“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt tới Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Vào ngày 17 tháng 6 năm 1957, tại sân bay Vinh, khi chiếc Li-2 số hiệu VN203 đưa Người về thăm quê sau hơn 50 năm xa cách, Bác đã ân cần căn dặn các cán bộ, nhân viên Ngành hàng không:”Bây giờ đất nước ta còn nghèo, nhân dân ta còn khó khăn, Đảng và Nhà nước ta còn nhiều việc phải lo. Sau này, đất nước ta chắc chắn sẽ có những sân bay, máy bay hiện đại. Các chú phải cố gắng học tập để nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật, phục vụ cho một Ngành hàng không tiên tiến”. Các cán bộ, công nhân viên Ngành hàng không, trong đó có Tổng công ty Hàng không Việt Nam (TCTHK) luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện tốt lời căn dặn của Người.
Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với đại biểu Hội nghị thi đua khen thưởng của Trung đoàn 919 năm 1960 (Ảnh: Đoàn bay).
Lịch sử của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam bắt đầu từ ngày 15 tháng 01 năm 1956, khi Cục Hàng không Dân dụng được Chính phủ thành lập, đánh dấu sự ra đời của Ngành hàng không Dân dụng ở Việt Nam. Vào thời điểm đó, đội bay còn rất nhỏ, với 5 chiếc máy bay cánh quạt IL 14, AN 2, Aero 45… Chuyến bay nội địa đầu tiên được khai trương vào tháng 9 năm 1956.
Tháng 4 năm 1993, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA) chính thức hình thành với tư cách là một đơn vị kinh doanh vận tải hàng không có quy mô lớn của Nhà nước. Ngày 27 tháng 5 năm 1995, Tổng công ty Hàng không Việt Nam được thành lập trên cơ sở liên kết 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ hàng không, lấy VNA làm nòng cốt.
Trong quá trình phát triển, TCTHK luôn tập trung vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua học tập và làm chủ KHCN hiện đại; sáng tạo trong việc làm chủ công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay và phát triển nguồn nhân lực làm chủ KHCN hiện đại.
Thực hiện NQTW5 khóa XII về đổi mới mô hình tăng trưởng, TCTHK đã xây dựng và triển khai Nghị quyết vào bối cảnh thực tế của TCTHK và đã đạt được kết quả bước đầu khả quan. Trên cơ sở phân tích môi trường, điều kiện kinh doanh và KHCN thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không như:
- Cấu trúc thị trường hàng không thế giới, khu vực và trong nước thay đổi theo xu hướng gia tăng thị trường của phân khúc hàng không giá rẻ; áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng với nhiều đối thủ mới tham gia thị trường;
- Công nghệ tàu bay phát triển theo xu hướng gia tăng tiện ích, tiết kiệm nhiên liệu;
- Xu hướng số hóa và công nghệ số, trí tuệ thông minh được ứng dụng rộng rãi và là yếu tố tác động đến các lĩnh vực điều hành, quản trị và hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không.
Trong quá trình phát triển, TCTHK luôn tập trung vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua học tập và làm chủ KHCN hiện đại; sáng tạo trong việc làm chủ công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay và phát triển nguồn nhân lực làm chủ KHCN hiện đại (Ảnh: VNA).
Trong bối cảnh đó, TCTHK coi việc nghiên cứu, học tập và làm chủ KHCN để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.
Đảng ủy, Lãnh đạo TCTHK xây dựng định hướng chiến lược trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng KHCN gồm:
- Phát triển TCTHK theo mô hình Group trong đó cốt lõi là Hãng HKQGVN. Xây dựng mô hình đa thương hiệu trong VTHK (VNA, JPA, K6, Vasco), cung cấp dải sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, phát triển kinh doanh trong phân khúc thị trường giá rẻ có tiềm năng, năng cao năng lực cạnh tranh của cả Group.
- Đầu tư, phát triển và quản trị các doanh nghiệp thành viên (công ty con, công ty liên kết) nhằm phát triển chuỗi cung ứng gắn với kinh doanh VTHK, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư.
- Xây dựng VNA trở thành Hãng HK hàng đầu khu vực về an toàn, chất lượng và hiệu quả.
- Phát triển đội tàu bay hiện đại thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, gia tăng tiện ích cho HK và thân thiện môi trường.
