Kỷ niệm 49 năm Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, Mỹ buộc phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Song, chúng không từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam, tiếp tục viện trợ, tạo điều kiện cho chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định Paris.
Mỹ ra sức xây dựng quân đội ngụy Sài Gòn thành một đội quân tay sai “mạnh nhất ở Đông Nam Á”, với số quân trên 1,1 triệu tên, 1.850 máy bay các loại, 1.588 khẩu pháo, 2.074 xe tăng, 1.611 tàu chiến và hàng triệu tấn vật tư chiến tranh. Chúng liên tiếp đưa ra nhiều kế hoạch chiến tranh với mục tiêu trong 3 năm, chiếm hết tất cả các vùng giải phóng và đặt toàn bộ miền Nam dưới quyền kiểm soát của chúng.

Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Ảnh: ST)

Sau Hiệp định Paris, Lực lượng vũ trang cách mạng đang đứng vững trên các địa bàn chiến lược quan trọng. Uy tín của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Tháng 7-1973. Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: Đoàn kết toàn dân, đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao một cách chủ động, linh hoạt, tuỳ theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp ba mặt đấu tranh buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam, đồng thời chuẩn bị khả năng tiến lên phản công để giành thắng lợi hoàn toàn”. Nghị quyết nhấn mạnh: bất kể trong tình huống nào con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam cũng là con đường bạo lực, do đó phải nắm vững chiến lược tiến công.

Quân giải phóng truy kích địch tại Cảng Cửa Việt năm 1973 (Ảnh: ST)
Trong hai năm 1973 – 1974, quân và dân miền Nam đã đánh bại hầu hết các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đẩy địch vào thế phòng ngự bị động, phải co về giữ các vùng đô thị và đường giao thông quan trọng. Cuối năm 1974, tình hình đã có những chuyển biến căn bản. Những điều kiện cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam đang chín muồi. Trước tình hình mới, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp tháng 10.1974 và tháng 1.1975 quyết định mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, và dự kiến nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Tấn công, đánh chiếm trại Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên, tháng 3- 1975. (Ảnh: ST)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giành được thắng lợi vang dội đầu tiên bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ 09.3.975 đến 24.3.1975). Mở đầu chiến dịch này là cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột (11.3.1975). Bị choáng váng và sau khi các cuộc điều quân phản kích hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột đều bị đánh bại, ngày 14.3.1975, Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu ngụy đã hốt hoảng đi tới quyết định rút khỏi các tỉnh Plâycu, Kon Tum. Cuộc rút quân của địch đã biến thành cuộc tháo chạy hỗn loạn. Đến ngày 24.3.1975, vùng chiến lược Tây Nguyên rộng lớn với hơn 60 vạn đồng bào các dân tộc đã được giải phóng, 12 vạn quân địch đã bị tiêu diệt.

Quân giải phóng tiến vào cổng Ngọ Môn Huế (Ảnh: VOV)

Từ lúc chiến dịch Tây Nguyên mở đầu, quân và dân Trị-Thiên đã phối hợp hoạt động mạnh, tiến công và nổi dậy ở nhiều nơi. Ngày 19.3.1975 toàn bộ tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Tiếp đó, quân và dân Thừa Thiên – Huế đã hình thành thế bao vây Huế bằng nhiều mũi và khống chế chặn đường rút chạy ra biển và vào Đà Nẵng. Ngày 24.3, Tam Kỳ và Quảng Ngãi được giải phóng. Ngày 26.3.1975, các lực lượng vũ trang nhân dân đã tiến hành hợp vây và cùng với đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng nổi dậy tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Thừa Thiên – Huế gồm 4 vạn tên địch, làm chủ thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: VOV)
Ngày 28.3.1975, pháo binh quân giải phóng mở đầu cuộc tấn công giải phóng Đà Nẵng bằng đòn tập kích hoả lực mãnh liệt vào các vị trí quân sự địch trong thành phố và bán đảo Sơn Trà. Từ các hướng bắc, tây bắc, tây nam và đông nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu đã ào ạt tiến vào trung tâm thành phố. Cuộc tiến công Đà Nẵng của các binh đoàn chủ lực, kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy đúng lúc kịp thời đã kết thúc, giành thắng lợi rực rỡ, giải phóng Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn quân địch, trong đó có cơ quan Bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy, đập nát căn cứ liên hợp quân sự mạnh nhất của địch ở miền Trung.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: ST)
Ngày 31.3.1975, Bộ Chính trị đã họp nhận định: Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Cần có quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng tư năm 1975. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn do một tập thể các ủy viên Bộ Chính trị tại chiến trường lãnh đạo, chỉ đạo. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng, trực tiếp làm Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Trước đó, ngày 25.3.1975, Hội đồng chi viện chiến trường đã được thành lập, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Bộ Chính trị cũng đã quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bộ binh và xe tăng quân Giải phóng tiến công thị xã Xuân Lộc, mở toang cánh cửa tiến về Sài Gòn. (Ảnh: ST)
Từ đầu tháng 4.1975, các binh đoàn chủ lực trên đường hành quân tiến về Sài Gòn đã đánh địch, giải phóng Phan Rang, Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc, đánh chiếm Bà Rịa. Ngày 26.4.1975, cuộc tiến công lớn vào Sài Gòn bắt đầu. Từ khắp các hướng, năm cánh quân lớn phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương và được sự giúp sức của quần chúng nổi dậy, nhất loạt tấn công địch với sức mạnh vũ bão. Từ ngày 26 đến ngày 28.4, một bộ phận quan trọng lực lượng địch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài bị tiêu diệt. Các binh đoàn chủ lực của quân giải phóng xiết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh độc lập. (Ảnh: ST)

