Từ “ngã rẽ” tình cờ
Đến giờ, phi công Chính Bình vẫn cho rằng cơ duyên đưa anh đến với công tác đào tạo là một sự tình cờ và may mắn trong nghề nghiệp.
“Tôi còn nhớ đâu đó vào mùa hè năm 2014, trong một chuyến bay đi Đà Nẵng, một người thầy, người anh trong nghề đã hỏi tôi là có muốn về phòng đào tạo của Đoàn Bay tham gia vào công tác huấn luyện hay không, bởi anh biết tôi đam mê với những trang sách thông qua những cuộc trò chuyện trước giờ”, anh Chính Bình nhớ lại.
Vốn mong muốn được tiếp cận với những tầng tài liệu khác nhau, đồng thời mơ ước đến một ngày nào đó mình có thể chia sẻ kinh nghiệm và truyền đạt những kiến thức mình biết đến các bạn trẻ có niềm đam mê lớn đối với hàng không, anh Chính Bình đã gật đầu chẳng hề nao núng để rồi gắn bó với công tác đào tạo cho đến bây giờ.
Hiện tại, công việc chuyên môn của anh là vừa tham gia công tác biên soạn tài liệu của Đoàn bay 919 và Trung Tâm Huấn Luyện bay, vừa tham gia các chương trình giảng dạy Lý thuyết, thiết bị mô phỏng (SIM) cũng như hướng dẫn bay thực tập trên các chuyến bay thực tế.
Anh Lương Chính Bình tham gia các chương trình giảng dạy Lý thuyết… (Ảnh: NVCC).
Để tham gia công tác đào tạo, phi công phải hoàn thành rất nhiều tiêu chí khắt khe. Có thể kể đến như quá trình bay khai thác luôn đảm bảo an toàn, các bài kiểm tra nâng cấp và năng định có kết quả tốt, được giáo viên hướng dẫn đánh giá có năng lực sư phạm.
Để trở thành giáo viên, anh Chính Bình cho biết đã được các thế hệ đi trước hướng dẫn và truyền đạt nhiều kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm bay. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên có một phong cách truyền đạt khác nhau, nên anh đã có nhiều cơ hội để học hỏi và xây dựng một phong cách giảng dạy riêng của mình.
“Tôi luôn quan niệm rằng chỉ khi nào bản thân người học viên tự nhận ra những lỗ hổng của bản thân và luôn tìm cách khâu vá những lỗ hổng này một cách hoàn thiện nhất, thì khi đó họ sẽ có những bước tiến vượt bậc trong nghề nghiệp, đồng thời sẽ luôn đảm bảo được các chuyến bay an toàn”.
Có lẽ bởi vậy nên mỗi khi đứng lớp, câu hỏi luôn đau đáu trong anh là làm sao truyền tải được cho học viên niềm cảm hứng và đam mê đối với những trang sách, với những chuyến bay. Đồng thời là cách vận dụng kiến thức từ lý thuyết ra đến thực tế như thế nào là hiệu quả nhất sau mỗi khóa huấn luyện.
Không chỉ truyền kỹ năng mà còn là lòng yêu nghề
Đội ngũ giáo viên huấn luyện bay không chỉ giảng dạy kiến thức, kỹ năng, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút mà còn là tấm gương về đạo đức nghề nghiệp đối với học viên, phi công trẻ mới nhập nghề. Trở thành giáo viên huấn luyện bay, được sống với nghề, được làm công việc mà bản thân đam mê và sự tận tâm, tận lực của mình được công nhận, đối với anh Chính Bình thì đó là điều vô cùng ý nghĩa.
Theo anh, dù công tác huấn luyện bay và nghề giáo nói chung đều là công tác đào tạo với mục tiêu cuối cùng là người học viên có thể đạt được kiến thức cần thiết trong giai đoạn huấn luyện nhưng vẫn sẽ có những điểm khác biệt.
Cụ thể, nghề bay đặc thù ở chỗ học viên được vận dụng kiến thức mình học ngay lập tức vào những chuyến bay, do đó đòi hỏi họ phải hiểu thực sự đúng, vận dụng như thế nào cho linh hoạt và phù hợp với các tình huống thực tế. Chính vì vậy, giáo viên luôn nghiêm khắc đòi hỏi các bạn học viên phải hiểu kiến thức một cách cặn kẽ và chính xác nhất.
Bởi vậy mà phương pháp hướng dẫn của giáo viên cũng phải thay đổi liên tục cho phù hợp với tình huống đang diễn ra. “Ví dụ giai đoạn khi đang bay bằng, có thời gian thì giáo viên có thể “dẫn giảng” để học viên có thể hiểu được nguyên nhân gốc của vấn đề, nhưng nếu đang cất hoặc hạ cánh thì giáo viên sẽ chuyển sang phương pháp “chỉ dẫn” để đảm bảo các bạn phải làm đúng và đưa máy bay về trạng thái an toàn ngay lập tức nhằm đảm bảo tính an toàn của chuyến bay…”.
Với anh Chính Bình, giáo viên bay là những người sẽ dùng tất cả khả năng, kinh nghiệm để cùng với học viên được mục đích cuối cùng là hoàn thành nhiệm vụ bay an toàn, chất lượng nhất.
“Tôi cảm thấy biết ơn vì TCT đã cho tôi một cơ hội để hoàn thiện mình. Vì trước khi muốn truyền đạt bất cứ kiến thức nào đến các bạn học viên, đòi hỏi người giáo viên phải am hiểu thật tường tận về mảng kiến thức đó. Đó cũng là cơ hội tuyệt vời để tôi có thể đào sâu hơn những gì mà tôi đã biết”.
Và đó cũng chính là những gì mà anh Chính Bình đang ngày ngày áp dụng trong phương châm làm việc của bản thân, “trên con đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Xác định làm nghề lái máy bay là xác định học tập cả đời, không chỉ trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ mà phải trau dồi cả đạo đức, ý thức và bản lĩnh, từ đó luôn nỗ lực trong mọi công việc để theo đuổi và hoàn thiện giấc mơ của bản thân.