Buổi tọa đàm do Báo Giao thông tổ chức diễn ra sáng 10/11/2021 theo hình thức trực tuyến.
Bà Nguyễn Nga, Phó tổng biên tập Báo Giao thông là người điều phối chương trình tọa đàm.
Bà Nguyễn Nga – Phó tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, tại buổi toạ đàm lần này, các khách mời sẽ bàn thảo 2 chủ đề chính: Đã đến lúc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chưa và Cách nào để đảm bảo phòng chống dịch?
Trước đó, ngày 8/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất mở lại bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam theo 3 giai đoạn cụ thể.
Bộ GTVT cho biết, đề xuất nối lại bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không; đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh.
Khách mời tham gia tọa đàm gồm có: Ông Võ Huy Cường- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam; Ông Trần Văn Phương- Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Ông Nguyễn Lê Phúc- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; GS.TS Trần Thọ Đạt- Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng; Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng Bộ Y tế; Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.
Các khách mời bàn thảo 2 chủ đề chính liên quan đến việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ.
Những căn cứ để mở lại đường bay quốc tế
Xin được hỏi ông Võ Huy Cường, cơ sở nào để Cục Hàng không cho rằng đã đến lúc mở lại đường bay quốc tế ngay trong quý IV/2021? Vì sao phải chia thành 3 giai đoạn?
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam: Từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta có những bước chuẩn bị rất quan trọng để duy trì các đường bay quốc tế trong bối cảnh hạn chế đi lại bằng đường hàng không.
Từ mùng 5 Tết nguyên đán, Chính phủ đã họp và lần lượt có những hạn chế trong việc di chuyển, hạn chế người nước ngoài vào Việt Nam. Đây là nguy cơ được đánh giá là tiềm ẩn khả năng lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam. Ngược lại, các chuyến bay xuất phát từ Việt Nam, chúng ta không hạn chế.
Hiện nay, với các đường bay quốc tế chúng ta vẫn duy trì, dù không được thường lệ như trước đây, bởi nhiều nơi đã hạn chế các chuyến bay. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải xem xét mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế.
Vậy căn cứ nào để chúng ta mở lại các đường bay quốc tế? Từ tháng 9/2020, Chính phủ đã có chủ trương nghiên cứu cụ thể các điều kiện để mở lại các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam với nhiều kịch bản, kế hoạch khác nhau.
“Dặm đường xa ta đang gặp phải bão táp mưa sa do SARS-CoV-2 gây ra”. Chúng ta đã có rất nhiều lần định mở lại, và chắc chắn sẽ mở lại trong thời gian tới.
Căn cứ nào để tôi nói như vậy. Trước hết, ngày 8/11/2021, Bộ GTVT đã ban hành kế hoạch mở lại chuyến bay quốc tế, đưa khách đến Việt Nam.
Trước đây, các nước đều đóng cửa các đường bay quốc tế. Đơn cử, Hoa Kỳ đến 8/1 chính thức mở lại, đưa công dân mình ra nước ngoài và đưa công dân các nước đến Hoa Kỳ. Đây là 1 sự kiện cực kỳ lớn đối với thế giới, họ phải đối mặt với thực trạng hành khách xếp hàng dài làm thủ tục nhập cảnh.
Trước đó, Thái Lan, Úc quyết định mở cửa biên giới, công dân Úc có điều kiện trở về thăm quê hương, gia đình. Thái Lan ngày 1/1 có quyết định bổ sung cho công dân 17 quốc gia đến không phải cách ly, trong đó có công dân Việt Nam. Singapore cũng bổ sung 4 quốc gia Đông Nam Á khi đến không phải cách ly, trong đó có Việt Nam.
Tôi cho rằng, đây là điều đáng mừng. Lý do người ta làm được là vì họ tích lũy kinh nghiệm phòng chống dịch, tiêm vaccine diện rộng để tạo ra sức chống chọi Covid-19. Việt Nam đang đi theo hướng như vậy, chúng ta đã có những quan điểm thay đổi rất căn bản từ năm 2020 đến nay, từ “be bờ đắp đất”, “Zero Covid” sang “sống chung với Covid”. Quan điểm mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ là linh hoạt, thích ứng như vậy là để nhằm phục hồi và phát triển kinh tế.
