Cơ hội
CĐS đã nhen nhóm ở nước ta từ năm 2017 và có những bước phát triển nhanh chóng. Tháng 6/2020, Thủ tướng phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kể từ đó, hàng loạt chính sách mới được ban hành và 2020 được xem là năm khởi đầu trên con đường chuyển đổi số quốc gia.
Cùng lúc này, những thay đổi đột ngột do ảnh hưởng của Covid-19 khiến chuyển đổi số trở thành điều kiện sống còn của các doanh nghiệp, tổ chức. Song song với đó, Chính phủ Việt Nam cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, đặt nền móng quan trọng cho giai đoạn tiếp theo trên con đường chuyển đổi số từ chính sách đến hành động.
Hiện nay, các công nghệ Big Data, AI, Machine Learning, Cloud Computing… đã không còn xa lạ và đang được ứng dụng rộng rãi. Các giải pháp công nghệ này có thể giúp thực hiện được hầu hết các nhu cầu tự động hóa, tăng năng suất, nâng cao trải nghiệm khách hàng… mà chưa thực hiện được trong giai đoạn trước đây. Công nghệ số cơ bản đã trưởng thành và đáp ứng được cho các nhu cầu, bài toán kinh doanh đột phá.
Mặt khác, dân số Việt Nam sử dụng internet đạt gần 70 triệu người, tỷ lệ người sử dụng internet trên điện thoại đạt 95%. Khách hàng đi lại bằng máy bay nói chung và tập khách của VNA nói riêng đang trẻ hóa, là đối tượng có thói quen sử dụng công nghệ. Mức độ hiểu biết về công nghệ số, CĐS đang trở nên phổ biến trong xã hội. Các ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp gia tăng hợp tác kết nối trên môi trường số để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, giá trị cao, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách.
Năm bắt được cơ hội, Đảng ủy TCT đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/ĐUTCT ngày 16/6/2021 về việc triển khai công tác CĐS tại VNA giai đoạn 2021-2025 thể hiện mức độ nhận thức, ủng hộ cho CĐS nhất quán giữa các cấp lãnh đạo và nhân viên.
VNA cũng đã có kinh nghiệm ứng dụng công nghệ từ hơn 20 năm trong nhiều lĩnh vực, đến nay cơ bản các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều đã có hệ thống lõi. Lượng dữ liệu thu thập qua nhiều năm tương đối lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: thương mại, kỹ thuật, khai thác, dịch vụ… là tiền đề quan trọng cho quá trình CĐS.
Hạ tầng và ứng dụng CNTT cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển ứng dụng và phục vụ cho hoạt động quản lý. TCTHK có mạng lưới đối tác rộng khắp toàn cầu giúp tăng khả năng mở rộng hệ sinh thái nhanh và rộng. Được định vị là hãng hàng không cao cấp có uy tín không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.
Chính vì vậy thời điểm này là cơ hội vàng để VNA thực hiện chiến lược CĐS của mình.
Thách thức
Tuy nhiên CĐS không phải là quá trình dễ dàng. Bối cảnh kinh doanh hiện nay chưa hoàn toàn thuận lợi cho vận tải Hàng không do ảnh hưởng của dịch bệnh, lạm phát, chiến tranh gây nên 1 số điểm nóng trên thế giới. Cạnh tranh cao trong môi trường thương mại điện tử, các hãng hàng không đối thủ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ với tốc độ cao và cơ chế linh hoạt khiến cho các ưu thế truyền thống của VNA không còn hoặc giảm bớt.
Chi phí cao cho việc xây dựng nền tảng và giải pháp hạ tầng số, dữ liệu trong giai đoạn ban đầu cũng là một thách thức không hề nhỏ đối với các Hãng hàng không trong giai đoạn hiện nay. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho các Hãng hàng không chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động. Vì vậy, việc bố trí một nguồn kinh phí lớn, ổn định là rất cần thiết để không làm chậm quá trình triển khai các hạng mục lớn về CĐS trong giai đoạn tới.
Việc ứng dụng công nghệ số xóa đi rào cản không gian (tài sản cố định, số lượng lao động…), ngay cả các hãng hàng không giá rẻ cũng đang chuyển dịch nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả vận hành và tăng trải nghiệm khách hàng để gia tăng cạnh tranh nhằm mở rộng thị phần.
CĐS là cuộc chơi nơi mà cá nhanh nuốt cá chậm chứ không phải cá lớn nuốt cá bé. Tốc độ thay đổi của công nghệ diễn ra nhanh chóng, nếu không có khả năng thích ứng và thay đổi nhanh sẽ dễ bị tụt hậu. Khách hàng thay đổi nhu cầu, sở thích và hành vi nhanh chóng, vì vậy dữ liệu nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ không mang lại hiệu quả.
Việc đảm bảo nguồn nhân lực cho công cuộc CĐS cũng là một bài toán khó đối với các Hãng hàng không trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh việc phải tổ chức lại bộ máy, sắp xếp lao động theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian để giảm bớt chi phí về tiền lương thì ảnh hưởng của việc giảm thu nhập cũng dẫn đến việc chuyển dịch lao động sang các ngành nghề lĩnh vực khác, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao.
CĐS không còn là một sự lựa chọn mà là sự sống còn của VNA. Để CĐS thành công, TCT đã xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể trên cơ sở phát huy tối đa các thế mạnh về hạ tầng và kinh nghiệm triển khai các hệ thống CNTT, các lợi thế về dữ liệu, mạng lưới đối tác và uy tín thương hiệu.
TCT đang nỗ lực giải quyết các tồn tại và thách thức liên quan đến quy trình, cơ chế đặc biệt là cơ chế thu hút, gìn giữ nhân tài vì trong bất kỳ giai đoạn nào của CĐS, con người vẫn luôn là trung tâm cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Một chiến lược tốt nhưng thực thi không tốt hoặc ngược lại đều không mang lại các kết quả tối ưu. Để CĐS thành công, cần có sự tham gia, cộng lực, quyết tâm của toàn bộ lãnh đạo, cán bộ nhân viên trong VNA.