Chiều nay (29/7), chuyến bay lịch sử đón 219 người Việt tại Guinea Xích đạo sẽ hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài sau khoảng 12 giờ bay “nghẹt thở” từ sân bay Bata trở về.
Sở dĩ phải dùng tới hai từ “nghẹt thở” bởi vì trong số 219 hành khách, có tới 129 người đã được xác định dương tính với Covid-19.
Dù chuyến bay đã được triển khai với những quy trình đặc biệt chưa từng có từ trước đến nay nhưng rõ ràng, khó có thể nói chắc điều gì về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên chuyến bay.
Phi hành đoàn chuyến bay VN5 đưa hơn 200 công dân từ Guinea Xích đạo về nước trước giờ cất cánh (Ảnh: VNA).
Chỉ cần tưởng tượng 12 giờ liên tục có mặt trong một không gian chật hẹp là khoang máy bay với gần 130 người đã bị nhiễm loại virus nguy hiểm đang hoành hành khắp thế giới, chúng ta có lẽ sẽ hiểu phi hành đoàn đang phải đối mặt với những gì. Nếu không phải là những chiến binh, không sẵn sàng làm nhiệm vụ với một tinh thần thép, ai dám xung phong tham gia chuyến bay đặc biệt này?
Thế nhưng, theo chia sẻ của cơ trưởng Phạm Đình Hưng – giáo viên, Phó đội trưởng Đội bay Airbus 350 của VNA đồng thời cũng là “chỉ huy trưởng” của chuyến bay đặc biệt, Đoàn bay 919 đã phải lựa chọn rất kỹ càng bởi có quá nhiều người xung phong được tham gia.
“Tôi cũng không mấy bất ngờ khi có rất nhiều đồng nghiệp tại Đoàn bay xung phong tham gia chuyến bay này. Đã có rất nhiều chuyến bay tương tự được thực hiện sau chuyến bay đầu tiên đến tâm dịch Vũ Hán. Lần này, sở dĩ chúng tôi chỉ chọn 5 người dù cho sẽ phải bay tối đa giờ cho phép, không phải vì thiếu người xung phong mà vì bản thân chúng tôi cũng không muốn thêm người nữa. Bởi đây không chỉ là bay một chuyến bay mà còn cả 14 ngày cách ly “phấp phỏng” chờ kết quả xét nghiệm sau đó. Còn rất nhiều các chuyến bay khác đang chờ chúng tôi, không thể “lãng phí” phi công được”, nam cơ trưởng chia sẻ.
Chuyến bay đến Guinea Xích đạo lần này của VNA cũng khiến nhiều người gợi nhớ đến những chuyến bay giúp đưa người lao động ở Lybia năm 2011 và 2014, chuyến bay hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011. Cùng đó là chuyến bay đưa hành khách thoát khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010 hay chuyến giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008, vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông các năm 2005 – 2007…
Trong mỗi thời khắc, lịch sử sẽ gọi tên những người dũng cảm. Cơ trưởng Phạm Đình Hưng và 18 thành viên khác trong phi hành đoàn đến Guinea Xích đạo là những người như thế.
Có lẽ, bản thân họ khi nhận nhiệm vụ cảm thấy rất tự hào, bên cạnh đó cũng rất lo lắng vì nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng chắc chắn họ cũng đã sẵn sàng cho tình huống xấu hơn xảy ra.
Vượt qua chức phận của những nhân viên y tế, nhân viên hàng không, họ thực sự là những người hùng, là những chiến binh quả cảm khi đã sẵn sàng lên đường theo mệnh lệnh từ trái tim, dù biết những bất trắc đang đợi mình phía trước.
Theo: Báo Giao thông
Nguyen Mai Huong-COMM