[19/5] Nguyễn Tất Thành với bông Huệ trắng thủa thiếu thời

Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một hình tượng lớn của văn học nghệ thuật với một thời niên thiếu ở làng Chùa quê ngoại đến lúc tuổi 21 ra đi từ bến cảng nhà Rồng để tìm đường cứu nước. Một cá tính hồn nhiên trong trẻo và cũng đầy ắp suy tư với biết bao câu hỏi về nỗi niềm con người, về cuộc đời, về sự tồn vong của một đất nước, một dân tộc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
Tiếp viên trưởng Ngô Quan Hảo 4 (Ảnh: NVCC)

Là một tiếp viên hàng không của hãng hàng không quốc gia Việt Nam – VNA cứ mỗi lần viết về Bác trong những ngày tháng 5 này, trong lòng tôi không khỏi có những bồi hồi xúc động vì cũng dịp 19/5/2001 cách đây tròn 20 năm, tôi được kết nạp Đảng CSVN trong Đảng bộ quân đội Trung đoàn 47-Quân khu thủ đô Hà Nội.

Tháng 5/2018, lần đầu tiên tôi được bay vào thành phố mang tên Bác để bắt đầu trở thành học viên tiếp viên hàng không và từ đó tôi có thêm nhiều điều kiện việc học tập, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Đề tài viết về Út Huệ với tư liệu ít ỏi cũng như là một nén nhang nhỏ mà trong tận đáy lòng tôi muốn dân lên để tri ân những tình cảm thắm thiết của một người con gái đã dành cả tuổi thanh xuân và tình cảm đặc biệt của mình cho lãnh tụ kính yêu Nguyễn Tất Thành – Hồ Chí Minh.

alt text
Bìa sách “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” (Ảnh: NXB Kim Đồng)

…Vào năm 1911 tại bến nhà Rồng lịch sử…

“Chiếc lược này là lúc bố anh vào Huế thi Hương, thi Hội đã mua tặng mẹ chải tóc, mẹ đã từng trải tóc trên chiếc lược này khi còn sống mà bây giờ mẹ mất rồi, tôi đi xa… tôi giao lại nó cho Út Huệ”

Lời nói đầy xúc cảm của người con trai Nguyễn Tất Thành đã dành cho một người con gái kém mình vài tuổi trước lúc đi xa không hẹn ngày về. Người con gái đó đã rưng rưng nước mắt trong buổi tiễn đưa.

Đó là Lê thị Huệ, một người đã tâm nguyện dành cả cuộc đời của mình chờ đợi một thần tượng đã có sức toả sáng, lay động đến tận cùng tâm hồn của người con gái tuổi đôi mươi…Có mối tình nào lại thánh thiện đến như vậy, chỉ thuần tuý tinh thần, chỉ có trong trái tim không có trong cuộc đời thực vì không lấy nhau, không ăn ở với nhau.

Đời Bác suốt cả cuộc đời là chăn đơn gối chiếc, cô đơn đến lúc bác đi xa. Cô Huệ cũng thế, trước khi đi tu cũng cầm chiếc lược mà nước mắt tuôn trào rồi mới xuống tóc vì một lý do khi nghe tin Bác mất ở nước ngoài theo đài báo không chính thống đã tạo nên một bước lỡ dở cuộc đời nhưng cũng rất tình người, sắt son một lòng người mình thương…

Cô Lê Thị Huệ hay thường được Bác gọi thuở còn niên thiếu là Út Huệ. Hai người đã có một tuổi thơ gắn bó từ hồi ở Huế. Cha của Út Huệ làm bên Bộ Công (Bộ Công Thương như bây giờ). Cha Bác là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Cả hai người cha đều là những vị quan thanh liêm nên không được triều đình trọng dụng nên phải thường xuyên điều chuyển các nơi và 2 người vì theo gia đình nên cũng phải xa nhau.

alt text
Cảnh chia tay của Nguyễn Tất Thành và Út Vân (nhân vật lấy nguyên mẫu là Lê Thị Huệ) tại Bến Nhà Rồng trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. (Ảnh chụp từ bộ phim)

Cũng giống như Tất Thành cả hai đều mồ côi mẹ, Út Huệ kém bác 3 tuổi và mất sau Bác những 11 năm. Tức là bác mất năm 1969 đúng ngày 2/9/1969 thì phải 11 năm sau tức năm 1980 giải phóng miền nam được 5 năm rồi cô Huệ mới ra đi.

Đến bây giờ sau 41 năm chúng ta vẫn chưa tìm thấy nấm mộ của cô. Đây vẫn là điều canh cánh trong nỗi lòng của chúng ta như một trang trải, một món nợ tâm linh đối với Bác, với cô Huệ . Cô đã đi tu tại mảnh đất Bà Rịa, trên một ngôi chùa nhỏ và vắng trên núi Thị Vải. Người duy nhất gặp được cô Huệ khi cô đi tu đó là nhà văn Sơn Tùng – một nhà văn quân đội cách mạng quen thuộc với chúng ta ( anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới), người thương binh hạng ¼ chỉ còn 3 ngón tay viết hết năm này sang năm khác cuộc đời của Bác .