Kế hoạch của Bộ GTVT báo cáo Chính phủ mở lại các đường bay quốc tế xuất phát từ thực tiễn, từ kinh nghiệm các nước và từ chính nhu cầu cuộc sống, để tái lập các chuyến bay vì nhiều mục đích khác nhau như: thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, nghiên cứu thị trường, ngoại giao…
Ông có thể nói để độc giả rõ thêm, chúng ta đã dừng đường bay quốc tế đến thời điểm này được bao lâu?
Từ đầu tháng 2/2020 cho đến nay, đã gần 2 năm rồi chúng ta dừng các đường bay quốc tế. Thời gian của chúng ta cũng tương đồng với Úc.
Trong quá trình đó, Bộ Ngoại giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao để tổ chức các chuyến bay giải quyết nhu cầu bức thiết đón công dân ở nước ngoài về nước.
Như vậy, sau 2 năm đóng băng thị trường bay quốc tế, chúng ta đã có kế hoạch khởi động lại như ông vừa nói. Vậy kế hoạch khởi động lại sẽ như thế nào, có thể chia mấy giai đoạn?
Chúng ta bắt đầu bằng những cái chúng ta đã bắt đầu, có nghĩa là tiếp tục các chuyến bay cứu hộ công dân, sử dụng rộng rãi hình thức khách tự trả chi phí cách ly nhập cảnh Việt Nam. Những chuyến bay này triển khai với kế hoạch cụ thể như thế nào sẽ do Bộ Ngoại giao điều tiết, phù hợp với năng lực phòng chống dịch và khả năng tiếp nhận cách ly của các địa phương.
Điều đó rất quan trọng, để tạo niềm tin cho cộng đồng thế giới rằng Việt Nam đã từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh và công dân có điều kiện rất quan trọng để về nước thuận lợi hơn.
Thứ hai, chúng ta đã có quyết định thí điểm mở lại du lịch quốc tế. Đây là giai đoạn rất quan trọng để đánh giá thực tiễn, có thể ứng xử với những trường hợp hành khách là người nhiễm bệnh nhập cảnh. Kế hoạch đó chuẩn bị rất chu đáo, suốt từ tháng 5 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ ngành, địa phương, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, đã ban hành các hướng dẫn cụ cụ thể.
Ngay trong tháng này đã có những chuyến bay đầu tiên đưa khách du lịch đến Việt Nam. Tôi được biết, hiện đã có 2 chuyến bay đến Cam Ranh (Khánh Hòa), khách du lịch đến theo đề án thí điểm du lịch của 5 địa phương gồm: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang.
Sau đó, giai đoạn tiếp theo là mở cửa từng bước, trong đó có những thị trường trọng điểm mà chúng ta quan tâm bởi năng lực chống dịch của họ cũng tương đồng với chúng ta, như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Lan, Nga… Tất nhiên sẽ có những quy định cụ thể phòng chống dịch theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch.
Hiện chúng ta đã rút ngắn thời gian cách ly còn 7 ngày. Tương lai, từ kinh nghiệm thực tiễn, có thể tính toán, đánh giá có thể rút ngắn thời gian, thậm chí không cách ly với người tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh.
Và chúng tôi cho rằng đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng để sang giai đoạn 2, mở rộng các điều kiện với khách được phép nhập cảnh Việt Nam.
Giai đoạn 3 sẽ là giai đoạn trở lại bình thường như trước dịch.
Trong đó, giai đoạn 1 là cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần có thỏa thuận song phương với các nước dự kiến mở đường bay, thống nhất về tần suất, số hãng tham gia khai thác, cách khai thác, thống nhất quy trình cách ly sau nhập cảnh…
Đây là quá trình Bộ GTVT nghiên cứu kỹ, hơn 1 năm, từ tháng 7/2020 đến nay và sự tập hợp trí tuệ của nnhiều bộ ngành, tham khảo và học tập các nước liên quan. Trong đó có Thái Lan, ngày 1/7/2021 họ mở đường bay quốc tế Phuket nhưng chưa thành công, mùng 1 này họ sẽ mở lại 17 điểm chứ không phải 1 điểm như trước và chúng tôi hy vọng thành công.
Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao kinh nghiệm Thái Lan để vận dụng vào kế hoạch của Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ. Chúng ta tin tưởng sẽ theo phương châm của Chính phủ là linh hoạt thích ứng, chứ không cứng nhắc.
Tháng 11 như ông nói, lần đầu tiên chúng ta sẽ thí điểm chuyến bay combo. Vậy chuyến bay thường lệ theo kế hoạch sẽ bắt đầu vào tháng mấy?
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, chúng ta sẽ bắt đầu vào ngày đầu của năm 2022. Khi đó, chúng ta đã có sơ kết, đánh giá ban đầu về việc quá trình thực hiện chuyến bay chở khách quốc tế đến Việt Nam.
Giá vé bay quốc tế khi mở lại sẽ cao hay thấp?
PV Báo Tiền phong: Tôi có hai câu hỏi muốn gửi đến các khách mời. Câu hỏi 1: Được biết cách đây hơn 1 tháng, Vietnam Airlines thực hiện một số chuyến bay thí điểm đón khách quốc tế về có hộ chiếu vaccine và cách ly 7 ngày. Xin hỏi các khách mời kết quả thực hiện như thế nào? Và trong những hành khách đó, tỷ lệ khách nhiễm bệnh có không, số liệu bao nhiêu?
Câu hỏi 2: Như Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại Giao cho biết, chúng ta đang thống nhất lại mẫu chứng nhận vaccine, hiện nay, trên cả nước có rất nhiều mẫu chứng nhận khác nhau. Khi thống nhất, liệu người dân đã tiêm rồi, có giấy chứng nhận rồi, có phải đi đổi lại mẫu không và đổi tại cơ quan nào?
Ông Trần Văn Phương, Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao: Liên quan đến mẫu chứng nhận tiêm chủng hộ chiếu vaccine mà PV đề cập, tôi hiểu là khi các bệnh viện cấp giấy chứng nhận cho người tiêm có nhiều mẫu khác nhau, nhưng theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì cơ bản đã có đầy đủ thông tin cần thiết theo đúng quy định, chỉ là hình thức thể hiện khác nhau.
Thời gian tới, các cơ quan y tế thống nhất lại mẫu có đầy đủ thông tin, cơ bản cũng tương thích với hộ chiếu vaccine và giấy chứng nhận tiêm chủng ở nhiều nước trên thế giới.
Sau khi có hướng dẫn thống nhất các mẫu, cơ quan chức năng sẽ có hình thức cấp lại hoặc cung cấp mới cho người dân đã tiêm 2 mũi theo một mẫu, đặc biệt là mẫu liên quan đến hộ chiếu vaccine điện tử.
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines: Tất cả các chuyến bay triển khai thí điểm hộ chiếu vaccine đến Vân Đồn trong tháng 9, hành khách trên chuyến bay 100% đều có xét nghiệm âm tính.
Trong số các chuyến bay combo, thỉnh thoảng có khách dương tính, nhưng trong các chuyến bay thí điểm cách ly 7 ngày thì không có khách nào xét nghiệm dương tính.
PV Tạp chí Zing: Chi phí thực hiện chuyến bay quốc tế cùng chặng giữa bay giải cứu và bay thường lệ như thế nào? Hành khách có thể kỳ vọng việc mở lại chuyến bay thường lệ thì sẽ được mua vé rẻ hơn hay không?
Ông Nguyễn Quang Trung: Chi phí các chuyến bay giải cứu sẽ cao hơn thông thường, bởi chuyến bay thông thường sẽ đi từ căn cứ bay thông thường đến các căn cứ khác. Còn chuyến bay hồi hương phải bay đến những căn cứ có cơ sở cách ly như: Nha Trang, Vân Đồn, Đà Nẵng… Như vậy, sẽ phải thêm chi phí di chuyển đến các căn cứ đó.
Đối với những chuyến bay giải cứu, chúng ta đang chở khách một chiều, dẫn tới chi phí trên một đầu ghế/khách tăng gấp đôi. Mặc dù thực hiện khứ hồi nhưng chỉ có một chiều khách nên chi phí cao hơn. Còn thời gian tới mở lại chuyến bay thường lệ sẽ có khách 2 chiều, thì giá vé chắc chắn sẽ thấp hơn.
Ông Võ Huy Cường: Thông thường chuyến bay giải cứu, charter sẽ có chi phí cao hơn, trong khi khách ít hơn. Còn chi phí khi mở chuyến bay thường lệ sẽ giảm hơn, hành khách sẽ có cơ hội mua vé giá rẻ hơn.
Hơn nữa, chuyến bay thường lệ có sự cạnh tranh, lựa chọn, hành khách có quyền chọn vé sớm để hưởng giá vé rẻ hơn, đó là thông lệ.
Một câu hỏi khác của độc giả dành cho ông Võ Huy Cường: “Chúng tôi ở Úc và nhiều bà con muốn về Việt Nam. Theo thông báo, tháng 4 sang năm mới có thể mua vé bay về Việt Nam? Thời điểm nào hãng hàng không có thể mở bán vé bay về?”
Ông Võ Huy Cường: Kế hoạch của Bộ GTVT báo cáo Chính phủ là từng bước tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam trong đó có công dân Việt Nam. Hiện công dân của ta đang được bố trí về nước trên chuyến bay cứu hộ về cách ly tại khu quân đội, chuyến bay combo trả phí cách ly tại khách sạn.
Bà con ở Úc mong muốn về còn tùy thuộc vào chương trình mở lại đường bay quốc tế. Nếu tháng 4/2022, chúng ta thông qua kế hoạch bay lại quốc tế mà không cần phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, chỉ cần yêu cầu y tế thì hành khách có thể mua vé bay về.
Tôi cho rằng, về câu hỏi này, Cục Lãnh sự hoặc Tổng cục Du lịch sẽ có câu trả lời xác thực hơn.
Ông Trần Văn Phương: Chúng tôi đang tiếp tục xây dựng các chuyến bay hỗ trợ công dân về nước như ông Cường vừa nói. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch trong thời điểm ngắn hạn, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước. Còn thời điểm tháng 4/2022 còn phải chờ ý kiến của Chính phủ về đề xuất của Bộ GTVT.
Mua vé của Vietnam Airlines bay từ Mỹ về Việt Nam thế nào?
Câu hỏi của độc giả Thanh Tú đến từ bang Florida, Mỹ: Tôi nghe nói Việt Nam chuẩn bị mở chuyến bay thường lệ sang Mỹ trong một vài tháng tới. Vậy bao giờ tôi có thể mua vé máy bay của hãng hàng không Việt Nam từ Mỹ về nước? Câu hỏi này xin dành cho đại diện Vietnam Airlines.
Ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng ban Kế hoạch phát triển Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Trung: Vietnam Airlines đã hoàn tất thủ tục, các bài test để khai thác chuyến bay thường lệ tới Mỹ. Với chuyến bay chiều Mỹ – Việt Nam, trong điều kiện hiện nay, chúng tôi vẫn thực hiện theo quy định chung giống như các thị trường đường bay khác (theo chương trình combo).
Còn chiều từ Việt Nam – Mỹ, Vietnam Airlines vẫn mở bán bình thường và khách có thể mua vé lẻ riêng biệt. Chúng tôi áp dụng mức giá phù hợp với các hãng hàng không khác, có tính cạnh tranh.
Từ cuối tháng 11 này, Vietnam Airlines sẽ triển khai chuyến bay thường lệ với lịch bay cố định hàng tuần, kéo dài cả năm. Đây là những chuyến bay thẳng, không phải là chuyến bay thuê như trước.
Về năng lực bay, chúng tôi không hạn chế số lượng tàu bay, mở bán nguyên chuyến, không hạn chế số lượng khách.
1 tỷ lượt khách đi tàu bay, chỉ có 41 trường hợp lây nhiễm
Tỷ lệ người nhiễm trong số khách nhập cảnh về Việt Nam vừa qua là bao nhiêu %? Câu hỏi này xin hỏi ông Võ Huy Cường?
Chỉ có cơ quan chuyên môn mới có thông số này. Đây là nguồn thông tin chính thức. Tuy nhiên, tôi muốn nói một chuyện như thế này.
Giai đoạn tháng 3, tháng 4/2020, Cục Hàng không Việt Nam phải phối hợp thông tin để phục vụ truy vết với những hành khách được xác định là F0 sau khi đi lại bằng đường hàng không cho Tổ đặc nhiệm liên Bộ KHCN và Bộ Y tế.
Rất đáng tiếc là nhiều lần chúng tôi mong muốn có thông tin phản hồi về việc qua quá trình truy vết, Tổ đặc nhiệm ra kết luận gì về tỷ lệ lây nhiễm chéo trên tàu bay, nhưng không có câu trả lời.
Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, mong muốn có số liệu cũng không được chia sẻ, đó là bất cập lớn.
