Vì sao chị lại chọn trở thành giảng viên đào tạo sau khi đã là tiếp viên trưởng trẻ nhất của VNA?
Sau một thời gian bay khá dài, tôi vẫn giữ được hình ảnh chỉn chu, nghiêm túc của mình trong mắt của hành khách và đồng nghiệp. Vì thế, nhiều thầy cô khuyên tôi nên trở thành giảng viên xây dựng hình ảnh.
Công việc ấy không còn đơn giản là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm của một người trong việc mang hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Hiện tôi phụ trách dạy các bộ môn kỹ năng phục vụ hạng thương gia, chăm sóc khách hàng, giao tiếp ngoại giao, định hướng nghề nghiệp… cũng như tham gia chấm thi nâng bậc cho các tiếp viên theo định kỳ.
Phương Hiếu huấn luyện các bạn sinh viên trường đại học Pai Chai (Hàn Quốc) về những kỹ năng của một tiếp viên hàng không.
So với nghề tiếp viên thì nghề giảng viên như thế nào trong mắt chị?
Công việc nào cũng có vất vả, khó khăn với từng đặc thù riêng. Bố tôi cũng là một giảng viên dạy về nghề bay nên tôi được kế thừa nhiều nguồn cảm hứng. Các bạn học viên sau khi hoàn thành khoá tiếp viên cơ bản 3 tháng sẽ trở thành tiếp viên hàng không chính thức, rồi lại học định kỳ nghiệp vụ 6 tháng/lần để nâng cao khả năng.
Có khi hôm nay đứng trước các bạn tôi là giảng viên thì hôm sau, chúng tôi đã là đồng nghiệp trên cùng một chuyến bay. Vì vậy, sự chia sẻ, đồng cảm và cùng kết nối để đạt mục tiêu chung là mục đích mà giảng viên hay học viên luôn hướng tới.
Mọi người đều nghĩ nghề tiếp viên hàng không là một nghề thời thượng, thực tế có phải như vậy?
Khoảng cách giữa tưởng tượng và thực tế rất xa. Những dịp lễ tết, hầu như chúng tôi không bao giờ được sum họp cùng người thân. Những ngày mệt mỏi đến mức chẳng muốn làm gì vì lệch múi giờ, sự thay đổi thời tiết đột ngột từ một nơi rất nóng sang một nơi có tuyết rơi, những bữa ăn thường xuyên vội vàng… là những góc khuất phải tự mình trải qua.
Phương Hiếu (giữa) cùng các đồng nghiệp tại VNA.
Được biết chị từng dạy tiếp viên người Việt lẫn người nước ngoài, sự khác biệt là gì?
Các tiếp viên nước ngoài mà chúng tôi dạy đa số đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Ưu thế của các bạn ấy là sự tự tin, kỷ luật trong khi các tiếp viên Việt Nam lại có sự ân cần, thấu hiểu tâm lý.
Áp lực lớn nhất thường xuyên phải đối mặt theo chị là gì?
Làm sao để trong một thời gian ngắn có thể trang bị cho học viên khối lượng kiến thức lớn về chuyên ngành hàng không, kỹ năng phục vụ chuẩn mực… luôn là bài toán khó. Gần như mỗi ngày, tôi phải cập nhật những sự thay đổi cần thiết dựa trên thực tế để giúp bất kỳ một tiếp viên hàng không nào khi bước ra khoang khách đều ở tâm thế tự tin nhất.
Phương Hiếu vẫn luôn mong ước truyền lửa cho các thế hệ tiếp viên hàng không trẻ sau này dù là ở cương vị một tiếp viên trưởng hay một giảng viên hàng không.
Khao khát cống hiến cho nghề giảng viên của chị là gì? Chị mong muốn các bạn tiếp viên thế hệ sau này phát triển như thế nào?
Với tư cách là giảng viên, tôi luôn cố gắng truyền lửa và giữ ngọn lửa ấy trong trái tim của tiếp viên khi tham gia mỗi chuyến bay. Tôi muốn chia sẻ rằng ai cũng có một tuổi trẻ nhưng nó không là mãi mãi. Vậy nên khi đã chạm vào ước mơ, các bạn hãy lao động nghiêm túc với sức trẻ của mình, để không phí hoài thanh xuân rực rỡ mình đang có.
Theo Zing