Cơ cấu lại, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu mới

VNA Spirit xin đăng tải bài tham luận của TS. Trương Văn Phước – Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines”, tổ chức ngày 10/11.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (Khoá XI) năm 2011 đã quyết định phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Về tái cơ cấu có 3 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước.

Trong gần 14 năm qua việc cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước gắn liền với quá trình cổ phần hoá, thoái vốn của hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước, đồng thời nâng cao năng lực quản trị, nguồn lực tài chính, thị phần… đối với các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

TS. Trương Văn Phước – Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia 

Về tình hình tài chính các doanh nghiệp nhà nước:

Quy mô tài sản của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay chiếm trên 4 triệu tỷ đồng, xấp xỉ 35% GDP. Tổng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước gần 1.8 triệu tỷ đồng, tương đương 15.7% GDP. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu khoảng 11%. 

Nhìn chung, qua quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước có thể thấy các kết quả đạt được, nổi bật là:

Bảo toàn và phát triển vốn, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tuy chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Đảm bảo an ninh quốc gia trong các lĩnh vực trọng yếu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bưu chính viễn thông, vận tải logistics… 

Nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số khó khăn tồn tại:

Hiệu quả kinh doanh giảm sút: tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu giảm thấp. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ. Chất lượng tài sản thấp. Áp lực lớn về tài chính do nợ nần tăng cao, một số doanh nghiệp chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu đặc biệt doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19 và thiên tai, bão lũ…

Những khó khăn, tồn tại nêu trên có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân cơ bản sau đây:

Chưa đổi mới kịp thời phương thức quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, vẫn còn vận hành tư duy theo lối cũ trong xu hướng kinh tế số, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ. Đưa đến năng lực cạnh tranh yếu kém, không cạnh tranh nổi với khu vực tư nhân và nước ngoài.

Cơ chế chính sách ràng buộc về lợi ích và trách nhiệm của cán bộ viên chức nhất là ở cấp lãnh đạo doanh nghiệp còn chưa thỏa đáng kích thích tư duy dám nghĩ dám làm đem đến hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa đổi mới công nghệ kịp thời, hoạt động đổi mới sáng tạo còn hạn chế, dẫn đến năng suất lao động thấp.

TS. Trương Văn Phước thảo luận tại Hội thảo

MỘT SỐ GIẢI PHÁP HỖ TRỢ QUÁ TRÌNH TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC HIỆU QUẢ HƠN:

Trong một thế giới nhiều chuyển biến khi mà khoa học công nghệ phát sinh vô cùng nhanh và mạnh mẽ, các xung đột vũ trang và cạnh tranh chiến lược tạo ra nhiều rủi ro cho hoạt động kinh tế, sự thay đổi chính sách ngày càng trở nên bất định hơn… Trong bối cảnh Việt Nam có độ mở sâu rộng hơn với thế giới thì yêu cầu của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhất là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước ngày càng khẩn thiết hơn.

Nó đòi hỏi một quan điểm và phương thức tiếp cận linh hoạt hơn. Theo đó cần chú trọng đổi mới thể chế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lựa chọn cán bộ phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh và nguồn lực tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh bứt phá trên thị trường.

Về thể chế tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Hoàn thiện các tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn trong giai đoạn sắp tới. Đồng thời rà soát, sửa đổi các quy định tại các luật về quản lý sử dụng vốn nhà nước, đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, luật đấu thầu,… và các văn bản pháp luật khác có liên quan đáp ứng yêu cầu phát sinh thực tiễn.

Đặc biệt là các quy định liên quan đến đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cũng như việc phát thành cổ phiếu tăng vốn của các công ty đại chúng.

Trên cơ sở xác định các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nắm giữ các vị trí then chốt, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế vĩ mô, cung cấp sản phẩm và dịch vụ thiết yếu (Như điện, than, xăng dầu, viễn thông, tài chính ngân hàng); Các ngành nghề đảm bảo an ninh năng lượng (Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN, dầu khí Việt Nam PVN); viễn thông (Viettel, Mobifone, Vinafone); an ninh lương thực (Các tổng công ty lương thực); vận tải (Tổng công ty hàng không, tổng công ty đường sắt…) thì cần có kế hoạch củng cố, xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty này phát triển nhanh bền vững và hùng mạnh.

Để có nguồn lực tài chính vững mạnh bên cạnh vốn chủ sở hữu từ ngân sách nhà nước cũng cần có sự tham gia của một định chế đầu tư vốn nhà nước như tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nay. Mô hình mà Việt Nam cần tham khảo và hướng đến là mô hình Temasek của Singapore nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý đáp ứng tính chuyên nghiệp và bền vững cho SCIC.

Để có được các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước hùng mạnh, bên cạnh việc áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại, thì cần một đội ngũ quản trị và điều hành chuyên nghiệp. Cần có các quy định về trách nhiệm và lợi ích (lương thưởng, cất nhắc, đề bạt…) tương xứng với hiệu quả kinh tế, tài chính doanh nghiệp mang lại.

Về nguồn lực tài chính: Trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa còn rộng, tỷ lệ nợ công trên GDP xấp xỉ 38% so với trần cho phép 60% thì có khả năng tạo nguồn lực tài chính rất lớn cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thông qua việc tăng vốn chủ sở hữu nhà nước để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Toàn cảnh Hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines”

Một số giải pháp hỗ trợ tổng công ty hàng không Vietnam Airlines phục hồi nhanh và phát triển bình vững.

Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ra đời cách đây trên 30 năm đã có một quá trình phát triển ấn tượng, đóng vai trò là hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Hiện Vietnam Airlines có quy mô tổng tài hợp nhất sản gần 58.000 tỷ đồng, Với đội máy bay trên 100 chiếc giữ vị trí quan trọng trong vận tải hàng không.

Cũng như nhiều hãng hàng không khác trong nước và trên thế giới Vietnam Airlines chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 với việc đóng băng các đường bay trong nước và quốc tế. Hoạt động du lịch cũng bị đứt gãy trong thời gian khá dài. Hậu quả là VietnamAirlines phải gánh chịu những khoản lỗ do không có doanh thu nhưng phải mất chi phí liên quan mà lớn nhất là chi phí thuê tàu bay và bảo dưỡng.

Được sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước với các gói tín dụng tái cấp vốn cũng như tăng vốn điều lệ đến nay Vietnam Airlines đã bắt đầu kinh doanh có lãi. Đồng thời tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ, toàn diện các mặt hoạt động.

Trong mấy năm qua, Vietnam Airlines đã tổ chức thực hiện tái cơ cấu toàn diện cùng với hệ sinh thái trên 20 công ty, đơn vị từng bước vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19. Hướng đến là hãng hàng không số thông qua việc chuyển đổi số mạnh mẽ. Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia 4 sao đang nỗ lực hướng tới trở thành hãng hàng không quốc tế chất lượng 5 sao dẫn đầu khu vực châu Á.

Vietnam Airlines có nhiều lợi thế cạnh tranh và phát triển: Về bề dày lĩnh vực hàng không trên 30 năm; Sở hữu đội máy bay nhiều chủng loại tiên tiến, hiện đại trên 100 chiếc; Có đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành năng động, nhiều kinh nghiệm; Mạng lưới bay phủ khắp các sân bay trong nước và nhiều nước trên thế giới; Được nhiều giải thưởng quốc tế công nhận…

Trong quá trình vươn lên phát triển, bên cạnh những cố gắng phấn đấu nỗ lực tự thân thì sự hỗ trợ của nhà nước là rất quan trọng, mà quyết định nhất vẫn là cơ chế, thể chế, không chỉ riêng cho Vietnam Airlines mà cả đối với tất cả các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Cụ thể đó là những quy định về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Cần thể chế hóa chủ trương của Đảng về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần xây dựng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mạnh thì việc tăng vốn bổ sung cho các doanh nghiệp này không chỉ bị giới hạn trong phạm vi để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó Luật chứng khoán cũng cần xem xét các điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng thông thoáng hơn. Vì nhà đầu tư vào chứng khoán của một doanh nghiệp cơ bản là đầu tư lâu dài, không nhất thiết phải hưởng cổ tức ngay, họ đánh giá tiềm năng, triển vọng chứ không phải lãi lỗ tức thời.

Tổng bí thư Tô Lâm trong những bài phát biểu gần đây đã nêu lên khái niệm “Kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc” và thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của thể chế có thể đưa đất nước ta, dân tộc ta, vào một Kỷ nguyên mới của sự ấm no, hạnh phúc, thay đổi vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Với vai trò là chủ đạo trong nền kinh tế, khu vực kinh tế nhà nước nhất là các tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty nhà nước cần phải tăng tốc, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu. Nhà nước hỗ trợ bằng thể chế và các nguồn lực để khu vực kinh tế nhà nước phát triển sức sản xuất, tạo các động lực kinh doanh có hiệu quả. Những vướng mắc khó khăn trong quá trình tái cơ cấu vừa qua có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là thể chế.

Tổng bí thư nhấn mạnh rằng, việc cải cách thể chế phải tập trung vào việc gỡ bỏ những điểm nghẽn hiện hữu trong hệ thống luật pháp và hành chính. Cần đánh giá ra soát xem lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan điều chỉnh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Từ đó bổ sung, chỉnh sửa triệt để và kịp thời thì sẽ tạo ra cú hích đột phá giúp các tập đoàn kinh tế các Tổng công ty nhà nước nói chung Vietnam Airlines nói riêng vượt qua khó khăn để tiến bước đến đích thành công của quá trình tái cơ cấu.

Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.