[2/9] Dấu ấn mùa thu

Mỗi mùa thu đến, lại nhắc chúng ta nhớ đến ngày lễ Quốc khánh 2/9, trong trái tim mỗi người Việt Nam lại bùng lên những cảm xúc thiêng liêng, xúc động, niềm tin kiêu hãnh và lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp để bất cứ người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài cùng hướng về Tổ quốc, cùng nhau ôn lại những ý nghĩa lịch sử của ngày lễ trọng đại này cũng như nhìn nhận sự gắn bó của mỗi tổ chức, cá nhân trong dòng chảy lịch sử của dân tộc.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những chiếc máy bay đầu tiên mang màu cờ Tổ quốc

Ngày 02/9/1956, một sự kiện ghi dấu ấn mạnh mẽ không thể nào quên với các cán bộ, chiến sĩ Không quân, của Quân đội nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung khi được chứng kiến hình ảnh khi đoàn xe kéo pháo hùng dũng tiến qua Lễ đài thì cũng là thời điểm 5 chiếc máy bay của Không quân Việt Nam đã nối đuôi nhau diễu hành qua vùng trời Ba Đình lịch sử. Để  những chiếc máy bay mang cờ Tổ quốc lần đầu tiên xuất hiện trên Quảng trường Ba Đình lịch sử trong ngày đại lễ với tổ bay có các chiến sĩ cơ giới Không quân Việt Nam tham gia là một nỗ lực, quyết tâm vô cùng lớn lao và quyết liệt của các cán bộ, chiến sĩ hàng không – không quân vào thời điểm ấy, khi ngành hàng không vừa ra đời và vô cùng non trẻ ấy (01/1956).

Nhắc đến thời kỳ này, là nhắc đến một giai đoạn hình thành cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng một đội ngũ nhân lực của ngành cũng như đội ngũ những chiến sĩ lái máy bay của Không quân nhân dân Việt Nam. Theo Kế hoạch xây dựng Không quân 5 năm (1956 – 1960) quân đội ta dự định xây dựng một trung đoàn không quân vận tải; đồng thời nhanh chóng chuẩn bị cơ sở, vật chất kỹ thuật và đào tạo cán bộ chuyên môn, chỉ huy, phi công… để tổ chức các đơn vị không quân chiến đấu và các đơn vị không quân vận tải đảm bảo chiến đấu trong thời gian tiếp theo.

Những chiếc máy bay Aero-45 đầu tiên có mặt trên phi trường Gia Lâm năm 1956.

Trong năm 1956, ta được Trung Quốc viện trợ 05 máy bay (2 chiếc Li-2, 3 chiếc Aero-45) đồng thời cử tổ lái sang giúp ta tổ chức huấn luyện và bay vận chuyển hàng không. Những chiếc máy bay viện trợ được tiếp nhận và sơn cờ Tổ quốc Việt Nam, 2 chiếc Li-2 mang số hiệu VN-198 và VN-199; 3 chiếc Aero-45 mang số hiệu VN-200, VN-211 và VN-202). Chiếc thứ nhất mang số hiệu VN-198 để ghi nhận cột mốc lịch sử trọng đại: Ngày tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 thành công – bắt đầu từ đây quân đội ta, đại diện là các cán bộ, chiến sĩ không quân, đã được tiếp cận với ngành kỹ thuật hàng không.

Để từng bước đảm bảo cho phi công Việt Nam độc lập điều khiển máy bay, ta đã yêu cầu chuyên gia Trung Quốc giúp đào tạo thành viên tổ bay, trước hết là nhân viên thông tin, cơ giới trên không và tiếp theo đào tạo lái phụ, lái chính. Thời gian ban đầu dự kiến đào tạo chính thức trong 6 tháng, với chương trình huấn luyện gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1, bạn làm, ta xem; giai đoạn 2,  bạn và ta cùng làm; giai đoạn 3, ta làm, bạn xem và giai đoạn 4, ta hoàn toàn đảm nhiệm.

