[Không gian 5S – Cá nhân] Thiết kế không gian làm việc theo phong cách tối giản – chị Lê Thu Quỳnh – TTCĐS

Bình chọn:

Bài dự thi hạng mục Cá nhân cuộc thi Ý tưởng thiết kế, trang trí Không gian 5S của chị Lê Thu Quỳnh – TTCĐS.

Không gian làm việc là nơi diễn ra các hoạt động làm việc chính của một doanh nghiệp, là nơi mà chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày ở đó. Bên cạnh việc tác động đến năng suất lao động, không gian làm việc còn thể hiện hình ảnh, vị thế cũng như phản ánh văn hóa của doanh nghiệp. Do vậy, việc thiết kế không gian làm việc lý tưởng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Hưởng ứng cuộc thi “Ý tưởng thiết kế, trang trí không gian 5S” của TCT, tôi xin đóng góp ý tưởng thiết kế không gian làm việc của cá nhân trong tương lai theo phong cách tối giản (Minimalism).

Trước hết, ý tưởng thiết kế của tôi xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn của TCT, đó là xây dựng một không gian làm việc chuyên nghiệp hiện đại, phù hợp với môi trường làm việc văn phòng theo tiêu chí 5S (Seiri – Ngăn nắp; Seiton – Trật tự, Seiso – Sạch sẽ; Seiketsu – Tiêu chuẩn hóa; Shitsuke – Kỷ luật) và tiết kiệm nguồn lực và chi phí. Trên cơ sở tham khảo các xu hướng thiết kế văn phòng hiện nay, kết hợp với những mong muốn của cá nhân, tôi đề xuất lựa chọn phong cách tối giản cho thiết kế không gian làm việc của cá nhân.

Không gian tối giản là xu hướng thiết kế chú trọng vào sự đơn giản, tinh tế và gọn gàng. Không gian tối giản sử dụng ít đồ nội thất và trang trí, tập trung vào chức năng của đồ vật. Đặc điểm của phong cách thiết kế này chính là “Less is more” hướng tới sự giản lược tối đa về số lượng đồ vật cũng như những chi tiết trang trí; thay vào đó là những đồ dùng đa năng, thông minh, với thiết kế gọn gàng, tiện nghi. Hình thức và cách bố trí không gian làm việc hướng đến sự đơn giản, các bức tường đơn sắc, nội thất tối thiểu, sàn lớn và mở, các khu vực lưu trữ khiêm tốn. Dù tối giản nhưng những mẫu thiết kế vẫn đảm bảo được sự hài hòa mà không đơn điệu, nhàm chán.

Không gian làm việc của cá nhân trong tương lai theo phong cách tối giản.

Thiết kế theo phong cách tối giản sẽ giúp VNA tiết kiệm chi phí đầu tư, tối ưu hóa không gian cho văn phòng, đồng thời tăng hiệu quả làm việc của CBNV. Để làm rõ hơn về những lợi ích mang lại của phong cách này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số điểm chính trong thiết kế nhé.

  • Không gian làm việc rộng rãi, xanh mát, tận dụng ánh sáng

Việc giữ cho bố cục và thiết kế văn phòng đơn giản, không rườm rà sẽ cho phép tận dụng không gian làm việc hiệu quả hơn. Ánh sáng là một trong những yếu tố chính của chủ nghĩa tối giản. Ánh sáng phù hợp mang đến sự nhẹ nhàng, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho nhân viên. Những chậu cây nhỏ được tận dụng trồng bên cửa sổ, vừa để trang trí vừa giúp đem lại không khí trong lành, tươi mát cho cả văn phòng.

Thiết kế tối giản giúp loại bỏ sự phân tâm khỏi không gian, giúp bạn tập trung hơn vào công việc hoặc các hoạt động khác. Ngoài ra, Thiết kế tối giản còn giúp tạo ra một không gian tinh tế, gọn gàng, kích thích sự sáng tạo và suy nghĩ.

