[20/11] ‘Tiếp viên phải nỗ lực cập nhật thêm kiến thức mỗi ngày’

Gắn bó với VNA hơn 25 năm, nỗ lực trau dồi bản thân, chị Hoàng Thúy Hạnh có kiến thức, kỹ năng phong phú, tham gia công tác đào tạo thế hệ tiếp viên mới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
Chị Hoàng Thúy Hạnh gắn bó với VNA hơn 25 năm. (Ảnh: Mai Hương).

Tốt nghiệp ngành kinh tế vận tải biển, chị Hoàng Thúy Hạnh không chọn con đường nghiên cứu quản lý và tổ chức đội tàu biển mà mạnh dạn thử sức với nghề tiếp viên hàng không. Rồi chị may mắn thi đỗ và gắn bó với VNA hơn 25 năm. Hai thập kỷ trau dồi bản thân, chị có kiến thức, kỹ năng phong phú, tham gia công tác đào tạo thế hệ tiếp viên mới.

Từ cô gái nhút nhát đến tiếp viên trưởng, giáo viên kinh nghiệm

Vốn học nghề không liên quan đến dịch vụ, ngày mới trở thành tiếp viên hàng không, chị Hạnh trải qua nhiều bỡ ngỡ. Chị nhớ mãi chuyến bay đầu tiên từ TP HCM ra Hà Nội – quê hương của mình. Mang theo tâm trạng háo hức vì được đi máy bay – ở thời điểm đó là điều rất xa xỉ, nhưng chị bị say máy bay, nôn ói liên tục nên tinh thần nhanh chóng chùng xuống.

“Thời gian đầu, cứ lên máy bay, phục vụ xong, đẩy xe đến bếp, tôi lại phải vào toilet để ói, rất sợ”, chị kể. Cô gái trẻ khi ấy phải đấu tranh tư tưởng nhiều lần, luôn tự hỏi bản thân có nên tiếp tục hay không?

Mỗi lúc mệt mỏi, chị động viên mình cố gắng ăn uống, có sức khỏe mới làm việc, chăm sóc hành khách được. Thời gian trôi qua, chị quen môi trường trên máy bay, rồi từ bỏ luôn ý định chuyển việc.

Cũng như nghề tiếp viên hàng không, thời gian đầu tham gia giảng dạy, chị Hạnh gặp nhiều thử thách. Chị cho biết mình là người nhút nhát, rất run khi đứng trước đám đông. “Hồi xưa học lớp Hai, tôi xung phong lên trả bài đầu giờ, cuối cùng nhận 2 điểm về chỗ vì run quá, không nói được gì”, chị nhớ lại.

Với tính cách như vậy, quyết định thi tuyển giáo viên khiến chị lo lắng. Trong ngày thi, đứng trước những người thầy để thực hành giảng dạy, chị rất căng thẳng. Lúc ấy, Thúy Hạnh luôn khích lệ bản thân phải cố gắng, mọi người làm được thì mình sẽ làm được. Cuối cùng, chị đã vượt qua trở ngại tâm lý, thi đỗ làm giáo viên.

alt text
Chị Hạnh giảng dạy trong lĩnh vực kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng, kỹ năng tổ chức, quản lý. (Ảnh: Mai Hương).

Hiện chị giảng dạy trong lĩnh vực kỹ năng phục vụ, chăm sóc khách hàng, kỹ năng tổ chức, quản lý… “Sau 11 năm đứng lớp, tôi quen dần và tự tin hơn. Đứng trước đàn em, tôi quên mất nhược điểm của bản thân để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình”, chị tiết lộ.

Những ấn tượng trong nghề

Trong hành trình 25 năm làm nghề, chị Hạnh nhớ nhất chuyến bay đầu tiên thực tập ở vị trí tiếp viên trưởng. Khi đang hướng dẫn đồng nghiệp chuẩn bị xe hàng miễn thuế phục vụ khách, máy bay đột ngột gặp nhiễu động chị bị trượt khỏi ghế, hai đồng nghiệp của chị may mắn bám vào xe nên không bị va đập gì nhưng khoang khách khá lộn xộn, chăn gối, tư trang của khách rơi ra trên sàn máy bay.

