Gặp gỡ kỹ sư chế tạo máy, giúp tiết kiệm 4,5 tỷ đồng

Anh Phạm Anh Tuấn, kỹ sư công tác tại Trung tâm Bảo dưỡng thiết bị VAECO – Hà Nội, gương mặt CNVCLĐ tiêu biểu ngành GTVT với thành tích rất đáng nể “Sáng kiến chế tạo máy phun hạt tẩy sơn tang trống trong nước”, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu khoảng 4,5 tỷ đồng.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chào anh Tuấn! Cảm xúc của anh thế nào khi là CNVCLĐ tiêu biểu của ngành GTVT?

Tôi thấy cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Đồng thời, cũng cảm thấy trách nhiệm của mình cũng trở nên lớn hơn khi cần phải truyền những cảm hứng này để khích lệ, động viên những đồng nghiệp khác cùng phấn đấu vì mục tiêu chung.

Anh Phạm Anh Tuấn (đứng giữa, quần ghi sáng) nhận bằng khen CNVCLĐ tiêu biểu ngành GTVT.

Cơ duyên nào để anh đã trở thành Kỹ sư bảo dưỡng thiết bị?

Khi bắt đầu nhận công tác tại đơn vị (Xí nghiệp máy bay A76), có lẽ, các cấp lãnh đạo cũng đã có định hướng phát triển sâu hơn vào lĩnh vực bảo dưỡng thiết bị máy bay nên đã bố trí công việc cho tôi trong lĩnh vực này. Từ đó, cùng với đam mê công nghệ, tôi đã gắn bó với các loại thiết bị cơ giới của máy bay đến ngày hôm nay.

Là một kỹ sư cơ giới, Trung tâm Bảo dưỡng thiết bị VAECO – Hà Nội. Vậy anh có thể chia sẻ về công việc thường ngày?

Thực trạng ngành công nghiệp hàng không, đặc biệt là những công việc liên quan đến phục hồi, đại tu các loại thiết bị của máy bay tại Việt Nam hiện đang còn khá hạn chế, doanh thu chưa cao và là nguồn chi phí ngoại tệ tương đối lớn của đất nước vì phải gửi thiết bị ra nước ngoài để thực hiện. Do vậy, công việc chính mà tôi đang đảm trách là nghiên cứu phát triển thêm nhiều nội dung bảo dưỡng thiết bị máy bay để thực hiện tại Việt Nam, nhằm tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, nâng cao thêm doanh thu cho công ty. 

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ khác cũng không kém phần quan trọng là tổ chức, triển khai các công việc bảo dưỡng thiết bị máy bay đã được phát triển nhằm hợp lý hóa sản xuất, cải tiến công nghệ để từng bước nâng cao năng suất lao động với mục tiêu tiệm cận dần với trình độ tổ chức sản xuất trong khu vực.

Anh Tuấn nghiên cứu để phát triển thêm nhiều nội dung bảo dưỡng thiết bị máy bay.

Được biết, anh là đồng tác giả là "Sáng kiến chế tạo máy phun hạt tẩy sơn tang trống trong nước, tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu khoảng 4,5 tỷ, chi phí mua hóa chất tẩy sơn…". Anh có thể chia sẻ một chút về sáng kiến này? Đâu là động lực để anh và đồng nghiệp tạo ra sáng kiến và áp dụng thành công?

Tẩy sơn tang trống là công việc bắt buộc phải thực hiện tại các chu kỳ đại tu tang trống máy bay với mục đích kiểm tra không phá hủy chuyên sâu toàn bộ tang trống bằng phương pháp thẩm thấu. Do vậy, độ sạch sơn của bề mặt tang trống sau khi tẩy sơn là yêu cầu hàng đầu phải đáp ứng. Có 2 phương pháp tẩy sơn là tẩy hóa chất (sử dụng nguyên lý ăn mòn hóa học có lựa chọn để ăn mòn các lớp sơn phủ lên tang trống) và tẩy cơ học (sử dụng nguyên lý mài mòn cơ học để bào mòn các lớp sơn). Phương pháp tẩy hóa chất có lợi điểm là không mất nhiều chi phí đầu tư ban đầu về thiết bị nhưng có nhiều nhược điểm như năng suất thấp, hiệu quả không cao (không sạch hoàn toàn), có nguy cơ độc hại… Phương pháp tẩy sơn cơ học có thể khắc phục các nhược điểm trên nhưng chi phí đầu tư ban đầu đắt do thiết bị được giới thiệu là loại thiết bị nhập nguyên chiếc từ nước ngoài, trong nước không có thiết bị tương tự.

