mang túi đựng đồ khi đi chợ
Tự mang túi khi đi chợ không phải là cách làm mới, chỉ đơn giản là chúng ta đã quên mất nó khi đã quá quen với sự tiện lợi (nhưng vô cùng nguy hại) của túi nilon dùng một lần. Nếu các bạn còn nhớ thì ngày xưa, các bà, các mẹ của mình ngày xưa vẫn mang theo làn để đi chợ.
Bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách đó để không nhận thêm túi nilon đựng thực phẩm khi đi chợ. Còn đây là cách của mình. Trong cốp xe của mình luôn có hai loại túi, một túi to kèm thêm vài túi nhỏ để đi chợ mua thực phẩm và một túi đi shopping mua quần áo, đồ sạch, khô. Khi đi chợ đôi lúc bạn bắt buộc phải dùng túi nilong để chia đồ, nhưng đừng quá băn khoăn việc đó. Chúng ta hoàn toàn có thể xử lý bằng cách giặt, rửa túi nilon để tái sử dụng.
Chúng ta hoàn toàn có thể giặt, rửa túi nilon để tái sử dụng. (Ảnh: NVCC).
Ủ phân vi sinh từ rác thải tươi
Mình vốn rất yêu hoa và thích trồng cây. Sau nhiều lần thất bại, mình tìm hiểu và nhận ra rằng trong làm vườn yếu tố quan trọng nhất là khâu làm đất. Từ đó, mình đã quyết định tự làm phân vi sinh, với nguồn nguyên liệu từ chính thực phẩm thừa trong nhà bếp.
Nguyên liệu mà mình sử dụng để ủ phân chủ yếu là các loại rác thải tươi, mềm như cuống rau, vỏ hoa quả… Còn những loại rác “cứng đầu” như xương heo, vỏ trứng, hạt của các loại quả to như xoài, sầu riêng, vỏ mít vỏ sầu riêng, thân cây cứng như hoa hồng, cành cây ăn quả thì mình chưa thử nghiệm.
Cách thứ nhất là chuẩn bị một cái chậu trồng cây, đổ một lớp rác phân hủy được cùng một ít chế phẩm sinh học Trichoderma, rồi lấp từng lớp đất lên. Sau 2 – 3 tháng lớp rác đó sẽ phân hủy và trộn lẫn với đất. Để thêm 2 – 3 tháng nữa, hỗn hợp đất và rác đã ải và có thể sẵn sàng đem đi trồng cây. Cách thứ 2 đơn giản hơn, chỉ cần trộn rác phân hủy được với chế phẩm Trichoderma là có thể thu được sản phẩm là phân bón hữu cơ.
Mình đã thử và thành công với cả 2 cách trên. Ở cách thứ nhất, mình chứng kiến được ngay sự đổi màu của đất chứng tỏ có sự chuyển biến về chất đất rõ rệt. Cách thứ 2 nhanh hơn nhưng “mùi” của phân bón không dễ chịu chút nào.
Chị Hằng dùng các loại vỏ trái cây tươi để làm phân vi sinh. (Ảnh: NVCC).
Thú thật, từ ngày tự làm phân bón, nhiều lúc gọt một quả táo mình cũng để dành chút vỏ để đem đi làm phân. Mỗi lần đi qua chợ, nhìn thấy cuống rau, vỏ hoa quả vứt đầy thành đống, mình thấy thật nuối tiếc. Rác thực sự là tài nguyên liệu tái chế vô tận.
Đối với chị Hằng rác thật sự là tài nguyên tái chế vô tận. (Ảnh: NVCC).
Nếu cho mình một điều ước thì mình sẽ ước ở nước mình, mỗi tỉnh thành đều có một nhà máy xử lý rác thải thật to và toàn dân mình cùng nhau hân hoan phân loại rác (nghe có vẻ hơi điên nhỉ :D). Nhưng từ giờ cho đến lúc đó, thì mình vẫn mỗi ngày nhìn ngắm những bông hoa hồng rực rỡ trong vườn nhà để có thêm động lực tiếp tục phân loại rác thải, ủ phân trồng cây và tiếp tục Green Planet.
Còn bạn, hành trình “Green Planet” của bạn như thế nào, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn nhé!