Cơ phó A321 Trịnh Hoàng Khánh: Tình yêu và bầu trời xanh phía trước

Nhiều người hình dung về một cơ phó của VNA phải là một người già dặn, nghiêm túc, nhưng khi gặp Trịnh Hoàng Khánh sẽ bất ngờ khi thấy anh khá trẻ trung và vui vẻ, mái tóc xoăn nhẹ được cắt gọn gàng và nụ cười luôn ở trên môi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text

Quá trình đào tạo rất gian nan

alt text

Trịnh Hoàng Khánh sinh năm 1993 ở Hà Nội. Sau khi học xong cấp 3 ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, với mong muốn nối tiếp truyền thống gia đình, Khánh nộp hồ sơ tham dự khóa học phi công của VNA.

Vượt qua kỳ kiểm tra về sức khỏe, ngoại ngữ và một số yêu cầu khác, Khánh được đưa vào Nha Trang đào tạo 3 tháng. Sau khi trải qua khóa đào tạo tại đây, Khánh mất thêm 2 tháng đào tạo ở Trung tâm Huấn luyện bay miền Nam (Fly Training Center).

Quá trình đào tạo theo kỷ luật quân đội đã tôi luyện Khánh từ một thanh niên 18 tuổi, còn nhiều bỡ ngỡ, trở thành một con người có tính kỉ luật cao – đức tính tối quan trọng cho toàn bộ công việc sau này. Khánh cười nhắc lại: “Chúng tôi cứ đúng 9 giờ là đi ngủ, sáng 5 giờ dậy chạy bền. Chăn màn gấp vuông thành sắc cạnh như… bánh chưng. Bây giờ tôi vẫn có thể làm được tốt”. Toàn bộ quá trình này do VNA đài thọ.

Sau 5 tháng đào tạo trong nước, VNA đã mời rất nhiều trường đào tạo phi công từ khắp nơi trên thế giới đến để trò chuyện, giới thiệu chương trình học với các học viên. Khánh bảo, quyết định chọn New Zealand để học là một quyết định “tình cờ”, nhưng sau một quãng thời gian nhìn lại thì đây là một “quyết định sáng suốt”.

Khi đơn vị đào tạo ở New Zealand giới thiệu về trường học, nhìn đoạn phim giới thiệu về quá trình đào tạo có hình ảnh một chiếc phi cơ bay dọc các triền núi, bay qua các thung lũng xanh, Khánh đã tự nhủ “Đây chính là Thiên đường trên Trái đất. Mình sẽ phải bay như vậy”.

Khánh tiếp tục trải qua quá trình học hành kéo dài 18 tháng tại New Zealand. Toàn bộ chi phí do gia đình Khánh chi trả. Tốt nghiệp quá trình học ở New Zealand, Khánh được cấp 5 tấm bằng liên quan đến các nghiệp vụ bay trong đó có bay thương mại.

alt text

Chương trình đào tạo New Zealand khá “nặng”. Khó khăn đầu tiên là khối lượng công việc lớn nhưng phải đảm bảo theo tiến độ đào tạo. “Có lúc tôi cảm thấy rất khó khăn. Cầm xấp tài liệu kỹ thuật dày cả gang tay và nhận thông báo sang tháng thi. Mà có những từ kĩ thuật rất khó đọc, khó hiểu”, Khánh nhớ lại. Ngoài ra, âm sắc ngôn ngữ bản địa của New Zealand rất khó nghe, phải mất một thời gian mới quen được. Nếu không có tình yêu với việc bay lượn thì không thể theo được.

“Trong quá trình học ở New Zealand, tôi buộc phải tự tìm hiểu rất nhiều vì nghĩ rằng, mới bước vào đời, gặp khó khăn mà không nỗ lực, cố gắng thì sau này không làm được việc gì cả”, Khánh tâm sự.

alt text

Tình yêu và trách nhiệm

Trên cơ sở cam kết tuyển dụng sau đào tạo của VNA, sau quá trình đào tạo ở nước ngoài, Trịnh Hoàng Khánh chính thức về đầu quân cho VNA. Hiện tại, anh đang là lái phụ của VNA, bay trên các chuyến bay thương mại bằng máy bay Airbus A321.

Tóm tắt câu chuyện chỉ bằng vài câu, Khánh cho biết cũng phải mất thêm 1 năm học tại TP Hồ Chí Minh bao gồm các quy trình an ninh, an toàn mặt đất, về hàng hóa, học bay mô phỏng, bay cùng thầy hướng dẫn…

alt text

Đến nay, cơ phó Trịnh Hoàng Khánh vẫn còn nhớ như in chuyến bay TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc vào ngày 10/3/2017. Khánh bảo, anh nhớ ngày này bởi lẽ, ngày 9/3 nhận được kết quả đánh giá đủ tiêu chuẩn của thầy thì hôm sau Khánh đã được nhận nhiệm vụ ngay.

“Chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi Phú Quốc có hành trình ngắn nhưng cảm giác lúc ấy của tôi là phải thực sự rất có trách nhiệm. Mọi lần bay cùng thầy đều luôn vững tâm. Đến bây giờ, khi không có thầy, thực thi nhiệm vụ độc lập, không có ai chỉ bảo, phải chia sẻ công việc với cơ trưởng. Suy nghĩ về chuyến bay ấy, tôi thấy vừa hào hứng, vừa rất trách nhiệm”, anh sôi nổi kể lại.

Khánh bảo, cho đến giờ, sau rất nhiều chuyến bay thương mại, anh cảm thấy may mắn vì các chuyến bay đều an toàn. “Bất kỳ vấn đề nào phát sinh đều được giải quyết theo quy trình của nhà sản xuất máy bay, quy trình an toàn của VNA. Bất kỳ vấn đề phát sinh nào cũng có ngay các phương án để phối hợp với cơ trưởng. Do đó, khả năng xử lý các vấn đề phát sinh của tôi ngày càng thuần thục”.

Bây giờ, Khánh bay theo lịch phân công của Đoàn Bay. Lịch bay được phân công đầu mỗi tháng và cứ làm việc 9 tuần, anh lại được nghỉ một tuần để “refresh”, nghỉ ngơi, tái bổ sung và phục hồi năng lượng cho những ngày làm việc tiếp theo.

Thời gian nghỉ ngơi, anh đưa gia đình đi chơi, đi du lịch và thường xuyên tập luyện. “Hiện tại, mỗi ngày tôi dành một tiếng rưỡi để tập gym, tập thể lực để đảm bảo sức khỏe cho công việc và cho mỗi kỳ kiểm tra hàng năm”, anh chia sẻ. Khánh còn có một niềm vui là sưu tầm các mô hình từ vật liệu chế tạo máy bay và các đồ lưu niệm đặc trưng ở mỗi sân bay nơi anh đến.

Hỏi về những dự định trước mắt, Khánh bảo tương lai là chuyện khó đoán định. Hiện tại đang là cơ phó, nên Khánh đang phấn đấu để trở thành cơ trưởng, tiếp tục cống hiến năng lực cho những chuyến bay an toàn, tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với bầu trời. Nhìn nụ cười tự tin của Khánh, người đối diện có thể nhận ra rằng, bầu trời phía trước của anh còn thênh thang và rộng mở đầy màu xanh hy vọng.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.