Sáng 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: VHTT&DL; LĐTB&XH; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; NN&PTNT; Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, du lịch; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không. Tham dự Hội nghị, TGĐ Lê Hồng Hà đã có bài tham luận về chính sách, Chiến lược phát triển du lịch quốc gia nhằm thúc đẩy thị trường hàng không, du lịch để Việt Nam trở thành điểm đến trong khu vực.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Đồng thời, du lịch là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” cũng là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023. Hội nghị được tổ chức trong không khí cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024; và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm (thường từ tháng 10 hằng năm đến tháng 3 năm sau).
Trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp và những thách thức, thuận lợi đan xen, Thủ tướng đề nghị Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh những chia sẻ của của các bộ, ban, ngành và đại diện các doanh nghiệp, phát biểu tại Hội nghị, TGĐ Lê Hồng Hà cho biết, sau dịch COVID-19 và chính sách mở cửa của Chính phủ, thị trường đã có sự tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, tăng trưởng vận tải hàng không Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Đến hết 10 tháng năm 2023, thị trường vận tải hàng không quốc tế đã quay lại 97% so với trước dịch COVID-19. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đạt được mức 73%, Việt Nam cũng đang ở mức 72% so với trước dịch.
Hiện tại, Việt Nam đã đạt mục tiêu 10 triệu khách. Tuy nhiên, để đạt được mức 50 triệu khách quốc tế vào năm 2025 như gợi ý mở đầu của Thủ tướng thì trong 7 năm tới có rất nhiều việc cần triển khai. Để phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững, Vietnam Airlines có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, cần xem lại việc cập nhật Chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Chúng ta phải nhìn đến yếu tố cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến khác trong khu vực, khi đó mới xây dựng được tốc độ tăng trưởng phù hợp. Tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam phải ở mức nhanh và đưa ra lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, để Việt Nam trở thành điểm đến trong khu vực.
Thứ hai, cần xây dựng chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch có độ dày và rõ ràng. Cần có cơ quan theo dõi, đốc thúc và đảm bảo công tác triển khai. Bên cạnh đó, không thể chỉ một mình Cục Du lịch Việt Nam mà còn cần sức mạnh của nhiều ngành liên quan, của các bộ, ngành và của chính doanh nghiệp. Năm 2023 ngành du lịch Việt Nam có nhiều thuận lợi với nhiều hoạt động kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, nhằm quảng bá du lịch Việt Nam. Do đó, kiến nghị ngay trong hoạt động hợp tác quốc tế của bộ, ngành, địa phương có phần giới thiệu về du lịch Việt Nam. Không chỉ giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam mà còn về vẻ đẹp du lịch Việt Nam để mời gọi khách đến với Việt Nam cũng như quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới.
Thứ ba, cần xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững. Đây không chỉ là cam kết của Chính phủ tại COP26 mà còn là sự quan tâm của khách hàng với vấn đề du lịch xanh và bền vững. Nếu chúng ta không triển khai tốt việc này thì du lịch Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Ví dụ với hàng không đang thực hiện net-zero đến năm 2050, khí thải bằng 0, trong đó triển khai là sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Đến năm 2023 ngành hàng không phải sử dụng 10% loại nguyên liệu này. Để thực hiện được việc này, các hãng hàng không không thể tự làm được mà còn cần sự hỗ trợ của các Bbộ, ngành để tổ chức và sản xuất được nhiên liệu sạch này để hàng không sử dụng.
Thứ tư, điểm kết nối dữ liệu khách du lịch và ứng dụng CNTT chuyển đổi số. Đây là một lợi thế mà các hãng đều đang đẩy mạnh sử dụng chuyển đổi số và có những dữ liệu khách hàng. Cần có một cơ quan giúp kết nối, tổ chức những thông tin này để phục vụ khách du lịch tốt, nâng cao trải nghiệm của khách đến Việt Nam cũng như để khách đến và quay lại Việt Nam .
Thứ năm, VNA xin kiến nghị về các chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không và du lịch. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ để các hãng hàng không, du lịch có sự phục hồi trở lại trong năm 2024 và phát triển trong các năm tiếp theo.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VPCP, các Bộ, ngành, địa phương đã chuẩn bị kỹ, chu đáo Hội nghị, những ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn, cho thấy quyết tâm cao phát triển đột phá ngành du lịch, dưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần đi sau nhưng phải vượt lên trước; yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
(Theo Báo điện tử Chính phủ)