Qua phân tích, đánh giá, tôi nhận thấy thiết bị được giới thiệu có cùng nguyên lý như các công nghệ phổ biến, đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, bao quát nhiều ngành nghề cần sử dụng như công nghiệp đóng tàu, công nghiệp lắp ráp, sửa chữa ô tô nên trên thị trường có bán sẵn nhiều linh kiện có thể sử dụng, điều chỉnh cho phù hợp để chế tạo ra thiết bị phun hạt tẩy sơn cho tang trống máy bay. 

Trên cơ sở nhận định đó, tôi đã cùng nhóm đề tài đã triển khai công tác nghiên cứu, và đã chế tạo thành công thiết bị tẩy sơn, đưa vào sử dụng từ Tháng 1/2018 và đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc nâng cao năng suất, chất lượng công việc, giảm thiểu được việc dùng hóa chất gây tác động xấu đến môi trường.

Anh Tuấn cùng nhóm đề tài đã triển khai công tác nghiên cứu, và chế tạo thành công thiết bị tẩy sơn tang trống giúp tiết kiệm 4,5 tỷ đồng.

Sáng kiến trong công việc là điều rất quan trọng và được khuyến khích. Vậy với công việc kỹ sư bảo dưỡng thiết bị điều này góp ích cho anh như thế nào?

Như đã nói ở trên, lĩnh vực bảo dưỡng thiết bị máy bay là một lĩnh vực vẫn còn sơ khai tại Việt Nam nên vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể tự chủ trong công nghệ bảo dưỡng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài, giảm thiểu chi phí bằng ngoại tệ. Trong điều kiện đó, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà bất cứ kỹ sư nào cũng đều có thể phát huy tốt năng lực nghiên cứu để có những đóng góp trí tuệ của mình vào công việc chung.

Theo anh, điều gì là quan trọng nhất đối với người kỹ sư bảo dưỡng thiết bị?

Hầu hết công việc nghiên cứu để phát triển lĩnh vực bảo dưỡng thiết bị máy bay ở Việt Nam đều là khai phá mới nên rất cần tính tự chủ, độc lập, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trong suốt những năm gắn bó với nghề kỹ sư bảo dưỡng thiết bị, anh có kỷ niệm nào đặc biệt?

Kỷ niệm đặc biệt nhất có lẽ là thành công của công trình đầu tay khi tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đưa vào triển khai việc bảo dưỡng thuyền phao máng trượt thoát hiểm máy bay A320/A321. Lúc đó là vào cuối năm 2009, sau khoảng 1 năm VAECO thành lập, tôi cùng với các anh em trạm bảo dưỡng thuyền phao máng trượt thực hiện thành công việc đại tu chiếc thuyền phao đầu tiên tại Việt Nam. Cảm xúc lúc đó thực sự rất xúc động, như đón đứa con đầu lòng.

Anh Tuấn cùng các đồng nghiệp đã bảo dưỡng thuyền phao máng trượt thoát hiểm máy bay A320/A321 thành công đầu tiên tại Việt Nam.

Chia sẻ ngoài lề một chút, anh có thể chia sẻ một chút về cuộc sống thường ngày của mình?

Niềm vui thích lớn nhất của tôi là được chơi cùng con, đặc biệt là những lần cắm trại ngoài thiên nhiên cùng 2 cậu nhóc, để dạy các con biết quý trọng môi trường sống, để hướng dẫn các con về các kỹ năng cần thiết ngoài tự nhiên.

Dự định sắp tới của anh trong công việc và cuộc sống là gì? 

Tôi sẽ cùng với các đồng nghiệp tiếp tục công tác nghiên cứu phát triển thêm khả năng bảo dưỡng các loại thiết bị máy bay khác có nhu cầu lớn. Hy vọng một ngày không xa, lĩnh vực mà chúng tôi đang cùng theo đuổi sẽ được định hình một cách rõ nét, góp phần tạo dựng ngành công nghiệp hàng không của nước nhà.

Niềm yêu thích lớn nhất của anh Tuấn là chơi cùng hai cậu con trai.

Chức vụ: Phó Quản đốc Phân xưởng Bảo dưỡng thiết bị máy bay – Trung tâm bảo dưỡng Thiết bị Hà Nội

Khen thưởng qua các năm: 

– Khen thưởng chính quyền: Năm 2015:: Giấy khen Công ty; Năm 2016, 2017: Lao động tiên tiến.

– Khen thưởng công đoàn: Năm 2015, 2016: Đoàn viên xuất sắc; 2017: Giấy khen Công đoàn Tổng công ty; Năm 2018.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh Tuấn, chúc anh và đồng nghiệp sẽ tiếp tục thành công trong những sáng kiến mới để mang đến lợi ích thiết thực cho VAECO cũng như TCT.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.