Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân phục hồi nhanh; nền tảng tài chính tốt; bề dày kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh, khủng hoảng là những yếu tố giúp cổ phiếu HVN của VNA vẫn nhận được niềm tin của nhà đầu tư.
Chủ động thích ứng
Với những thông tin tiêu cực liên quan đến ngành hàng không thế giới và trong nước liên tục ập đến nhưng cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Công ty Cổ phần (Vietnam Airlines) vẫn là một trong những mã chứng khoán được giao dịch nhiều nhất tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Tại phiên giao dịch ngày 15/6, vẫn có khoảng 2,1 triệu cổ phiếu HVN được giao dịch với giá đóng cửa là 27.200 đồng, giúp VNA duy trì mức vốn hóa ở mức 40.000 tỉ đồng. Dù mất gần 30% so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE là 40.600 đồng/cổ phiếu cách đây hơn 1 năm nhưng trong bối cảnh ngành hàng không đang khó khăn bởi dịch Covid-19, mức giá này vẫn cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với hãng Hàng không Quốc gia.
Trong bối cảnh ngành hàng không đang khó khăn bởi dịch Covid-19 cổ phiếu HVN vẫn là một trong những mã chứng khoán được giao dịch nhiều nhất tại HOSE.
Cần phải nói thêm rằng, hàng không chính là lĩnh vực chịu tác động trực diện, nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Cách đây hơn 1 tháng, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo ngành hàng không thế giới sẽ bị giảm doanh thu 314 tỉ USD. Tuy nhiên, đến ngày 9.6 vừa qua, con số này đã lên tới 419 tỉ USD và khoản lỗ sẽ vọt lên 84 tỉ USD. Ngay cả khi Covid-19 được khống chế vào quý III/2020, IATA cũng chỉ dám dưa ra dự báo phải đến cuối năm 2022, ngành hàng không mới có thể về trạng thái cuối tháng 12.2019. Các tổ chức quốc tế cho rằng cần 250 tỉ USD hỗ trợ cho các hãng hàng không sống sót qua dịch bệnh. Việc các quốc gia thực hiện giãn cách xã hội khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không gần như bằng 0 trong suốt 6 tháng đầu năm 2020 đã đẩy nhiều hãng bay tên tuổi của thế giới đứng trước nguy cơ phá sản.
“Hầu như không còn hãng nào còn tiền trên tài khoản do dịch Covid-19 đã “đốt” 41% tài chính, tương đương 157 tỉ USD giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn thế giới, trong đó phần khách mua vé trước đây phải hoàn vé rất kinh khủng. Chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 1.2020 đến tháng 2.2020, Vietnam Airlines phải hoàn lại 4.000 tỉ đồng cho khách, mất đi một lượng lớn tiền mặt trong tài khoản,” ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết.
Với kinh nghiệm nhiều năm ứng phó với thiên tai, dịch bệnh lớn, ngay trong những ngày đầu tiên dịch bệnh mới bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc – VNA đã sớm xây dựng, đưa ra các kịch bản ứng phó.
Theo đó, ngoài việc cắt giảm chi phí sản xuất, chấp nhận giảm lương người lao động, ngay khi Covid-19 mới bùng phát tại Trung Quốc, Hãng đã sớm chủ động đàm phán với các đơn vị cho thuê tàu bay, các định chế tài chính trong và ngoài nước, qua đó đạt được những thỏa thuận tích cực. Cụ thể, Tổng Công ty đã chủ động rà soát cắt giảm là 4.346 tỉ đồng, trong đó, chi phí nhân công 1.360 tỉ đồng (chủ yếu là tiền lương). Ngoài các nội dung rà soát cắt giảm chi phí, Hãng cũng đã đàm phán với các nhà cung cấp và đạt được mức giảm giá là 617 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là giảm giá thuê tàu bay 530 tỉ đồng.
Đối với các khoản thuê tàu bay – một trong những khoản chi phí cố định nặng nhất, tính đến giữa tháng 6.2020, tổng số tiền giãn thanh toán được 81 triệu USD, trong đó 51 triệu USD không chịu lãi suất và 30 triệu USD chỉ phải chịu lãi với mức ưu đãi.
