Đổi mới: Sáng tạo để phục vụ con người (phần 1)

Công nghệ số ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp luôn phải đổi mới không ngừng để bắt kịp thời đại và đảm bảo không bị tụt lại phía sau. Một công ty càng lâu đời càng cần cố gắng hết sức để có thể “đột phá” chính mình. Hãy cùng VNA Spirit khám phá những điểm chung trong cách duy trì văn hoá Đổi mới của những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đổi mới phải là triết lý nền tảng

Với các đại gia công nghệ, đổi mới luôn nằm trong các triết lý nền tảng của doanh nghiệp. Là công ty sáng tạo có nghĩa là không bao giờ được ngừng sáng tạo. Nó cũng đồng nghĩa với việc chính họ phải thách thức cả sự sáng tạo đã giúp doanh nghiệp có được thành công như ngày hôm nay.

“Đây là Ngày đầu tiên (Day 1) của kỷ nguyên Internet. Chúng ta vẫn còn rất nhiều thứ phải học hỏi”, Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon luôn có một thông điệp nhất quán đối với các nhà đầu tư, nhân viên và phần còn lại của ngành công nghiệp. 

Nếu đọc qua tất cả các lá thư được viết một cách tỉ mỉ mà Bezos gửi cổ đông, cụm từ “Ngày đầu tiên” đã xuất hiện tới 22 lần, với sự nhất quán một cách đáng kinh ngạc. 

Trong 10 năm qua, mọi lá thư gửi cổ đông đều kết thúc bằng một dòng: “Như mọi khi, tôi đính kèm một bản sao của bức thư gốc năm 1997 của chúng tôi. Cách tiếp cận của chúng tôi vẫn như cũ, và đó vẫn là Ngày đầu tiên”. Với Amazon, ngày đầu tiên luôn là ngày của sự tươi mới, sự phát triển, của sức sống. Nó nhắc nhở công ty còn rất nhiều việc phải làm phía trước.

alt text
Hai tòa nhà văn phòng lớn ở Seatle được đặt tên là Day 1 North và Day 1 South để nhắc nhở mọi người về niềm tin cơ bản này. “Có nhiều thứ chưa được phát minh. Có nhiều điều mới sẽ xảy ra. Mọi người dường như không biết rằng Internet sẽ có tác động mạnh đến như thế nào và hôm nay mới chỉ là Ngày đầu tiên của hành trình vĩ đại đó” – (Jeff Bezos).

Tại sao “Ngày đầu tiên” lại quan trọng đối với Amazon? Thông thường trong những ngày mới thành lập, các doanh nghiệp sẽ hoạt động với phương châm đề cao tốc độ, sự nhanh nhẹn với tâm lý chấp nhận rủi ro, nhưng khi doanh nghiệp phát triển lớn hơn, độ phức tạp bắt đầu tăng lên và các tầng lớp bắt đầu hình thành, các công ty này rơi vào một cái bẫy với tên gọi là “các doanh nghiệp lớn”. Đặc điểm của chiếc bẫy này là vận hành chậm chạp, cứng nhắc và không thích rủi ro.

“Có một số cái bẫy tinh vi mà ngay cả các tổ chức lớn cũng có thể rơi vào như một lẽ hiển nhiên, và chúng ta sẽ phải học cách để đề phòng chúng”, Jeff nói. Mỗi ngày là một ngày mới, mỗi ngày thế giới lại thay đổi không ngừng, và chúng ta phải tìm kiếm sự thay đổi, tạo ra sự thay đổi và thích ứng với sự thay đổi. Đó đồng thời cũng là một bài học cho mọi nhà quản lý và lãnh đạo nên áp dụng cho mình. 

Dám chấp nhận rủi ro và tư duy khuyến khích thử nghiệm

Thành công lớn của Google không đồng nghĩa với việc hành trình chinh phục người dùng của họ hoàn toàn bằng phẳng. Có một điều rất đặc biệt ở Google: đó là công ty sẵn sàng đón nhận những thất bại và cùng nhau kỷ niệm những thất bại đó.

alt text

Google Glass ra mắt năm 2012 và ngừng kinh doanh vào năm 2015. Giá thành đắt đỏ, phần mềm kém tương thích và rắc rối về bảo mật được cho là các vấn đề của sản phẩm này. (Ảnh: St).

