[27/2] Bản lĩnh nghề nghiệp và Hành trình đặc biệt

Từ khi làm việc tại VNA, bác sĩ Thanh đã gặp nhiều bệnh nhân mà khi họ được đưa vào phòng y tế, tính mạng đã “ngàn cân treo sợi tóc” – Những khoảnh khắc không bao giờ quên của chị mà mỗi lần nhắc lại chị vẫn còn rất xúc động….

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2020), trước hết với tất cả tấm lòng chân thành, tôi xin gửi đến những người Thầy thuốc lời chúc đặc biệt và mọi điều tốt đẹp nhất. Chúc các anh chị mãi luôn vui vẻ, hạnh phúc và giữ được ngọn lửa đam mê với nghề.

Hòa trong không khí của ngày kỷ niệm, tôi xin chia sẻ câu chuyện về một nữ bác sĩ, người đã trải qua nhiều vị trí công tác tại Bệnh viện công lập trước khi trở thành người quản lý và chăm sóc sức khỏe cho CBNV của Vietnam Airlines.

Chắc chắn nhiều người đã đoán được “nhân vật” đó không ai khác chính là bác sĩ Đàm Thị Thanh – người mà không chỉ đồng nghiệp mà cả gia đình nhiều đồng nghiệp của chị yêu quý, trân trọng và trìu mến gọi là “Bác sĩ Quốc dân”.

Trò chuyện với chị, tôi đã thầm cảm ơn chị về những câu chuyện cảm động, ý nghĩa và ở một khía cạnh nào đó đã giúp chúng tôi thay đổi suy nghĩ về nghề nghiệp và cuộc sống.

Nụ cười sẽ làm chúng ta quên đi mệt mỏi (Ảnh: Vũ Tuấn).

Câu chuyện bắt đầu từ hơn 30 năm trước, khi chị là học sinh phổ thông với ước mơ xanh được làm  kỹ sư nông nghiệp nhưng Bố chị đã đặt hồ sơ cho con gái thi vào trường đại học y. Sau 30 năm gắn bó với nghề, ở nhiều vị trí công việc khác nhau, chị luôn biết ơn Bố vì thực sự, chị rất hợp với nghề y. Chính nghề đã chọn chị.

Thế rồi, chữ “Duyên” của nghề đã đưa chị từ khoa Cấp cứu của bệnh viện công về với Bác sĩ cơ quan và gắn bó tới bây giờ, mặc dù cũng có nhiều lời mời và “rủ rê” của bạn bè thuở sinh viên vốn rất yêu quý và luôn muốn chở che cô bạn điềm đạm, thông minh nhưng vô cùng khiêm tốn lại đã trải qua không ít những thử thách khắc nghiệt của Số phận.

Khi bắt tay vào nhiệm vụ của bác sĩ cơ quan, chị đã trăn trở nhiều về hạn chế của vị trí công việc. Rõ ràng, bác sĩ cơ quan khác biệt hoàn toàn với bác sĩ làm việc tại bệnh viện – nơi mà mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân là môt phần trung tâm của việc chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh, đối tượng phục vụ của chị là những người ốm với trang thiết bị y tế và nhân lực hoạt động đồng bộ.

Trong khi đó, tại doanh nghiệp, công việc của bác sĩ hoạt động trong môi trường những người khỏe mạnh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc trang thiết bị y tế rất đơn giản và nhân lực là rất ít. Bởi vậy, ngay sau khi nắm bắt công việc, chị đã đề xuất và được lãnh đạo TCT đồng ý đầu tư những trang thiết bị tối thiểu như máy oxi, máy Monitor để theo dõi độ bão hòa oxi trong máu, nhịp tim, huyết áp…mà nhờ đó đã có những ca cấp cứu thành công trước khi chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên nghiệp.

alt text
alt text

Bác sĩ Đàm Thị Thanh trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại sân bay Nội Bài (Ảnh:VNA). 

Chị chia sẻ, công việc Y tế cơ quan không đơn thuần là việc tư vấn sức khỏe hay tổ chức khám định kì cho CBNV. Nhiều người nghĩ công việc đó đơn giản chỉ là việc cấp phát một vài viên thuốc cảm cúm thông thường hay như là băng bó, sát trùng vết thương…nhưng không phải như vậy. Kinh nghiệm làm việc nhiều năm qua cho thấy bác sĩ vừa mới ra trường, chưa kinh qua những môi trường làm việc để rèn luyện kĩ năng và khả năng chuyên môn thì rất khó để đáp ứng được công việc tại trạm y tế cơ quan.

Từ khi làm việc tại VNA, bác sĩ Thanh đã gặp nhiều bệnh nhân mà khi họ được đưa vào phòng y tế, tính mạng đã “ngàn cân treo sợi tóc” – Những khoảnh khắc không bao giờ quên của chị mà mỗi lần nhắc lại chị vẫn còn rất xúc động. Đó là những ca “sốc phản vệ” sau khi dùng kháng sinh, là ca bệnh cấp cứu về tim mạch rất nặng, bệnh nhân  gần như sắp tử vong tại trạm y tế. Lúc đầu chị cũng rất hoảng sợ, rất đau tim nhưng bằng bản lĩnh nghề nghiệp, chuyên môn và kỹ năng đã tích lũy từ khi còn làm việc tại bệnh viện, chị đã tiến hành cấp cứu và đã thành công trước khi có sự hỗ trợ của hệ thống 115. 

