Mạng xã hội và những hiện tượng Kinh tế – xã hội tiêu cực (kỳ 2)

Thời gian gần đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền các phương pháp chữa bệnh phản y học nhằm thu lợi bất chính

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện một số trào lưu phản y học, điển hình như:  “Phương pháp chữa bệnh Ung thư bằng chế độ thực dưỡng”, trào lưu “ Thuận tự nhiên” và mới đây nhất là trào lưu “Anti Vaccine”…. Người theo những trào lưu này cho rằng chỉ thông qua dinh dưỡng tự nhiên, ăn uống là có thể chữa khỏi các bệnh nan y như Ung thư và nhiều bệnh hiểm nghèo khác, tuyên truyền bệnh nhân và gia đình bệnh nhân không tin vào các phương pháp y học hiện đại, chỉ cần mua thực phẩm thực dưỡng trên mạng xã hội và ăn uống theo chỉ định có thể thay thế thuốc chữa bệnh, tuyệt đối không sử dụng thuốc, không tiêm phòng các loại Vaccine và đặc biệt là không được đến bệnh viện ngay cả khi bị bệnh hiểm nghèo thậm chí là phụ nữ có thai đến kỳ sinh nở, tất cả mọi hoạt động đều phải tự thực hiện bằng phương pháp tự nhiên mà không được phép có sự can thiệp của y học. Trên thực tế, đã có nhiều bệnh nhân mất đi mạng sống một cách thương tâm do tuân thủ theo nguyên lý cực đoan của các hội nhóm trên. 

alt text
Cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: St).

Không chỉ dừng lại ở việc dẫn dụ người tiêu dùng vào việc mua các sản phẩm được chào bán ở các trang Web của hội nhóm dinh dưỡng, mạng xã hội còn là phương tiện để xây dựng hình ảnh, khuếch trương thanh thế, ngụy tạo những sự kiện, những kết quả khám chữa bệnh không có thật cho một số đối tượng tự xưng là “Thần y”, “Lương y” trong âm mưu lợi dụng tính ảo của mạng xã hội lừa đảo cộng đồng xã hội để trục lợi và thực hiện nhiều thủ đoạn bất chính khác. Người đọc quan tâm có thể sẽ tìm được hàng ngàn Clip trên mạng xã hội gắn liền với tên tuổi của một số “Thần y” thường được nhắc đến trong thời gian gần đây trên các diễn đàn.

Các Video Clip được xây dựng và đạo diễn một cách có chủ đích nhằm lừa mị cộng đồng mạng tin vào khả năng “thần thánh” chữa được những dị tật mà y học hầu như chưa can thiệp khắc phục được, như bại liệt, câm điếc, mù bẩm sinh…Trong Clip có thể xuất hiện một cách có chủ ý hình ảnh của một số nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng với công chúng, có thể là nghệ sỹ, cán bộ y tế, luật sư, những người có học hàm cao… Danh tiếng của những “Thần y” này được thổi phồng lên rất nhanh nhờ sự lan truyền của mạng xã hội và sự trợ giúp của một số hội nhóm trong và ngoài nước, đặc biệt là khi nó được chia sẻ bởi những nhân vật nổi tiếng, có nhiều người theo dõi. Năm 2021, cộng đồng mạng chứng khiến vụ tranh luận chưa có hồi kết giữa một doanh nhân được cho là người bị hại với một nhân vật mà nhiều năm liền nổi danh trên mạng xã hội với cái mác “Thần y” .

Vụ việc này đã làm dậy sóng mạng xã hội trong một thời gian khá dài, thông qua các buổi Live Stream trực tiếp trên Facebook, Youtube và Tiktok, nhiều chứng cứ nghi vấn về các hoạt động lừa đảo đã được phơi bày, từ việc chữa bệnh bằng những phương pháp phản khoa học, mê tín dị đoan, đến việc lợi dụng danh nghĩa hoạt động từ thiện, tôn giáo để lừa đảo tiền bạc, lấy cớ đầu tư xây dựng các cơ sở tôn giáo và chữa bệnh để quyên góp tiền bạc, chiếm dụng đất đai và thực hiện nhiều hoạt động bất chính khác…

Qua đây, mạng xã hội đã cho thấy sức mạnh mềm rất lớn, sức mạnh có thể “hô biến” những kẻ lừa đảo vô nhân tính thành những “Thần y”, sức mạnh có thể thu hút sự ủng hộ của dư luận cả về tinh thần và vật chất cho những người biết sử dụng mạng xã hội làm công cụ mang lại lợi ích cho mình. Vì vậy, mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng để trước hết là tự bảo vệ mình, sau đó là bảo vệ người thân, gia đình, cơ quan, tổ chức và trên hết là lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Lợi dụng hoạt động từ thiện qua mạng xã hội để trục lợi  

Sử dụng mạng xã hội để kêu gọi quyên góp tiền bạc, vật chất ủng hộ các hoạt động từ thiện tự phát, thiếu minh bạch. 