  • Nội thất đơn giản và tiện dụng

Trong tương lai, khi đã trở thành hãng hàng không số, các công việc của VNA sẽ chủ yếu thực hiện trên máy tính mà không cần nhiều đến sổ sách, giấy tờ. Do vậy, bàn làm việc chỉ cần chiếc máy tính và khay đựng bút, giấy nhớ và các vật dụng cần thiết. Đồng thời, các tủ hồ sơ mini di động quen thuộc sẽ dần trở nên không cần thiết nữa.

  • Chiếc bàn làm việc đơn giản

Ý tưởng thiết kế đề xuất sử dụng chiếc bàn làm việc cá nhân là chiếc bàn có chân làm bằng sắt và mặt bàn bằng gỗ, có thể gấp gọn để tăng không gian khi cần và có thể thay thế mặt bàn khi hỏng hóc.

  • Chiếc kệ dùng chung đa năng

Bàn làm việc đã được tối giản hóa, do vậy cần có nơi để CBNV đựng đồ dùng cá nhân. Tận dụng khoảng tường phía dưới cửa sổ để kê một chiếc kệ đa năng, vừa đựng đồ cá nhân và làm giá để sách. Ngăn dưới cùng có khóa sẽ là nơi để CBNV đựng đồ đạc cá nhân, mỗi người sẽ có 1 ô riêng. Ngăn trên để các loại sách chuyên môn và tài liệu.

Thiết kế tối giản tập trung vào công năng của các đồ vật, tối thiểu hóa vật liệu, giúp tiết kiệm chi phí cho VNA và bảo vệ môi trường.

  • Không gian làm việc mở

Cách bài trí có thể áp dụng khi có nhiều nhân viên trong một phòng

Việc lược bỏ các đồ nội thất không cần thiết như tủ hồ sơ mini di động, vách ngăn giữa các bàn làm việc sẽ tạo không gian mở, tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng và kết nối các khu vực chức năng trong nhà một cách liền mạch.

Không gian làm việc theo phong cách tối giản cũng là một ví dụ cho không gian 5S, cụ thể như sau:

  • Seiri – Ngăn nắp: Không gian làm việc tối giản chỉ có những thứ cần thiết, loại bỏ những thứ không cần thiết. Điều này giúp tiết kiệm không gian và tạo cảm giác gọn gàng, ngăn nắp.
  • Seiton – Trật tự: Mọi thứ trong không gian tối giản đều được sắp xếp ở đúng nơi, giúp dễ dàng tìm kiếm và sử dụng. Điều này giúp tăng hiệu quả làm việc và giảm thiểu sự mất mát, thất lạc.
  • Seiso – Sạch sẽ: Việc đơn giản hóa không gian sẽ tạo một môi trường làm việc thoáng đãng, dễ dàng dọn dẹp và mỗi CBNV sẽ có ý thức tự giữ gìn không gian làm việc của mình sạch sẽ, ngăn nắp và trật tự.
  • Seiketsu – Tiêu chuẩn hóa: Không gian tối giản được duy trì ngăn nắp, gọn gàng, giúp duy trì hiệu quả làm việc và tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng. Ví dụ: Kệ đa năng là nơi lưu trữ chung, do đó, mỗi CBNV cần có sự sàng lọc tài liệu cần lưu trữ cẩn thận để tránh lãng phí không gian. Đồng thời, đây cũng là 1 thư viện nhỏ để lưu trữ các sách chuyên môn, CBNV có thể rèn luyện bản thân thông qua việc đọc sách hàng ngày. Khâu thiết kế cũng sàng lọc và loại bỏ những vật dụng đồ nội thất không cần thiết.
  • Shitsuke – Kỷ luật: Do không còn nhiều không gian để lưu trữ, CBNV sẽ tự rèn luyện tính kỷ luật cho mình thông qua các hành động như: không in tài liệu khi không cần thiết, sắp xếp đồ đạc gọn gàng sau khi làm việc, tự giác dọn dép góc làm việc.

Tôi hy vọng rằng những ý tưởng thiết kế nhỏ bé của mình sẽ góp phần xây dựng ngôi nhà VNA hiện đại và đẳng cấp, tạo cảm giác thoải mái cho nhân viên mỗi khi đến cơ quan, từ đó có thể nâng cao năng suất lao động và đóng góp vào sự phát triển của VNA.

Le Thu Quynh-DX
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.