Trước tình huống đó, chị bình tĩnh phát thanh thông báo cho hành khách cài dây an toàn, sau đó điều động tổ tiếp viên kiểm tra, chăm sóc và trấn an tất cả hành khách. Chuyến bay đầu tiên khi trở thành đầu tàu của tổ tiếp viên, sự cố đến bất ngờ, có quá nhiều việc cần xử lý, chị Hạnh rút ra nhiều bài học về an toàn và xử lý tình huống trên máy bay.

alt text
Thế giới đang thay đổi, yêu cầu đối với tiếp viên tăng cao, buộc người làm nghề truyền lửa cũng phải thay đổi để đáp ứng với yêu cầu công việc. (Ảnh: NVCC).

Nói về nghề tiếp viên hàng không, chị ví đây là nghề “làm dâu trăm họ”, hành khách mỗi người một nhu cầu, sở thích, cách phục vụ, xử lý tình huống có thể làm hài lòng khách này, nhưng lại không vừa ý khách khác.

“Khách đến từ nước Anh có nhu cầu rất cao, bản thân tiếp viên khi giao tiếp phải nắm chắc chính sách, quy định về phục vụ, giao tiếp ứng xử khéo léo thì mới thuyết phục được khách hàng”, chị cho biết.

“Với đặc thù công việc, sau khi đóng cửa máy bay, chúng tôi phải linh hoạt sử dụng tất cả các vật tư, vật phẩm, thức ăn, thức uống có trên máy bay cũng như các kỹ năng mềm trong giao tiếp để đáp ứng nhu cầu khách hàng, tuy vậy không phải lúc nào cũng được như mong muốn”.

Nghề tiếp viên nhiều thử thách thì nghề giáo cũng có các đặc thù riêng. Chị chia sẻ: “Bản thân giáo viên không phải ai cũng được đào tạo tất cả các lĩnh vực, các giáo viên phải tự tìm tòi tài liệu, tự mày mò học hỏi, hướng dẫn, chia sẻ lẫn nhau khi yêu cầu công việc đòi hỏi. Thế giới đang thay đổi, yêu cầu đối với tiếp viên tăng cao, buộc người làm nghề truyền lửa cũng phải thay đổi để đáp ứng với yêu cầu công việc”.

Với yêu cầu giảng dạy nhiều môn học và bản thân các giáo viên ngoài thời gian dạy phần lớn thời gian dành cho các chuyến bay cũng là một khó khăn. Việc chuẩn bị kiến thức, cập nhật chính sách, qui định, chuẩn bị học liệu cho các lớp học vốn đã mất nhiều thời gian nay trở thành thách thức với các giáo viên dịch vụ, buộc họ trở thành những nhà quản lý thời gian chuyên nghiệp nếu muốn đảm bảo chất lượng đào tạo.

alt text
alt text

Các tiếp viên phải phải rèn luyện cho mình tính thích nghi bởi thời gian, áp lực công việc trên máy bay không hề đơn giản. (Ảnh: Mai Hương và NVCC).

“Bản thân giáo viên không phải ai cũng được đào tạo tất cả các lĩnh vực, các giáo viên phải tự tìm tòi tài liệu, tự mày mò học hỏi, hướng dẫn, chia sẻ lẫn nhau khi yêu cầu công việc đòi hỏi. Thế giới đang thay đổi, yêu cầu đối với tiếp viên tăng cao, buộc người làm nghề truyền lửa cũng phải thay đổi để đáp ứng với yêu cầu công việc”.

Chị Hạnh cho biết khó khăn lớn nhất của mình là đảm bảo hài hòa giữa đi dạy, đi bay và thời gian cho gia đình, bản thân. Chị đùa vui: “Laptop là người yêu, đi đâu cũng mang theo, đi nước ngoài, các buổi tối ở nhà, thậm chí đi nghỉ mát cũng phải tranh thủ làm việc”.

Bận rộn như vậy, nhưng may mắn chị Hạnh có chồng con thấu hiểu, tạo điều kiện để chị toàn tâm toàn ý với nghề. Bản thân chị cũng luôn tranh thủ xử lý công việc, sắp xếp thời gian hợp lý nhất để hoàn thành tốt mọi vai trò.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang nuôi dưỡng giấc mơ làm tiếp viên hàng không, chị Hạnh chia sẻ: “Về nghề này, nhiều người chỉ nhìn thấy màu hồng, những bức ảnh đẹp, những chuyến du lịch khắp nơi trên thế giới của tiếp viên hàng không… nhưng họ sẽ không thấy lúc các bạn đối diện với vất vả, khó khăn trong công việc. Vậy nên để làm việc, các bạn phải nỗ lực rất nhiều. Quan trọng là phải rèn luyện cho mình tính thích nghi bởi thời gian, áp lực công việc trên máy bay không hề đơn giản.”

CTV: Thu Thảo

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.