Đảng ủy TCT tổ chức Hành trình về nguồn năm 2023 – Tình đất đỏ Miền Đông

Trong 2 ngày 21-22/10, Đảng ủy TCT đã tổ chức chương trình mang tên “Hành trình về nguồn năm 2023 – Tình đất đỏ Miền Đông”, với mục tiêu ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc, giáo dục cho cán bộ, đảng viên tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của Đảng và của dân tộc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Tham gia Đoàn về nguồn có đồng chí Đặng Ngọc Hòa – Bí thư Đảng ủy TCT, Chủ tịch HĐQT làm Trưởng đoàn; đồng chí Lê Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy TCT – TGĐ; đồng chí Tạ Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy TCT – Thành viên HĐQT; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ TCT; các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc TCT và đại diện cấp ủy Đảng, đại diện lãnh đạo các CQĐV, công ty thuộc VNA.

Đồng chí Đặng Ngọc Hòa – Bí thư Đảng ủy TCT, Chủ tịch HĐQT làm trưởng đoàn Hành trình về nguồn năm 2023. (Ảnh: Thế Dự)

Đồng chí Lê Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy TCT – TGĐ và đồng chí Tạ Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy TCT – Ủy viên HĐQT dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ. (Ảnh: Thế Dự)

Trong ngày đầu tiên của hành trình, Đoàn đã đến thăm di tích Chiến khu Đ, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Khu căn cứ Chiến khu Đ có 03 di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận: Địa đạo Suối Linh, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông Nam bộ, có diện tích 39,8 ha trải dài từ địa phận huyện Tân Uyên (Bình Dương) và các xã Mã Đà, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Chiến khu Đ là mật danh chỉ tổng hành dinh của Khu 7, nằm trong hệ thống các khu vực của khu tính theo thứ tự bảng chữ cái (A: Căn cứ giao thông liên lạc, B: Căn cứ hậu cần, C: Khu bộ đội thường trực). Về sau, mật danh Đ được dùng để chỉ luôn cả chiến khu rộng lớn. Ngoài ra, còn có một số cách lý giải khác: Đ mang ý nghĩa là “đỏ”, ý chỉ vùng chiến khu cách mạng kiên cường, một “địa chỉ đỏ” của cả nước; Đ là chữ cái đầu của địa danh Đất Cuốc – nơi bộ đội Huỳnh Văn Nghệ xây dựng cứ điểm đầu tiên; Đ là chữ viết tắt của chiến khu Đồng Nai, chiến khu miền Đông, chiến khu đầu tiên…

Chiến khu Đ được xem như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan chỉ huy quân sự thuộc nhiều huyện, tỉnh lân cận và cả Khu 7, Phân liên khu miền Đông và Nam bộ.

Chiến khu Đ được xem như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. (Ảnh: Thế Dự)

Đây là nơi ra đời các đơn vị vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến, như: Chi đội 1, Chi đội 10, Trung đoàn 301, Trung đoàn 310, Liên trung đoàn 301 – 310, Tiểu đoàn chủ lực 303, Tiểu đoàn vận tải 320… Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Chiến khu Đ là nơi xây dựng, đứng chân các cơ quan lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang từ huyện, tỉnh, liên tỉnh, quân khu đến Trung ương Cục.

Tại đây đã ra đời lối đánh đặc công, khởi đầu là trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ở Tân Uyên ngày 19/3/1948, để từ đó hình thành bộ đội đặc công, phát triển lối đánh đặc công ra cả nước. Chiến khu Đ còn là nơi gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân miền Đông Nam bộ, trong đó có những trận đánh tiêu biểu, như: Trận Bảo Chánh (5/1947), Trảng Táo (6/1947), Bảo Chánh 2 (6/1947), Bàu Cá (7/1947), Đồng Xoài (12/1947), La Ngà (3/1948), trận tấn công tiểu khu Phước Thành (9/1961), trận pháo kích vào sân bay Biên Hòa (10/1964)…

Đặc biệt, đây là điểm xuất phát chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 9 đến 21/4/1975) giải phóng thị xã Long Khánh, đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc – tuyến phòng ngự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tồn tại gần 30 năm (1946-1975), Chiến khu Đ là một dấu son trong trang sử oai hùng của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Trong hành trình tri ân đầy ý nghĩa này, Đoàn đã dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ tại nhà tưởng niệm khu di tích Chiến khu Đ và nghe thuyết trình về lịch sử truyền thống. (Ảnh: Thế Dự)

