Mới đây, Tổ tư vấn của Thủ tướng đã có cuộc tọa đàm bàn về vai trò chủ sở hữu Nhà nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19, và cụ thể là trường hợp của VNA. Vì sao Chính phủ cần có hành động và trách nhiệm đối với các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt trong tình hình hiện tại?
Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng, khó khăn trong thời điểm này không phải khó khăn chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước, mà là khó khăn chung của toàn xã hội. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp để họ tồn tại và phát triển thì nước nào cũng làm.
Nhưng nếu để ý đến đặc thù của doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, thì doanh nghiệp nhà nước thường tập trung vào những ngành nghề cung ứng dịch vụ thiết yếu nhưng có hiệu quả kinh tế thấp, hoặc có nhiều khó khăn và các doanh nghiệp tư nhân không muốn làm.
Khi có sự cố xảy ra, trước hết chúng ta phải đảm bảo được sự ổn định của nền kinh tế. Không phân biệt là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, chỉ cần họ ở trong lĩnh vực có vai trò đảm bảo cho nền kinh tế hoạt động thì chúng ta đều cứu.
Với nguyên tắc như vậy, hầu hết doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu, quan trọng đó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước là của nhà nước, nên nhà nước hỗ trợ với tư cách là chủ doanh nghiệp.
Qua kinh nghiệm quốc tế, chúng ta cũng thấy các nước khác cũng hỗ trợ theo mô hình như vậy, kể cả các quốc gia đã vận hành hoàn toàn theo mô hình kinh tế thị trường. Ngay với ngành hàng không, ở Đức hỗ trợ Lufthansa, Mỹ cũng hỗ trợ 4 hãng hàng không, Nhật Bản hỗ trợ hãng ANA. Ở Úc, giữa hãng hàng không quốc gia và Virgin Australia thì họ hỗ trợ hãng hàng không quốc gia. Vì Virgin Australia có quy mô nhỏ, nên tác động đến nền kinh tế cũng ít, còn cứu hãng hàng không quốc gia thì tác động rất lớn đến nền kinh tế, tính lan tỏa, phổ thông là lớn.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, ngành hàng không ở Việt Nam không chỉ có một cái tên là VNA, nếu chỉ tập trung vào đây thì có vẻ như chính sách hỗ trợ chưa chạm tới những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong nền kinh tế, thậm chí có thể gây ra bất bình đẳng. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Một bàn tay có ngón dài ngón ngắn, thì trong nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng vậy. Mỗi doanh nghiệp có một đặc thù về vốn, về nhân công, về thị trường. Vậy khi bàn tay gặp nguy, mình cứu ngón nào? Khi đó phải trả lời được ngón nào là chủ đạo.
Tôi cho rằng chúng ta phải có ít nhất hai ngón, là ngón cái và ít nhất một ngón khác để cầm được. Nếu buộc phải chọn lựa thì cần xác định rằng các ngón khác nếu thiếu thì nhiều chức năng quan trọng của bàn tay vẫn thực hiện được dù khó khăn, nhưng ngón cái nếu thiếu thì bàn tay này sẽ thiếu sót, chỉ nắm được mà không cầm được. Với doanh nghiệp cũng thế, có những doanh nghiệp như ngón trỏ, như ngón cái, để chúng ta cứu. Trong những lúc cấp bách, không thể cứu được cả năm ngón tay.
Bởi chúng ta không có nguồn lực như Mỹ. Như họ, tất cả những ai đang có việc làm, bị ảnh hưởng, làm đơn thất nghiệp nhận ngay 1.200 USD một người, nhà có bốn người thì nhận 4.800 USD. Chúng ta có làm vậy được không? Ta không có nguồn cho điều đó, ngân sách không đủ.
Ý kiến phê bình của một số nhà nghiên cứu là hoàn toàn chính xác, nhưng với điều kiện là ngân sách của chúng ta phải dồi dào. Còn trong điều kiện ngân sách còn đang yếu và thiếu như hiện nay, thì phải chấp nhận chỉ cứu được những doanh nghiệp ta có thể cứu.
Vậy theo ông, chọn ai để cứu?
Thứ nhất, đó phải là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thứ hai là nếu đơn vị đó phục hồi thì sức lan tỏa là rất lớn. Quan trọng nhất, họ phải có khả năng phục hồi, duy trì được sản xuất.
Ví dụ như dệt may là một ngành có sức lan tỏa rất lớn, nếu xử lý được thì ta cứu được hơn 3 triệu lao động. Đây cũng là ngành xuất khẩu lớn thứ 3 của cả nước, đồng thời lại là ngành mà doanh nghiệp nội địa cạnh tranh tương đối cân sức với doanh nghiệp FDI. Nếu đối chiếu vào các tiêu chí đó thì Chính phủ sẽ sẵn sàng hỗ trợ ngành dệt may nếu ngành này có đề xuất.
