219 công dân Việt Nam mắc kẹt tại Guinea Xích đạo sẽ về nước vào ngày 29/7, trong số công dân này có khoảng 130 người dương tính với Covid-19. Đây thực sự là một chuyến bay rất khó khăn đối với VNA cũng như các cơ quan chức năng. Một chuyến bay được đánh giá là chưa từng có của Việt Nam.
Theo kế hoạch, VNA sẽ sử dụng 1 máy bay thân rộng A350 bay thẳng từ Hà Nội đến sân bay Bata của Guinea Xích đạo để đón công dân và từ đó bay thẳng về Hà Nội.
Để đón được máy bay A350, sân bay Bata vừa phải bổ sung thêm nguồn cấp nhiên liệu cho máy bay và một xe cứu hỏa đạt tiêu chuẩn cứu hỏa cấp 8 – cấp cần thiết để khai thác máy bay A350.
Trước ngày chuyến bay cất cánh, Spirit đã có những trao đổi cùng Cơ trưởng Phạm Đình Hưng, anh là một trong những phi công sẽ tham gia trực tiếp vào chuyến bay đưa 219 công dân Việt Nam mắc kẹt tại Guinea Xích đạo sẽ về nước.
Chào Cơ trưởng Đình Hưng! Anh có thể chia sẻ một chút về mình?
Xin chào các anh chị em VNA, tôi là Phạm Đình Hưng, gia nhập VNA năm 1994, đến nay đã 25 năm gắn bó với gia đình VNA. Tôi có 10 năm bay A320/21, 11 năm bay A330 và hiện nay đã có kinh nghiệm 4 năm bay A350 với khoảng 18,000 giờ bay.
Điều gì khiến anh quyết định tham gia chuyến bay hồi hương công dân từ Guinea Xích Đạo, một chuyến bay được đánh giá là chưa từng có của Hàng không Việt Nam?
Khi mới có những chuyến bay đưa đồng bào hồi hương, Đội bay A350 lựa chọn những người tình nguyện, nhưng khi chuyến bay hồi hương tăng lên, Đội bay đã lấy ý kiến của toàn thể phi công trong Đội. Với chúng tôi, tất cả đều nhất trí sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được phân công.
Lãnh đạo Đội bay A350 đã thống nhất, khi có có chuyến bay “khó” thì cán bộ đội và giáo viên sẽ thực hiện, và tôi đã nhận thực hiện chuyến bay này. Tôi cũng xin chia sẻ thêm, các thành viên khác trong tổ bay lần này đều xung phong nhận nhiệm vụ. Đó là điều khiến tôi rất tự hào về các đồng nghiệp của mình tại VNA, về các phi công của Đoàn bay 919 anh hùng.
Trước đây anh đã từng tham gia các chuyến bay đưa công dân hay lao động hồi hương chưa? Theo anh có sự khác biệt gì với chuyến bay lần này?
Trước đây tôi đã tham gia chuyến bay giải cứu công dân tại Libya do chiến tranh, nhưng chuyến bay đó rất khác với nhiệm vụ bay này. Khi bay giải cứu do chiến tranh chúng tôi chỉ cần bay ra khỏi khu vực xung đột là có thể yên tâm, còn chuyến bay này, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch trong suốt hành trình thì sau khi hoàn thành, bạn phải cách ly, xét nghiệm và chờ đợi ít nhất 15 ngày mới yên tâm.
Vậy đây có phải là một chuyến bay khó khăn và gian khổ không thưa anh?
Chúng tôi không coi chuyến bay Guinea Xích đạo là 1 chuyến bay gian khổ, đây là chuyến bay có nhiều thách thức thôi. Cũng như các chuyến bay khác, đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của Đoàn bay, của VNA. Chuyến bay nhiều thách thức vì thứ nhất, chuyến bay này thực hiện trên đường bay mới, thứ hai là có hơn 100 khách dương tính với Covid-19.
Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong cả một hành trình dài trên 13 tiếng, và đặc biệt là hạn chế sự lây nhiễm trong khoang hành khách đối với cả hành khách lẫn thành viên phi hành đoàn thì đây thực sự là một thách thức vô cùng lớn.
Vậy anh cùng anh, chị em trong tổ bay đã có những phương án gì để chuyến bay đảm bảo an toàn và thuận lợi nhất?
Đoàn bay và VNA đã xây dựng những phương án phòng chống dịch bệnh chuẩn và nghiêm ngặt, được áp dụng cho tất cả các chuyến bay chở hàng và chở khách về từ vùng dịch. Tuy nhiên, chuyến bay này có nhiều người bị nhiễm bệnh, vì vậy CDC đã cử bác sĩ đi cùng, đồng thời mang theo thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Chúng tôi cũng đã lên phương án máy bay được ngăn thành khoang riêng cho những người bị nhiễm bệnh. Đoàn bay đã nhắc nhở các thành viên tổ bay thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh và chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện điều đó.
Đây là chuyến bay hồi hương duy nhất có công dân dương tính Covid-19 trong tuần từ 27/7. Điều này có khiến anh lo lắng?
Nếu nói không lo lắng thì không đúng, nhưng tôi tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà Việt Nam nói chung và VNA nói riêng đã được áp dụng hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Với nhiệm vụ bay lần này, anh đã thông báo cho gia đình chưa? Họ nói gì?
Tất nhiên tôi đã thông báo cho cả nhà biết mình sẽ thực hiện chuyến bay này. Vợ tôi là tiếp viên của VNA, nên rất hiểu và thông cảm cho công việc của chồng. Hai con của tôi cũng đã lớn và luôn ủng hộ bố. Tôi chỉ tiếc một chút là đã lỡ hẹn với chương trình dã ngoại cùng lớp của cậu con trai thứ 2, năm nay cháu hoàn thành chương trình THCS.
Điều anh mong muốn nhất lúc này là gì?
Cũng như tất cả mọi người, tôi chỉ mong dịch bệnh sớm được ngăn chặn để cuộc sống bình thường trở lại.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc anh cùng phi hành đoàn có một chuyến bay an toàn và tốt đẹp!.