Nhân tiện đây, tôi xin cung cấp thông tin, tháng 9/2021 vừa qua diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức hàng không thể giới ICAO, trong đó có việc phòng chống lây lan dịch bệnh Covid-19 bằng đường hàng không. Theo đó, từ khi diễn ra dịch bệnh có hơn 1 tỷ lượt hành khách đi lại quốc tế và chỉ có 41 trường hợp lây nhiễm trên tàu bay.
Như vậy, có thể thấy tỷ lệ này rất thấp, nhất là so với tỷ lệ lây nhiễm tại rạp chiếu phim, buổi hoà nhạc, đám ma, đám cưới. Chúng tôi có thể khẳng định, đi lại bằng đường hàng không đến thời điểm hiện tại vẫn là an toàn nhất, dễ kiểm soát nhất.
Từ khi xuất cảnh lên tàu bay đến khi nhập cảnh trở lại, chúng ta hoàn toàn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, chủ động ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.
Chính vì vậy, tôi khẳng định Khánh Hoà là điểm sáng mở cửa phát triển kinh tế, du lịch sẽ là nguồn thu lớn từ ngành công nghiệp không khói của Khánh Hoà.
Tạo điều kiện tối đa cho khách quốc tế đến Việt Nam
Trong các kế hoạch tái khởi động thường đặt vấn đề muốn mở đường bay đón khách từ thị trường có tỷ lệ tiêm cao, tại sao không kèm điều kiện ca nhiễm thấp. Bởi rất nhiều nước đã đạt tỷ lệ tiêm phủ cao nhưng hiện nay lại có tỷ lệ ca nhiễm mới rất lớn. Vì sao hiện không đặt thêm điều kiện này trong điều kiện thực tế hiện nay?
PGS TS Nguyễn Huy Nga: Khi đưa vào thực hiện thực tế, Bộ Y tế cũng phải xây dựng danh mục cụ thể và những khuyến cáo kèm theo.
Ví dụ ở Thái Lan có danh mục 63 nước du khách được nhập cảnh vào dựa trên tình hình dịch, tỷ lệ tiêm vaccine.
Vì vậy, chúng ta cũng phải có những quy định cụ thể như vậy. Tuy nhiên, vấn đề là người ta đã được tiêm vaccine và hiện nay ở các nước có tỷ lệ nhiễm mới Sars-CoV-2 tăng cao đa số là những người chưa tiêm vaccine hoặc đã tiêm quá 6 tháng.
Cho nên quy định những người tiêm vaccine được 14 ngày và trong vòng 6 tháng, những người đi từ khu vực dịch bệnh được xác định là tương đối an toàn theo quy định của Bộ Y tế thì mới được nhập cảnh Việt Nam là phù hợp.
Xin mời ông Trần Văn Phương, ông có bổ sung thêm về ý này của GS Nga hay không?
Khảo sát của chúng tôi về nhu cầu của công dân về nước thăm thân, hoặc làm việc ở nước ngoài có nhu cầu về nước thì cho số liệu thay đổi thường xuyên. Mục đích của họ là được về nước thôi, còn mục đích đúng theo du lịch cũng chỉ có một phần.
Ông Nguyễn Lê Phúc có ý kiến gì khác, thưa ông?
Theo tôi biết, đối tượng áp dụng văn bản hướng dẫn 4122 là khách du lịch quốc tế, người Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Như ông Cường nói tạm ngừng bay từ tháng 2/2020, thì từ giờ đến Tết, nhu cầu về nước của người Việt Nam ở nước ngoài phải lên đến hàng triệu. Còn đối tượng giải cứu thì Bộ Ngoại giao tổ chức.
Xin hỏi ông Võ Huy Cường, ông có bổ sung gì thêm về vấn đề này?
Tôi lại nhìn nhận theo một góc độ khác. Về y tế, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đã nêu. Còn về hàng không, chúng tôi đánh giá thế này: Khách quốc tế đến Việt Nam, chúng ta phải tạo điều kiện.
Điều chúng tôi quan tâm là sau khi ở Việt Nam về, họ gặp khó khăn gì ở nước họ. Chỉ có những nước kiểm soát được dịch bệnh, có tỷ lệ tiêm chủng cao họ mới thông thoáng như chúng ta để đón công dân của họ trở lại.
Tất cả quốc gia đang chật vật chống dịch sẽ siết chặt nhập cảnh. Khi đã tiêm chủng diện rộng, kiểm soát được dịch thì họ sẽ nới lỏng, như Thái Lan, Singapore và gần đây là Úc và Hoa Kỳ.
