Về Vị Xuyên – Tuyến đầu chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, nơi an nghỉ của 1.760 liệt sỹ đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, giai đoạn từ 1979 – 1989.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Ngày 22/2, Chi bộ và Công đoàn bộ phận Cơ quan Công đoàn TCT phối hợp tổ chức cho các Đảng viên và Đoàn viên Công đoàn chuyến đi về nguồn tại Huyện Vị Xuyên, Tỉnh Hà Giang nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. 

Đồng chí Tạ Thiên Long, Ủy viên BCH TLĐ LĐVN, UVTV Đảng ủy TCT, Chủ tịch CĐ TCT, Bí thư Chi bộ CQCĐ làm Trưởng đoàn, ngoài ra trong đoàn còn có một vị khách mời đặc biệt, đó là đồng chí Bùi Đình Nghiểm, nguyên UVTV Đảng ủy TCT, nguyên Trưởng ban Tổ chức, nguyên Chánh VP Đảng ủy TCT. 

Đoàn chúng tôi đến Tp. Hà Giang vào lúc chạng vạng tối, trời mưa và khá lạnh, đoàn được các đồng nghiệp của LĐLĐ Tỉnh Hà Giang tiếp đón rất trọng thị, đồng chí Nguyễn Văn Chung – Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ Tỉnh Hà Giang, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Mê và cũng là cựu chiến binh của Sư đoàn 356 đã chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên ngày đó, cùng các đồng chí lãnh đạo Liên đoàn đã đợi sẵn để đón chúng tôi. Sau khi trao đổi về chương trình của đoàn, chúng tôi thống nhất việc đi thăm các địa điểm đã định vào sáng hôm sau.

Đồng chí Tạ Thiên Long dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.

Sáng thứ 7, thời tiết khá đẹp như ủng hộ cho đoàn, đồng chí Chung cùng các đồng nghiệp Hà Giang đã đợi sẵn để cùng đoàn bắt đầu khởi hành một chuyến đi đáng nhớ. Trong chuyến đi này, đồng chí Chung tình nguyện đóng vai trò là hướng dẫn viên vừa là nhân chứng sống của cuộc chiến khốc liệt ngày đó.

Chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, nơi an nghỉ của 1.760 liệt sỹ đã tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, giai đoạn từ 1979 – 1989. Trong đó, có 80 liệt sỹ là những người con ưu tú của Hà Giang và 275 phần mộ liệt sỹ chưa rõ tên, tuổi, quê quán.

Trong khúc nhạc bi hùng Hồn tử sỹ, cả đoàn dành một phút mặc niệm đến những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống tại Vị Xuyên, lúc hy sinh họ chỉ là những thanh niên mới mười tám, đôi mươi thuộc 32 tỉnh, thành từ Bình Trị Thiên trở ra, tên tuổi của họ gắn với các địa danh có những cái tên không thể lẫn vào đâu như “Ngã ba cửa tử”, “Lò vôi thế kỷ”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”… Đó là một loạt những mỏm núi, thung lũng, bao xung quanh khu vực cửa khẩu Thanh Thủy, tên gọi của những địa danh đó đã nói lên sự “kinh hoàng” và sự khốc liệt mà nơi này đã phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới trước quân Trung Quốc xâm lược.

Đoàn thắp hương, khấn nguyện trước anh linh các anh hùng liệt sĩ.

Chúng tôi chia nhau đi thắp hương các liệt sỹ và khấn nguyện cho hương linh các liệt sỹ được siêu sinh tịnh độ yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Lòng chúng tôi như thắt lại khi được anh Chung cho biết theo con số thống kê chưa đầy đủ trong thời gian 1979 – 1989 có khoảng 5.000 người lính đã ngã xuống, đâu đó ngoài kia, khe đá hay thung sâu vẫn còn rất nhiều hài cốt của các anh chưa thể quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ, về với gia đình, đồng đội để lại nỗi day dứt, khắc khoải khôn nguôi của các cấp ủy đảng, chính quyền, của những người cha, người mẹ, những người anh, người chị, người em và những đồng đội còn sống.

