Kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) (Kỳ 1)

Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, ngày 7/5/1954, quân đội và nhân dân Việt Nam đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện trên chiến trường, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, quân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp.

Tướng lĩnh Quân đội Pháp bàn về Kế hoạch Nava
Để cứu vãn tình thế thất bại, bước vào Thu – Đông 1953, thực dân Pháp với sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Navarre.
Nhiệm vụ trung tâm của kế hoạch Navarre là tới năm 1954, tổ chức khối chủ lực tác chiến gấp 3 lần số binh đoàn hiện có, chia thành hai bước: Bước 1 – Trong Thu – Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở phía bắc vĩ tuyến 18, phòng ngự thượng Lào; tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V; Bước 2- Nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.
Kế hoạch quân sự Navarre là cố gắng cao nhất của Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh Đông Dương với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ chuyển bại thành thắng.
Thực hiện kế hoạch này, mùa hè và mùa thu năm 1953, địch mở hàng chục trận càn quét lớn nhỏ ở Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Bộ, đánh phá ác liệt các căn cứ của ta; tháng 7/1953, chúng cho quân nhảy dù tập kích Lạng Sơn; tháng 8/1953, chúng rút lực lượng ở Nà Sản về tăng cường ở đồng bằng Bắc Bộ.

Ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Giữa tháng 11/1953, bộ đội chủ lực của ta thực hiện kế hoạch tiến lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với Quân đội Pathet Lào. Trước tình hình đó, Navarre buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm chặn bước tiến của quân ta. Kế hoạch Navarre bị đảo lộn, chúng phải phân tán lực lượng để đối phó với ta.

Navarre tập trung mọi cố gắng, với sự giúp đỡ rất lớn của Mỹ, xây dựng Điện Biên Phủ – vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, “một pháo đài bất khả xâm phạm”, gồm 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc.

Địch đã cho tập trung ở đây hơn 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới, với ý đồ thách thức quân và dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến của Kế hoạch Navarre.

Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông – Xuân (1953 – 1954), quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là một chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng và dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi Đại tướng ra mặt trận: phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.

Dân công, thanh niên xung phong mở đường, thồ hàng vào Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch lịch sử này, Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức, động viên một lực lượng to lớn sức người, sức của của nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Liên khu Bốn đóng góp cho mặt trận. Hàng vạn người vượt qua muôn vàn gian khó, ngày đêm bạt rừng xẻ núi, mở hàng ngàn km đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên biết bao kỳ tích.

Trên khắp các chiến trường, từ Bắc tới Nam, cả ở các vùng địch còn tạm chiếm, quân và dân ta đã liên tục tiến công, hợp đồng tác chiến với Điện Biên Phủ, không cho địch tập trung binh lực tiếp viện, giải cứu cho Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trên chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ Mặt trận, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi thực hiện sự chỉ đạo chiến lược và phương châm đánh địch đúng đắn của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng quân ủy, đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “Đánh chắc, tiến chắc” vào ngay trước giờ chiến dịch mở màn, thể hiện tài thao lược, tinh thần trách nhiệm cao và lòng quả cảm, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân, toàn quân. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm của địch, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Tướng Pháp Delteil (bên trái) và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu ký Hiệp định Genève tháng 7-1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời phải công nhận độc lập của Lào, Campuchia, rút quân khỏi 3 nước Đông Dương.

Một nửa nước ta được hoàn toàn giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới, xây dựng miền Bắc trong hòa bình, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương lớn, vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ban TGĐU
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.