Theo nhà sáng lập Larry Page, một lần, khi một nhân viên cấp cao của Google phạm sai lầm, khiến Google mất nhiều triệu đô, và khi nhân viên đó thông báo cho Larry Page, anh đã nói: “Nếu chúng ta không phạm phải những sai lầm như vậy, chúng ta đang không chấp nhận đủ rủi ro”. Đổi mới liên quan đến việc khám phá những thứ mới mẻ và chưa được biết tới, do đó sự khoan dung đối với thất bại là một đặc điểm quan trọng của văn hóa này. 

Một biểu hiện khác của văn hoá đổi mới ở Google là tiếp tục nói “có” và bài trừ văn hóa “không”, chấp nhận những thất bại tất yếu và tiếp tục lặp lại cho đến khi làm được điều đúng đắn.

Amazon cũng không ngừng thử nghiệm, phát minh và tất nhiên là cả mắc sai lầm. Với Jeff Bezos, tốc độ là vấn đề tối quan trọng trong kinh doanh. Năm 2014, Amazon đã phải đối mặt với thất bại lớn trong lần ra mắt sản phẩm Amazon Fire Phone. Sau khoảng một năm ra mắt “ế ẩm”, Amazon thiệt hại khoảng 170 triệu USD. Tuy nhiên, Jeff Bezos đã từng nói: “Nếu bạn cho rằng sản phẩm Fire Phone là thất bại lớn của Amazon, thì hãy hiểu rằng chúng tôi sẽ còn rất nhiều lần thất bại lớn hơn và lần thử nghiệm Fire Phone chưa là gì”.

Vị tỷ phú này nhấn mạnh: “Amazon là nơi tốt nhất trên thế giới để thất bại và chúng tôi đã trải qua điều này rất nhiều”. Kết quả thu được là một loạt các đổi mới liên tục như Prime Air, Amazon Video, Kindle, Fire TV, Amazon Fresh, Amazon Go, Echo, AWS… là minh chứng cho những sáng tạo không ngừng của Amazon. Đây là doanh nghiệp bán lẻ có số lượng bằng sáng chế lớn nhất trên thế giới, theo IFI Claims. 

Tương tự, ở Facebook, việc khuyến khích chấp nhận rủi ro, cho phép liên tục thử nghiệm có thể đúc kết bằng câu nói: “Được rồi, nếu điều này sẽ phá hủy công ty sao? Nếu không, hãy để họ thử nó!” Ý tưởng, trí tưởng tượng, sự sáng tạo và đổi mới luôn được hoan nghênh. Tại bất kỳ thời điểm nào, không chỉ có một phiên bản Facebook đang hoạt động mà có thể có tới 10.000 phiên bản. Tất cả những nỗ lực sáng tạo là để giúp người dùng có được những trải nghiệm tốt hơn. 

Nỗ lực thử nghiệm các mô hình công nghệ hoặc loại hình kinh doanh mới lạ thường có tính rủi ro cao, không thể biết nếu không thử. Thất bại trong những trường hợp này sẽ giúp rút ra các bài học quý giá cho chặng đường dài phía trước. 

Còn tiếp!

Nguồn tham khảo:

1. John Rossman, “Phương thức Amazon, 14 nguyên tắc lãnh đạo của một công ty đột phá bậc nhất thế giới”, NXB Thế giới

2. Tri thức trẻ, “Google và văn hóa “kỷ niệm những thất bại” khiến nhân viên không thể tái phạm sai lầm cũ”

3. Google, Susan Wojcicki, “The Eight Pillars of Innovation”

https://www.thinkwithgoogle.com/future-of-marketing/creativity/8-pillars-of-innovation/

4. Harvard Business Review, Gary P. Pisano, The Hard Truth About Innovative Cultures

https://hbr.org/2019/01/the-hard-truth-about-innovative-cultures

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.