“Hỡi các anh những linh hồn không tuổi! Hỡi các mẹ, các chị, các em! Máu đã thấm vào lòng đất Việt, để ngàn năm còn mãi tự hào… Xin dâng hương những linh hồn bất tử, như tượng đài sừng sững giữa phong ba, để đời sau còn nghiêng mình cúi đầu trước những chiến công làm rạng rỡ Việt Nam! … Về đây! Các anh ơi hãy về đây! Về nghe mẹ ru, về nghe em hát, về thăm cánh đồng trĩu nặng, về thăm luỹ tre làng quê hương! Về đây! Các anh ơi hãy về đây! Nằm nghe biển ru, nằm nghe sóng hát. Mãi mãi tự hào với đất mẹ yêu thương! … Linh thiêng trời Việt Nam! Linh thiêng đất Việt Nam! Linh thiêng đất trời Việt Nam! …”

alt textĐoàn chia nhau đi thắp hương các liệt sỹ và khấn nguyện cho hương linh các liệt sỹ được siêu sinh tịnh độ yên nghỉ nơi vĩnh hằng.

Lời bài hát “Linh thiêng Việt Nam” cất lên giữa núi rừng Hà Giang trầm hùng và uy nghi cùng với khói hương trầm nghi ngút như đang tịnh độ và siêu thoát cho hương linh những người lính đã nằm xuống nơi này.

Chủ tịch Công đoàn TCT Tạ Thiên Long viết lưu bút tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên.

Chủ tịch Công đoàn TCT Tạ Thiên Long trao tặng Ban Quản lý Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên 20.000.000đ.

Rời Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, chúng tôi tiếp tục đến với Đài hương 468 nằm ở lưng chừng núi Nậm Ngặt. Con đường lên Đài hương nhỏ và ngoằn ngoèo men theo sườn núi, anh Chung cho chúng tôi biết Đài hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ điểm cao 468 được khởi nguồn từ nguyện vọng và sự đóng góp của các CCB Sư đoàn 356 từng tham gia chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên và anh cũng chính là những người đầu tiên góp công, góp sức để xây dựng nên Đài hương này, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, Đài hương khi đó còn rất nhỏ bé và đơn sơ, sau này mới được các CCB F356, các nhà hảo tâm, thiện nguyện đóng góp đầu tư xây dựng khang trang như ngày nay. Đây là nơi để thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh khi quay lại chiến trường xưa và nhân dân có nơi nghỉ chân, thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. 

Chi bộ Cơ quan Công đoàn thắp hương tượng niệm tại Đài hương 468.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên sừng sững giữa trời mây trắng, bức phù điêu bằng đá khắc họa hình ảnh những người lính Vị Xuyên cùng 9 chữ của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh đã khắc trên báng súng “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, đã nói lên đầy đủ phương châm sống và chiến đấu của người lính Vị Xuyên trong những ngày giữ đất biên cương phía Bắc. 

Lời thề người lính Vị Xuyên: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”.

Sau khi thắp hương và tri ân các Anh hùng liệt sĩ, từ Đài hương 468, anh Chung chỉ cho chúng tôi cao điểm 772 và 685 được mệnh danh là “Đồi thịt băm”, “Lò vôi thế kỷ”. Tuy không phải cao nhất trong một loạt các đỉnh nằm trên dãy núi chạy dọc biên giới, nhưng đó là 2 đỉnh núi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có thể khống chế cả một vùng rộng lớn của tỉnh Hà Tuyên cũ. Chính vì vậy, cuộc chiến ở đó diễn ra cực kỳ khốc liệt, ta và địch giằng co nhau từng mét đất, những ngọn núi này đã gánh chịu hàng chục ngàn tấn đạn pháo của cả hai bên, chỉ trong một ngày đêm đã chứng kiến sự hy sinh của hơn 600 chiến sỹ Việt Nam nhưng đã cho quân xâm lược Trung Quốc biết thế nào là tinh thần chiến đấu gan dạ, ý chí kiên cường bảo vệ từng tất đất Tổ quốc của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. 

alt textChủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Chung chỉ tới cao điểm 772 và 685.

Chúng tôi rời Đài hương để trở về mà nghe như văng vẳng đâu đây tiếng ca da diết của Nhạc sỹ Trương Quý Hải: “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận. Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn. Đài hương 468 (bốn sáu tám) ta hội quân. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu … Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào … Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình. Quân dân nồng ấm nghĩa tình. Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi, Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hoà. Biên cương hình bóng quê nhà…”.

Những cao điểm mang cái tên chết chóc chìm vào trong mây ngàn, dưới kia, thung lũng Nậm Ngặt xanh ngát màu xanh của cây cối, lác đác những nếp nhà sàn êm ấm, yên bình điểm màu bởi những bông chuối rừng, những bông hoa gạo đỏ thắm đầu xuân. Dưới chân núi, dòng suối Thanh Thủy lặng lờ trôi. Nhờ sự hy sinh của các anh mà cuộc sống thanh bình, hạnh phúc đã phủ lên mảnh đất từng một thời bom đạn, đau thương này.

Lê Hoài Nam – Công đoàn TCT

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.