Những nước có thị trường chúng ta nhắm tới, mời chào du khách họ đến Việt Nam là những nước mà chúng tôi đánh giá là công dân của họ khi trở về không gặp vấn đề gì khi nhập cảnh.
Đó là câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi tại sao lại lựa chọn thị trường như vậy. Công dân của chúng ta sang Thái Lan du lịch nhưng về nước trở lại không được mà vẫn phải thông qua Bộ Ngoại giao để chờ chuyến bay giải cứu.
Ông Nguyễn Lê Phúc có muốn trao đổi lại gì không, thưa ông?
Trước đây chúng ta theo đuổi chiến lược Zero Covid, tiêm vaccine để không bị nhiễm. Nhưng bây giờ tiêm vaccine là để giảm tỷ lệ tử vong.
Tôi thấy trên một số phương tiện truyền thông nêu thông kê số ca nhiễm mới mỗi ngày, vậy điều này có quan trọng hay không? Tôi cho rằng mục tiêu của chúng ta khác rồi thì ta nên cân nhắc điều chỉnh lại việc truyền thông.
Nhu cầu rất lớn, quan trọng là kiểm soát thế nào
Trong đề xuất của các bộ, ban, ngành, việc mở đường bay thường lệ đến địa phương phải dựa trên căn cứ thực tế và được địa phương đồng ý. Câu chuyện này không khác việc khi chúng ta trao đổi để tái khởi động các đường bay nội địa, sẽ xảy ra tình huống địa phương khăng khăng “các khu cách ly không đủ năng lực, điều kiện, nguy cơ dịch bệnh còn rất cao”… dẫn đến khó để triển khai.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, liệu có cần tiêu chí chung như chúng ta vẫn làm và như quan điểm của Chính phủ hiện nay là vùng xanh, vùng vàng thì phải mở lại các đường bay quốc tế, khi chuyển vùng cam thì thông báo điều chỉnh, đóng lại. Theo Giáo sư đề xuất như vậy có hợp lý?
Theo tôi đề xuất như vậy là hợp lý, vì quốc tế họ cũng luôn có thông tin về các vùng dịch ở Việt Nam và khuyến cáo công dân có nên đến các khu vực đó hay không.
Vì vậy, chúng ta cần có thống nhất với các địa phương. Các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng đang thấp mà có các địa điểm du lịch thì Chính phủ hỗ trợ đẩy mạnh tỷ lệ tiêm chủng để họ an tâm hơn.
Việc lo lắng người nước ngoài đến lây nhiễm gây quá tải bệnh viện là hơi quá, vì thực tế du khách quốc tế họ cũng trải qua việc kiểm tra sức khoẻ, tiêm chủng, có xét nghiệm tương đối an toàn nên không thể có tình trạng người nước ngoài đến và lây nhiễm rất nhiều gây quá tải bệnh viện.
Xin hỏi ông Nguyễn Quang Trung, chính sách nhập cảnh hiện nay có ảnh hưởng gì đến kế hoạch mở lại đường bay quốc tế thường lệ?
Mở lại các chuyến bay quốc tế sẽ để phục vụ khách đến đầu tư, giao thương, du lịch… và các vấn đề được quan tâm nhất là chính sách nhập cảnh, cách ly.
Theo tôi, chính sách 7 ngày cách ly tập trung, cách ly tại nhà 7 ngày chỉ thu hút khách hồi hương, còn nếu muốn thu hút khách du lịch, thì phải thay đổi chính sách cách ly.
Về chính sách cách ly, Vietnam Airlines đề xuất bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát tốt, tỷ lệ dân cư đã tiêm vaccine cao, khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm Covid-19 âm tính trước và sau chuyến bay thì có thể cách ly hoặc cách ly 1 ngày như ý kiến của PGS.TS Nguyễn Huy Nga đã nêu.
Còn đối tượng khách thì nên mở rộng cho tất cả đối tượng khách có visa, hộ chiếu đầy đủ theo quy định, tức là không hạn chế đối tượng khách, từ khách hồi hương, khách chuyên gia, khách doanh nhân, khách đến Việt Nam du lịch…
Điều quan trọng nhất để khách chọn đi/đến Việt Nam là vấn đề an toàn. Để truyền thông về vấn đề an toàn, cần truyền thông về tình trạng, năng lực của hệ thống y tế, số ca tử vong vì Covid-19 đang được kiểm soát tốt.