Nhiều năm qua ở Việt Nam, hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào sâu rộng trong xã hội. Cùng với tác dụng lan tỏa nhanh của mạng xã hội, những hoạt động này đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý, sự góp mặt của một số người nổi tiếng đã góp phần tạo nên những hiệu ứng tích cực trong hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng một số người lợi dụng “chiếc áo” từ thiện nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, thậm chí còn có hiện tượng thu chi không minh bạch, gây bức xúc trong dư luận. 

Trên thực tế, việc hỗ trợ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn là việc làm thường xuyên, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, từ diễn biến gần đây, bên cạnh các cá nhân, đơn vị, tổ chức làm thiện nguyện xuất phát từ mục đích trong sáng, nhân văn, đã và đang xuất hiện một số đối tượng lợi dụng từ thiện để trục lợi, đánh bóng bản thân, làm từ thiện không đúng cách… nên đã gây ra không ít hệ lụy.

alt text
Sử dụng mạng xã hội để kêu gọi quyên góp tiền bạc, vật chất ủng hộ các hoạt động từ thiện tự phát, thiếu minh bạch. (Ảnh: St).

Có một điều không thể phủ nhận, đó là nhiều nghệ sỹ tham gia các hoạt động thiện nguyện trong thời gian qua chủ yếu theo kiểu tự phát, thiếu kế hoạch và đặc biệt là thiếu sự chuyên nghiệp. Đó là chưa kể, phía các cá nhân, nhà hảo tâm khi quyên góp tiền ủng hộ chỉ dựa vào niềm tin đơn thuần mà không xác minh hay kiểm chứng độ tin cậy của người mà mình trao gửi. Sự thiếu chuyên nghiệp từ cả người đứng ra quyên góp và người ủng hộ vô tình khiến câu chuyện nghệ sỹ làm từ thiện bị đặt trong những tình huống không minh bạch, hình ảnh của cá nhân nghệ sỹ bị tổn hại nhưng đáng buồn hơn, nó làm xói mòn lòng tin về những điều tốt đẹp, trong sáng.

Thời gian gần đây, tình trạng tuyên truyền, tung hô quá đà, thậm chí lạm dụng, hiểu và làm sai mục đích nhân văn trong hoạt động từ thiện của một số cá nhân, tổ chức đã và đang là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để công kích Ðảng, chế độ, gây mất đoàn kết cộng đồng.

Ðã có quan điểm xuyên tạc trên mạng xã hội cho rằng, Ðảng, Nhà nước bàng quan với người dân, phó mặc việc cứu trợ dân cho các tổ chức, cá nhân làm từ thiện. Họ cố tình lờ đi sự hy sinh thầm lặng, ngày đêm nỗ lực hết mình cứu trợ cứu nạn của lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ,… Ở những nơi khó khăn nhất, hiểm nguy nhất, có những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tính mạng để cứu dân. Thế nhưng các thế lực thù địch và một số cá nhân cực đoan thông qua mạng xã hội đã bóp méo, xuyên tạc những nỗ lực của Ðảng, Nhà nước, Chính phủ cùng chính quyền các địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc đối phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, cố tình hạ uy tín của các tổ chức từ thiện của Nhà nước và các hội đoàn.

Mượn danh hoạt động từ thiện trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian gần đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. 

Thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là tạo lập trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, ngụy tạo những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.

Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập, quản lý để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, các đối tượng không bàn giao cho các trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn mà sử dụng vào mục đích cá nhân; hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh nhằm tiếp tục “kêu gọi từ thiện”…

Từ những hiện tượng làm từ thiện thiếu minh bạch và thậm chí là lợi dụng danh nghĩa từ thiện để hoạt động tội phạm, có thể thấy cần thiết phải ban hành khung pháp lý đối với hoạt động từ thiện để bảo vệ quyền lợi của các bên và hạn chế các rủi ro làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, niềm tin của các tổ chức, cá nhân làm công tác thiện nguyện, để hoạt động từ thiện không bị lợi dụng và làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có.

Lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả, hàng kém chất lượng

Kể từ khi xuất hiện mạng xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thêm một phương tiện hiệu quả để kinh doanh. Do chưa có các thiết chế chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh mua bán trên mạng xã hội nên thực trạng quảng cáo và kinh doanh online qua mạng xã hội hiện nay khá phức tạp và khó quản lý, người tiêu dùng chưa được bảo đảm an toàn trong các giao dịch. Vì vậy đã có không ít những vụ lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng so với quảng cáo. Nhiều nhà sản xuất đã đẩy nhanh việc tiêu thu sản phẩm thông qua hợp đồng quảng cáo trên mạng xã hội với những người nổi tiếng. Khi loại hàng hóa nào đó được “Review” (đánh giá) hay quảng cáo bởi những người nổi tiếng qua mạng xã hội, người tiêu dùng thường có suy nghĩ mặc định rằng tên tuổi của người nổi tiếng hẳn là sự đảm bảo cho chất lượng của các sản phẩm do họ quảng cáo.

Tuy nhiên, trên thực tế thậm chí có những người nổi tiếng Live stream trên mạng xã hội để “review” về một sản phẩm mà họ chưa từng dùng qua. Đây là cách làm gian dối với công chúng, người tiêu dùng. Họ bị thuyết phục dùng sản phẩm vì tin rằng chính sản phẩm đó đã giúp người nổi tiếng có được sức khỏe hay sắc đẹp.

Cùng với việc phát triển của mạng xã hội như Facebook, Tiktok, nhất là trên nền tảng trực tuyến Youtube,…việc quảng cáo bây giờ với các nghệ sĩ trở nên thuận lợi hơn và cũng được thực hiện rầm rộ hơn. Phần lớn những sản phẩm được quảng cáo trên trang cá nhân là các thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm,… Thậm chí, gần đây, có những nghệ sĩ còn đăng đàn trên trang cá nhân của mình để ủng hộ, quảng bá tiền ảo.

Việc quảng cáo tự do, không chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm của các nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí thời gian qua đã khiến dư luận bức xúc khi thực chất nhiều sản phẩm không mang lại hiệu quả như lời họ quảng cáo. Ðiều này không chỉ làm giảm uy tín, tên tuổi của nghệ sĩ, mà nguy hiểm hơn, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người sử dụng.

Về phía người tiêu dùng, chúng ta cần tự xây dựng màng lọc thông tin nhất định, đặc biệt là với các bài đăng trên mạng xã hội. Những chia sẻ của những người có ảnh hưởng trên cộng đồng mạng chỉ nên coi là tham khảo. Mỗi người cần tìm những nguồn tin uy tín hơn để lựa chọn những sản phẩm tốt cho bản thân và gia đình. Đồng thời, thận trọng khi chia sẻ Clip quảng cáo hay nhấn nút ủng hộ sản phẩm vì hành động đó có thể vô tình tiếp tay cho các hoạt động bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Mạng xã hội – Lỗ hổng cho vấn nạn tin tặc

Toàn cảnh tình hình an ninh mạng Việt Nam thời gian qua vẫn còn một số “lỗ hổng”. Thiệt hại kinh tế do tấn công an ninh mạng đã xảy ra với quy mô ngày càng lớn; xuất hiện nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng từ các trào lưu mạng xã hội; nhiều tổ chức, doanh nghiệp bị tấn công có chủ đích theo một cách thức mới…

Năm 2021, an ninh mạng toàn cầu diễn biến phức tạp một phần do ảnh hưởng của đại dịch. Thói quen làm việc từ xa, trao đổi thông tin qua mạng sẽ tiếp tục được duy trì và ngày càng phổ biến hơn, vô tình làm gia tăng các hoạt động phạm tội của tin tặc kéo theo các vụ tấn công mã hóa dữ liệu và tống tiền có thể xảy ra. Tấn công giao dịch trên điện thoại tiếp tục diễn ra. Lừa đảo trên Facebook có xu hướng gia tăng vì các quy định hạn chế đi lại giữa các quốc gia sẽ kéo theo một nhu cầu lớn về các giao dịch, gửi hàng, gửi tiền qua mạng, nhiều kẻ xấu lợi dụng tình hình này để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Nhìn lại những sự cố gây ra bởi tin tặc trong quá khứ, có thể thấy tấn công mạng không chỉ là vấn nạn đối với doanh nghiệp, ngân hàng, các cơ quan truyền thông mà cùng với sự phát triển của mạng xã hội với hàng tỷ người dùng, việc xâm nhập bất hợp pháp của các hacker còn có thể xảy ra ở bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng nào, không chỉ vì mục đích trục lợi về kinh tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị và mất an ninh trật tự trong xã hội. Cơ hội cho những kẻ tấn công mạng gia tăng cùng với sự phổ biến của các ứng dụng mạng xã hội hiện hữu trên bất kể máy tính hay điện thoại thông minh nào. 

alt text
Năm 2021, an ninh mạng toàn cầu diễn biến phức tạp một phần do ảnh hưởng của đại dịch. (Ảnh: St).

Mới đây nhất, vào tối ngày 12/6/2021, việc truy cập vào Website Báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN) gặp khó khăn, đường truyền bị chậm. Đồng thời, Fanpage của báo cũng nhận hàng chục nghìn bình luận mang tính tiêu cực, công kích. Toàn bộ các trang mạng xã hội của Báo VOV trên Google, Facebook bị spam đe dọa, kêu gọi tẩy chay. Cuộc tấn công này nhằm vào cơ quan báo chí của Nhà nước là dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến báo điện tử VOV. Qua đó, cho thấy nguy cơ rủi ro, mất an toàn, an ninh trên môi trường mạng là rất lớn, đặc biệt là với những trang báo điện tử có lượng người dùng lớn, gây tâm trạng băn khoăn, lo ngại trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 

Từ hoạt động tấn công Báo điện tử VOV, có thể thấy rõ việc tấn công mạng ở Việt Nam ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tin tặc đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, không ngừng nâng cấp, cải tiến các dòng mã độc để tiến hành các chiến dịch tấn công mạng nhằm vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam.

Đặc biệt, hơn 01 năm qua, lợi dụng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhóm tin tặc đã gia tăng hoạt động tấn công mạng gây thiệt hại cho nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Không ngoại trừ nguy cơ những thế lực phản động lợi dụng “lỗ hổng” của mạng xã hội để xâm nhập vào các Website truyền thông chính thống để đăng tải bài viết, nội dung có tính chất kích động, mạo danh cơ quan truyền thông để phát tán tài liệu phản động.

Trong nỗ lực khắc phục những lỗ hổng từ mạng xã hội, các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo người dùng cần cảnh giác với những trào lưu trên mạng xã hội như: “xem khuôn mặt bạn biến đổi thế nào”, “xem bạn thay đổi ra sao trong 10 năm qua”… là những “hot trend” mới xuất hiện từ năm 2020, 2021. Các trào lưu kiểu này thú vị nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người dùng. Bởi vì, tham gia các trào lưu trên mạng đồng nghĩa “tự nguyện” cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân của mình. Kẻ xấu sẽ thu thập các dữ liệu này nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo.

Xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo gây tổn thất lớn cho người dùng mạng xã hội

Hình thức lừa đảo thông qua nhắn tin trúng thưởng: Đối tượng sử dụng Facebook Messenger, Zalo, …để gửi tin nhắn cho người bị hại thông báo trúng thưởng tài sản hoặc tiền mặt có giá trị lớn. Sau đó, yêu cầu người bị hại nạp tiền dưới  hình thức thẻ cào điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Việc chuyển khoản/nạp thẻ phải được thực hiện trong vòng 60 đến 90 phút, nếu không sẽ không được nhận và giải thưởng cũng sẽ chuyển cho người khác.

Một chiêu thức lừa đảo khác cũng khá phổ biến đó là là gửi các đường link lạ, các ứng dụng như kiểu trò chơi quay số trúng thưởng, ứng dụng thi trắc nghiệm… đến email, tin nhắn mạng xã hội, hay tin nhắn trong các ứng dụng chat trên thiết bị di động của người sử dụng. Nếu nhấn vào các đường link này thì các thông tin của người sử dụng lưu trên điện thoại có thể bị sao chép trong vòng vài giây. Từ đó, chúng sẽ giở những chiêu trò lừa đảo hoặc đánh cắp mật khẩu OTP để rút hết tiền từ tài khoản của người bị hại.