Vào lúc 17 giờ ngày 26.4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30.4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của chính quyền Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28.4 đã phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đúng 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, lá cờ cách mạng được cắm trên nóc Dinh Độc lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Lễ mừng thắng lợi 30-4-1975 tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: ST)
Trên đà chiến thắng, từ ngày 30.4.1975, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, lần lượt giải phóng các tỉnh còn lại. Ngày 1.5.1975, toàn bộ lãnh thổ đất liền miền Nam đã được giải phóng.

Bộ đội đặc công giải phóng đảo Trường Sa năm 1975. (Ảnh: ST)
Cùng với các tỉnh ở đất liền, ngày 30.4.1975, các chiến sĩ yêu nước bị địch giam giữ ở đảo Côn Sơn nổi dậy làm chủ hoàn toàn đảo này. Ngày 2.5.1975, quân giải phóng phối hợp cùng nhân dân tiến công và nổi dậy, giành quyền làm chủ hoàn toàn đảo Phú Quốc. Trước đó, từ những ngày đầu tháng 4.1975, quân và dân miền Nam đã giải phóng một loạt các đảo ở dọc bờ biển. Ngày 14.4, Quân khu 5 phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ.

Tổ bay Li-2 trực chiến tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy 1975. (Ảnh: ST)
Tham gia vào Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, có đóng góp của các đơn vị thuộc TCT Hàng không Việt Nam. Trong quá trình chuẩn bị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, các máy bay vận tải của Lữ đoàn 919 (nay là Đoàn bay 919) đã thực hiện 163 chuyến bay, cơ động 4.250 cán bộ chiến sĩ, vận chuyển 120,7 tấn vũ khí, phương tiện kỹ thuật (trong đó có 48 tấn đạn pháo cho xe tăng), bản đồ thành phố Sài Gòn, nhiều cờ, biểu ngữ, truyền đơn, thuốc men…, đáp ứng cho nhu cầu cấp bách của chiến dịch. Cán bộ, chiến sỹ C22 (đơn vị tiền thân của Công ty TNHH MTV nhiên liệu Hàng không Việt Nam) trong điều kiện khó khăn đã thực hiện việc vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản, tra nạp xăng dầu cho các chuyến bay chuyên chở bộ đội, đạn dược, hàng hóa theo yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường và thực hiện nhiệm vụ tra nạp tại các sân bay mới giải phóng, trực tiếp phục vụ cho Chiến dịch.

TCT thực hiện nghi thức chào cờ hằng tháng. (Ảnh VNA)
Kỷ niệm 49 năm, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị và những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Phát huy ý chí “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của quân và dân ta trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, cán bộ, người lao động TCT Hàng không Việt Nam nguyện phát huy, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của TCT, của các thế hệ đi trước, nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực cố gắng vượt khó, chủ động sáng tạo lao động với năng xuất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, đẩy mạnh hoạt động SXKD, xây dựng TCT hàng không Việt Nam phát triển bền vững, xứng đáng vị thế là Hãng Hàng không Quốc gia, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước dân giầu, nước mạnh, dân chủ công bằng và văn minh.
Ban TGĐU
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.