Với sự nỗ lực vượt bậc và quyết liệt, khi đang huấn luyện ở giai đoạn 3, ta đã được bạn đánh giá là hoàn thành toàn bộ chương trình huấn luyện và các chuyên gia Trung Quốc đã bắt đầu rút dần về nước.  Chỉ sau khi học lý thuyết thì chỉ một thời gian ngắn bay kèm và kiểm tra 2 chuyến bay, nhân viên cơ giới trên không và thông tin trên không của ta đã đảm nhiệm thay thế chuyên gia của bạn được ngay. Từ đó đã hình thành tổ bay hỗn hợp giữa ta và bạn cùng thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí  Ngô Địch Thanh và đồng chí Đặng Đình Ninh là hai trong những phi công cơ giới trên không xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn để cùng tổ bay của bạn thực hiện nhiệm vụ trên các chuyến bay phục vụ Lễ duyệt binh ngày Quốc khánh 02/9/1956.

Đại tá, phi công, Anh hùng LLVT Đinh Tôn, cơ trưởng tổ bay Việt Nam đầu tiên làm chủ bầu trời Tổ quốc.

65 năm ngày những cánh bay Việt đầu tiên xuất hiện trên bầu trời Tổ quốc

65 năm trước, ngày 20/8/1958, một ngày không thể quên, ước mơ chinh phục bầu trời từ bao đời nay nay của các thế hệ “con rồng, cháu tiên” đã thành hiện thực. Hồi 9 giờ 15 phút, từ sân bay Gia Lâm, tổ bay phi công Việt Nam trên chiếc Aero-45 mang số hiệu VN201 do Cơ trưởng Đinh Tôn, Cơ phó Hoàng Liên và phi công dẫn đường Đinh Huy Cận, đã cất cánh bay lên bầu trời Hà Nội. Cơ trưởng Đinh Tôn điều khiển đã lẹ làng, chuẩn xác bay lên bầu trời Thăng Long, Hà Nội, rồi hướng về miền Trung đưa Tư lệnh Quân khu 4 vào Đồng Hới, Quảng Bình, thực hiện phương án tác chiến của Bộ Tổng tham mưu trong thời gian ngắn nhất.

Chuyến bay đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa quan trọng do tổ bay hoàn toàn phi công Việt Nam độc lập điều khiển, đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ người lái máy bay, tất cả đã sẵn sàng cho các Trung đoàn không quân chuẩn bị hình thành. Ngày 20/8/1958, có thể coi là ngày đầu tiên phi công Việt Nam bay lên làm chủ bầu trời Tổ quốc.

Các phi công Đinh Tôn, Hoàng Liên, Đinh Huy Cận sau đó đều phát triển thành những cán bộ, giáo viên nòng cốt tại các đội bay của Trung đoàn không quân vận tải 919. Năm 1966, phi công Đinh Tôn được cử đi học lái Mig-21. Đại tá, phi công, Anh hùng LLVT Đinh Tôn là một trong những phi công chiến đấu hàng đầu của Không quân ta. Ngay trong ngày đầu xuất kích, ông đã bắn rơi một máy bay trinh sát và liên tục trong 3 tháng liền năm 1968, phi công Đinh Tôn lập công và bắn rơi 3 máy bay địch. Đó là một kỉ lục hiếm có trong lịch sử Không quân Nhân dân Việt Nam.

Hậu duệ của các chiến sĩ Trung đoàn Không quân vận tải 919 trong đội ngũ của Hãng Hàng không Quốc gia ngày hôm nay…

Nhân Ngày Quốc khánh mùng 2/9, người Hàng không cùng nhau ôn lại những sự kiện không chỉ có ý nghĩa lịch sử to lớn mà còn như lời nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay khi sinh ra trong hòa bình, không phải chứng kiến cảnh đất nước chia cắt, súng đạn và chiến tranh, phải luôn luôn học tập, rèn luyện sao cho xứng đáng với truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước, của ngành hàng không Việt Nam và truyền thống vẻ vang của đơn vị.

Hậu duệ của các chiến sĩ Trung đoàn Không quân vận tải 919 – Đoàn bay 919 trong đội ngũ của Hãng Hàng không Quốc gia ngày hôm nay, quyết tâm nêu cao truyền thống đơn vị Anh hùng, ra sức học tập, rèn luyện, đảm bảo bay tuyệt đối an toàn và phấn đấu xây dựng Đoàn bay 919, TCT ngày càng phát triển bền vững.

… quyết tâm nêu cao truyền thống đơn vị Anh hùng, ra sức học tập, rèn luyện, đảm bảo bay tuyệt đối an toàn, phấn đấu xây dựng Đoàn bay 919, TCT ngày càng phát triển bền vững.
Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.