[Guinea Xích đạo] VNA và chuyến bay ‘đặc biệt’

Để thực hiện chuyến bay chuyến bay “đặc biệt” chở 219 người Việt từ Guinea Xích đạo về nước, dưới sự chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải, VNA đã có sự chuẩn bị cả một tháng với hàng chục cuộc họp được diễn ra để bàn từng chi tiết cho chuyến bay này.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đúng 15h10 chiều 29/7, chuyến bay chở 219 người Việt về từ Guinea Xích đạo đã hạ cánh an toàn xuống Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài – Hà Nội. Đây là chuyến bay thứ 41 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam – VNA đưa công dân về nước với trách nhiệm đồng hành cùng đất nước trong bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân trong đại dịch COVID-19. Đây cũng là chuyến bay đặc biệt bởi nhiều cảm xúc và thực hiện tại sân bay nước ngoài không có nhiều thuận lợi. 

Các công dân xuống máy bay lên ô tô để đưa vào khu cách ly làm các thủ tục xét nghiệm y tế (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN).

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền Thông chia sẻ với phóng viên TTXVN về những chuyến bay đưa người Việt hồi hương trong suốt thời gian qua. Đó là Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, ngay từ những ngày đầu của dịch COVID-19 bùng phát, đã luôn trong tâm thế đồng hành cùng Chính phủ và người dân mọi nơi, mọi lúc. Toàn thể nhân viên Hãng hàng không quốc gia luôn “lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”, dù đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao vẫn quyết sẵn sàng xông ra tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 của cả nước.

alt text
“Các chuyến bay được VNA thực hiện theo tiêu chuẩn gắt gao nhất với tổ bay giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, mặt đất có chuyên môn cao” (Ảnh: NVCC).

Cũng giống như đợt tình nguyện đi Vũ Hán (Trung Quốc) để đưa công dân Việt Nam về nước thì trong đợt này sau khi có kêu gọi của lãnh đạo Tổng công ty đã có rất đông cán bộ, công nhân viên của VNA tự nguyện tham gia. Tổng cộng bao gồm phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất… tình nguyện tham gia là hơn 130 người. Đây là con số thật sự xúc động. Thậm chí, nhiều lãnh đạo cấp cao của VNA sẵn sàng lên đường nếu nhiệm vụ yêu cầu.

“Các chuyến bay được VNA thực hiện theo tiêu chuẩn gắt gao nhất với tổ bay giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, mặt đất có chuyên môn cao. Phụ tùng, vật tư dự phòng cũng được hãng đưa lên máy bay để ứng phó với tình huống phát sinh liên quan đến kỹ thuật. Các bộ phận mặt đất được huy động để tăng cường trực điều hành, theo dõi sát sao các chuyến bay với mức độ ưu tiên cao nhất, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Đặng Anh Tuấn cho hay.

Về chuyến bay “đặc biệt” chở 219 người Việt từ Guinea Xích đạo đáp cánh xuống Sân bay quốc tế Nội Bài chiều 27/9, ông Đặng Anh Tuấn cho biết, để thực hiện chuyến bay này, dưới sự chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải, hãng đã có sự chuẩn bị cả một tháng với hàng chục cuộc họp được diễn ra để bàn từng chi tiết cho chuyến bay này.

Các công dân thể hiện sự biết ơn tới Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ trong lúc khó khăn do dịch COVID-19 (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN).

Đi vào chi tiết công tác chuẩn bị, ông Đặng Anh Tuấn cho hay, trước đó hãng đã có nhiều kinh nghiệm trong những đợt đưa công dân Việt Nam từ những địa điểm bất ổn trên thế giới như chiến dịch lập cầu hàng không sơ tán người lao động ở Lybia năm 2011 và 2014; hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011…

Trong đợt chuẩn bị cho việc giải cứu công dân từ Guinea Xích đạo sau khi nhận chỉ đạo từ Chính phủ, lãnh đạo VNA đã làm việc với các bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, đặc biệt là Bộ Y tế trong trường hợp có ca nghi lây nhiễm thì phải chuẩn bị những gì. Đây là việc khó và chiếm thời gian chuẩn bị lâu nhất.

Sau khi đã có hướng xử lý từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Chính phủ đã có chỉ đạo VNA chuẩn bị các bước tiếp theo. Việc thứ nhất hãng đã phải gấp rút làm ngay là yêu cầu đội ngũ kỹ thuật nghiên cứu xem có lắp được máy lọc không khí trên máy bay không? Cùng với đó là công đoạn lắp buồng áp lực dương như thế nào? Và một loạt vấn đề khác được đặt ra cùng một lúc như vấn đề về bọc ni lông ghế ra sao, bao nhiêu lâu phải phun khử khuẩn trong hành trình bay.

Bộ quần áo y tế được trang bị ở cấp độ nào để đảm bảo cấp độ an toàn cao nhất… Ngoài ra, còn một loạt các chuẩn bị khác để ứng phó với mọi trường hợp có thể xảy ra trên máy bay trong suốt hành trình.

Về chuẩn bị nhiên liệu để cung cấp cho máy bay tại nơi sân bay Bata sẽ đón công dân Việt Nam về cũng là một vấn đề khó khăn. Ông Đặng Anh Tuấn chia sẻ, sân máy bay nơi máy bay VNA hạ cánh là sân bay Bata của Guinea Xích đạo không có nhiên liệu cấp cho máy bay, do đó họ đề nghị chuyến bay bay ra một hòn đảo nơi có nhiên liệu để tiếp sau đó quay về. Về vấn đề này, VNA đã phối hợp với các bên để đưa ra nhiều phương án giải quyết.

