Số liệu thống kê về tình hình kinh tế-xã hội quý I.2022 được công bố đã mang lại nhiều tín hiệu lạc quan và cho thấy sự hồi phục rõ nét của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý I lần đầu tiên vượt mốc 5% kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 (GDP quý I tăng 5,03%). Đáng lưu ý, hoạt động kinh tế đồng loạt khởi sắc ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả khu vực dịch vụ với sự bừng lên của ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống sau 2 năm “đóng băng” do đại dịch Covid-19.
Cầu nối phục hồi kinh tế
Nếu như ở nhịp phục hồi cuối năm 2021, động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam đến từ sự sôi động trở lại của khu vực sản xuất công nghiệp bên cạnh trụ đỡ nông nghiệp vẫn vững vàng trong đại dịch thì trong nhịp phục hồi đầu năm 2022, tín hiệu tích cực đã lan sang trụ cột thứ ba của nền kinh tế là khu vực dịch vụ.
Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3.2022 tăng 41,4% so tháng trước và tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ do Việt Nam đã mở cửa du lịch, khôi phục lại nhiều đường bay quốc tế. Tính chung quý I.2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so cùng kỳ. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm tỉ lệ cao nhất, đạt gần 90,5% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 165,2% so với cùng kỳ, trong khi khách đến bằng đường bộ và đường biển vẫn giảm.
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và ba tháng đầu năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến sự phục hồi rất tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phân tích: từ ngày 15.3, bên cạnh việc mở cửa du lịch, Việt Nam miễn thị thực trong 15 ngày kể từ khi nhập cảnh cho công dân của 13 quốc gia, được dự báo sẽ mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho việc thu hút đầu tư.
Theo Phòng Kinh doanh Khu công nghiệp Việt Nam, ngay khi có thông tin chính thức về mở cửa các chuyến bay thương mại từ ngày 15.3, lượng yêu cầu thuê kho xưởng Khu công nghiệp Việt Nam nhận được tăng đáng kể so với thời điểm hai tuần đầu tháng 2. Thực tế cho thấy ngay trong 3 tháng đầu năm, không ít nhà đầu tư lớn đã đầu tư nhà máy để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Như vậy, quyết tâm của Chính phủ về mở cửa hoàn toàn du lịch với trọng tâm chính sách tập trung vào các giải pháp dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về việc vận chuyển hành khách bằng đường hàng không đã từng bước “phá băng” cho các ngành dịch vụ sau hai năm sụt giảm vì đại dịch. Ngành hàng không đang trở lại với vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế, nhiều kế hoạch mở thêm đường bay đang được thực hiện đúng như kịch bản phục hồi.
Củng cố tiềm lực để đón cơ hội
Đến nay, nhiều dự báo lạc quan cho thấy ngành hàng không quốc tế nói chung và hàng không Việt Nam nói riêng có thể phục hồi vượt mức trước dịch ngay trong năm 2022. Cụ thể, báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) công bố đầu tháng 3.2022 dự báo, thị trường hàng không sẽ phục hồi vược mức trước khi có dịch Covid-19 vào đầu năm 2024 với tổng số hành khách dự kiến đạt 4 tỷ lượt khách. Thị trường nội địa sẽ phục hồi sớm hơn, ngay trong năm 2022 với mức phục hồi khoảng 93%, riêng thị trường nội địa Việt Nam phục hồi cao hơn ở mức 96%.
Tuy nhiên, để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc khôi phục, củng cố sức khỏe tài chính và năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không là hết sức cần thiết và quá trình này tiếp tục cần có sự đồng hành của Chính phủ. Yếu tố tích cực là điểm phục hồi của thị trường hàng không đã rõ xu hướng và đến sớm hơn so với nhiều dự báo đưa ra trước đây, nhờ yếu tố kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Cùng với đó, trong ngắn hạn, đại đa số các hãng hàng không vẫn đang ở trong tình thế khó khăn để cân bằng tài chính sau tác động của dịch Covid-19. Cả ba hãng hàng không Trung Quốc gồm China Southern Airlines, China Eastern Airlines và Air China đều báo lỗ từ 1,9 tỷ USD đến 2,6 tỷ USD trong năm tài chính 2021; American Airlines lỗ khoảng 2 tỷ USD; Delta Airlines lỗ 408 triệu USD trong ba tháng cuối năm 2021 nhưng kỳ vọng phục hồi nhờ cao điểm du lịch xuân-hè sắp tới; Japan Airlines dự báo khoản lỗ ròng 146 tỷ USD (tương đương 1,3 tỷ USD) trong năm tài chính tính đến tháng 3.2022…
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam dù chưa thoát lỗ nhưng tình hình kinh doanh đã tốt lên, mức lỗ giảm mạnh so kế hoạch báo cáo đại hội cổ đông – giảm 1.300 tỷ đồng- nhờ doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh tái cơ cấu, phát hành cổ phiếu tăng vốn. Với vai trò là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines luôn tiên phong, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong các chương trình kích cầu, mở đường bay mới và hưởng ứng các chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Cụ thể, từ 27.3.2022, Vietnam Airlines khai thác 55 đường bay, nhiều hơn 16 đường bay so với năm 2019. Đối với các đường bay quốc tế, hãng đã khôi phục hoàn toàn hoạt động bay thường lệ tới 15 thị trường truyền thống (trừ Trung Quốc do chưa có chính sách mở cửa, Myanmar do bất ổn chính trị). Dự kiến từ tháng 4.2022, Vietnam Airlines sẽ mở thêm 3 đường bay mới tới Singapore, mở 2 đường bay mới tới Ấn Độ, khôi phục 80% số đường bay thường lệ từ tháng 7.2022 và nghiên cứu mở thêm đường bay tới Philippine trong thời gian tới… Vietnam Airlines đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu toàn diện và chuẩn bị lực lượng, nguồn lực tốt nhất có thể để đón bắt cơ hội phục hồi và phát triển.
Theo Báo Đại biểu nhân dân