Trong hành trình tri ân đầy ý nghĩa này, Đoàn đã dâng hoa, dâng hương viếng các anh hùng, liệt sĩ tại nhà tưởng niệm khu di tích Chiến khu Đ và nghe thuyết trình về lịch sử truyền thống. Tại nhà tưởng niệm, trước anh linh các anh hùng liệt sĩ đã sống và chiến đấu tại chiến khu, trong ngôi nhà đặt hai dãy tượng ghi tên 14 Cán bộ đã từng sống và lãnh đạo phong trào cách mạng của Khu ủy miền Đông, Trung ương Cục miền Nam chiến đấu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; trong đó nhiều người đã hy sinh tại chiến khu Đ và chiến trường miền Đông.

Đoàn về nguồn chụp hình lưu niệm tại di tích Trung ương Cục miền Nam. (Ảnh: Thế Dự)

Tiếp nối chương trình, vào ngày thứ hai của Hành trình về nguồn, Đoàn đã tới thăm Khu di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi. Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng tây bắc, Địa đạo Củ Chi là một “kỳ quan” đánh giặc độc đáo có một không hai trong lòng đất.

Trong suốt chiều dài của lịch sử hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, địa đạo này vừa là căn cứ địa của Khu ủy Quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn – Gia Định, của Huyện ủy Củ Chi. Thế trận đánh giặc dưới lòng đất nơi đây đã làm nên những kỳ tích lớn lao, tích cực góp phần vào công cuộc chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này làm bàn đạp để tấn công vào Sài Gòn, hang ổ của quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai.

Với những chiến tích lẫy lừng, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam, là chứng tích ghi lại một thời chiến tranh khốc liệt và hào hùng của dân tộc ta. Đến với nơi này, du khách được trải nghiệm thực tế như hòa vào những thời khắc lịch sử của thời chiến tranh, góp phần hun đúc truyền thống cách mạng của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đền ghi danh hơn 44.700 Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định. (Ảnh: Thế Dự)

Đến với Củ Chi hôm nay, ngoài tham quan hệ thống địa đạo, Đoàn đã thành kính dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. Hiện nay, trong đền ghi danh hơn 44.700 Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định.

Tại địa danh “Đất thép thành đồng”, các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tình yêu Tổ quốc, sự hy sinh anh dũng và lý tưởng sống cao đẹp của các chiến sỹ trở thành tấm gương sáng ngời cho thế hệ hôm nay phấn đấu học tập và noi theo. Với khí phách hiên ngang, một trái tim quả cảm, các chiến sỹ đã làm cho kẻ thù phải khiếp đảm và kính phục.

Hành trình về nguồn là dịp để cán bộ, đảng viên TCT hiểu thêm về sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, tham gia có hiệu quả trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. (Ảnh: Thế Dự)

Thay mặt đoàn, Đồng chí Đặng Ngọc Hòa – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT TCT đã gửi lời tri ân, lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp, cống hiến to lớn của các thế hệ đi trước để ngày nay, chúng ta được sống, làm việc trong  hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

Với những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, hành trình về nguồn là dịp để cán bộ, đảng viên TCT hiểu thêm về sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, tham gia có hiệu quả trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; đồng thời, nỗ lực cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ SXKD, góp phần vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của TCT.

Đặc biệt trong bối cảnh ngành hàng không nói chung, TCT nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa, tích cực chủ động hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, noi gương các thế hệ ông cha, học tập tinh thần, ý chí không ngại khó khăn, gian khổ, dám đương đầu và vượt qua thử thách để xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ đi trước.

Các thành viên trong đoàn cùng chụp ảnh lưu niệm trước Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. (Ảnh: Thế Dự)

Chuyến Hành trình về nguồn năm 2023 – Tình đất đỏ Miền Đông” đã góp phần hun đúc lòng yêu nước của mỗi thành viên trong đoàn; tự hào và yêu mến quê hương đất nước. Thông qua hoạt động tại Hành trình về nguồn, các thành viên trong đoàn thêm gắn kết, chia sẻ các khó khăn trong công việc, cùng nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công chung của TCTHKVN.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.