Phương án đầu tiên VNA đưa ra là bay hai tàu bay A321. Sau khi làm việc với các nhà chức trách bên đó, rất may cuối cùng họ cũng đã đưa được nhiên liệu ra sân bay Bata để cung cấp cho máy bay của hãng. Do đó, VNA đã quyết định bay bằng tàu bay thân rộng.

Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại ở đó, vì sân bay Bata chưa từng phục vụ dòng máy bay hiện đại mà VNA đang khai thác. Do đó trang thiết bị tại sân bay này cũng không phù hợp, thậm chí cấp cứu cứu hỏa cũng chưa phù hợp… Tuy nhiên, đến thời điểm trước khi VNA cất cánh đi đón công dân về thì vấn đề trên đã được giải quyết.

Còn về đường bay, VNA đã nhân được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao trong việc giải quyết các tình huống trong qua trình bay. Theo đó, trong quá trình bay sẽ có những sân bay nào VNA có thể hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp xảy ra. Sau đó, VNA đã báo cáo Chính phủ, nếu trong trường hợp nếu hạ cánh với những trường hợp đã nghi nhiễm COVID-19 thì sẽ rất khó khăn. Vì nếu hạ cánh xuống sân bay đấy thì ai sẽ ra tiếp cận để giúp đỡ, xử lý việc này cũng rất khó khăn.

“Để giải quyết những khó khăn trên, VNA quyết định phải chọn lực lượng bay là tinh nhuệ nhất. Người lái bao gồm những phi công dày dặn kinh nghiệm hiện đang là thầy giáo dạy bay. Trong đó, cơ trưởng đã từng bay sang Libya giải cứu lao động Việt Nam khi xảy ra chiến tranh tại đây…”, ông Đặng Anh Tuấn chia sẻ.

Cùng với đó, VNA cũng đưa một lực lượng kỹ thuật tinh nhuệ đi cùng mang theo tất cả trang thiết bị dự phòng để thay thế trong trường hợp cần thiết hoặc cần phải thay thế.

Về vấn đề nhân sự, đây là vấn đề mà lãnh đạo Tổng công ty rất băn khoăn, cân nhắc lựa chọn nhân sự ra sao. Ông Đặng Anh Tuấn cho biết, nhiều cán bộ nhân viên tâm sự là sợ thì có sợ nhưng đã vượt được chính bản thân mình để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Tổng công ty giao.

Các công dân được đưa về khu cách ly (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN).

Ngay khi máy bay vừa hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài, cơ trưởng Phạm Đình Hưng đã thông tin với phóng viên TTXVN: “Chuyến bay đã an toàn! Toàn bộ hành khách đi trên chuyến bay không gặp vấn đề gì bất thường trong suốt cuộc hành trình từ sân bay Bata về Nội Bài”.

Cơ trưởng Phạm Đình Hưng (Ảnh: ĐB).

Có mặt tại Sân bay Quốc tế Nội Bài chuẩn bị về khu cách ly y tế tập trung theo quy định, tiếp viên Phùng Hoàng Quân, tiếp viên tham gia chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo trở về nước chiều 29/7 chia sẻ đây là lần thứ 3 em cùng VNA tham gia đưa công dân Việt Nam về nước. Trước đó, em đã tham gia đưa công dân tại Ucraina và Canada về nước. Tuy nhiên, khác với các chuyến bay trước là thực hiện đưa công dân Việt Nam là học sinh, sinh viên thì chuyến bay lần này có những hành khách được xác định có khả năng đã bị nhiễm COVID-19. Tính chất và nguy cơ lây nhiễm dịch cao hơn nhưng với tinh thần của tuổi trẻ, em đã vượt qua nỗi sợ của chính mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

alt text
Tiếp viên Phùng Hoàng Quân (Ảnh: ĐTV).

Cũng theo chia sẻ của tiếp viên Phùng Hoàng Quân, khác với các chuyến bay trước, chuyến bay này được quán triệt là hạn chế tiếp xúc với hành khách càng ít càng tốt. Đây chính là thách thức cho tiếp viên thực hiện các hoạt động phục vụ hành khách trong suốt quá trình bay.

“Bản thân em chưa có lập gia định, tuy nhiên mỗi chuyến bay như thế này em đều làm tư tưởng cho bố, mẹ. Nhưng rất may là bố mẹ em hiểu đặc thù nghề nghiệp của em và đều ủng hộ 100%”, em Phùng Hoàng Quân nói.

Về chuẩn bị sức khỏe cho bản thân, tiếp viên Phùng Hoàng Quân cho hay, trong thời gian trước khi bay đi Guinea Xích đạo, em đã có sự chuẩn bị tốt cả về tinh thần và đặc biệt là sức khỏe. “Uống thêm nhiều vitamin để tăng sức đề kháng là cách lựa chọn đơn giản nhất mà em lựa chọn để tăng sức khỏe”,  Quân nói.

Tiếp viên Phùng Hoàng Quân chia sẻ thêm, nếu VNA tiếp tục thực hiện những chuyến bay đưa công dân về nước, trong điều kiện có thể em sẽ tiếp tục tình nguyện tham gia.

Theo: Quang Toàn (TTXVN)

Nguyen Mai Huong-COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.