- Xây dựng VNA trở hành Hãng HK số (Digital Airlines).
- Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đủ khả năng vận hành Hãng HK qui mô lớn, làm chủ KHCN hiện đại và không ngừng nâng cao năng suất lao động.
Cùng với đổi mới mô hình tăng trưởng, TCTHK tập trung đổi mới, phát triển và hiện đại hóa đội tàu bay, người Việt Nam làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại.
Trong suốt quá trình phát triển, VNA đã kiên định với chiến lược phát triển và phát triển đội tàu bay hiện đại, đi thẳng vào công nghệ mới nhất gắn với việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực làm chủ công nghệ hiện đại và quản trị một Hãng HK quy mô toàn cầu.Quá trình đổi mới đội tàu bay có tính chất bước ngoặt của TCTHK chính là quyết định thay thế đội tàu bay Liên Xô cũ (chủ yếu là TU 134) sang dòng tàu bay hiện đại của Phương Tây từ năm 1993. Để chuẩn bị cho việc thay thế, chấm dứt khai thác dòng tàu bay Liên Xô cũ vào năm 1997, VNA đã định hình chiến lược tổ chức đào tạo nguồn nhân lực (phi công, kỹ sư, cán bộ quản lý) từ năm 1993.
Bước đột phá tiếp theo phải kể đến việc triển khai định hướng phát triển đội tàu bay hiện đại, công nghệ mới nhất vào năm 2001. Khi đó, dù kinh tế đất nước còn khó khăn, VNA đã báo cáo Chính phủ phê duyệt và triển khai dự án đầu mua mua đội tàu bay B777 hiện đại nhất khi đó. Đến năm 2003, VNA là một trong số rất ít hãng hàng không trên thế giới tiếp nhận và đưa vào khai thác chiếc máy bay Boeing 777 đầu tiên thuộc dòng 777-200ER.
Quá trình đổi mới và đi thẳng vào công nghệ mới tiếp tục được triển khai khi VNA đặt hàng mua 02 dòng máy bay thế hệ mới Boeing 787 và Airbus A350. Năm 2015, VNA trở thành hãng hàng không thứ 2 trên thế giới tiếp nhận và khai thác dòng máy bay tiên tiến thế hệ mới A350-900. Với việc đón nhận thêm Boeing 787-9 sau đó,VNA cũng chính thức trở thành Hãng hàng không đầu tiên ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cùng lúc tiếp nhận và khai thác hai loại tàu bay hiện đại thế hệ mới của thế giới là Boeing 787-9 Dreamliner và Airbus A350-900 XWB để thay thế toàn bộ đội tàu bay thân rộng, phục vụ khai thác trên các đường bay dài, xuyên lục địa… Từ năm 2018, VNA tiếp tục triển khai chương trình đổi mới đội tàu bay thân hẹp thế hệ mới A 321-NEO.
Quá trình phát triển và đổi mới đội tàu bay gắn liền với quá trình phát triển nguồn nhân lực làm chủ KHCN, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của TCTHK. Đến hết tháng 7 năm 2019, VNA đã có số lượng tàu bay khai thác là 98 chiếc (14 A350, 11 B787-9, 02 A330, 53 A321, 06 ATR-72, 12 A321NEO).
TCTHK luôn chủ trương phải sáng tạo trong học tập, áp dụng và làm chủ công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay.
Thứ nhất là áp dụng và làm chủ công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay. Từ những ngày đầu tiên bắt đầu chuyển giao từ đội tàu bay của Liên Xô sang tàu bay do Phương Tây sản xuất bao gồm máy bay Fokker 70, A320, B767… các kỹ sư và thợ kỹ thuật của TCTHK bằng nhiệt huyết và khát khao chinh phục công nghệ mới đã chủ động, tích cực học tập, chuyển loại để từng bước nắm vững các công nghệ mới trong vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và quản lý kỹ thuật của các tàu bay. Đến nay, TCTHK đã hoàn toàn làm chủ việc bảo dưỡng các tàu bay tới mức phức tạp nhất là 8C/12Y ở các loại tàu bay khác nhau bao gồm A320/A321, ATR72, A330, B777, B767, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng ngoại trường cho gần 60 hãng hàng không khai thác tới Việt Nam.
Với việc thành lập Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) của TCTHK, ngành kỹ thuật máy bay đã có bước phát triển mới tiệm cận dần với tiêu chuẩn của thế giới và khu vực.
Năm 2011, VAECO đón nhận nhận chứng chỉ FAR-145 do Cục HK liên bang Mỹ cấp. Tiếp nối thành công năm 2011, năm 2017, VAECO tiếp tục được Cơ quan An toàn hàng không Châu Âu cấp chứng chỉ bảo dưỡng máy bay EASA-145.
Chứng chỉ EASA-145 và FAA-145 cùng với gần 20 chứng chỉ công nhận khác của các nhà chức trách trong khu vực đã đánh dấu một cột mốc chứng minh khả năng làm chủ công nghệ bảo dưỡng tàu bay của VNA đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được tất cả các yêu cầu khắt khe của lĩnh vực bảo dưỡng tàu bay trên thế giới.
Công tác làm chủ KHCN hiện đại còn thể hiện qua việc đưa hàng loạt các phương pháp quản lý, giám sát trạng thái kỹ thuật máy bay, động cơ theo thời gian thực cho đơn vị dưới mặt đất có thể quản lý tất cả các hỏng hóc phát sinh trên tàu bay ngay khi vừa xuất hiện trong quá trình vận hành để tiến hành đánh giá, chuẩn bị các phương án khắc phục trước khi hạ cánh.
Khi bắt đầu khai thác hai đội tàu bay B787 và A350, đây là thách thức lớn đối với TCTHK vì các tàu bay này được định danh là “tàu bay thế hệ mới, tàu bay điện tử” do đã áp dụng rất nhiều các công nghệ hoàn toàn mới trong lĩnh vực HK như công nghệ vật liệu composite, công nghệ động cơ tiết kiệm nhiên liệu, công nghệ bảo mật, khai thác e-Operation… Hiện tại, TCTHK đã hoàn toàn làm chủ các công nghệ về bảo dưỡng và đảm bảo kỹ thuật cho 2 đội tàu bay này, đưa độ tin cậy cất cánh của A350 và B787 cao hơn mức trung bình trên thế giới, đặc biệt có thời điểm là một trong những nhà khai thác có độ tin cậy cất cánh cao nhất thế giới theo thống kê của Boeing.
Thứ hai là hợp tác trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay. Trong năm 2018, VNA đã ký Thỏa thuận hợp tác với đối tác Singapore Technologies Aerospace Ltd (STA), để thành lập Công ty liên doanh Bảo dưỡng sửa chữa máy bay và cung cấp dịch vụ phụ tùng vật tư trọn gói cho toàn bộ đội máy bay Airbus A321 của VNA và các hãng khác trong khu vực. Việc hợp tác với STA sẽ giúp VNA thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị máy bay ngay tại Việt Nam, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với việc phải gửi sang nước ngoài, qua đó giúp mang lại hiệu quả khai thác cao hơn.
VNA và Công ty Kỹ thuật & bảo dưỡng máy bay Air France Industries KLM Engineering & Maintenance (AFI KLM E&M) đã ký kết và trao Hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Boeing 787-9. Việc hợp tác với AFI KLM E&M sẽ đảm bảo khả năng vận hành tốt đội máy bay Boeing 787-9 của VNA, giúp Hãng khai thác hiệu quả hơn những đường bay quốc tế dài và nội địa trọng điểm với chất lượng dịch vụ 4 sao, khẳng định cam kết mang đến cho hành khách những trải nghiệm tốt nhất.
TCTHK cũng rất chú trọng trong việc sáng tạo trong học tập đầu tư phát triển nguồn nhân lực làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại.
Thứ nhất là tích cực đào tạo, huấn luyện đội ngũ phi công Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, với phương châm phải làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại mới tạo ra năng suất và chất lượng sản phẩm, VNA đã tích cực đầu tư cho phát triển nguồn lực. Hãng đã tích cực đào tạo, huấn luyện đưa phi công người Việt Nam vào khai thác để thay thế dần lực lượng phi công nước ngoài.
Năm 1993, để chuyển đổi dứt điểm từ khai thác đội tàu bay thế hệ cũ của Liên Xô sang thế hệ tàu bay mới của Phương Tây, VNA đã thực hiện thuê toàn bộ phi công, kỹ thuật là người nước ngoài, đồng thời cử phi công, nhân viên kỹ thuật đi đào tạo tại các trung tâm đào tạo của Boeing, Airbus. Đội ngũ phi công VNA đã không ngừng học hỏi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ các phi công, chuyên gia nước ngoài từng bước làm chủ khoa học, công nghệ, thay thế người nước ngoài vận hành thế hệ tàu bay mới.
TCTHK tập trung đổi mới, phát triển và hiện đại hóa đội tàu bay, người Việt Nam làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại (Ảnh: VNA).
Giai đoạn 2006 – 2018, đội ngũ phi công Việt Nam phát triển tăng 2,6 lần, tăng về số lượng là 500 phi công. Đến tháng 6/2019, đội ngũ phi công người Việt Nam là 813 người, người nước ngoài là 273 người (tỷ lệ 75%-25%), thay đổi rõ rệt so với năm 2010 (50%-50%). VNA đã tự chuyển loại thành công hơn 320 phi công A350, B787 (trong đó có 280 phi công Việt Nam).
Ngoài ra, về cơ sở vật chất cho đào tạo, VNA đã xây dựng Trung tâm Huấn luyện Bay và hợp tác đầu tư với CAE và đưa vào sử dụng 04 buồng lái huấn luyện SIM tại TP. Hồ Chí Minh cho các đội bay chủ lực. Công tác đào tạo, huấn luyện phi công về cơ bản đã được thực hiện ngay tại Việt Nam. Điều này không chỉ đem lại sự chủ động về nguồn lực mà còn tiết kiệm nhiều chi phí và cả nguồn lực so với việc phải đi huấn luyện tại các trung tâm nước ngoài thời gian trước.
Thứ hai là chú trọng đầu tư, phát triển nguồn lực kỹ sư, chuyên gia, thợ kỹ thuật chất lượng cao. VNA đã chú trọng đầu tư vào đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, thợ kỹ thuật lành nghề, kỷ luật cao. VAECO hiện có gần 2.800 cán bộ công nhân viên thực hiện công việc bảo dưỡng, sửa chữa cho đội tàu bay của VNA và các hãng hàng không khác trong và ngoài nước. Trong đó, gần 1.800 cán bộ công nhân viên làm việc trực tiếp liên quan đến công tác bảo dưỡng máy bay và hơn 1.000 kỹ sư và thợ kỹ thuật được phê chuẩn chứng chỉ bảo dưỡng các loại máy bay, như A350, 320, A321, A330, B787, B777, ATR72/42. Trình độ đại học trở lên chiếm trên 51% tổng số lao động, trình độ đào tạo trung cấp và cao đẳng chiếm gần 38% lực lượng của VAECO.
Đội ngũ nhân lực của VAECO không ngừng được đầu tư, phát triển đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa những dòng máy bay hiện đại nhất của thế giới, phục vụ không chỉ cho VNA mà còn cho các hãng hàng không khác trên thế giới. Từ chỗ phải thuê nhiều chuyên gia nước ngoài đến nay các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ các quy trình, kỹ thuật, đồng thời trở thành địa điểm nhiều kỹ sư nước ngoài mong muốn được làm việc để tích lũy kinh nghiệm.
Việc không ngừng học tập và làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại đã đóng góp không nhỏ vào những thành quả mà TCTHK đã đạt được trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Từ một hãng hàng không quy mô nhỏ, VNA đã hoàn tất quá trình hội nhập quốc tế, trở thành Hãng hàng không quy mô lớn với đội bay hiện đại, có tiềm lực, có bản sắc riêng, có vị thế trong khu vực và quốc tế.
Từ khi thành lập cho đến nay, TCTHK luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt những thành quả đáng tự hào.
Ngày 12/7/2016, VNA chính thức nhận chứng chỉ công nhận Hãng hàng không quốc tế 4 sao của tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không SkyTrax.
Năm 2016, VNA đạt các danh hiệu: “Hãng hàng không hàng đầu Châu Á về bản sắc văn hoá” và “Hãng hàng không có hạng Phổ thông hàng đầu Châu Á” bởi World Travel Awards; Top 3 Hãng hàng không tiến bộ nhất thế giới (SKYTRAX); “Hãng hàng không có thiết kế ghế khoang Thương gia đẹp nhất trên Boeing 787-9 và Airbus A350-900” (Tạp chí Global Traveler Trung Quốc); Top 4 hãng hàng không khu vực Đông Nam Á có lưu lượng vận chuyển hành khách đạt trên 20 triệu lượt (CAPA).
