Bỏ bằng thạc sĩ, 8X quyết “rẽ ngang” để theo đuổi ước mơ bay

Quyết định chuyển việc ngày đó mở ra cho anh Trần Trung Kiên nhiều cơ hội theo đuổi đam mê khám phá thế giới, chinh phục bầu trời với thu nhập cao dù liên tục phải xa gia đình.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

30 tuổi… vẫn chưa muộn để bắt đầu

Anh Trần Trung Kiên hiện đang công tác tại VNA, là cơ phó Boeing 787 và trước đó cũng đã có kinh nghiệm điều khiển dòng máy bay Airbus 321. Gần 4 năm trong nghề, anh đã thực hiện hơn 3.000 giờ bay và đặt chân đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới mà VNA có đường bay.

Trước khi “kết duyên” với nghề phi công, anh Trần Trung Kiên đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó theo học 2 năm thạc sĩ ngành Công nghệ Môi trường tại Hà Lan và có vài năm làm việc ở đây. Trở về Việt Nam, chàng trai sinh năm 1980 cũng trải nghiệm nhiều công việc khác nhau nhưng không cảm thấy hứng thú dù mức lương khá ổn định.

alt text

Anh Trần Trung Kiên đã quyết “rẽ ngang” để theo đuổi ước mơ bay tại VNA.

Năm 2011, tình cờ nhìn thấy tin tuyển dụng phi công của VNA trên báo, ước mơ làm phi công ấp ủ từ bé trong anh trỗi dậy và thạc sĩ 8X đưa ra quyết định táo bạo là “chuyển việc”.

Khi còn học tại trường THPT Trần Phú, anh Kiên từng tham gia đợt xét tuyển phi công quân sự nhưng chưa thành công do không có nhiều thời gian chuẩn bị và kiến thức về ngành vẫn chỉ ở con số 0. Ở tuổi ngoài 30, cơ hội đến lần thứ hai, anh quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ còn dang dở. Sau khi nghỉ việc, anh dành ba tháng để rèn luyện thể lực và tìm hiểu thêm kiến thức về chuyên ngành hàng không. Nỗ lực của anh đã mang đến thành công bước đầu: tháng 10/2011, anh chính thức trở thành học viên của lớp phi công cơ bản VFT2 do trường Phi công Bay Việt phối hợp với VNA đào tạo.

Chuyến bay đơn đầu tiên trên bầu trời tổ quốc

Theo quy trình đào tạo phi công dân dụng trước đây, học viên phi công được VNA tuyển chọn và gửi đi đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài. VFT2 là khóa đầu tiên được học một phần thực hành ngay tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa sau khi hoàn thành sáu tháng học lý thuyết tại TP.HCM.

Sau bốn năm làm phi công, anh Kiên vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu được làm chủ một chiếc máy bay ngay trên chính bầu trời quê hương. Là một trong hai học viên đầu tiên được lựa chọn để thực hiện phần bay đơn, anh vô cùng hồi hộp khi phải một mình điều khiển máy bay mà không có thầy ngồi bên cạnh nhưng hơn hết trong lòng anh vẫn là cảm xúc hạnh phúc và tự hào: “Chuyến bay đó không chỉ mang lại cảm giác tự hào khi chinh phục được ước mơ, được bay trên chính bầu trời quê hương mà còn giúp tôi nhìn nhận đúng đắn hơn về nghề và muốn gắn bó nhiều hơn với nó”.

Trong gần 2 năm học tại Bay Việt, cũng có đôi lần thạc sĩ 8X cảm thấy nản lòng vì khối lượng kiến thức quá nhiều, liên tục phải thực hành từ đêm đến sáng nhưng ước mơ được làm chủ bầu trời giúp anh có thêm động lực để hoàn thành ước mơ.

alt text

Uớc mơ được làm chủ bầu trời giúp anh Kiên có thêm động lực để hoàn thành ước mơ.

Con đường không chỉ có hoa hồng

Tốt nghiệp khóa phi công cơ bản, anh Kiên được nhận công tác tại Vietnam Airlines. Anh luôn khẳng định rằng, việc chuyển hướng sang ngành phi công ngày đó là quyết định chính xác vì đã mở ra cho anh nhiều hướng đi mới.

Trong hành trình khám phá ước mơ bay đó, anh đã đặt chân đến rất nhiều quốc gia, từ châu Á, châu Âu đến châu Úc. Ngồi trong buồng lái – văn phòng “đẹp nhất thế giới và thay đổi mỗi ngày”, anh có thể phóng tầm mắt khám phá thế giới từ trên cao – những trải nghiệm vô cùng mới mẻ và đặc biệt.

Được thỏa chí bay bổng trên bầu trời, được làm công việc mình hằng mơ ước với mức thu nhập khá, có vẻ như phi công là một nghề nghiệp cực kỳ lý tưởng. Nhưng đằng sau ánh hào quang ấy, ít ai hiểu được những áp lực và khó khăn mà anh Kiên cùng các đồng nghiệp phải đối diện hàng ngày. “Công việc này không có chỗ cho người thiếu kỷ luật bởi họ phải bảo vệ an toàn cho hàng trăm hành khách ngồi sau và cả phi hành đoàn”, anh Kiên nói.

“Nếu có đủ niềm đam mê, các bạn trẻ hoàn toàn có thể thực hiện ước mơ bay".

Trên thực tế, dù có đã có bằng lái máy bay, các phi công đều phải tham gia các khóa huấn luyện chuyên môn và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Họ phải liên tục trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm cũng như duy trì thể lực tốt để đảm bảo an toàn hàng không.

Bên cạnh đó, công việc còn thường xuyên khiến phi công phải hy sinh khoảng thời gian quý báu bên gia đình. Trong cả hai lần vợ lâm bồn, anh Kiên đều không thể có mặt để chia sẻ cùng người phụ nữ của mình. “Tôi luôn cảm thấy may mắn vì có một người vợ hiểu mình, biết hy sinh và luôn cổ vũ tôi thực hiện ước mơ”, anh Kiên hạnh phúc khi nói về gia đình nhỏ.

Chia sẻ thêm về nghề nghiệp cực “hot” của mình, anh Kiên cho rằng để trở thành phi công, các bạn trẻ phải có những tố chất nhất định và thái độ nghiêm túc với nghề. Bởi với công việc nhiều áp lực, rủi ro, nếu không kiên định và thực sự đam mê, các bạn trẻ rất dễ bỏ cuộc.

“Nếu có đủ niềm đam mê, các bạn trẻ hoàn toàn có thể thực hiện ước mơ bay ngay tại Việt Nam từ bây giờ. Bỏ qua quan niệm sai lầm chỉ có “con ông cháu cha” mới có thể theo nghề, bất cứ ai cũng có thể làm được điều kỳ diệu”, anh Kiên nhắn nhủ.

Theo Bay Việt

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.