Tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của mỗi tổ chức, phản ánh giá trị, niềm tin và cách thức làm việc của toàn bộ đội ngũ. Văn hóa làm việc vững mạnh không chỉ thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu suất, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 1 (11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Câu nói đã nói lên tầm quan trọng của văn hoá. Văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ sẽ tạo nên bản sắc riêng biệt cho doanh nghiệp, thu hút nhân tài, thúc đẩy sự sáng tạo và hiệu quả hoạt động, từ đó dẫn đến sự phát triển bền vững.

TS Giản Tư Trung (sách Quản trị bằng Văn hóa) định nghĩa “Văn hóa doanh nghiệp chính là cách nghĩ, cách sống và cách làm của doanh nghiệp. Hay nói một cách cụ thể hơn, văn hóa doanh nghiệp chính là cách nghĩ, cách sống và cách làm việc của từng con người trong doanh nghiệp đó.”

Tại sao cần phát triển văn hóa doanh nghiệp?

Theo tài liệu Chuyên đề Văn hóa doanh nghiệp do PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân biên soạn, văn hóa doanh nghiệp trong quản lý thể hiện hai vai trò quan trọng: (1) Văn hóa doanh nghiệp là công cụ triển khai chiến lược, và (2) Văn hóa doanh nghiệp là phương pháp tạo động lực cho người lao động và sức mạnh đoàn kết cho tổ chức, doanh nghiệp. 

Ở vai trò thứ nhất, chiến lược đề ra mục tiêu, nhưng văn hóa doanh nghiệp lại là chìa khóa để biến mục tiêu thành hiện thực. Nó tạo nên sự đồng lòng, thống nhất trong hành động của toàn thể nhân viên, đảm bảo mọi người cùng chung tay góp sức thực hiện chiến lược chung.

Để thực hiện thành công chiến lược, sự tham gia của tất cả thành viên trong tổ chức là điều cần thiết. Tuy nhiên, mỗi cá nhân đều sở hữu những kỹ năng, năng lực và vai trò riêng biệt, ví như những bánh xe khác nhau của cỗ xe. Để cỗ xe di chuyển cùng hướng đến mục tiêu chung, cần có những quy tắc hành động thống nhất. Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng những quy tắc này. Nó định hướng hành vi, quyết định của mọi thành viên, đảm bảo sự đồng lòng và phối hợp hiệu quả trong quá trình thực thi chiến lược.

Thứ hai, văn hóa doanh nghiệp là phương pháp tạo động lực cho người lao động và sức mạnh đoàn kết cho tổ chức, doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng dựa trên hai yếu tố cốt lõi: giá trị và con người. Trong đó giá trị là những ý nghĩa, niềm tin được thể hiện trong triết lý hành động, bao gồm quan điểm, cách thức tư duy và ra quyết định. Đây là thước đo để đánh giá các quyết định, nguồn động lực để hành động và mục tiêu phấn đấu chung cho mọi thành viên trong tổ chức. Giá trị chung tạo nên sức mạnh tập thể đoàn kết và sự gắn kết chung.

Tại Vietnam Airlines, con người được coi là “tài sản quý giá nhất”.

Giá trị doanh nghiệp không chỉ hướng đến lợi nhuận mà còn thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, thể hiện qua những đóng góp về phúc lợi, sự phát triển chung và gìn giữ các giá trị đạo đức. Giá trị còn được thể hiện qua hình ảnh của tổ chức, được xã hội đánh giá cao và ghi nhận thông qua thương hiệu và lợi nhuận.

Mấu chốt của văn hóa doanh nghiệp là về con người, vì con người. Lãnh đạo đóng vai trò khởi xướng, truyền cảm hứng và định hướng văn hóa doanh nghiệp. Thành viên tổ chức đóng vai trò thực hiện, cụ thể hóa giá trị trong hành động và phấn đấu.

Bản sắc văn hóa – nền tảng thành công của mỗi doanh nghiệp

Trong chiến lược cạnh tranh hiện đại, chất lượng sản phẩm mới chỉ là sự khởi đầu, và sự khác biệt trong định vị thương hiệu không còn là yếu tố quyết định. Bản sắc văn hoá mới là nền tảng cốt lõi để các đối thủ vượt trội trước đối thủ cạnh tranh, và chinh phục khách hàng. 

Bản sắc văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Bản sắc này không chỉ được xây dựng từ các giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh mà còn từ phong cách lãnh đạo và phương thức hoạt động. Các yếu tố này kết hợp lại tạo nên một môi trường làm việc đoàn kết, sáng tạo và năng động, giúp doanh nghiệp không chỉ đạt được mục tiêu kinh doanh mà còn tạo ra giá trị bền vững cho xã hội.

Bản sắc văn hóa Vietnam Airlines được xác định là nền tảng thành công và nâng cao năng lực cạnh tranh

Bản sắc văn hóa doanh nghiệp còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu. Khi khách hàng cảm nhận được sự khác biệt và độc đáo trong văn hóa doanh nghiệp, họ sẽ có xu hướng gắn bó và trung thành với thương hiệu đó hơn. Đồng thời, một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ cũng giúp thu hút và giữ chân những nhân tài, bởi họ cảm thấy được tôn trọng và có cơ hội phát triển bản thân trong môi trường làm việc tích cực. 

Là Hãng hàng không mang trên mình sứ mệnh quốc gia, là “cánh chim đầu đàn” của ngành hàng không Việt, Văn hoá của Vietnam Airlines được xây dựng và bồi đắp qua nhiều thế hệ trong suốt 30 năm hình thành và phát triển. Theo đó, văn hóa doanh nghiệp của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam xây dựng theo mô hình 1-5-5. Gồm 1 trung tâm là “lấy khách hàng làm trung tâm”. 5 trụ cột là 1 – Văn hóa an toàn – SAFETY; 2 – Văn hóa chính trực – INTEGRITY; 3 – Văn hóa nâng tầm dịch vụ – UPLIFTING SERVICES; 4 – Văn hóa số – DIGITAL và 5 – Văn hóa học tập – LEARNING. Đây chính là giá trị cốt lõi, là tài sản đặc biệt của doanh nghiệp, yếu tố quyết định để xây dựng và tạo nên sức mạnh của Vietnam Airlines.

Văn hóa doanh nghiệp của Vietnam Airlines xây dựng theo mô hình 1-5-5. Trong đó nhấn mạnh “lấy khách hàng làm trung tâm

Với nhiều năm lãnh đạo Tập đoàn FPT, xây dựng nên một trong những doanh nghiệp có văn hoá khác biệt và thành công, ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch hội đồng trường Đại học FPT chia sẻ: “Văn hóa doanh nghiệp là thứ còn lại sau cùng, là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất giúp doanh nghiệp đứng vững sau biến cố. Ở FPT có 6 chữ Vàng: Tôn – Đổi – Đồng – Chí – Gương – Sáng. Để nhân viên hạnh phúc – khách hàng hài lòng thì là sự đồng nhất, thống nhất từ trên xuống dưới, lãnh đạo làm gương là điều quan trọng nhất”.

Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp, được xây dựng dựa trên giá trị và con người, là yếu tố then chốt để tạo động lực cho người lao động, xây dựng sức mạnh đoàn kết và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho tổ chức. Doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp phù hợp với giá trị cốt lõi, mục tiêu chiến lược và đặc thù ngành nghề kinh doanh để đạt được thành công lâu dài.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.