Buổi làm việc giữa các bên đã nêu nổi bật bức tranh tổng quan về mật độ bay tăng cao, tình hình công tác dự báo thời tiết, quản trị rủi ro yếu tố tự nhiên, kẻ vẽ đường lăn sân đỗ, trang thiết bị phục vụ bay đêm, mở rộng giờ khai thác, bố trí bãi đậu qua đêm… Các bên đã trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp cùng nhau phối hợp đảm bảo an toàn khai thác cho các chuyến bay.
Tiếp cận không ổn định, go-around được xác định do các nguyên nhân thời tiết (mùa mưa làm tầm nhìn giảm, gió chướng, gió lớn, gió giật kết hợp với địa hình núi quanh sân bay), động vật hoang dã xuất hiện trong khu bay/ khu vực lân cận và hỏng hóc kỹ thuật tàu bay.
Các đặc thù về thời tiết kèm theo yếu tố địa hình có ảnh hưởng tới khả năng khai thác, nhiều chuyến bay phải bay lại, bay chờ trong các tháng có gió chướng từ tháng 10 đến tháng 4 hoặc phải divert trong các tháng mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10. Vì vậy, công tác dự báo thời tiết nâng cao độ chính xác, đặc biệt là hướng gió, gió giật trước thềm đường băng và kiến nghị đầu tư bổ sung các trang thiết bị phục vụ tốt cho công tác dự báo. Hiện nay, sân bay Côn Đảo đã được phê chuẩn phương thức cất/hạ cánh theo dẫn đường theo tính năn (PBN) với yêu cầu điều kiện thời tiết thấp hơn.
Cảng hàng không sân bay Côn Đảo nằm trong lõi của rừng quốc gia Côn Đảo (nơi công tác gìn giữ, bảo tồn các loài chim và động vật hoang dã được coi trọng). Vì vậy, công tác quản lý chim, động vật hoang dã và vật nuôi được trú trọng/tăng cường khi thực hiện các giải pháp xua đuổi, phát quang bụi rậm, khắc phục khe hở bờ rào, thường xuyên kiểm tra. Tháng 10/2023, Ban An toàn – Chất lượng phối hợp với công ty bảo hiểm, chuyên gia quốc tế của Starr Consulting Services và chuyên gia Việt Nam thuộc Viện Sinh thái và Tài Nguyên Sinh Vật cùng thực tiện khảo sát quản trị rủi ro yếu tố tự nhiên tại sân bay Côn Đảo và đưa ra báo cáo khảo sát cùng các kiến nghị để quản lý hiệu quả chim, động vật hoang dã và vật nuôi có nguy cơ xuất hiện tại sân bay, các khu vực/các hòn đảo nhỏ lân cận.
Hiện tại, sân bay Côn Đảo (VCS) không khai thác ban đêm, các chuyến bay chỉ được khai thác trong khung giờ từ 06h00 tới 18h00 giờ địa phương. Việc mở rộng giờ khai theo thông lệ quốc tế thay cho giờ khai thác cố định hiện nay, phía Tổng công ty HKVN kiến nghị lên Cục HKVN để tăng thời gian khai thác tại VCS trước khi mặt trời mọc và sau khi mặt trời lặn.
Đoàn công tác cùng đề nghị nhà chức trách sân bay xem xét lắp đặt đèn đường băng, trang thiết bị phục vụ bay đêm (bao gồm cả đèn PAPI).
Nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác tăng rất cao đối với các chặng Tân Sơn Nhất/Cần Thơ – Côn Đảo và ngược lại, theo dự kiến số chuyến bay khai thác đến Côn Đảo lịch bay mùa hè năm 2024 trong giai đoạn cao điểm kéo dài từ tháng 1 tới tháng 8. Vì vậy, Tổng công ty đề nghị cảng hàng không sân bay Côn Đảo hỗ trợ cho phép tối đa 3 tàu bay (là những chuyến cuối cùng) được phép đậu qua đêm để nâng tần suất và giảm chi phí khai thác.
Do đặc thù về địa hình và thời tiết mưa, gió chướng, gió lớn xảy ra quanh năm, các chuyến bay đến Côn Đảo hầu như đều phải mang thêm nhiên liệu bay chờ và nhiên liệu cho chặng quay lại sân bay Tân Sơn Nhất và Cần Thơ. Điều này ảnh hưởng lớn tới tải thương mại của chuyến bay. Vì vậy, kế hoạch cung cấp nhiên liệu cho tàu bay tại sân bay Côn Đảo cũng là một trong số các nội dung được thúc đẩy.
Chương trình kiểm tra, giám sát an toàn của UBAT – VN Group từ ngày 01/3/2024 thành công tốt đẹp với nhiều nội dung được đưa ra để trao đổi, bàn luận và cùng phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ với mục tiêu lớn, quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ trong công tác an toàn của Tổng công ty, đảm bảo thắng lợi các mục tiêu an toàn lớn trong năm đã đề ra và thực hiện cam kết phối hợp an toàn giữa 3 Tổng công ty ACV-VNA-VATM.