Vai trò của Văn hóa doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước (Kỳ 1)

Trên bình diện quốc gia, các doanh nghiệp hoạt động ổn định và tăng trưởng bền vững là tiền đề cho nền kinh tế phát triển thịnh vượng. Với vai trò là “linh hồn” của doanh nghiệp, Văn hóa doanh nghiệp ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ ngày nay.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Năm 1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa VIII ra Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 15 năm sau đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành trên cơ sở kế thừa và phát triển Nghị quyết số 03-NQ/TW, với tên gọi “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Có thể nói, Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, là động lực bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó khẳng định lại quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội”, nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Thế giới đang ở trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, khi các yếu tố vật chất có thể nhanh chóng bị sao chép, nhân bản và xác định quy luật nhờ có sự xuất hiện của trí thông minh nhân tạo (AI), của dữ liệu lớn (Big Data),.. thì giá trị của sản phẩm dịch vụ, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp ngày nay có xu hướng được quyết định nhiều hơn bởi các yếu tố phi vật chất như: văn hóa, tinh thần, cảm xúc, trải nghiệm,…

Trong nền kinh tế, các tổ chức và doanh nghiệp đều có những đặc trưng văn hóa hết sức đa dạng, bao trùm lên những phẩm chất và giá trị của mỗi cá nhân. Văn hóa doanh nghiệp (sau đây viết tắt là: VHDN) là một hệ thống các quan niệm, chuẩn mực, giá trị và quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, được tích lũy và xây dựng qua quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, định hướng suy nghĩ, hành động của mọi cá nhân trong tổ chức, tạo nên những đặc trưng riêng có giúp doanh nghiệp ghi tên mình trên thị trường, ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.

VHDN không chỉ là “trụ cột tinh thần” của tổ chức mà còn là “chất keo gắn kết” mọi thành viên, xóa nhòa sự khác biệt về tính cách, trình độ, hoàn cảnh của các cá nhân, tạo ra sự đồng lòng, nhất trí, sự thống nhất trong hành động, vươn tới những giá trị chung để chia sẻ, dung hòa trong một môi trường đồng nhất. Trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều bất ổn như: thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh,…VHDN trở thành một trong những điểm tựa vững vàng giúp doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi, phát triển. Trong thời đại ngày nay, VHDN ngày càng được quan tâm và đánh giá cao trong việc gia tăng sức mạnh của doanh nghiệp, trở thành nguồn lực quan trọng xây dựng và phát triển đất nước.

Vai trò của Văn hóa doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Một cách hình tượng, nếu coi cơ sở vật chất là “phần xác”, thì VHDN là “phần hồn” của doanh nghiệp, là tài sản vô hình, góp phần tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp. VHDN hình thành và phát triển song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp,VHDN thấm sâu vào niềm tin nên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức. Tầm quan trọng của VHDN phát huy mạnh mẽ khi nó giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi trong môi trường bên ngoài.

Tranh minh họa: VHDN là tài sản vô hình vô giá của Doanh nghiệp (Nguồn: Internet)

VHDN là môi trường tạo nên lý tưởng và sự đoàn kết của tổ chức, là tài sản vô giá đem lại sức mạnh cho doanh nghiệp trong cạnh tranh. Trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước, VHDN thể hiện những vai trò chủ yếu sau:

Thứ nhất, VHDN tạo môi trường cho hoạt động ổn định và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp với vai trò là tế bào của nền kinh tế.

VHDN là “chất keo” gắn kết các thành viên, thúc đẩy mối quan hệ tích cực, giao tiếp và tương tác hiệu quả trong doanh nghiệp, là yếu tố giúp mọi người giải quyết xung đột để hoà nhập cùng thực hiện định hướng của tổ chức. Do đó, VHDN giúp kiến tạo môi trường lành mạnh, tạo ra sự thống nhất chung trong ý chí và hành động, góp phần xây dựng doanh nghiệp hoạt động ổn định, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các thành tố của VHDN như: sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, tác phong làm việc, hệ thống các quy tắc ứng xử, quy trình quy định, hướng dẫn… được hình thành trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp sẽ tạo nên nền tảng cho mọi hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra tính kỷ luật, trật tự, có hệ thống trong nội bộ, định hướng người lao động đến các mục tiêu chung về doanh thu, thương hiệu, hình ảnh, trách nhiệm, cam kết … của doanh nghiệp.

Đó là những yếu tố giúp doanh nghiệp vận hành thuận lợi, quyết định uy tín trong kinh doanh và vị trí của doanh nghiệp trong cộng đồng xã hội. Như vậy, VHDN chính là tài sản vô hình quý giá, là môi trường tạo thế và lực cho doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Các doanh nghiệp phát triển bền vững chính là tiền đề xây dựng một nền kinh tế phồn thịnh.

Thứ hai, VHDN góp phần gia tăng sức mạnh của nền kinh tế nhờ vai trò tạo dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

Mỗi thương hiệu mạnh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường là kết quả của một quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh trong một môi trường chuyên nghiệp, tích cực, trách nhiệm. Thương hiệu ấy là sự hội tụ của: sản phẩm, dịch vụ, sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phong cách ứng xử với khách hàng, đối tác… vốn là những yếu tố cơ bản trong VHDN.

Xây dựng và quảng bá thương hiệu là chiến lược hết sức quan trọng trong kinh doanh, tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Thương hiệu không chỉ đơn giản là các hệ thống vật phẩm nhận diện như “Logo”, “Slogan”, bao bì, nhãn mác, … hay các phương tiện truyền thông như website, mạng xã hội mà thương hiệu còn phải chứa đựng tinh thần và khí chất của doanh nghiệp.

Hay nói cách khác: Văn hóa làm nên tính cách của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp được công chúng biết đến thông qua văn hóa của mình. Thật vậy, xây dựng Thương hiệu trên nền tảng văn hóa là cơ sở cho sự phát triển bền vững.Vì vậy, VHDN giúp cho các doanh nghiệp vươn tầm không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn trên trường quốc tế thông qua các thương hiệu mạnh. Từ đó, gia tăng sức mạnh của nền kinh tế.

Thứ ba, VHDN giúp củng cố lòng tin, mở rộng thị trường, tạo ra các mối quan hệ tích cực, hiệu quả và bền vững trong nền kinh tế.

Ngoài các yếu tố trực tiếp thuộc đặc tính của sản phẩm, dịch vụ, sự khác biệt giữa các doanh nghiệp còn đến từ VHDN thông qua quá trình tiếp xúc, giao dịch, phục vụ khách hàng và phối hợp với đối tác. Theo đó, những giá trị thuộc VHDN như: tinh thần trách nhiệm, ý thức giữ gìn cam kết, sự tôn trọng lẫn nhau, những trải nghiệm riêng có trong giao tiếp ứng xử và phục vụ khách hàng là những yếu tố tích cực đem lại sự hài lòng, tin tưởng dẫn đến sự hợp tác lâu dài, gắn bó của bạn hàng và người tiêu dùng với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và nguồn khách.
Trên góc độ kinh tế, uy tín của các doanh nghiệp còn phản ánh tính liêm chính của một nền kinh tế – Một nhân tố quan trọng trong môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.

Thứ tư, VHDN lành mạnh giúp tạo động lực, khơi dậy tính sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và gia tăng sức mạnh của nền kinh tế.

Trong điều kiện nguồn lực vật chất có giới hạn, động lực tinh thần chính là đòn bẩy đưa doanh nghiệp đến những giải pháp mới, những ý tưởng sáng tạo để vượt lên trên những thách thức, trở ngại. Môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, tích cực là những yếu tố quan trọng để khơi nguồn các ý tưởng sáng tạo. Ở đó, các cá nhân được khuyến khích nói lên ý kiến, những tranh luận phản biện được quan tâm, tôn trọng, các sáng kiến, ý tưởng được ủng hộ, thúc đẩy; kết quả làm việc và những đóng góp được ghi nhận công bằng và đãi ngộ xứng đáng…

Tất cả những điều đó tạo động lực làm việc cho người lao động, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo. Trong môi trường kinh doanh hiện đại ngày nay, ý tưởng sáng tạo chính là nguồn lực quan trọng giúp doanh nghiệp vượt ra khỏi những lối mòn trong kinh doanh để gia tăng sức cạnh tranh và bứt phá các giới hạn, giúp nền kinh tế đất nước bắt kịp đà phát triển và đón đầu xu hướng, hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Thứ năm, VHDN tốt là môi trường thu hút nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Không chỉ giúp thu hút nhân tài thông qua hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp, VHDN chính là dung môi truyền cảm hứng, niềm tự hào và nuôi dưỡng lòng trung thành của người lao động đối với doanh nghiệp. VHDN tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, nơi mọi cá nhân có cơ hội và được tạo động lực cống hiến, phát huy năng lực sở trường và khai thác tối đa tiềm năng.

VHDN tốt làm cho người lao động cảm thấy được tôn trọng, mang lại cơ hội thăng tiến, cơ hội đào tạo và cơ hội được nâng tầm năng lực và thương hiệu của mỗi cá nhân, tạo nên tác phong làm việc tích cực, tự giác, năng động, giúp gia tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công việc. Từ đó, tạo nên sự gắn bó lâu dài của người lao động với doanh nghiệp, không chỉ trong công việc mà còn gắn bó với môi trường sinh hoạt, nghỉ ngơi và đãi ngộ mà doanh nghiệp xây dựng, trở thành bí quyết để doanh nghiệp giữ được nhân tài vượt lên trên những giá trị vật chất đơn thuần như tiền lương, tiền thưởng.

VHDN chuẩn mực và đậm đà bản sắc còn có tác dụng hướng người lao động tới những lý tưởng tốt đẹp, hành động tích cực, tạo động lực cống hiến vì tổ chức, vì quốc gia, dân tộc. Vì vậy, VHDN tốt không chỉ có tác dụng giữ nhân tài cho bản thân doanh nghiệp mà còn tạo môi trường hoạt động đầy khích lệ để nhân tài có thể đóng góp sức mình cho quê hương đất nước, giảm thiểu hiện tượng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài.

Như vậy, có thể nói VHDN ngày càng thể hiện được tầm quan trọng, đặc biệt trong việc tạo ra thế và lực của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Vì vậy, xây dựng VHDN được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp và các đoàn thể.

Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng VHDN; làm rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và sự tham gia của người lao động trong xây dựng VHDN; động viên toàn thể các tổ chức và người lao động trong doanh nghiệp đồng lòng thực hiện tốt VHDN, phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, có trách nhiệm, hướng đến xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn thịnh, hùng cường.

(Còn tiếp)

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.