Hàng không chớm phục hồi đã gặp thách thức mới

Cú sốc giá dầu đe dọa trực tiếp đà phục hồi của ngành hàng không toàn cầu, bên cạnh đó là những dự đoán chưa thể lạc quan về diễn biến của đại dịch Covid-19 với sự lây lan rất nhanh của biến chủng Omicron.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Kịch bản phục hồi của các hãng hàng không bắt đầu phải cập nhật biến số mới từ tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, bao gồm việc phải thay đổi điều hành bay qua khu vực vùng chiến sự, sụt giảm lưu lượng khách quốc tế và đặc biệt là sự leo thang của giá nhiên liệu.

Chi phí nhiên liệu tăng gấp đôi

Giá nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không vì chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm 2022, chi phí hoạt động của một hãng hàng không tại Việt Nam được tính toán trên mức dự báo giá dầu khoảng 80 USD/thùng, đã có dự phòng trượt giá so với mức giá bình quân năm 2021 là khoảng 73 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu giao ngay tại thời điểm ngày 10.3 đã tăng lên 161 USD/thùng. Lo ngại của bất cứ hãng hàng không nào vào thời điểm này là cú sốc giá nhiên liệu sẽ làm “bay màu” lợi nhuận, vì chi phí xăng dầu thông thường chiếm 30% – 40% chi phí sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp vận tải hàng không.

Theo tính toán của hãng hàng không, với sản lượng điều hành hiện tại, cứ 1 USD tăng giá nhiên liệu bay từ nay đến cuối năm sẽ khiến hãng tăng chi phí nhiên liệu lên 106 tỷ đồng. Còn với mức giá ngày 10.3 và kịch bản sản lượng hiện tại, tổng chi phí nhiên liệu cả năm của công ty sẽ tăng 4.800 – 6.200 tỷ đồng so với kịch bản điều hành đã xây dựng trước đó. Nếu quy về mặt bằng sản lượng điều hành hiện tại, chi phí sẽ tăng 2.400 – 3.750 tỷ đồng. Đối phó với diễn biến bất ngờ này, thị trường thế giới đang tìm cách khắc phục các gián đoạn nguồn cung để bình ổn mức giá, tuy nhiên các nhà phân tích dự báo mặt bằng giá dầu bình quân sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Về phía hãng hàng không cũng bước đầu có các giải pháp ứng phó linh hoạt.

Mặt khác, từ sau xung đột giữa Nga và Ukraine, một số hãng hàng không đã phải điều chỉnh đường bay để bảo đảm an toàn khai thác. Ví dụ, đường bay Hà Nội – Paris phải bay tránh sang Trung Quốc và Kazakhstan khiến thời gian bay kéo dài thêm 2 giờ 5 phút, đẩy chi phí khai thác tăng thêm 20 nghìn USD cho mỗi chuyến bay sử dụng tàu Boeing 787. Để tiết giảm chi phí đầu vào, bộ phận điều hành bay đang tính toán và đánh giá các phương án đường bay thay thế tối ưu hơn. Hãng hàng không chiếm thị phần bay quốc tế lớn càng chịu nhiều ảnh hưởng.

alt text
Sau ngày 15.3, Vietnam Airlines có kế hoạch mở rộng và tăng tần suất khai thác đến toàn bộ mạng bay thường lệ quốc tế.

Sẵn sàng tăng tốc

Tín hiệu phục hồi của ngành hàng không khá rõ nét trong hai tháng đầu năm, nhờ thị trường nội địa bật tăng vào dịp Tết nguyên đán, dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt và những thông tin tích cực từ chính sách mở cửa thị trường quốc tế.

Với mục tiêu không bỏ lỡ cơ hội phục hồi, từ giữa tháng 2.2022, Vietnam Airlines đã khôi phục khai thác đường bay từ Malaysia với tần suất 1 chuyến/tuần, Hongkong 2 chuyến/tuần. Sau ngày 15.3 mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, hãng đã có kế hoạch mở rộng và tăng tần suất khai thác đến toàn bộ mạng bay thường lệ quốc tế, đến cuối tháng 3 sẽ tăng tổng số chuyến bay lên 97 chuyến/tuần, khai thác tới hầu hết sân bay lớn của các nước và mở rộng khai thác thêm các đường bay du lịch đến Singapore từ ngày 15.4.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines cho biết, thị trường nội địa phục hồi khá nhanh với sự gia tăng cả về tần suất khai thác và đường bay. Trong 9 tuần đầu năm 2022, tổng số khách trên nhóm đường bay du lịch tăng 8,6% so với năm cùng kỳ năm 2019, tốc độ phục hồi cao hơn 23 điểm so với các nhóm đường bay còn lại. Hãng đã mở lại 54 – 55 đường bay, tăng 20% so với thời điểm trước dịch Covid-19; dự kiến sản lượng khai thác cả năm sẽ tăng khoảng 10% so với số lượng chuyến bay thực hiện trong năm 2019.

Đối với thị trường quốc tế, hãng sẽ khôi phục lại hầu hết các đường bay đã khai thác trước đây, trừ các đường bay đến Trung Quốc vẫn đang đóng cửa nhưng tốc độ phục hồi sẽ chậm hơn thị trường nội địa với số lượng chuyến bay đạt khoảng 60 – 65% so với trước đại dịch. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi của mạng bay quốc tế là đến nay, chính sách mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa được thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là các quy định đối với chính sách nhập cảnh.

Ngay cả khi đã vào giai đoạn phục hồi, chi phí hoạt động của các hãng hàng không cũng cao hơn so với thường lệ do phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe hơn trong khi doanh thu lại thấp hơn. Cộng với cú sốc giá nhiên liệu, đường phục hồi của ngành hàng không vẫn sẽ gập ghềnh nếu không tiếp tục có những giải pháp căn cơ từ cả nội bộ ngành hàng không cũng như chính sách của Nhà nước. Airbus dự báo, thị trường thế giới sẽ hồi phục nhanh nhất vào năm 2023, nếu có những yếu tố không thuận lợi, thời gian phục hồi có thể kéo dài đến năm 2025. Còn Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo điểm phục hồi của hàng không thế giới là năm 2024, thị trường quốc tế sẽ phục hồi chậm hơn các thị trường nội địa.

Theo Đại biểu nhân dân

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.