Ông đã có dịp gặp được ông Nguyễn Sinh Khiêm (Ông Cả Khiêm – Anh trai của Bác ) và bà Nguyễn thị Thanh (Chị cả của Bác) nên biết được rất nhiều tư liệu về Bác. Trong thời gian ở Chiến khu Việt Bắc, nhà văn đã viết báo về cuôc kháng chiến chống Pháp và có thời gian chụp ảnh chung với Bác.

Ông đã mang những tấm ảnh chụp chung với bác trong khi đi tìm cô Huệ. Những lần đầu gặp, cô Huệ đều không muốn tiếp, may nhờ có những tấm ảnh đó cô Huệ mới tiếp vì cô đã đi tu rồi nên mong muốn xa lánh trần tục nương nhờ cửa Phật. Cô đã khóc khi nhìn bức ảnh và trải lòng với nhà văn mà từ đó chúng ta biết được cô chính là người đưa chị gái Bác là bà Thanh vào tận Cao Lãnh Đồng Tháp để tìm mộ cha.

Cô nói với nhà văn: “Tôi không tiếp bất cứ một ai cả vì tôi không muốn người đời hiểu lầm tôi là núp dưới bóng vĩ đại của cụ Hồ”. Một tình cảm rất cao thượng vì có thể trước đây tình cảm đó có thể là tình bạn hay tình yêu đi nữa bây giờ Bác là một lãnh tụ vĩ nhân nên cô muốn lùi xa một chút có khoảng cách dù trong tim suốt đời chỉ có Bác mà thôi.

Cô dặn: “Chừng nào tôi còn sống thì tôi cấm các ông đưa tin gì về tôi trên mặt báo” và nhà văn phải hứa với cô. Mãi đến những năm 1981 trở đi, nhà văn bắt đầu viết Búp Sen Xanh nói về cuộc đời của Bác là vì thế.

Nhà văn hỏi:  “Thưa O ! Vì sao những năm tháng tuổi trẻ O không lập gia đình?”

Cô Huệ đã khóc và đặt tay lên ngực: “Trong tim tôi chỉ có một Tất Thành mà thôi, không tìm được nhau thì tôi sẽ vào chùa”.

Cô cũng hỏi lại nhà văn rất đỗi con người: “Các ông ở gần cụ Hồ, đã bao giờ các ông có thấy cụ nhắc đến tôi không?”

Nhà văn: “Thưa O, bác Hồ thương O nhiều lắm lúc nào Bác cũng đặt tay lên ngực nói miền Nam trong trái tim tôi, miền nam có cả O trong đó”

Thường ngày Bác rất thích hoa hồng và hoa huệ, những khóm hoa mà Bác đích thân chăm bón hàng ngày. Chúng ta biết ý bác bao giờ cũng có 2 lọ hoa hồng và hoa huệ mà Bác đích thân chăm bón hàng ngày. Ngày nay, khi vào thăm nhà sàn và khu di tích lăng của Bác chúng ta sẽ thấy trên bàn thờ của Bác bao giờ cũng có lọ hoa Huệ rất đẹp và gần gũi với di ảnh của Bác. Cũng giống như khi sinh thời trong nhà bác bao giờ cũng có một lọ hoa Huệ với ý nghĩa sâu thẳm về người con gái thửa thiếu thời luôn gần gũi và thắm đượm tình yêu thương.

alt text
Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp
khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911) (Ảnh: Tư liệu)

Đời Hồ Chí Minh trong như ánh sáng, một người bằng xương bằng thịt chứ không phải thánh thần dù Bác vĩ đại. Nói đến Hồ Chí Minh là nói đến một hình tượng lớn của văn học nghệ thuật với một thời niên thiếu ở làng Chùa quê ngoại đến lúc tuổi 21 ra đi từ bến cảng nhà Rồng để tìm đường cứu nước. Một cá tính hồn nhiên trong trẻo và cũng đầy ắp suy tư với biết bao câu hỏi về nỗi niềm con người, về cuộc đời, về sự tồn vong của một đất nước, một dân tộc.

Người thanh niên Nguyễn tất Thành đã bắt đầu từ nghệ An đến Huế qua Phan Thiết rồi tới Sài gòn. Khát vọng cứu nước cứu dân, khát vọng được làm một người dân tự do của một đất nước tự do đã nung nấu qua những năm tháng ấy. Nhà văn Sơn Tùng đã viết Búp Sen Xanh về chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình quê hương là khởi thuỷ tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời” đã nói lên cái nhìn biện chứng giữa con người và truyền thống lịch sử. Qua đó, ta thấy Nguyên Tất Thành là kết tinh của một nền văn hoá phương đông đặc sắc.

Đoàn Tiếp Viên VNA cùng với các đơn vị trong tổng công ty những ngày tháng 5 này đã tổ chức rất nhiều các hoạt động có ý nghĩa để dâng lên Người những đoá sen hồng thắm thể hiện sự biết ơn chân thành nhân kỉ niệm 131 năm  ngày sinh của Người và cùng nhau xây dựng tổng công ty nói chung và ĐTV nói riêng ngày càng lớn mạnh vượt qua đại dich Covid-19 trở thành hãng hàng không 5 sao khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.