Trước những diễn biến bất lợi của thị trường, Tổng Công ty đã nhanh chóng kịp thời điểu chỉnh sản lượng cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tiết kiệm chi phí khai thác. Đồng thời, tận dụng đội tàu bay dư thừa do ngừng khai thác, Hãng đã tăng cường các chuyến bay chở hàng, tận dung tăng doanh thu.
Cơ hội sớm phục hồi
Ngoài việc chủ động ứng phó, nền tài chính lành mạnh được vun đắp bởi các kết quả kinh doanh tích cực, đặc biệt là từ khi chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cách đây 5 năm đã giúp VNA vẫn đang trụ vững trước những va đập của thị trường.
Kết thúc năm tài chính 2019, VNA đã đạt tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất cao nhất từ trước tới nay, lần lượt ước đạt 100.316 tỉ đồng và gần 3.389 tỉ đồng. Trong đó, công ty mẹ ước đạt gần 75.000 tỉ đồng doanh thu và hơn 2.899 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tổng các khoản nộp ngân sách (hợp nhất) đạt 7.929,6 tỉ đồng, tăng 18,1% so với năm 2018.
Với kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả, hầu hết chỉ số tài chính của VNA cải thiện đáng kể, nâng cao khả năng tự chủ về vốn và khả năng an toàn tài chính. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt trên 16%, trong khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm còn 2,27 lần.
“Đây chính là nền tảng khiến V NA không rơi vào trạng thái mất thanh khoản như nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới mà trường hợp của Thai Airways là ví dụ điển hình, ông Trần Thanh Hiền cho biết.
Với kết quả sản xuất kinh doanh hiệu quả, hầu hết chỉ số tài chính của VNA cải thiện đáng kể.
Ngoài những nỗ lực tự thân, để sớm vượt qua khó khăn, VNA cần nhận thêm sự hỗ trợ của các cổ đông, đặc biệt là chủ sở hữu Nhà nước trong vai trò là cổ đông chi phối. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành hàng không toàn cầu trong đó có VNA nên Hãng dự kiến không chi trả cổ tức và để lại lợi nhuận chưa phân phối từ kết quả kinh doanh năm 2019 phù hợp với tình hình hiện nay.
Hiện nay, Tổng Công ty đang tích cực đàm phán với các tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu và các ngân hàng trong và ngoài nước, một trong những điều kiện tiên quyết để các tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu và ngân hàng cho phép Hãng giãn nợ là “không chia cổ tức cho các cổ đông”. Đây là thông lệ quốc tế khi xem xét giảm giá, gia hạn hoặc giãn tiến độ thanh toán đối với các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Việc không chi trả cổ tức còn giúp đảm bảo dòng tiền và cân đối tài chính cho hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty năm 2020 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, VNA cũng đã kiến nghị cổ đông Nhà nước sớm xem xét hỗ trợ hãng 3 giải pháp tài chính, trong đó có việc Hãng đề nghị được tiếp cận khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước với thời gian vay tối thiểu là 3 năm. Khoản tín dụng này, theo VNA là cần được bung trong vòng 1-2 tháng tới để kéo dài sức chịu đựng cho Hãng cho đến khi thị trường hàng không phục hồi về mức trước tháng 12/2019.
Để tránh nguy cơ rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, Hãng dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Dự kiến, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao Tổng Công ty Quản lý kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hoặc một doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước với quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn trung – dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không là không lớn, hoặc mới chớm được triển khai hoặc vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.
“VNA không kỳ vọng xin được từ Ngân sách Nhà nước mà vay sẽ trả. Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn và VNA đủ tiềm lực tài chính để trả chứ không phải xin không”, ông Hiền nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, với tình hình tài chính, khối lượng tài sản rất lớn đang nắm trong tay, các đề xuất này hoàn toàn không phải là sự ỷ lại mà là sự minh bạch, thái độ có trách nhiệm với các cổ đông đang đầu tư vào Hãng. Với vai trò cổ đông chi phối, giả sử Chính phủ chấp nhận đưa ra các gói hỗ trợ tài chính cho VNA cũng là cách mà chủ sở hữu nhà nước bảo vệ khoản đầu tư của mình sau nhiều năm nhận cổ tức từ hãng Hàng không Quốc gia. Nếu hãng Hàng không Quốc gia nhận được sự hỗ trợ cũng sẽ mở đường cho các hãng hàng không khác nhận được sự hỗ trợ với quy mô, mức độ phù hợp để cùng vượt khó.
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư