[3/2] Tự phê bình và phê bình: Vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng thực hiện “trung thực và tự phê bình”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Người đời không phải thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm”

Năm 1945, ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công, đối mặt nhiều khó khăn, khi chỉ mới giành chính quyền được vài tháng, trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bức thư tự phê bình hết sức cảm động gửi đồng bào cả nước, bức thư thể hiện rõ tinh thần trung thực thẳng thắn tự phê bình của Bác, trong đó có đoạn viết: “Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm được việc gì đáng kể cho nhân dân… Chính phủ ra sức chỉnh đốn song nhiều nơi chính trị vẫn chưa vào nề nếp… Có thể đổ cho rằng những khuyết điểm đó vì thời gian còn ngắn ngủi, vì nước ta còn mới, hoặc vì lẽ này, lẽ khác…Nhưng không, tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi. Người đời không phải thần thánh, không ai tránh khỏi khuyết điểm”. 

Bác đã từng nói “Bác cũng có khuyết điểm, Bác khuyên thanh niên các cháu học Bác điều gì thì tùy các cháu, nhưng theo Bác có hai điều các cháu đừng học: Một là hút thuốc lá; hai là Bác không lấy vợ, các cháu không thế được…”.

Đúng là  “nhân vô thập toàn”, đã là con người, không ai tránh khỏi khuyết điểm, nhưng không phải là anh có khuyết điểm, tôi cũng có khuyết điểm để dẫn đến tâm lý cào bằng, như nhau. Bác đã thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của bản thân và chính phủ do mình đứng đầu để khẳng định chỉ có một con đường là khắc phục những khuyết điểm trước hết là phải nhìn thẳng vào những khuyết điểm đó.

alt text
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc

Tháng 10-1947, Bác đã cho ra đời tập sách “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó một trong những nội dung cốt lõi quan trọng là “trung thực và tự phê bình”. Cuốn sách đã trở thành một cẩm nang gối đầu giường của đông đảo của cán bộ, đảng viên, là những lời chỉ dẫn cụ thể cán bộ đảng viên về phương pháp lãnh đạo và tác phong công tác của người chiến sĩ cách mạng. Bác nghiêm khắc đòi hỏi từng tổ chức, từng người: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế Đảng mới nhanh chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”.

Như vậy, Bác đã nêu rõ quan điểm của mình, muốn trung thực thì phải trung thực với bản thân mình trước khi đòi hỏi người khác cũng phải trung thực với mình. Muốn phê bình thì phải thực hiện tự phê bình mình trước. Tâm lý chung là ai cũng thích được khen, không thích bị chê, chẳng ai muốn tự mình vạch áo cho người xem lưng. Thế nhưng Đảng viên phải là người thực hiện “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nếu Đảng viên không thực hiện trung thực và thẳng thắn tự phê bình, tự biến mình thành tấm gương thì không thể thực hiện “phê bình” người khác được.

Mặt khác, việc tự phê bình, hay phê bình cũng phải mang tính chất xây dựng, ngay chương 1 của cuốn “Sửa đổi lối làm việc” Bác đã đặt tên “Phê bình và sửa chữa”, nghĩa là phê bình phải đi đôi với sửa chữa. Tôi nhận thấy chỉ có thể tự phê bình khi trung thực với bản thân mình, qua đó mới có thể đánh giá bản thân mình đúng hay sai, và từ đó mới có thái độ thẳng thắn tự phê bình và sửa chữa những khuyết điểm của bản thân.

alt text
Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc 1957 – Tổng kết rút kinh nghiệm sau Cải cách ruộng đất

Tự phê bình và phê bình là vấn đề tất yếu của cuộc sống, là quy luật trưởng thành của Đảng

Ngay từ năm 1951, trên Báo Nhân Dân số 9, ngày 20-5-1951 trong bài “Tự phê bình”, Bác viết: “Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lí. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm”. “Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích”.  Bác lại nói chỉ có hai loại người sẽ không có khuyết điểm hoặc sẽ không còn khuyết điểm nữa đó là trẻ em còn nằm trong bụng mẹ và người đã nằm trong áo quan. Chứ còn đã sống, đã làm việc thì vẫn còn khuyết điểm. Những lời dạy của Bác, khi ân cần, khi nghiêm khắc nhưng vẫn chứa chan tình yêu thương, lòng khoan dung, độ lượng, toát lên bản chất nhân văn trong con người Hồ Chí Minh.

Trong di chúc để lại cho Đảng, cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Vậy làm thế nào để Đảng ta có được điều đó? Bác đã chỉ ra : “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình đã trở thành một nguyên tắc không thể thiếu trong phong cách lãnh đạo của Người. Dù ở cương vị lãnh đạo cao nhất, Người vẫn thực hành tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, nêu tấm gương sáng về đức tính trung thực, thẳng thắn, về thái độ và phương pháp  phê bình cho cán bộ, đảng viên noi theo.

Chúng ta vẫn thường xuyên nói “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “tự phê và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng gần như ai cũng thấy đó là điều không dễ. Rất nhiều người khi thực hiện tự phê bình luôn luôn bị ám ảnh bởi một sự lo sợ không khéo sẽ là: “Lạy ông tôi ở bụi này”… Thực ra theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì tự phê bình và phê bình là vấn đề tất yếu của cuộc sống, là quy luật trưởng thành của Đảng.

Con người sinh ra ai cũng có bản tính lương thiện. Quá trình lớn lên, trải qua các ứng xử với tự nhiên, xã hội hình thành nhân cách, cá tính khác nhau. Trong Đảng cũng vậy: “Đảng ta không phải ông thánh và cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó ở trong xã hội mà ra”. Vượt qua những giới hạn cụ thể, con người có thể trở thành anh hùng hoặc bộc lộ những yếu kém khuyết điểm. Khuyết điểm càng lâu càng bám vào cơ thể như bụi bẩn hàng ngày. Bởi thế theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tự phê bình để nhận rõ và gạt đi những bụi bẩn cũng “như công việc tắm gội, rửa mặt hàng ngày” không thể thiếu được.

Hoạt động trong điều kiện càng nhiều khó khăn, đòi hỏi thử thách càng lớn, càng làm cho con người dễ sinh ra khuyết điểm. Cha đẻ của mọi thứ khuyết điểm là chủ nghĩa cá nhân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Bệnh tham lam, lười biếng, ba hoa, bè phái, địa phương chủ nghĩa, ham danh vị, quân phiệt, quan liêu, xa rời quần chúng, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa …. đều từ đó mà ra. Để điều trị các chứng bệnh ấy không có thuốc đặc hiệu nào hơn là tự phê bình và phê bình.

Tuy nhiên trong thực tế theo Chủ tịch Hồ Chí Minh tự phê bình và phê bình là một việc làm không dễ. Tự phê bình và phê bình  là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân, tổ chức. Tâm lý của con người là thích được khen hơn bị chê. Mọi người dễ cho rằng tự nói ra khuyết điểm, tự nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình. Bởi vậy phê bình đã khó, tự phê bình càng khó khăn hơn.

alt text
Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày diễn văn khai mạc Đại hội Đảng lần thứ III tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 5/9/1960. (Ảnh tư liệu)

“Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cấp cao phải noi gương trước”

Để sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình trong Đảng một cách có hiệu quả, theo chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết phải nhận thức đúng vấn đề. Theo Người: “Nhân vô thập toàn” nghĩa là con người thì ai cũng khó tránh khỏi sai lầm khuyết điểm; càng đảm nhiệm nhiều công việc thì càng dễ có sai lầm khuyết điểm nhiều hơn. Điều quan trọng là ở chổ có có dám tìm ra khuyết điểm để sữa chữa hay không.

Bác luôn nhấn mạnh, tự phê bình và phê bình phải được thực hiện dân chủ, công khai. Bác cho rằng, muốn tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả thì yếu tố quan trọng là tạo không khí dân chủ, càng dân chủ thì càng có nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Mình từng dạy: “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả, cán bộ các cấp, nhất là cấp cao phải noi gương trước”.

Theo Người, cấp trên gương mẫu tự phê bình và phê bình nghiêm túc sẽ có tác dụng tích cực lôi cuốn cán bộ và quần chúng nhân dân học tập, làm theo. Ngược lại, cấp trên không gương mẫu, không nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thì cán bộ cấp dưới và quần chúng nhân dân “dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình”.  Với người lãnh đạo, Bác căn dặn: “Muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không có gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ”.

Bác luôn nhấn mạnh tự phê bình và phê bình phải được tiến hành một cách thường xuyên như ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”, chứ không phải chờ “có việc” mới tiến hành tự phê bình và phê bình. Làm được như vậy, theo Người: các sai lầm, khuyết điểm sẽ được rửa sạch ngay khi nó mới phôi thai. Còn “nếu để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng  hoá thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng”, như thế là không thực hiện đúng mục đích của tự phê bình và phê bình, không vì sự tiến bộ mà còn mất dần cán bộ. Ở đây, chúng ta lại thấy tư tưởng tự phê bình và phê bình của Bác mang ý nghĩa phòng ngừa, chủ động phát hiện, sửa chữa khuyết điểm ngay từ khi mới hình thành, không để khuyết điểm nhỏ trở thành khuyết điểm lớn, và điều quan trọng là bảo vệ và phát triển được cán bộ.

Mục đích của tự phê bình và phê bình được Bác chỉ rõ: “Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”, “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”. Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng của Bác là để thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, tránh cho con người không rơi vào cái “tôi” vị kỷ, thấp hèn, đố kỵ, nhỏ nhen.

Thông qua tự phê bình và phê bình mà mỗi cá nhân ngày càng hoàn thiện, tạo ra sức mạnh nội sinh trong mỗi con người; mọi sự kìm nén, ức chế được giải toả, luồng sinh khí mới sẽ sưởi ấm “cái tâm” của mỗi người, để họ không ngừng phấn đấu vươn lên. Về bản chất tự phê bình và phê bình là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình cảm và lý trí, giữa cái riêng và cái chung; là sự đấu tranh giữa mặt tốt và mặt xấu, giữa cao cả và thấp hèn… trong mỗi con người, mỗi tổ chức cho đến toàn xã hội, từ đó hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ.

Trung thực, tự phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong những phương pháp tốt nhất để mỗi người tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Xét cho cùng, đó cũng là phương thức cơ bản giải phóng mọi tiềm năng của con người, để con người đạt tới sự hoàn mỹ, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp. Tìm hiểu những giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, chúng ta thấy ở Bác một biểu tượng cao đẹp về tấm lòng nhân hậu, tình cảm chan chứa yêu thương con người; một mẫu mực tuyệt vời về cách đối nhân xử thế của một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng.

Học tập và làm theo tấm gương trung thực, tự phê bình của Bác sẽ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên củng cố thêm niềm tin, tăng thêm dũng khí để thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Xin chốt bài viết này bằng một câu trích dẫn của trong tác phẩm của Bác: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Ban KHPT

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.