Năm 2017, VNA là: “Hãng hàng không của năm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” bình chọn bởi CAPA- Center for Aviation; “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hoá” và “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng Phổ thông đặc biệt” bởi bình chọn bởi World Travel Awards.
Về năng suất lao động:
- TCTHK duy trì không tăng định biên lao động nhưng vẫn hoàn thành khối lượng vận chuyển tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, NSLĐ bình quân hàng năm đều tăng cao. NSLĐ của TCTHK đứng trong nhóm 5 khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và duy trì trong nhóm 20 hãng hàng không dẫn đầu về năng suất lao động trong tổng số 67 hãng hàng không được IATA thống kê.
Về kết quả hoạt động SXKD năm 2018 của TCTHK:
- Vận chuyển 28 triệu lượt khách, chiếm 55,3% thị phần vận chuyển hành khách, dẫn đầu thị trường hàng không Việt Nam; vận chuyển 336.000 tấn hàng hóa;
- Chỉ số đúng giờ: 89,2%, cao nhất trong các hãng hàng không Việt Nam và đứng thứ 6 Châu Á – Thái Bình Dương;
- 7/7 sao chuẩn an toàn hàng không, xếp hạng cao tuyệt đối theo AirlineRating;
- Doanh thu hợp nhất: 98.950 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất kỷ lục trong 25 năm. Doanh thu Công ty Mẹ: 73.227 tỷ đồng.
- Lợi nhuận trước thuế hợp nhất: 3.312 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ: 2.418 tỷ đồng.
- Giá trị thương hiệu Vietnam Airlines: 416 triệu USD (theo Brand Finance).
- Năm 2018, TCTHK khai trương Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay đầu tiên tại Việt Nam; TripAdvisor công bố VNA nằm trong số những hãng hàng không lớn được yêu thích nhất Châu Á năm 2018; Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới trao tặng 02 giải thưởng uy tín: “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng Phổ thông đặc biệt” và “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa” tại Lễ trao giải WTA Grand Final Gala 2018.
Ngày 18/6/2019, VNA tiếp tục được đón nhận chứng chỉ Hãng hàng không 4 sao năm thứ 4 liên tiếp của SkyTrax.
Định hướng phát triển của TCTHK trong những năm tới là VNA sẽ nằm trong nhóm 10 hãng hàng không được ưa thích tại Châu Á; đứng trong nhóm 3 hãng hàng không về quy mô trong khu vực Đông Nam Á; trở thành hãng hàng không số; củng cố dịch vụ 4 sao và từng bước trở thành hãng hàng không 5 sao vào sau năm 2020; trở thành doanh nghiệp được ưa thích hàng đầu tại thị trường lao động Việt Nam.
Để góp phần vào thực hiện định hướng chung đó, TCTHK sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, ứng dụng và làm chủ khoa học công nghệ mới. Cụ thể là:
- VNA xác định chiến lược phát triển đội bay theo định hướng lựa chọn các dòng tàu bay chở khách công nghệ mới, hiện đại, đơn giản về cấu trúc và chủng loại, phù hợp với nhu cầu thị trường, hạ tầng hàng không và đáp ứng tốt hiệu quả khai thác,
- Tiếp nhận và làm chủ thành công công tác sửa chữa, bảo dưỡng các loại tàu bay hiện đại mới nhất,
- Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực phi công Việt Nam và chú trọng phát triển và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật,
- Phát triển, ứng dụng các hệ thống CNTT theo định hướng hãng HK số.
Những thành tựu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đạt được từ khi thành lập cho đến nay không tách rời hoạt động ứng dụng, học tập và làm chủ khoa học công nghệ hiện đại theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu và đó cũng chính là tiền đề quan trọng để Vietnam Airlines vững bước trong giai đoạn tới, tiếp tục đưa thương hiệu Vietnam Airlines “Sải cánh vươn cao”, trở thành Hãng hàng không được yêu thích trong khu vực và quốc tế, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.”
TTNB