Nhưng giờ đây, phải nhìn vào thực tế là 50% hợp đồng bị hủy, dù sức ảnh hưởng và lan tỏa của họ là rất lớn, nhưng sản lượng của họ không có vì cả đầu vào và đầu ra đều tắc. Kể cả Trung Quốc mở cửa, bán nguyên liệu cho Việt Nam, thì các doanh nghiệp dệt may sản xuất ra rồi bán cho ai, khi các thị trường xuất khẩu trọng điểm vẫn đang ách tắc do dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Ví dụ nữa, tại sao cứu VNA? Vì lượng khách đi và tốc độ tăng trưởng doanh thu của VNA, chúng ta thấy đang là hình chữ V, tháng 5 là đáy, nhưng tháng 6 vọt lên. Và đây cũng là đơn vị có báo cáo tài chính minh bạch nhất mà chúng ta có được trong ngành này đến thời điểm hiện nay. Chưa kể đây cũng là ngành có sức lan toả lớn để vực dậy nhiều ngành khác, đặc biệt là du lịch.
Việt Nam là một trong số các nước đã sớm kiểm soát được Covid-19. Với tình hình hiện tại, chúng ta có thể nối lại hàng không quốc tế và mở cửa cho du lịch để vực dậy nhanh hơn ngành hàng không được hay không?
Thật ra hiện tại vẫn còn khó. Đi du lịch thì phải thưởng thức cảnh đẹp, món ăn ngon, ra phố xem văn hóa thế nào. Không khách du lịch nào cam kết đến Việt Nam xuống sân bay là không đi đâu mà chỉ ở nguyên trong resort 14 ngày để cách ly rồi đi về nước.
Với ý tưởng bong bóng du lịch, đó vẫn chỉ là ý tưởng. Hiện tại, quan điểm phòng dịch và chữa trị trong dịch của ta so với các nước có sự khác biệt. Chúng ta cố gắng giảm tối đa tổn thất trong dịch, nhưng các nước họ chỉ giảm tổn thất xuống mức có thể chấp nhận được. Hai chủ thuyết khác nhau thì chúng ta không thể gặp được họ.
Vậy nên ở thời điểm hiện tại, chúng ta có mở cửa cũng khó thu hút được khách quốc tế. Vì vậy các doanh nghiệp hàng không hiện nay cũng đã bám sát chủ trương của Chính phủ là khai thác tối đa hiệu quả từ thị trường nội địa. Ngay như VNA, trong vòng 3 tháng qua, họ mở thêm 18 đường bay nội địa mới, phần lớn là đường bay ngắn để phục vụ nhu cầu của người dân và bán dịch vụ với mức giá rất rẻ. Tuy nhiên các đường bay này cũng chỉ có hiệu quả trong thời gian hè, còn từ quý IV trở đi thì rất khó.
Việc cứu các doanh nghiệp như vậy, theo ông Chính phủ đã hành động đủ nhanh chưa?
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã làm rất nhanh, có thể nói là nhanh hơn các nước khác. Từ Chỉ thị 11 của Thủ tướng, đến Nghị quyết 42 của Chính phủ và các nghị quyết tiếp theo, Chính phủ đã đứng ở vai trò của người quản lý nhà nước, thực hiện tất cả các trách nghiệm về hỗ trợ chung. Ví dụ như trong ngành hàng không là giảm phí bãi đỗ, phí hạ cất cánh… và đang đề nghị giảm thuế xăng dầu – thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Như vậy, những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, được quy định theo luật, thì Chính phủ đã triển khai ngay từ khi có Chỉ thị 11.
Bên cạnh đó, sau khi đã thực hiện vai trò đầu tiên là quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi qua các chính sách hỗ trợ chung, thì đây là lúc Chính phủ cần thực hiện tiếp vai trò thứ 2 là chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp nhà nước.
Có thể thấy với vai trò đại diện vốn của doanh nghiệp nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp, thì chúng ta còn ngập ngừng. Lý do là chúng ta có nhiều băn khoăn trước câu hỏi cứu doanh nghiệp nhà nước có phải là bất bình đẳng?
Thì tôi cho rằng cứu doanh nghiệp nhà nước vừa là cứu nền kinh tế, vừa là cứu chính đồng thuế mà dân bỏ ra. Doanh nghiệp nhà nước chính là tài sản của nhân dân thông qua sự quản lý của Chính phủ. Nếu để doanh nghiệp “chết”, mất tài sản đó, chính là mất tài sản của dân, có khác gì làm thất thu thuế? Nếu mọi người không hiểu cặn kẽ vấn đề đó thì rất tìm được sự đồng thuận để ra những quyết định kịp thời.
Nguồn: CafeF