Nét văn hóa truyền thống mang tinh thần dân tộc
Bơi chải xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân ven sông. Ban đầu, bơi chải chủ yếu là một hoạt động sinh tồn, phục vụ cho việc đi lại, đánh bắt cá và các công việc liên quan đến sông nước. Từ cách đây khoảng 3.000 năm, trên các họa tiết trống đồng Đông Sơn đã khắc họa sinh động hình ảnh bơi thuyền nhiều mái chèo, đuôi thuyền có người thúc trống đồng giục giã.
Đến thời kỳ Lý – Trần, bơi chải được nâng lên thành một môn thể thao chính thức, được tổ chức trong các lễ hội lớn của nhà nước. Dân gian xưa có câu: “Vui xem hát, nhạt xem bơi” hay “Xuống sông bơi chải, lên bãi trồng vừng”, cho thấy sự yêu thích của người dân đối với môn thể thao này. Tháng 7 năm Thuận Thiên thứ 2 (1010), vua Lý Thái Tổ sau khi dời đô về Thăng Long đã tổ chức thi bơi thuyền ở sông Phú Lương (nay là Sông Hồng), nhà vua còn cho xây Điện Hàm Quang bên bờ sông để vãn cảnh và xem các cuộc đua thuyền sôi động.
Là quốc gia nhiều sông nước, truyền thống đánh thủy đã trở thành thế mạnh của quân ta thời phong kiến, thể hiện qua các chiến công đại phá quân Nam Hán của Ngô Quyền, các cuộc hành quân đánh Chiêm Thành, trận thủy địa sông Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo… Sử thời Lê cho biết, vua Lê Thái Tổ cho luyện thủy quân trên hồ Lục Thủy giữa kinh thành Thăng Long, chính là Hồ Gươm hiện nay.
Chính vì vậy, bơi chải thuyền rồng đã trở thành môn thể thao gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước trong lịch sử nước ta, là biểu tượng của sự đoàn kết, sức bền và tinh thần chiến đấu cao. Qua những cuộc đua sôi nổi, người dân không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn thể hiện lòng yêu nước, sẵn sàng bảo vệ quê hương. Tinh thần ấy đã lan tỏa rộng khắp, biến bơi chải thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của làng quê Việt Nam.
Qua thời gian, bơi chải thuyền rồng dần trở thành nét đẹp thể thao truyền thống. Xung quanh vùng Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ…. hội Bơi chải diễn ra thường niên trong những ngày Xuân. Người dân Bạch Hạc lưu truyền câu ca: “Rau gác, Hạc bơi, Hạc gác, Me bơi, Me gác, Đức Bác bơi, Đức Bác gác, Dạng bơi” để miêu tả sự sôi động của các lễ hội bơi trải nối tiếp nhau của các làng xung quanh nhánh sông Lô, sông Hồng này.
Duy trì nét đẹp bộ môn thể thao mang giá trị văn hoá của dân tộc
Ngày nay, bơi chải thuyền rồng vẫn được duy trì và phát triển, không chỉ để gìn giữ tinh thần thủy quân xưa, mà còn nhằm khơi gợi niềm tự hào về những chiến công lịch sử.
Trên thuyền có một người giữ vai trò chỉ huy (đánh trống), một người lái, những tay chèo còn lại thống nhất động tác, phối hợp nhịp nhàng trong từng đường chèo, có chiến thuật bứt phá tốc độ từ lúc xuất phát và về đích. Mỗi thành viên đều giữ vai trò quan trọng trên thuyền đua để làm nên chiến thắng cho đội. Cùng với đó là tiếng mái chèo khua nước, tiếng hò reo của vận động viên và sự cổ vũ nhiệt tình từ khán giả… tạo nên bầu không khí và tinh thần sôi động, kéo dài đến tận những phút cuối cùng của cuộc thi.
Việc khôi phục Lễ hội Thuyền rồng ở Hồ Tây, Hà Nội thành sự kiện thường niên nhằm khôi phục những nét đẹp văn hóa và kế thừa tinh thần của ông cha từ bao đời nay. Qua 5 lần tổ chức, giải Bơi chải Thuyền rồng Hà Nội mở rộng do Vietnam Airlines và UBND TP Hà Nội tổ chức đã trở thành một sân chơi quen thuộc và được những người đam mê thể thao môn đua thuyền rồng mong chờ.
Đăng ký tham dự giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm nay có gần 800 huấn luyện viên, vận động viên của 40 lãnh thổ, quốc gia, đơn vị và tổ chức. Trong đó có 48 đội thuyền đăng ký tham dự thi đấu, bao gồm: 7 đội đến từ các CLB quốc tế và các hãng hàng không; 8 đội thuyền của các Đại Sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; 7 đội thuyền chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước; 8 đội thuyền thuộc các Câu lạc bộ, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và 18 đội thuyền nam – nữ các quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội.
Giải đấu được chia thành 06 hạng mục, thi đấu ở cự ly 500 m, gồm các nội dung: Thi đấu thuyền 12 nam, nữ hỗn hợp của các đội thuyền quốc tế và Hãng Hàng không; Thi đấu thuyền 12 nam, nữ hỗn hợp của các đội đến từ các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Thi đấu thuyền 12 nam, nữ hỗn hợp của các đội thuyền tỉnh, thành phố trong nước; Thi đấu thuyền 12 nam, nữ hỗn hợp của các đội đến từ các Câu lạc bộ, tổ chức, doanh nghiệp, các trường Đại học tại Hà Nội; Thi đấu thuyền 12 nam các quận, huyện TP Hà Nội; Thi đấu thuyền 12 nữ các quận, huyện TP Hà Nội.
Điểm nổi bật của Giải Bơi chải Thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2024 là sự xuất hiện của hạng mục dành riêng cho các đội quốc tế và hãng hàng không nước ngoài. Điều này không chỉ tạo cơ hội giao lưu, thi đấu mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh của môn thể thao truyền thống dân tộc. Sự gia tăng số lượng đội tham gia so với năm trước cho thấy sức hút ngày càng lớn của giải đấu.
Với vai trò đơn vị tổ chức giải đấu, Vietnam Airlines không chỉ mang đến một sân chơi thể thao sôi động mà còn góp phần tích cực vào việc quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội. Việc bảo tồn và phát huy môn thể thao truyền thống thuyền rồng cũng là một trong những hoạt động trọng tâm, thể hiện rõ nét cam kết của hãng đối với cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước.