[The Saigon Times] Bay thẳng Việt Nam – Mỹ: Tìm thấy cơ trong nguy

Trong thời điểm dịch bệnh làm gián đoạn kéo dài các chuyến bay thương mại quốc tế trong suốt 2 năm qua, doanh thu ngành hàng không tụt dốc thê thảm, tàu bay nằm sân la liệt và hành khách rất khó khăn trong việc đi lại, VNA đã  được Cục An ninh vận tải hàng không Mỹ (TSA) xác nhận đáp ứng toàn bộ yêu cầu và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp giấy phép khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Mỹ. Hành trình kéo dài 20 năm dự kiến sẽ cất cánh vào cuối tháng 11 tới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Lối ra cho cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh

Cách đây 4 năm, trong Quyết định 2119 của Thủ tướng (28-12-2017) phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia nhằm thúc đẩu đầu tư phát triển… có yêu cầu VNA mở mới đường bay thẳng đến Hoa Kỳ với lựa chọn ban đầu là điểm Bờ Tây Hoa Kỳ (San Francisco hoặc Los Angeles) vào năm 2018.

Yêu cầu là vậy nhưng thực tế nhiều năm trước đã chứng minh, xét về hiệu quả kinh tế thì đây là một đường bay khó khăn vì United Airlines đã bay đến TPHCM từ năm 2007, sau 5 năm thì dừng khai thác. Delta Air Lines cũng đã bay tới TPHCM và chuyển sang hợp tác liên danh linh hoạt với VNA trên 10 đường bay đi/đến Mỹ từ 2010. Hành khách của VNA ngay từ những năm đó có thể đến 8 tiểu bang tại Mỹ thông qua nối chuyến với Delta Air Lines tại Nhật Bản hoặc Đức.

Về phía VNA, hãng cũng ấp ủ kế hoạch bay thẳng Mỹ nhiều năm, bắt đầu xin phép chính thức từ năm 2016 và tính toán tại thời điểm đó rằng cuối 2019, đầu 2020 mới có thể bay thẳng đến Mỹ. Điều kiện là Cục Hàng không Việt Nam được nhận chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA).

Khi CAT 1 được cấp năm 2019 thì vẫn còn nguyên đó những bài toán về hiệu quả kinh tế cho đường bay này với sự cạnh tranh của 25 hãng hàng không cùng bay đến Mỹ. Tại thời điểm đó, số tàu bay nonstop thế hệ mới của VNA chưa nhiều và chi phí đầu vào tổng thể cho bài toán bay Mỹ quá cao so với hiệu quả đem lại ở những đường bay quốc tế VNA đang khai thác thành công. Ước tính nếu bay ngay năm 2018-2019, hãng vẫn có thể lỗ khoảng hơn 30 triệu đô la Mỹ/năm, ít nhất trong vòng 5 năm.

alt text
Tham tán thương mại Charles Ranado thay mặt nhà chức trách Mỹ trao chứng chỉ cấp phép bay thẳng thường lệ cho VNA.

Nhưng câu chuyện của năm 2021 lại khác. Dịch Covid-19 hoành hành dữ dội trên toàn cầu và “đánh” mạnh nhất vào ngành hàng không. Toàn bộ các doanh nghiệp trên toàn cầu đều phải tự thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Các bài toán, phương án kinh doanh trong điều kiện bình thường như trước đây hiện chưa thể áp dụng được.  

Dòng tiền của doanh nghiệp hàng không rất yếu. “Tồn tại hay là chết” là quan điểm của nhiều doanh nghiệp. VNA cũng không thể “đứng yên” trong một hoàn cảnh đặc biệt. Và kế hoạch tìm đường bay Mỹ chính là một trong số các lối thoát đó.

Rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Tại thời điểm bình thường, bay thẳng đến Mỹ còn chứa đựng rất nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế. Trong thời dịch, thì rủi ro ấy rất có thể sẽ tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp. Vậy tại sao VNA vẫn quyết định đẩy nhanh việc được nhận giấy phép bay thương mại thường lệ đến Mỹ mà không tiếp tục lùi?

Lãnh đạo cấp cao của VNA đã tính toán qua rất nhiều cuộc họp và nhận thấy: “Trong nguy có cơ”. Lúc khó khăn nhất chính là lúc tìm ra lối thoát. Đây không phải là một bài toán “lội ngược dòng” mà là bài toán được tính toán rất cụ thể đến từng chi tiết, qua nhiều năm, nhiều đời lãnh đạo của hãng, nhiều thủ tục cực kỳ khó khăn, lộ trình khắt khe của phía Mỹ, chứ không hề là quyết định mạo hiểm, nhất thời.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc VNA cho biết: “Tháng 3-2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và yêu cầu cấp bách của Chính phủ giao cho VNA đưa công dân từ Mỹ hồi hương, VNA đã khẩn trương triển khai hoàn thiện mọi thủ tục còn lại tại các cơ quan của Mỹ, gồm Cục Hàng không liên bang (FAA), Cục an ninh vận tải (TSA), Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP)… Như vậy, sau nhiều nỗ lực, hiện VNA đã được Nhà chức trách hàng không liên bang Mỹ cấp phép khai thác bay thẳng thương mại thường lệ tới Mỹ. Các chuyến bay thương mại thường lệ với lịch trình rõ ràng, cấp phép ổn định sẽ giúp giao lưu, giao thương hai nước lên một bước tiến mới”.

