Luôn thường trực vấn đề “gia tăng doanh thu”
Năm 2021, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, ngành hàng không toàn cầu sẽ lỗ khoảng 47,7 tỷ USD, thâm hụt dòng tiền khoảng 81 tỷ USD và các hãng hàng không chỉ bắt đầu có dòng tiền dương từ năm 2022. Tại Việt Nam, mạng đường bay quốc tế gần như đóng băng từ tháng 3/2020, sản lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 1,4% so năm 2019. Khách nội địa cũng suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt trong những giai đoạn dịch bệnh bùng phát; lượng khách nội địa trong 1-2 tuần trở lại đây chỉ bằng 7-8% so cùng kỳ năm 2020.
Đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng là một trong những đường bay đông đúc nhất thế giới với khoảng 30 nghìn khách/ngày, nay chỉ còn khoảng 800-1.000 khách/ngày. Thời gian cao điểm nhất, VNA có thể khai thác tới gần 80 chuyến/ngày trên đường bay này, tuy nhiên những ngày gần đây, hãng chỉ duy trì 2-3 chuyến bay/ngày giữa hai thành phố để đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết, kết nối giao thương và duy trì hoạt động lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như hoạt động vận chuyển y bác sĩ đi chống dịch tại các khu vực dịch bệnh tăng cao.
Trước bối cảnh lưu lượng hành khách giảm, khó khăn lớn nhất với các hãng hàng không là duy trì hoạt động, đảm bảo dòng tiền và khả năng thanh toán với chi phí cố định lớn như phí thuê tàu bay, phí bảo dưỡng, phí bãi đỗ… Đặc biệt, VNA là Hãng hàng không Quốc gia, 65% doanh thu từ các đường bay quốc tế, có đội tàu bay quy mô lớn nhất trong các hãng bay nội địa nên mức độ thiệt hại cũng nặng hơn rất nhiều.
Chủ tịch HĐQT VNA Đặng Ngọc Hòa cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, VNA đã chủ động chuẩn bị, đánh giá, xây dựng nhiều phương án kịch bản sản xuất kinh doanh; triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi phí; tìm kiếm cơ hội bổ sung nguồn thu; quản lý chặt chẽ dòng tiền để duy trì thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, hai nhóm giải pháp lớn, mang tính đột phá được Tổng công ty triển khai bao gồm nhóm giải pháp về tăng doanh thu và nhóm giải pháp cắt giảm chi phí.
“Có lẽ chưa bao giờ, ý thức về việc gia tăng doanh thu dù chỉ là một hành khách hay một cân hành lý, hàng hóa đến việc giảm từng đồng chi phí lại trở nên thường trực trong tâm trí của từng cán bộ nhân viên, người lao động như lúc này”, ông Hòa nhấn mạnh.
Tận dụng mọi cơ hội tăng doanh thu trong bối cảnh khó khăn, VNA đã tăng cường thực hiện các chuyến bay đưa công dân và chuyên gia vào Việt Nam. 6 tháng đầu năm nay, VNA đã thực hiện 140 chuyến bay đưa 31 nghìn công dân và chuyên gia từ nước ngoài về Việt Nam, doanh thu mang lại đạt 600 tỷ đồng. Trong đó, có những chuyến bay đặc biệt đến Mỹ, Canada mà đến thời điểm hiện tại, VNA là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam được các nước này cấp phép khai thác.
Ngoài ra, trong bối cảnh các chuyến bay chở khách giảm, VNA đã có chiến lược đẩy mạnh vận tải hàng hóa để phục vụ giao thương, sản xuất của các địa phương và đất nước. Hãng đã xây dựng 30 đường bay quốc tế thường lệ để chở hàng, đồng thời hoán cải 8 máy bay chở khách thành các máy bay chở hàng bằng cách tháo toàn bộ ghế trên khoang khách, hoặc bọc ghế lại để chất xếp hàng hoá trên khoang khách. Việc này giúp tăng năng lực vận chuyển hàng hóa mỗi loại máy bay lên gấp 1,8-2 lần so chở hàng tại khoang bụng. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng hàng hóa của VNA đạt gần 93 nghìn tấn, doanh thu đạt hơn 2.600 tỷ đồng.