Còn các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành, các đơn vị phục vụ hành khách cần có giải pháp đảm bảo an toàn cho hành khách và có sự truyền thông phù hợp để khách nắm bắt được.
Thực tế cho thấy, các nước trong giai đoạn vừa rồi như Mỹ, châu Âu, lượng khách phục hồi rất nhanh. Như châu Âu đến tháng 10 vừa qua, sản lượng khách đã về cơ bản như trước, thậm chí còn tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019, không chỉ phục hồi còn có sự tăng trưởng.
Thị trường Mỹ cũng tăng trưởng trên 7%. Hay Singapore, khi nới lỏng các hạn chế liên quan và chính sách cách ly cho khách từ châu Âu về, thì lượng khách tăng vô cùng lớn, website của Singapor Airlines quá tải, thậm chí bị lỗi khi lượng khách tăng gấp 5 lần.
Có thể thấy, nhu cầu thị trường rất lớn, điều quan trọng chúng ta kiểm soát dịch bệnh thế nào và có chính sách cách ly ra sao vừa đảm bảo an toàn, vừa thu hút khách quốc tế.
Tôi băn khoăn một vấn đề, liệu chúng ta mở ra liệu có ai đến với chúng ta không? Với tình hình các ca nhiễm mới của Việt Nam vẫn đang tăng lên, chúng ta có phương án truyền thông thế nào để cho không chỉ các du khách nước ngoài mà cả người dân trong nước yên tâm trong bối cảnh như vậy?
Xn hỏi ông Nguyễn Lê Phúc, ông đánh giá như thế nào thị trường khách du lịch quốc tế vào Việt Nam sắp tới?
Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Về phía Tổng cục Du lịch, chúng tôi xác định mở ra phải an toàn, an toàn đến đâu, mở ra đến đó. Tôi cho rằng, lượng khách du lịch cũng sẽ tăng dần, chúng ta cứ thí điểm và triển khai dần. Cùng đó, Tổng cục Du lịch cũng đang triển khai các chương trình truyền thông để xúc tiến, quảng bá rộng rãi đến du khách, để từng bước mở cửa du lịch.
Con số cụ thể chúng tôi đã nêu ra trong phương án thí điểm tại Phú Quốc và theo tình hình thực tế, chúng tôi đã điều chỉnh lại để áp dụng cho tất cả các tỉnh triển khai. Tuy nhiên, theo tôi, để đánh giá cụ thể còn phụ thuộc vào việc chủ động của các địa phương.
Xin mời ông Võ Huy Cường có ý kiến thêm về câu hỏi này?
Từ thực tiễn cách đây 2 tháng, Bộ Ngoại Giao có báo cáo, nhu cầu của công dân về nước khoảng 200.000 người, số lượng các chuyến bay combo về cũng rất hạn chế nên có một số khách không thể chờ được các chuyến bay combo, phải đi các chuyến bay du lịch về và phải cách ly 7 ngày, sau đó mới được về.
Nguồn khách 200.000 người khá lớn bởi trước đây chúng ta tính mở đường bay sang Hoa Kỳ khoảng 300.000 khách/năm với rất nhiều đường bay khác nhau.
Công tác truyền thông là thông tin những điều kiện cần thiết để khách được lên các chuyến bay, mua các tour du lịch hoặc mua vé để về Việt Nam, sau đó thực hiện các biện pháp cách ly y tế. Như vậy, chúng ta chắc chắn có khoảng 180.000 – 200.000 khách sẽ tham gia các chuyến bay về Việt Nam.
Nếu tạo điều kiện cho bà con là Việt kiều về nước trong dịp Tết Âm lịch sắp tới, con số có thể gấp đôi. Hay những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam và thân nhân của họ muốn đến Việt Nam để thăm thân cũng không nhỏ.
Những nguồn khách này là quan trọng, chúng ta phải có quy trình nhập cảnh và thực hiện cách ly y tế theo dõi sức khoẻ như thế nào để đảm bảo an toàn cần đặt ra.
Tôi ước tính, khoảng nửa triệu khách sẽ đến Việt Nam. Lúc này, các khách sạn có đủ điều kiện, chứng chỉ mà cơ quan y tế cấp, khách hàng có thể dựa vào chứng chỉ này để đăng ký khách sạn và vào ở, với điều kiện đã tiêm đủ 2 mũi. Có