Hỗ trợ VNA: không phải chuyện xin – cho

VNA đã trình lên Chính phủ đề xuất gói cứu trợ 12 ngàn tỉ đồng để cứu doanh nghiệp khỏi tình trạng mất thanh khoản từ tháng 8-2020. Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ qua sự kiện tọa đàm ngày 13-7 tại Hà Nội đã thống nhất quan điểm cứu hãng hàng không hàng đầu này là việc cần làm của Chính phủ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hàng không là ngành chịu suy thoái trực diện và đầu tiên do đại dịch, cần có sự thiết kế chính sách phù hợp. (Ảnh: Vũ Tuấn).

Cơ sở để hỗ trợ VNA vượt qua khủng hoảng

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm: “Vai trò của chủ sở hữu Nhà nước trong hỗ trợ VNA vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19”, theo lời Tổ trưởng Nguyễn Đức Kiên, là do phục hồi kinh tế là vấn đề mang tính cấp thiết được Chính phủ đặt ra sau đại dịch. Thế nhưng cứu ai và cứu bằng cách nào thì cần phải có sự lựa chọn hợp lý.

Hàng không là ngành chịu suy thoái trực diện và đầu tiên do đại dịch, cần có sự thiết kế chính sách phù hợp. Chính phủ đã có Dự thảo về phương án “giải cứu” VNA và hiện đang đưa ra lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cần tổng hợp các ý kiến để sau trường hợp của VNA, sẽ tọa đàm về tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Nhà máy Đạm Ninh Bình…

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA, tính đến tháng 5-2020, Covid-19 đã làm mất đi 190 tỉ đô la vốn hóa thị trường của 116 hãng hàng không niêm yết trên toàn cầu. Ước tính, cần ít nhất 250 tỉ đô la từ các Chính phủ để hỗ trợ ngành hàng không thế giới. VNA cũng như các hãng hàng không khác đều bị tê liệt với việc sụt giảm hơn 99,3% lượng khách quốc tế. Dự kiến, tổng doanh thu năm 2020 sẽ sụt giảm 50 ngàn tỉ đồng, lỗ 15 ngàn tỉ đồng, thâm hụt dòng tiền khoảng 16 ngàn tỉ đồng.

VNA đã làm tất cả các việc có thể như cắt giảm chi phí, tổ chức lại lao động, giãn và hoãn thanh toán… Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản từ tháng 8 sắp tới nếu không có hỗ trợ thanh khoản của Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định rằng hàng không là nhân tố đầu tiên để phục hồi kinh tế. Vấn đề đặt ra là dư luận sẽ hỏi: cứu VNA, còn các hãng hàng không khác thì sao? Ông lý giải rằng, đây là hãng hàng không quốc gia nên cần thiết phải duy trì một “cơ thể” khỏe mạnh để làm nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, bộ mặt ngành hàng không những năm tiếp theo.

“Trong điều kiện thế giới và trong nước chịu những đại dịch bất thường, không thể áp dụng cứng nhắc các quy định mà phải giải quyết theo cơ chế linh hoạt nhất”, ông Cung nói, và bổ sung rằng “VNA là hãng duy nhất có số liệu đầy đủ và minh bạch nhất về tác động của dịch bệnh đến doanh nghiệp, phương án đối phó đại dịch, nêu ra những việc làm được, việc cần hỗ trợ”.

Có cùng quan điểm với ông Nguyễn Đình Cung, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết ngoài việc VNA thông tin minh bạch, đầy đủ về tình hình tài chính, còn có một thông tin quan trọng là các hãng hàng không khác đều tuyên bố năm nay có lãi hoặc vẫn ổn định tài chính. Cho nên, việc giải cứu hay hỗ trợ phải chọn đối tượng ưu tiên.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam lưu ý rằng, Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ VNA vì trách nhiệm chủ sở hữu vốn nhà nước, chứ không phải cơ chế “xin-cho”. Việc cứu ngành hàng không thì đã được Chính phủ thực hiện thông qua các giải pháp giãn nộp thuế phí và giảm giá thuế, phí áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp (chung) và cho ngành hàng không (riêng).

Với vai trò chủ sở hữu thì Chính phủ phải cứu VNA như một ưu tiên với những giải pháp đặc biệt trong tình thế đặc biệt. “Nếu để quá muộn, chi phí “cứu chữa” sẽ đắt lên rất nhiều”. Ông Thiên cũng nói thêm nếu VNA phục hồi thì ngành du lịch và nền kinh tế đều phục hồi trông thấy.

alt textCuối tuần này tổ tư vấn kinh tế sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng và nêu ra ba nhóm giải pháp tài chính để có thể hỗ trợ cứu VNA thông qua  hình thức tái cấp vốn, tăng vốn và điều chuyển vốn. 

Tháo gỡ khó khăn trong tình huống phản ứng khẩn cấp

Câu hỏi được đặt ra là vào tháng 8 tới, nếu không được bơm thêm dòng tiền để đảm bảo thanh khoản hoạt động, VNA sẽ lâm nguy. Nhưng các quy định về Luật Đầu tư công và Nghị định 91/2015 thì VNA không đủ điều kiện để được rót vốn Nhà nước, duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước. Kể cả thực hiện việc này thông qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vì quy định không cho phép đầu tư công trong lĩnh vực mua bán trái phiếu, công cụ tài chính…

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho rằng: “Cần xử lý tháo gỡ theo cơ chế đặc thù do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ theo các khung pháp lý, quy định sẵn có”. Việc này phải triển khai nhanh, ngay để có được các giải pháp khả thi, không tạo áp lực cân đối thu chi trong tương lai cho ngân sách và VNA. Với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ có thể hỗ trợ về thanh khoản, tăng vốn chủ sở hữu, cho vay về từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm…

Ông Trung đề xuất, phần vốn do SCIC đầu tư vào VNA cần được xác định là tài sản của SCIC đầu tư vào doanh nghiệp khác và không nên áp dụng quy định về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước tại Nghị định 91 nêu trên. Đồng thời, việc SCIC đầu tư vốn vào VNA không trái với chức năng, nhiệm vụ của SCIC trong việc đầu tư, kinh doanh vốn (quy định tại Nghị định 148 về Điều lệ của SCIC).

Cũng có thể thực hiện việc chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) từ SCIC về VNA theo điều 42 của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đâu tư vào sản xuất kinh doanh, hoặc vay vốn từ chủ sở hữu Nhà nước qua các ngân hàng thương mại.

Ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc SCIC phân trần rằng, SCIC đã tiếp xúc với VNA từ rất sớm, khi khủng hoảng xảy ra nhưng không thể đầu tư vào hãng này theo cách nhà đầu tư tài chính thông thường vì vướng các quy định của Luật Chứng khoán và thời gian thẩm định thương vụ kéo dài, VNA lại cần cứu gấp. SCIC có thể tham dự với tư cách nhà đầu tư Chính phủ nhưng cần có cơ chế đặc thù để miễn trừ trách nhiệm trong điều kiện bảo toàn vốn nhà nước không được đảm bảo. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn quy trình, quy chế đầu tư đặc thù như thế nào nên SCIC chưa dám thực hiện, nhất là khi VNA chưa có phương án tổng thể tái cơ cấu sau dại dịch.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, nếu không cứu VNA thì toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ mất hết nên cần tính toán cân đối các phương án, tính toán điểm cân bằng tài chính…

Nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đề xuất phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi để không “vướng” các Luật Chứng khoán về vấn đề lỗ, lãi của doanh nghiệp. Trái phiếu này sẽ xác định mức giá chuyển đổi phù hợp, giao cho SCIC thực hiện và lên các phương án thu hồi vốn sau khoảng thời gian nhất định, ví dụ sau 4 năm.

Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông Nguyễn Đức Kiên, kết luận rằng, cuối tuần này tổ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng và nêu ra ba nhóm giải pháp tài chính để có thể hỗ trợ cứu VNA thông qua  hình thức tái cấp vốn, tăng vốn và điều chuyển vốn. Các phương án này đều đã thực hiện ở một số trường hợp nguy cấp và phát huy tác dụng.

Nguồn: SaigonTimes

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.