Những ngày sau đó, mặc dù chị rất vui khi nhận được những lời cảm ơn từ các đồng nghiệp ở bệnh viện, từ LĐ TCT và gia đình của người bệnh, nhưng đâu đó chúng tôi cảm nhận được sự đơn độc lẻ loi, cảm nhận được giọt mồ hôi nước mắt xót xa trong những khoảnh khắc giành giật sự sống cho chính những người đồng nghiệp của chị. Chị luôn nói rằng, đó hoàn toàn là may mắn, do trời phật thương chị, thương CBNV của VNA nhưng nếu trò chuyện với những “nhân chứng” của sự việc mới thấy thật sự quý trọng kiến thức, kinh nghiệm, sự tận tâm và cách xử lý đầy nỗ lực của chị trước sự sống mong manh vô thường của cuộc sống.

Luôn là người có mặt tại tuyến đầu trong những giai đoạn khốc liệt nhất của dịch bệnh (Ảnh:VNA).

Trong những năm tháng làm việc tại VNA, có câu chuyện đã trở thành một phần đặc biệt nhất trong sự nghiệp thầy thuốc của bác sĩ Thanh. Đó là hành trình “giải cứu” một nữ hành khách người Úc bị bệnh tâm thần từ sân bay London Heathrow về Tân Sơn Nhất.

Chị nhận được quyết định từ Ban lãnh đạo TCT về việc cử bác sĩ tham gia đoàn công tác đặc biệt. Lúc đó, chị cảm thấy lo lắng vì đây không đơn thuần là việc áp tải theo dõi một bệnh nhân bình thường di chuyển bằng đường hàng không. Để tránh những tổn thất, rắc rối không đáng có cho TCT, chị đã nhanh chóng nhận nhiệm vụ lên đường. Trước khi lên đường, chị đã dành nhiều thời gian tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp chuyên khoa về tâm thần kinh để đề phòng tình huống bất thường xảy ra đối với người bệnh.

Gần 13 giờ bay với tâm trạng lo lắng – cảm giác khi thực hiện một nhiệm vụ mà bản thân chưa được đào tạo chuyên sâu nhưng không được phép mắc một sai lầm dù là nhỏ nhất. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục đón bệnh nhận và xuất cảnh, cả đoàn công tác đã có một chuyến bay căng thẳng trở về nước khi phải luôn trong tình trạng sẵn sàng để xử lý mọi tình huống. Như thấu hiểu tâm tư của bác sĩ, phi hành đoàn đã quan tâm, hỗ trợ chị tối đa, từ những lời động viên đến những chia sẻ công việc trong suốt hành trình.

Bác sĩ Đàm Thị Thanh tham gia đoàn công tác đặc biệt với tư cách thành viên tổ bay (Ảnh: NVCC).

Kết quả, đoàn công tác đã đưa bệnh nhân về sân bay Tân Sơn Nhất với tình trạng ổn định. Sau khi được kiểm tra sức khỏe tổng thể, bệnh nhân đã được bàn giao cho đoàn công tác đặc biệt thực hiện chuyến bay thứ hai đến Melbourne và thực hiện quy trình trao trả công dân cho nhà chức trách sân bay Úc. Chị nói: “Đối với chị, đó là niềm tự hào khi được đóng góp một phần sức lực trong trọng trách lớn lao của một hãng hàng không Quốc gia”.

Khi được hỏi về những tâm tư của chị trong ngày Thầy thuốc Việt Nam, chị nói: “Ngày hôm nay thực sự đặc biệt vì là kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam trong bối cảnh toàn thế giới đang tập trung mọi nguồn lực để chiến đấu với dịch COVID-19. Chị khâm phục sự tận tụy, hy sinh và biết ơn đội ngũ thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch và tin rằng: COVID-19 rồi cũng như SARS sẽ bị đẩy lùi, sự sống là bất diệt – và cũng chính vì vậy, mỗi chúng ta cần lạc quan và trân trọng từng ngày để sống sao cho ý nghĩa…”.

Chị đặc biệt biết ơn Ban lãnh đạo VNA đã rất quan tâm, luôn tạo điều kiện môi trường làm việc năng động, chuyện nghiệp và nhân văn để bộ phận y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị cảm ơn CBNV của VNA đã tin tưởng và giúp đỡ để chị trưởng thành và hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

LĐ TCT chúc mừng 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (Ảnh: Vũ Tuấn).

Nhân dịp này chúng tôi bày tỏ sự trân trọng, biết ơn chị và CBNV trạm y tế của TCT đã hàng ngày chăm sóc và ân cần tư vấn sức khỏe cho chúng tôi mỗi khi cần. Chúc bác sĩ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và cuộc sống thật nhiều niềm vui như bao niềm vui và may mắn chị đã mang lại cho nhiều nhiều đồng nghiệp và gia đình.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.