Đại diện hãng chia sẻ, kinh nghiệm giải cứu công dân Mỹ từ đầu quý 2-2020 với 20 chuyến dưới hình thức thuê chuyến, sau đó thêm 12 chuyến trong năm 2021 là những “bước đệm” rất quan trọng để đường bay thương mại thường lệ của VNA thành công. Trong số này, ngay tháng 5-2020, hãng đã bay thẳng chuyến đầu tiên từ Việt Nam đến Mỹ và ngược lại.

Bắc cầu nối nhiều bờ vui

Dù phải chung số kéo dài với dịch bệnh nhưng cả thế giới đều phải bước sang trạng thái “bình thường mới” để tiến lên phía trước. Đại dịch càng làm nhu cầu hồi hương của cộng đồng người Việt tại Mỹ (dự kiến chiếm hơn 50% số khách hàng bay thẳng thường lệ) nhiều hơn để gắn kết tình cảm và các giá trị sống. Giá trị giao thương phục vụ quan hệ Việt- Mỹ đang ngày càng được cũng cố, nhất là các quan hệ đầu tư, xuất nhập khẩu, thương mại vốn đã phát triển và hồi phục nhanh nhờ các Hiệp định thương mại đã đạt 90,8 tỉ đô la Mỹ (2020), sau đại dịch sẽ có “đất” phát triển hơn trên những đường bay thẳng.

Năm 2019 thị trường hàng không Việt Nam – Mỹ ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng trưởng trung bình 8%/năm giai đoạn 2017-2019. Giai đoạn 2012-2017, thị trường tăng trưởng mạnh trung bình 19%/năm. Những nỗ lực của chính phủ hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian gần đây trong việc tăng cường quan hệ nhiều mặt cùng chính sách cởi mở của Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ và ở nước ngoài thúc đẩy thị trường hàng không giữa hai nước “cất cánh”.

alt text
Máy bay thân rộng của VNA tại sân bay San Francisco (Mỹ).

Theo dự báo của IATA thị trường hàng không thế giới sẽ phải mất 3-4 năm để hồi phục sau dịch. Do đó, dự báo thị trường khách Việt Nam – Mỹ sớm nhất phải đến 2023 mới phục hồi trở về mức 2019. Sau giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng có thể tăng trưởng ở mức 1,6% ở các năm tiếp theo. Việc VNA tham gia khai thác trực tiếp thị trường cũng sẽ là một yếu tố giúp thị trường tăng trưởng ổn định trở lại.

Còn xét về nguồn lực đội tàu bay, từ nay đến năm 2023, nguồn lực tàu thân rộng của VNA nói riêng và của toàn ngành hàng không thế giới nói chung sẽ dư thừa. Trong bối cảnh khả năng xử lý tàu bay thừa theo phương thức bán và thuê lại gặp nhiều khó khăn, việc mở thêm đường bay Mỹ có hiệu quả so chi phí biến đổi, giúp VNA tăng thêm doanh thu tính bằng triệu đô la/năm, giảm thiểu thiệt hại tài chính do dư thừa nguồn lực.

Nói tóm lại, những giá trị rất lớn về cầu nối thương mại, phục hồi kinh tế đã khiến các chuyến bay thương mại thường lệ của VNA đến Mỹ mang một diện mạo mới cho hãng nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung. Nhất là trong bối cảnh VNA là hãng hàng không duy nhất trên thị trường bay thẳng, các hãng khác đều transit qua một điểm thứ ba.

Việc bay thẳng thường lệ, tiết kiệm thời gian còn giúp doanh thu của hãng dự báo sẽ cao hơn các hãng khác trong cùng một hành trình vận chuyển, cho dù trên đường bay đến Mỹ, luôn có gần 20 hãng luôn cạnh tranh không ngừng.

Trong giai đoạn đầu, đường bay thường lệ Việt Nam – Mỹ sẽ được VNA khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần. Trong khi chặng bay từ Tân Sơn Nhất đến San Francisco là đường bay thẳng không dừng thì tùy vào tình hình thực tế mà chiều khứ hồi có thể bay thẳng hoặc dừng kỹ thuật tại sân bay Ted Stevens Anchorage (Alaska).Trong tương lai, VNA sẽ tăng dần tần suất khai thác lên 1 chuyến/ngày để có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả hành khách khi thế giới không còn bị hạn chế đi lại bởi dịch bệnh.

Theo: The Saigon Times

Nguyen Mai Huong-COMM

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.