Giả danh người thân, nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt: Đối tượng lập tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo…) hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội (hack) của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc của chủ tài khoản giả vay, mượn tiền, hoặc nhờ chuyển tiền số lượng lớn vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt. 

Kết bạn, làm quen trên mạng xã hội, giả gửi quà tặng để lừa tiền: Các đối tượng người nước ngoài sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… để kết bạn rồi làm quen với người bị hại để tạo sự tin tưởng. Sau một thời gian quen biết, đối tượng thông báo gửi quà là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị rất lớn qua đường hàng không. Sau đó, có đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuê, yêu cầu người bị hại nộp tiền để nhận được quà. Khi người bị hại chuyển tiền xong, các đối tượng xóa ngay tài khoản Facebook, Zalo… và các số điện thoại đã sử dụng để liên lạc. Người bị hại không liên lạc được nữa, lúc này mới phát hiện bị lừa.

Lừa đảo giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan nhà nước: Sau khi nghiên cứu thông tin cá nhân của nạn nhân trên tài khoản mạng xã hội, các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP – cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiện trên màn hình) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại, tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận hoặc liên quan đến các vụ án… sau đó nối máy cho bị hại nói chuyện với một số đối tượng khác giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án).

Lúc này, các đối tượng thông báo người bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra nếu không thực hiện đúng theo nội dung chúng đưa ra sẽ bị khởi tố bị can làm người bị hại hoang mang, lo sợ và cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản. Sau đó, đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định, cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng hoặc hướng dẫn bị hại tải ứng dụng giả mạo có tên “Bộ Công an” và truy cập để cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với vỏ bọc xác minh, điều tra. Sau đó đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản của bị hại và chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Giả chuyển khoản nhầm tiền để lừa đảo ép vay nặng lãi: Các đối tượng sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ thông qua mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý “chuyển nhầm” một khoản tiền đến cho “con mồi”. Kẻ lừa đảo sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ với “con mồi”. Lúc này chúng có thể yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi cắt cổ. Vì vậy, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” cho mình thì cần cảnh giác, không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc, hoặc người dân có thể chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo. 

“Bẫy tín dụng đen” trên mạng xã hội: Đây là một trong những hình thức mà tội phạm trên mạng xã hội thường hay sử dụng để dụ dỗ những người đang cần tiền để trả nợ hoặc giải quyết công việc “nóng”. Hiện nay có 2 hình thức cho vay phổ biến ngấm ngầm hoạt động, đó là cho vay qua ứng dụng trên điện thoại (app) và vay trên website. Đây là các hình thức cho vay không cần tài sản thế chấp, người vay chỉ cần gửi bản chụp giấy tờ tùy thân như CMND, CCCD của mình cho bên cung cấp tín dụng. Đồng thời, nếu vay qua app, bên cho vay phải được quyền truy cập về các thông tin cá nhân như danh bạ, tin nhắn, đồng bộ Google và lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng trên điện thoại của người vay.

Vay qua Website, người vay sẽ phải gửi đường dẫn tới trang cá nhân của mình như Facebook, Zalo. Khi vay tiền, người vay bị “cắt phế” ngay, tức  trừ  tiền phí dịch vụ vào khoản vay. Chẳng hạn như vay 100 nghìn đồng, chỉ được nhận về 70 – 80 nghìn, nhưng vẫn ghi nợ đủ số tiền vay. Đến hạn trả lãi mà không thanh toán, bên cho vay sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại để gọi điện quấy nhiễu bất kể ngày đêm, khủng bố tinh thần người vay cùng gia đình, bạn bè của người đó, mục đích gây sức ép để họ phải tác động buộc người vay phải trả tiền. Nhiều trường hợp còn bị đe dọa tung ảnh cá nhân, tin nhắn hội thoại lên mạng xã hội để bêu xấu, làm nhục.

Bên cạnh đó, đây cũng thực sự là một kiểu cho vay “tín dụng đen” với mức lãi suất “cắt cổ”, gấp cả chục, thậm chí hàng trăm lần lãi suất ngân hàng. Khi nạn nhân  không còn khả năng chi trả thì nạn nhân và gia đình thường xuyên bị nhắn tin đe dọa, chửi bới, xúc phạm danh dự và thậm chí là hành hung, đánh đập, truy sát…

Chi bộ CN Vinh

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.