Dự kiến, cuối tháng 6 đầu tháng 7 này, những đồng vốn đầu tiên trong gói giải cứu Vietnam Airlines từ Chính phủ trị giá 12.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có Nghị quyết 194 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines vì COVID-19. Gói giải cứu này trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi và 8.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Đây là động thái hỗ trợ doanh nghiệp trên vài trò nhà nước là chủ sở hữu khi nắm hơn 86% cổ phần tại Vietnam Airlines (cổ đông chiến lược ANA Holdings nắm 8,7%, còn lại là các tổ chức khác và nhà đầu tư cá nhân).
Dự kiến, cuối tháng 6 đầu tháng 7 này, những đồng vốn đầu tiên trong gói giải cứu Vietnam Airlines từ Chính phủ trị giá 12.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân. (Ảnh: Tiền Phong)
Với gói vay tái cấp vốn, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay có tài sản bảo đảm của tổng công ty. Số tiền vay để bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines, số tiền vay tối đa 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%. Thời hạn tái cấp vốn tối đa không quá 364 ngày. Tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm. Thời gian giải ngân tái cấp vốn không được muộn hơn ngày 31/12/2021.
Các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay theo nghị quyết này có trách nhiệm theo dõi riêng khoản vay về lãi suất, phí, số tiền, thời hạn, hình thức bảo đảm tiền vay… phù hợp với khả năng tài chính của ngân hàng, tài sản bảo đảm, cũng như tình hình tài chính của hãng. Các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm về quyết định cho vay với Vietnam Airlines và trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước đúng hạn.
Dù vay tái cấp vốn nhưng Vietnam Airlines vẫn trả lãi cho nhà nước bằng số lãi khoản vay thương mại hãng huy động được trên thị trường (khoảng 4%/năm). Tuy nhiên, thay vì trả lãi bằng tiền mặt, Vietnam Airlines sẽ quy tiền lãi ra cổ phiếu để trả cho nhà nước.
Với gói 8.000 tỷ đồng từ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ động hiện hữu để tăng vốn điều lệ, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm này được chia cho các cổ động hiện hữu. Trong đó, với cổ đông nhà nước, Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện mua số cố phần thuộc quyền của cổ đông nhà nước tại Vietnam Airlines (tương đương giá trị cổ phiếu khoảng 6.880 tỷ đồng).
Theo tin từ Vietnam Airlines, hiện hãng đang phối hợp với SCIC và các bộ ngành chức năng để thông nhất về phương án phát hành cổ phần, giá cổ phần…
Để đảm bảo công bằng với các cổ đông khác, tại Đại hội cổ đông bất thường của Vietnam Airlines cuối năm 2020, các cổ đông đã thông qua nghị quyết sãng sẽ vay từ các cổ đông hiện hữu nếu cổ đông cho vay, với điều kiện vay, mức lãi suất vay, trả lãi bằng cổ phiếu… tương tự như vay 4.000 tỷ đồng từ cổ đông nhà nước.
Về sử dụng tài chính từ gói giải cứu, khoản vay 4.000 tỷ đồng sẽ được Vietnam Airlines dùng để bổ sung vốn lưu động và phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với 8.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu tăng vốn, hãng sẽ dùng thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Hãng cam kết không dùng số tiền vốn này cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo dự thảo báo cáo mới đây của Bộ KH&ĐT, năm 2020 và 5 tháng đầu năm nay hàng không vô cùng khó khăn, khi nhu cầu khách giảm tới 66%, doanh thu giảm trên 61% so với cùng kỳ năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19. “Khả năng thanh toán của các DN hàng không suy giảm và tiến sát giới hạn mất khả năng thanh toán”, Bộ KH&ĐT đánh giá.
Bộ KH&ĐT dẫn tình hình tài chính của Vietnam Airlines cho thấy, 3 tháng đầu năm hãng này lỗ 4.800 tỷ đồng và dự kiến hết tháng 6 lỗ 10.000 tỷ đồng (năm 2020 hãng này lỗ xấp xỉ hơn 14.000 tỷ đồng). Hiện, hãng nợ quá hạn 6.240 tỷ đồng, rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. Trong khi các tổ chức tín dụng chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ cho Vietnam Airlines, nên dừng giải ngân các gói vay, cũng không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Trong khi chờ được giải ngân gói hỗ trợ từ chủ sở hữu là nhà nước, Vietnam Airlines phải tự tìm giải pháp để duy trì hoạt động như: điều chỉnh lịch bay và lao động theo diễn biến dịch bệnh để giảm chi phí nhân công; tái cơ cấu tài sản, tăng cho thuê máy bay, thanh lý máy bay cũ; đa dạng hóa các hoạt động khuyến mại để hút khách, kích cầu; chuyển đổi máy bay chở khách sang chở hàng để có thêm nguồn thu; đàm phán để giãn, hoãn các khoản thanh toán, gia hạn vay… Năm 2020, hãng đã cắt giảm chi phí hơn 8.600 tỷ đồng, năm nay dự kiến cắt giảm hơn 9.400 tỷ đồng.
Theo Lê Hữu Việt – Tiền Phong
Nguyen Xuan Nghia – COMM