Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Ô nhiễm ôzôn trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là một thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã đưa ra Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/6) năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.
Ngành hàng không phát thải khoảng 2% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. (Ảnh st).
Vậy, ngành hàng không liệu có liên quan gì tới ô nhiễm không khí? Hãy cùng nhau tìm hiểu những thông tin và sự thật về phát thải trong ngành hàng không.
► 859 triệu tấn: Năm 2017, các chuyến bay trên toàn thế giới đã thải 859 triệu tấn CO2.
► 1 năm: 1 người bay khứ hồi từ London đến New York tạo ra mức phát thải bằng trung bình 1 người ở châu Âu sưởi ấm nhà trong 1 năm.
► 20%: Mỗi thế hệ tàu bay mới trung bình tiết kiệm nhiên liệu hơn 20% so với thế hệ cũ.
► 2%: Ngành hàng không phát thải khoảng 2% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu.
► 12%: Hàng không đóng góp 12% lượng khí thải ngành vận tải.
► 80%: Tàu bay phản lực ngày nay tiết kiệm nhiên liệu hơn 80%/ghế-km so với tàu bay từ thập niên 1960.
► 81%: Công suất trung bình của máy bay là 81%, lớn hơn các hình thức vận chuyển khác.
► 80%: Nhiên liệu thay thế, đặc biệt là nhiên liệu sinh học bền vững từ tảo hoặc phụ phẩm thải có thể làm giảm tới 80% lượng khí thải carbon.
Mục tiêu về phát thải
► 1.5%: Cải thiện hiệu suất nhiên liệu của đội tàu lên 1,5% mỗi năm từ nay đến năm 2020.
► Ổn định: Ổn định lượng phát thải carbon ròng từ hàng không từ năm 2020 thông qua phát triển carbon trung tính.
► 50%: Đến năm 2050, giảm lượng khí thải xuống còn một nửa so với năm 2005.
► 1000 tỷ đô: Để ngành hàng không đạt được mục tiêu cải thiện hiệu suất nhiên liệu trung bình của đội bay 1,5% mỗi năm từ năm 2010 đến năm 2020, các hãng hàng không thế giới đã mua 12.000 máy bay mới với chi phí 1 nghìn tỷ đô la kể từ năm 2009.
Chiến lược 4 trụ cột: Giải quyết các tác động của ngành lên khí hậu và đáp ứng các mục tiêu carbon
► Công nghệ mới, bao gồm việc triển khai nhiên liệu thay thế bền vững.
► Khai thác hiệu quả.
► Cải thiện cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa hệ thống quản lý không lưu.
► Các giải pháp dựa trên thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh chung của ngành, VNA cũng không đứng ngoài. VNA tích cực áp dụng đồng thời nhiều giải pháp để giảm lượng khí thải ra môi trường.
Các tàu bay thế hệ mới của VNA đều thỏa mãn tiêu chuẩn về khí thải và giảm nhiên liệu tiêu thụ. (Ảnh Boeing).
Từ năm 2015, VNA đã bắt đầu nhận những tàu bay đầu tiên thuộc thế hệ mới bao gồm A350, B787 và A321neo. Động cơ được lựa chọn trên tàu bay mới này đều thỏa mãn tiêu chuẩn về khí thải CAEP 6, giảm 16% nhiên liệu tiêu thụ, 50% khí thải và 75% tiếng ồn so với loại động cơ hiện tại. Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật như tháo rửa động cơ, gửi động cơ đi đại tu, lựa chọn cấu hình giảm tiêu hao nhiên liệu, VNA đã và đang duy trì áp dụng 43 giải pháp tiết kiệm nhiên liệu trong điều hành khai thác. Từ năm 2019, VNA đã gửi số liệu về phát thải cho Cục hàng không Việt Nam để phục vụ cho chương trình giảm và đền bù carbon đối với các chuyến bay quốc tế.
Có thể nói, trong 4 trụ cột chiến lược giải quyết các tác động của ngành lên khí hậu ngoại trừ giải pháp thứ 3 liên quan tới quản lý không lưu thì chúng ta đã và đang tham gia vô cùng tích cực vào 3 giải pháp còn lại thuộc chiến lược về giảm phát thải của ngành hàng không thế giới.
Nguồn ICAO