[19/5] Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và của thời đại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm đối với con dân Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đạo đức cách mạng của chủ nghĩa Mác Lênin và những tinh hoa văn hóa, đạo đức của nhân loại, trên cơ sở truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta di sản quý báu trong đó có tư tưởng đạo đức của Người. Đó là một hệ thống các quan điểm về vai trò của đạo đức, những phẩm chất đạo đức cơ bản, đạo đức cách mạng và những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới.

* Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng:

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là cội nguồn của người cách mạng. Do đó, bồi dưỡng đạo đức cách mạng gắn liền với chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chủ tịch cũng đưa ra các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng là tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời, nói và làm đi đôi, nêu gương đạo đức cách mạng, xây dựng đạo đức mới đi liền với chống đạo đức lạc hậu.

Một là, đạo đức là cái gốc của người cách mạng.

Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, vì người làm cách mạng phải có đạo đức mới thu phục được lòng người, lãnh đạo được mọi người, nhờ đó mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang và khó khăn. Nếu không có đạo đức cách mạng sẽ đơn độc và không làm được gì: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”

Hai là, đạo đức là tiêu chuẩn hàng đầu của người lãnh đạo trong điều kiện đảng cầm quyền.

Đạo đức cách mạng quyết định đến sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Từ xưa, ở phương Đông và Việt Nam, cả Nho, Phật, Lão đều coi trọng đạo đức, đều nêu cao lý tưởng vua sáng, tôi hiền, nghĩa là nêu cao tấm gương đạo đức của người cầm quyền. Đối với nhân dân, niềm tin về chính trị gắn liền với niềm tin về đạo đức của người lãnh đạo, do đó sự nêu gương đạo đức ở người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là ở người lãnh đạo giữ một vai trò vô cùng quan trọng; một khi quần chúng đã mất niềm tin vào đạo đức của người cầm quyền thì niềm tin chính trị của họ cũng không còn.

Ba là, đạo đức là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Người đã nêu lên quan điểm này khi nói đến tấm gương đạo đức của Lênin: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy đã ảnh hưởng lớn lao đến các dân tộc Châu Á và đã khiến trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi”.

alt text
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là cội nguồn của người cách mạng. Do đó, bồi dưỡng đạo đức cách mạng gắn liền với chống chủ nghĩa cá nhân.

Như vậy, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản không phải ở lý tưởng cao xa nào mà trước hết, cụ thể và trực tiếp là ở những người cộng sản ưu tú, bằng tấm gương sống và hành động của mình, chiến đấu cho lý tưởng đó trở thành hiện thực. Cũng như Lênin, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chẳng những có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với toàn thể nhân dân Việt Nam mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới. Nhờ biết nêu cao và phát huy giá trị, tác dụng của đạo đức theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà cách mạng, kháng chiến chống Pháp, Mỹ của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rực rỡ. Ngày nay, nếu chúng ta để những giá trị đó bị suy yếu hoặc mất đi thì sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội, của đảng cộng sản cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Từ đó, Người nêu ra những chuẩn mực đạo đức cách mạng:

Một là, Trung với nước, hiếu với dân: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết; kính trọng, lễ phép với nhân dân, luôn chăm lo đời sống của nhân dân.

Hai là, Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: cần (lao động cần cù, không ỷ lại); kiệm (sống tiết kiệm, “không xa sỉ, không hoang phí, không bừa bãi”); liêm (tôn trọng giữ gìn của công, trong sạch, không tham lam đại vị, tiền của, không đục khoét, nhũng nhiễu nhân dân); chính (thẳng thắn, không tự cao, tự đại, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, không dối trá, lừa lọc,..); chí công vô tư ( làm việc công tâm, công tư phân minh).

Ba là, Yêu thương con người, sống có tình nghĩa: Tình yêu thương là tình cảm rộng lớn, trước hết dành cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức bóc lột. Tình yêu thương đó được thể hiện ở Hồ Chí Minh bằng ham muốn tột bậc là làm cho nước được độc lập, dân được tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.  Trong Di chúc, Người căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Bốn là, Có tinh thần quốc tế trong sáng: Nội dung của tinh thần quốc tế trong sáng là sự tôn trọng và thương yêu tất cả các dân tộc, nhân dân các nước, chống sự hằn thù, bất bình đẳng dân tộc và sự phân biệt chủng tộc. Đoàn kết quốc tế vì mục tiêu hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng cần phải đảm bảo đúng nguyên tắc: “nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức”; “xây đi đôi với chống”; “phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”.

alt text
Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng không những là một đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng mà còn góp phần quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

* Liên hệ công tác đối với Phòng An ninh hàng không:

Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng không những là một đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng mà còn góp phần quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dưới tác động của nhiều yếu tố: sự cám dỗ của lợi ích vật chất, mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, sự kiểm tra, giám sát của tổ chức chưa chặt chẽ, việc tự rèn luyện kém… làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…. Chính vì vậy, việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên càng cần được coi trọng hơn bao giờ hết.

Căn cứ vào Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hàng năm Chi bộ Phòng ANHK đã tổ chức quán triệt nội dung các chỉ thị, kế hoạch trên đến toàn thể đảng viên trong Chi bộ; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện gắn với việc tổ chức quán triệt, học tập thảo luận chuyên đề hàng quý, hàng năm của Chi bộ.

Thường xuyên cử cán bộ, đảng viên trong Chi bộ tham dự các lớp học tập nghị quyết do Đảng ủy TCT tổ chức; tổ chức báo cáo tại cơ quan, chi bộ nhằm truyền đạt đầy đủ các nội dung, chủ đề từng quý theo kế hoạch đề ra. Năm 2021, Chi bộ đã hướng dẫn đảng viên trong Chi bộ tiếp tục duy trì, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trên cơ sở phát huy những mặt tích cực và đưa ra các các giải pháp cụ thể nhằm hạn chế những tồn tại, hạn chế năm trước. Qua việc tổ chức quán triệt đã triển khai đầy đủ, kịp thời giúp cán bộ, đảng viên, người lao động trong cơ quan hiểu và thống nhất về tư tưởng và hành động, thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Ngoài ra, Chi bộ đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng viên xây dựng nội dung cam kết thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn, với chức trách nhiệm vụ được giao. Theo đó, hàng tháng trong sinh hoạt Chi bộ định kỳ đều có nội dung đánh giá việc học tập, làm theo và có ít nhất có một cán bộ, đảng viên báo cáo tự đánh giá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hiện nay, sự nghiệp đổi mới của đất nước đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên làm sâu sắc thêm những tiêu cực của xã hội đã và đang là trở ngại cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, việc tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng đang trở thành việc làm thường xuyên, cần thiết đối với TCT. Để làm được điều đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo thành phong trào chính trị rộng lớn, nói phải đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức gắn với nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp.

Phòng An ninh hàng không

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.