Mới đây, để góp phần duy trì và thúc đẩy giao thương, VNA đã tham gia vào hệ sinh thái xanh của Bộ Công thương trong việc tiêu thụ các loại hàng nông sản, nhất là hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và sát cánh cùng bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều với việc vận chuyển hơn 1.100 tấn vải thiều trên đường bay nội địa, tương đương 98% tổng nhu cầu vải vận chuyển bằng đường hàng không. Hãng cũng sử dụng các tàu bay thân rộng như Boeing 787 hay Airbus 350 để “cõng” vải thiều sang thị trường Nhật Bản, Pháp…
“VNA cũng áp dụng mức giá ưu đãi chở hàng hóa trên một số chặng bay để hỗ trợ doanh nghiệp. Các chuyến bay này đã giúp xuất khẩu hàng trăm tấn hàng hóa đa chủng loại của Việt Nam ra thế giới, đóng góp quan trong vào nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch của cả nước”, Chủ tịch VNA Đặng Ngọc Hòa cho hay.
Luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Y tế, cùng sự đồng hành, quyết tâm của VNA, những “cuộc hành quân thần tốc” của đội ngũ y bác sĩ có mặt tại các địa phương “điểm nóng” Covid-19, các chuyến hàng vận chuyển trang thiết bị vật tư y tế, máy thở, lô vaccine tiêm phòng ngừa Covid-19 về Việt Nam và đến với các tỉnh, thành phố đã góp phần đẩy lùi dịch đang diễn biến phức tạp tại nước ta.
“Góp phần vào hành trình tiếp sức cho đất nước, trong vai trò Hãng hàng không quốc gia, VNA vẫn nỗ lực duy trì cầu hàng không để phục vụ hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguồn lực y tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết và kết nối giao thương, mặc dù mạng đường bay kết nối đến TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam đang bị hạn chế tối đa để phòng, chống dịch”, Tổng giám đốc VNA Lê Hồng Hà khẳng định.
Trong gần một tháng qua, Hãng đã hỗ trợ vận chuyển hơn 1.300 chuyên gia, cán bộ, y bác sĩ, giảng viên và sinh viên ngành y từ nhiều nơi trên cả nước đi tham gia chống dịch ở các “điểm nóng” như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp,… Đội ngũ y tế được vận chuyển và miễn phí toàn bộ hàng hóa đi kèm để góp phần tiếp thêm trang thiết bị, vật tư cho các vùng dịch.
“Hiện tại, yêu cầu đề nghị hỗ trợ vận chuyển các đoàn công tác đến miền nam chống dịch vẫn được gửi đến VNA hằng ngày. Trước nhu cầu lớn đó, Hãng đã tăng cường bố trí sử dụng tàu bay thân rộng và tối ưu hóa tải cung ứng trên các chuyến bay trong ngày để ưu tiên vận chuyển nhanh nhất lực lượng y tế”, ông Hà cho biết.
Với kinh nghiệm vận chuyển hàng bằng đường hàng không dẫn đầu Việt Nam, VNA đã thực hiện gần 20 chuyến bay nội địa chở hơn 2 triệu liều vaccine phân phối tới các điểm trong cả nước. Trong đó, số vaccine theo cơ chế COVAX bằng nguồn ngân sách nhà nước được vận chuyển hoàn toàn miễn phí.
Kể từ khi dịch bùng phát đến nay, hơn 130 tấn hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế như máy trợ thở, máy chụp X-quang phổi, máy lọc máu, bộ kit xét nghiệm, đồ bảo hộ, khẩu trang,… cũng được hãng hỗ trợ chi phí vận chuyển để phục vụ chống dịch. Mới đây nhất, ngày 19/7 vừa qua, VNA đã bố trí cấp bách các chuyến bay chở hơn 16 tấn hàng gồm 800 máy trợ thở cùng nhiều trang thiết bị y tế đến TP Hồ Chí Minh để tiếp sức cho thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài ra, VNA cũng kêu gọi người lao động cùng chung tay quyên góp Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Chính phủ, đóng góp hơn 2 tỷ đồng. Ước tính tổng giá trị VNA đã và đang góp sức cho chiến dịch phòng, chống dịch của đất nước đến nay lên tới hơn 110 tỷ đồng. Đây là sự nỗ lực của Hãng hàng không quốc gia nhằm đồng hành cùng đất nước và người dân trong giai đoạn khó khăn này.
Song song đó, VNA cũng đang tiên phong, tích cực thử nghiệm “hộ chiếu vaccine” để có thể cùng Chính phủ mở cửa đường bay quốc tế sớm nhất trên cơ sở an toàn dịch bệnh, giúp phục hồi kinh tế, xã hội đất nước. Mặc dù bản thân hãng cũng đang phải đối mặt với rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch, tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT VNA Đặng Ngọc Hòa luôn nhắc nhở và nhấn mạnh mỗi cá nhân người lao động trong Tổng công ty: “Bất kể đến khi nào, nếu khó khăn và thách thức còn tồn tại, toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động VNA vẫn sẽ quyết tâm nỗ lực, thậm chí gấp hai, gấp ba lần để vượt qua”.
Theo Báo Nhân dân