Tôi sinh ra và lớn lên trong khu tập thể sân bay Gia Lâm, nơi mà đa số cư dân cùng làm trong ngành hàng không. Vì thế, máy bay, phi hành đoàn và bầu trời cứ từ từ len lỏi vào tâm thức của tôi mỗi ngày. Để đến khi lớn lên, trong vô số nghề nghiệp đang vận hành xã hội, tôi ao ước được trở thành đồng nghiệp với các vị tiền bối như bố mẹ và như những người hàng xóm thân yêu. Rồi ước mơ của tôi cũng được chắp cánh thành hiện thực, tôi trở thành nhân viên của VNA vào những năm 2000.
Đối với tôi, VNA vượt qua khái niệm chỉ là nơi công sở, đó còn là nơi tôi muốn gắn bó cùng đồng đội góp sức nhỏ bé chăm sóc cho Hãng như ngôi nhà thứ 2 của mình. Tình cảm ấy cũng là dễ hiểu, vì gia đình tôi có đến 3 thế hệ đã và đang làm việc nơi đây.
Bố mẹ tôi, không phải là giáo sư hay nhà khoa học, họ là những cán bộ bình thường công tác tại Tổng Cục Hàng không Dân dụng (tên gọi ngày trước) nhưng tôi luôn tự hào mỗi khi nghĩ về họ. Với khí chất của người lính không quân, bố truyền cho tôi sự son sắt với tổ chức và luôn phải có trách nhiệm với công việc được giao. Còn mẹ, là nhân viên của Cục Hậu cần thuộc Tổng Cục Hàng không, mẹ công tác trong bối cảnh nền kinh tế đang dịch chuyển từ chế độ tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, nên công việc hậu cần của mẹ nhọc nhằn vất vả nhưng mang đến cho mẹ sự đảm đang quán xuyến, dần trở thành tính cách. Tôi không có nhiều hiểu biết về công việc của bố mẹ vì lúc đó tôi còn bé. Nhân sinh quan của tôi về hàng không lúc bấy giờ là những chiếc máy bay do Liên Xô chế tạo, là các cô chú Chiêu đãi viên lịch lãm, là toà nhà cấp 4 đơn sơ với bao tài liệu giấy tờ xung quanh, là những chuyến công tác vào ra SGN của bố….
Tôi luôn cảm ơn bố mẹ vì những năm tháng cống hiến của họ đã truyền lại cho chúng tôi niềm đam mê với ngành hàng không, để đến hôm nay, chị em dì cháu tôi được làm việc nơi đây, được là cánh tay nối dài cho gia đình hàng không của mình.
Khi chúng tôi trưởng thành, chị em dì cháu tôi đều có duyên với Vietnam Airlines. Chúng tôi mỗi người làm một chuyên môn khác nhau, tại những đơn vị khác nhau nhưng chung nhau hệ sinh thái là gia đình và VNA. Có lẽ vì mối quan hệ đồng nghiệp ruột thịt như thế mà chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ và bảo ban nhau trong công việc. Quan hệ (Network) của chúng tôi trong công sở rộng rãi hơn khi công việc của chúng tôi tương tác đến nhau và đến đồng nghiệp của nhau. Chúng tôi hiểu hơn về chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị trong dây chuyền vận tải hàng không, ưu điểm này hỗ trợ chúng tôi khá nhiều trong quá trình thực hiện công việc được giao.
Trong những câu chuyện gia đình, chúng tôi nói nhiều với nhau về công việc. Có lúc bạn phi công mượn dì tài liệu về động cơ của Roll Royce để cháu hiểu hơn về loại tàu bay mình đang lái, có lúc dì hỏi cháu về nghiệp vụ khai thác sân bay, về dịch vụ mặt đất để hỗ trợ cho chuyên môn của mình, rồi chị em dì cháu nói với nhau về các sự kiện, các chương trình mà VNA đang hướng tới…. rôm rả lắm.
Bên lề công việc là những thuận tiện trong cuộc sống gia đình, khi mà mỗi bước chân đi của mọi thành viên đều song hành bên nhau. Sáng sáng chiều chiều, chúng tôi cùng đi làm rồi cùng nhau đi về. Nhà tôi vẫn duy trì đc bữa cơm của đại gia đình sau những giờ hành chính của cơ quan. Bữa cơm 3 thế hệ thường hay nói về ngành hàng không. Đó là gia vị của cuộc sống nhà tôi, đậm đà bản sắc của 1 gia đình có chung một nghề nghiệp.
Và hôm nay khi viết bài này, tôi hình dung ra đồng nghiệp tương lai của mình sẽ là những đứa cháu gọi tôi là bà trẻ. Biết đâu một ngày nào đó, tình yêu và niềm đam mê với ngành Hàng không sẽ được truyền lại cho những thế hệ trẻ trong gia đình, để đại gia đình chúng tôi sẽ là những đồng nghiệp của nhau.